quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Làng cổ thụ

Thứ Sáu, 24/04/2020 | 07:49:00 AM

Đi nhiều vùng quê, đến những ngôi làng có nhiều cổ thụ, chúng ta sẽ cảm thấy một điều tuyệt diệu. Dưới gốc cây không chỉ tỏa bóng mát mà còn là nơi lưu giữ hồn làng, giữ gìn phong cảnh và tạo không gian thân thương cho mỗi làng quê.


Giá trị của cổ thụ

Trong chuyến công tác gần đây nhất ở Quảng Bình, tôi ấn tượng với những hình bóng cổ thụ vạm vỡ được bảo vệ ở các vùng quê. Đặc biệt ở thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch), chẳng biết rừng trâm bầu cổ hiện diện ngay giữa làng từ bao giờ, nhưng hàng trăm năm nay, bao thế hệ con cháu họ đã thấy rừng cây ấy hiện hữu, chở che, ôm ấp làng quê mình. Ông Nguyễn Minh Tư, 80 tuổi, cho biết: “Bố tôi kể lại cây có từ thời ông nội. Như vậy là lâu lắm rồi. Trong hương ước của làng từ xa xưa đã có quy định bảo vệ. Với người Đông Dương, rừng trâm bầu là một báu vật”.

Vẻ đẹp rừng lộc vừng ở làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy

Để tìm hiểu sâu hơn, tôi tìm gặp ông Dương Công Định, trưởng thôn Đông Dương. Ông Định bảo rằng, người dân quê ông quen lối sống giản dị, yêu thiên nhiên và trong tiềm thức của mỗi đứa trẻ, tình yêu cây còn đi vào lời ru bên nôi. Khi có những cổ thụ người làng cảm giác ở bên những bậc lão niên hiền từ. Cách xã Quảng Phương không xa là quần thể cây trâm bầu được bảo vệ nghiêm ngặt của thôn Thanh Bình (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch), với hàng trăm cây, trong đó có một số cây tuổi đời 200 năm. Theo người dân thôn Thanh Bình, cái lợi lớn nhất từ rừng trâm bầu đem lại cho chúng tôi là nó đã chắn cát bay cát nhảy cho làng, xã. Biết bao vùng khác ven biển Quảng Bình luôn bị biến dạng vì cát bay, nhưng nhờ có rừng cây trâm bầu mà cát biển chưa bao giờ đuổi được người dân đi khỏi làng. Đó là sự kỳ diệu khi con người biết dựa vào cây cối. Người dân cho rằng, đất ở và đất sản xuất của dân nằm xen với rừng trâm bầu, đã nuôi sống và cho hơn 2.000 nhân khẩu trong 486 hộ của làng ở yên. Hàng ngày, người dân sống dưới bóng mát của cây, hưởng màu xanh của cây và có lúc cây còn làm ra nhạc, chắp cánh cho những làn điệu dân ca vùng quê này.

Quảng Bình đất địa linh nhân kiệt. Những trầm tích văn hóa, tinh thần anh dũng, chịu thương chịu khó của người dân đã níu tôi về làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, nằm bên dòng Kiến Giang trữ tình. Tôi đã nhiều lần ngỡ ngàng trước những cổ thụ trên nhiều hành trình đất nước. Nhưng thật sự rừng lộc vừng cổ thụ khoảng 300 cây, có tuổi đời hơn 400 năm với nhiều dáng thế độc, lạ đã khiến tôi vô cùng thích thú. Dạo bên đường thôn, chúng tôi thỏa thích ngắm lộc vừng bên đường, dưới ao nước tỏa cành lá sum suê chạy dài dọc theo con đường đất từ đầu đến cuối làng. Giữa làng là bàu nước khá rộng, trên đó tràn ngập lộc vừng vươn thân thẳng đứng, tỏa bóng sừng sững trên mặt nước. Nhiều người dân khẳng định, việc xuất hiện rừng lộc vừng không phải là tự nhiên, mà là do con người trồng, có chủ đích. Quan sát thì thấy, các cây đều được trồng thành hàng lối, với khoảng cách đều đặn. “Điều đó tự nhiên không thể làm được”, một lão niên khẳng định.

Hẳn nhiều du khách đến đây cũng có cảm giác thích thú. Hẳn nhiều người dân xã An Thủy cũng rất đỗi tự hào. Nhất là vào mùa hoa nở, từng chùm lộc vừng buông tỏa đỏ thắm, lãng mạn, trở thành điểm tham quan, chụp ảnh của nhiều khách. Ông Lê Văn Thương, Trưởng làng Phú Thọ, cho biết: “Rừng lộc vừng rộng 2 héc-ta với khoảng 100 cây tỏa bóng um tùm trên mặt nước, có những cây to phải hai người ôm. Các bậc cao niên trong làng bảo rằng rừng lộc vừng có tuổi đời khoảng 400 năm. Giá trị của cổ thụ không chỉ tạo cho cảnh sắc nơi đây thêm đẹp, mà còn là lá phổi xanh của làng, xã và khu vực”.

Bảo vệ bằng hương ước

Chia sẻ với chúng tôi, lão nông Châu Văn Khởi cho biết làng Phú Thọ có thế con rồng bay lên. Thân rồng uốn lượn theo bờ Kiến Giang và vị trí rừng lộc vừng nằm ngay rốn rồng. Chính vì thế rừng lộc vừng có ý nghĩa tâm linh gắn với sự còn mất, thịnh suy của làng. Những năm kháng chiến, vùng đầm lầy trũng nước và xanh mướt màu lá trở thành điểm trú quân của bộ đội. Qua 400 năm tồn tại, rừng lộc vừng Phú Thọ đã trở thành nhân chứng sống của nhiều biến cố lịch sử.

Làm dáng bên lộc vừng

Vì lộc vừng là loài cây cảnh quý, có thời gian sốt giá, nhiều đối tượng đến làng hỏi mua, mua không được thì tìm cách bứng trộm. Năm 2010 một cây đã bứng trộm, người dân và chính quyền điều tra, phát hiện cây quý được bán sang xã bên. 6 kẻ bứng trộm đã bị phạt hành chính 5 triệu đồng/đối tượng. Cây quý được chuộc lại, đưa về trồng chỗ cũ. Từ đó chính quyền thôn, xã tích cực hơn trong tuyên truyền, bảo vệ rừng lộc vừng. Làng cũng lập hương ước, mỗi người dân địa phương đều có trách nhiệm bảo vệ sự sống, an toàn cho rừng cổ thụ.

Có một điều thật thú vị, ở Quảng Bình, cây lộc vừng thuận khí hậu và phát triển tốt và nhiều nơi thành rừng. Rừng lộc vừng cộng sinh với người dân. Khi đến làng Bình Minh, xã Dương Thủy, cũng thuộc huyện Lệ Thủy chúng tôi cũng được hòa vào không gian rừng lộc vừng cổ thụ bao quanh làng. Nơi đây không ít năm bị bão, chính rừng lộc vừng bao quanh làng đã che chở cho người dân khỏi sự tàn phá bởi thiên tai khắc nghiệt. Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng làng Bình Minh, cho biết người dân trong làng coi rừng cây lộc vừng là di sản vô giá. Lộc vừng có sức sống bền bỉ, thân cây dẻo dai, phù hợp với điều kiện đất đai của làng. Cây có thể phát triển tốt trên triền đê hay bên cạnh các hói nước quanh làng nên có tác dụng lớn trong việc chống xói lở đất. Từ hàng chục năm qua, làng Bình Minh đã thành lập Ban bảo vệ rừng với lực lượng nòng cốt là đội ngũ công an viên phụ trách thôn và tổ bảo vệ đồng điền của làng. Hàng ngày Ban cử người tuần tra luân phiên. Trước đây lộc vừng bị trộm cắp rất nhiều nên người dân đã lập hương ước để bảo vệ. Theo hương ước của làng, hễ người nào vi phạm hại rừng sẽ bị phạt 5 tạ thóc, phải công khai xin lỗi toàn dân. Đồng thời phải trồng lại cây, nộp thêm tiền để sung vào quỹ chăm sóc cây của làng.

Quá trình đô thị hóa, mở rộng làm đường nông thôn mới ở Quảng Bình cũng đã khiến không ít cổ thụ bị ảnh hưởng. Đó còn chưa kể đến chuyện gió bão đã đốn hạ nhiều cổ thụ. Việc gìn giữ những cổ thụ nơi làng quê là những việc làm hào hiệp của người dân, cũng là cách họ gây dựng và bảo tồn một hệ sinh thái làng xã lành mạnh, bền vững cho con cháu. Bởi xét đến cùng, bảo vệ cây, cổ thụ, không chỉ là bảo vệ nếp làng, hồn làng, mà còn là bảo vệ những “lá phổi” chung.

Ghi chép Hải Miên/TBNH

Lượt xem: 2355

Các tin khác

(TTXVN): Cây thiên tuế 200 tuổi ở Bến Tre được vinh danh là cây di sản Việt Nam

(13/01/2025 10:38:AM)

Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(11/01/2025 11:14:PM)

Video của Đài Truyền hình TP HCM: CÔNG NHẬN 8 CÂY DI SẢN VIỆT NAM TẠI THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

(02/01/2025 09:57:AM)

(Báo Tuổi trẻ) - Video "Cận cảnh 8 cây quý vừa được công nhận cây di sản ở Thảo cầm viên"

(02/01/2025 09:46:AM)

Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(01/01/2025 11:53:PM)

(nld.com.vn): Thảo Cầm Viên: 8 cây di sản kể chuyện lịch sử thiên nhiên

(01/01/2025 04:21:PM)

(Tuoitre.vn): Thảo cầm viên có 8 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:16:PM)

(Tienphong.vn): Nhìn gần 8 cây cổ thụ ở Thảo cầm viên vừa được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:10:PM)

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải.

(30/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE