Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn, sự vào cuộc, đồng hành nỗ lực hết mình của các sở, ban, ngành, địa phương các cấp, sự ủng hộ tham gia của cộng đồng địa phương tại 8 huyện, thành phố nằm trong phạm vi Công viên địa chất Lạng Sơn, công tác thành lập, xây dựng, phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn đã diễn ra thuận lợi, bền vững. Ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) hoàn thiện Hồ sơ đề nghị Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sau đó, đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Chiều 8/9, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO diễn ra tại tỉnh Cao Bằng(Việt Nam) đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Công viên địa chất Lạng Sơn được Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu đánh giá, biểu quyết công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn được thành lập năm 2021, trải dài trên phạm vi ranh giới của 8 huyện, thành phố với diện tích 4.842km2, dân số khoảng 627.000 người. Do nằm chủ yếu trong cánh cung Bắc Sơn là một khối núi đá vôi lớn, thuộc địa phận hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang nên nơi đây có nhiều hang động đồ sộ, hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. CVĐC Lạng Sơn sở hữu nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị mang tính quốc tế.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những di vật có niên đại cách ngày nay từ 30.000 - 470.000 năm tại hang Thẩm Khuyên, Kéo Lèng. Tại di chỉ Mai Pha cũng tìm thấy hàng chục nghìn mảnh gốm, công cụ đá, đồ trang sức có niên đại từ 3.500 - 5.000 năm. Điều đó chứng minh CVĐC Lạng Sơn là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Đặc biệt, tại trũng Na Dương còn phát hiện nhiều hóa thạch của hệ động, thực vật khổng lồ như cá sấu, rùa, kỳ đà, thực vật hạt kín... có niên đại từ 40 - 50 triệu năm trước. Những hóa thạch còn cho biết nơi đây từng là biển Đông.
Những giá trị cổ sinh học độc đáo tại Na Dương đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học quốc tế, đồng thời cho thấy những giá trị độc đáo về lịch sử địa chất địa mạo của CVĐC Lạng Sơn. Hoạt động kiến tạo, vận động địa chất cách ngày nay hàng trăm triệu năm đã tạo ra cho vùng CVĐC Lạng Sơn những cảnh quan đẹp mắt.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn và Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn xây dựng 4 tuyến du lịch, với 38 điểm đến được triển khai dọc theo các trục đường quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279. Mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan.
Trong đó, tuyến “Khám phá thế giới Thượng ngàn” khởi nguồn từ đền Bắc Lệ, nơi thờ Mẫu Thượng ngàn, kết hợp giữa tham quan di sản địa chất đặc trưng thung lũng núi đá vôi, di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, các làng bản homestay yên bình của người Tày, khu di tích lịch sử ải Chi Lăng…Tuyến Hành trình về miền biên giới mở đầu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, qua đền Mẫu Đồng Đăng đến các điểm dọc quốc lộ 1B về miền quê hương cách mạng Bắc Sơn anh hùng. Những địa danh nổi tiếng mà khách sẽ trải nghiệm như rừng hồi Xứ Lạng, hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, Dòng sông ngầm tại điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn…
Cuộc sống dân dã nơi trần thế là tuyến du lịch số 3. Du khách sẽ được đón bình mình trên làng bản người Tày, trải nghiệm nghề làm ngói âm dương thủ công truyền thống, những cánh rừng hồi xanh ngút mắt, cảnh quan thung lũng đá vôi trên địa bàn huyện Bắc Sơn, thăm đền Chầu Mười giữa núi rừng, trải nghiệm nghề làm cao khô Vạn Linh với đồng bào dân tộc Nùng… Tuyến số 4 có chủ đề Khám phá Thủy cung gồm có 10 điểm tham quan trên quãng đường khoảng 80km. Điểm nhấn trong hành trình này là vùng núi Mẫu Sơn quanh năm trong lành mát mẻ và vùng trũng Na Dương, nơi phát hiện hàng loạt hóa thạch khoảng 40 triệu năm trước. Hiện nay, một số điểm du lịch trong 4 tuyến trên đã đi vào vận hành, một số đang được hoàn thiện về cơ sở hạ tầng để đưa vào khai thác.
Hệ thống di sản địa chất tại Công viên địa chất Lạng Sơn. Ảnh: VĐ.
Việc công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ giúp cho tỉnh Lạng Sơn có thêm động lực cũng như cơ hội tập trung nguồn lực hơn nữa để tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn. Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận Bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, dự kiến vào năm 2025 tại Chile.
Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Công viên địa chất là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu có ý nghĩa quốc tế do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc công nhận, bảo trợ và khuyến khích phát triển.
Những năm qua, thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu, Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các chuyên gia để khảo sát thực địa tại các Công viên địa chất toàn cầu, đánh giá và định hướng phát triển. Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam đã lập kế hoạch và cùng với các Công viên địa chất thành viên tham dự các hoạt động và sự kiện do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát động tổ chức, trong xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả các Công viên địa chất, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Công viên địa chất với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan được chú trọng thực hiện. Cùng với đó là việc mở rộng hợp tác với các mạng lưới quốc tế cần được đẩy mạnh qua đó tạo điều kiện hơn nữa các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng.
Để xây dựng một mô hình quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở Việt Nam thống nhất, hiệu quả, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Công viên địa chất với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan được thực hiện thường xuyên và hiệu quả; tiếp tục hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất theo tiêu chí của UNESCO.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu của UNESCO nói chung và danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO nói riêng: Tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Á Thái Bình Dương (APGN), Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu khu vực châu Âu (EGN).
Hồng Thắm