Đến các vùng quê, du khách được xem những nông, ngư cụ gắn liền với người dân lao động, được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn, độc đáo, tham dự những sinh hoạt thôn dã ngày mùa như đập lúa, xay thóc, đạp nước, nghe hò giã gạo, xem thi làm bánh, thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền quê do người dân bản địa chế biến. Những điều này chẳng bao giờ có tại những khu resort hay những khách sạn hạng sang ở Việt Nam.
Món ăn ở quê không cầu kỳ cao lương mà dân dã và bình dị nhưng mang hương vị không thể lẫn vào đâu được khi đã một lần thưởng thức.
Ở thôn quê những con người hiếu khách mà bình dị với cuộc sống mưu sinh vất vả hàng ngày trên những khúc sông đầy gió nắng vẫn hy vọng vào sự phát triển của du lịch để cải thiện mức sống của mình.
Dân Việt Nam thường ăn trầu, và mỗi miếng trầu gồm có một miếng lá trầu không, có vệt chút vôi cuộn tròn lại, công việc này gọi là têm trầu, một miếng cau, một miếng vỏ cây. Bình vôi ầy, người ta không đem vứt đi, vì xưa nay vẫn được tôn trọng là ông bình vôi, mà người ta đem đặt tại miếu thờ, tại gốc đa, gốc si, gốc đề, nơi có thờ hoặc tại bên các đền chùa.
Do đó, các cây đa đầu làng, dân làng thường mang những bình vôi cũ tới để và có người lại đem buộc hẳn lên các rễ cây đa treo lủng lẳng.
Trải qua bao thăng trầm, các ngôi làng ở đây còn lưu giữ được nhiều kiến trúc cổ tuy không to lớn nhưng khá cổ kính, tôn nghiêm. Về với thôn quê, nơi có những cánh đồng bạt ngàn lúa non xanh mướt, người ta còn bị cuốn hút trước vẻ đẹp tinh khôi của những làn hoa xuyến chi.
Những chiếc cổng làng hai bên hai rặng tre kéo dài. Trên cổng làng chiếc mái hơi cong cong, và dưới mái mấy chữ Nho đóng khung trong một hình chữ nhật hầu như gần mờ nhạt hết, nét mực đen trên nền vôi trắng cũng đã đổi màu vì phong sương với lớp rêu lờ mờ phủ. Hai bên cổng thành hình hai cột trụ, vẫn đôi câu đối tự bao giờ, chữ không còn hẳn rõ mực, nhưng vì đắp nổi lên, nên trải qua mưa gió, rêu phủ lờ mờ, đôi câu đối vẫn rõ ràng.
Những hình ảnh đó du khách luôn có thể bắt gặp ở mọi lúc mọi nơi từ vùng núi Simacai Lào Cai cho đến vùng biển Hạ Long, vùng đồng bằng Bắc Ninh trải qua những mốc thời gian biến động, con người trong cuộc sống nông thôn thường nhật và vẻ đẹp đơn sơ nơi ruộng vườn với cây Cầu Đá, với bến nước, với những đụn rơm bảng lảng khói chiều.
Ngày phiên chợ làng nhộn nhịp khác thường. Trong làng ai có hoa màu gì muốn bán đều mang ra chợ, cũng như ai đan được ít rổ, rá, bện được ít chổi lúa, phất trần đều mang ra chợ bán, hoặc có ai nuôi được lứa gà, lứa vịt đã lớn, hoặc nhà ai có đàn chó con mới đẻ, cần bán bớt, họ cũng đều nhân phiên chợ này mà tiêu thụ đi.
Vào mùa lúa chín trên những cánh đồng bát ngát như được vàng óng, người nông dân rộn rã với niềm vui thu hoạch, thóc phơi khắp đường làng. Bức tranh quê mang vẻ đẹp sống động, đầy chất thơ khi hoàng hôn.
Sự cuốn hút của làng quê Việt Nam khiến nhiều vị khách say mê vô tận. Đã có không ít du khách đi hàng nghìn km để ghi lại những khoảnh khắc của những làng quê Việt.
Thương quá cánh đồng Việt Nam bọc lấy lối đi vào làng, có những cây cầu bắc qua con sông nhỏ, có bụi tre già, có những con người thôn quê dân dã. Có lẽ chính những hình ảnh đó đang mời gọi du khách đến Việt Nam chứ không phải là những thứ xa xỉ lòe loẹt hoành tráng mà nhiều người lầm tưởng.
Và thực tế, không chỉ có những du khách quốc tế đắm say với cảnh miền quê dân dã Việt Nam mà giới trẻ sống ở nơi đô thị phồn hoa cũng ao ước một lần được trải nghiệm những nét đẹp ấy ngay trên đất nước mình.
Theo Minh Phan -Ảnh: Internet (Dân trí)