TT - Công trình “Cải thiện môi trường, cảnh quan sông Sài Gòn” do Đoàn Thanh niện, Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM đăng ký thực hiện với lãnh đạo TP đang bước vào những phần việc quan trọng. Đây là một nội dung trọng tâm của Tháng thanh niên tại TP.HCM.
|
Anh Bùi Tá Hoàng Vũ |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó bí thư Thành đoàn, chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM BÙI TÁ HOÀNG VŨ nói: “Chúng tôi xác định đây sẽ là công trình thực hiện dài hơi, có thể là trong năm năm tới hoặc lâu hơn vì có rất nhiều phần việc liên quan đến sông Sài Gòn. Con sông này có một vị trí hết sức quan trọng đối với TP.HCM, không chỉ liên quan đến giao thông đường thủy mà còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày cho toàn TP. Do vậy, tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên TP mạnh dạn đứng ra đăng ký với lãnh đạo TP để nhận thực hiện công trình này”.
* Môi trường nước sông Sài Gòn là vấn đề mà các ngành chức năng từng nhiều lần ngồi lại nhưng vẫn còn lúng túng trong xử lý. Lý do nào tổ chức Đoàn và Hội lại muốn thực hiện công việc này?
- Dù chỉ có 80km chảy qua TP.HCM nhưng mỗi ngày con sông này cung cấp 300.000m³ nước để xử lý thành nguồn nước sinh hoạt. Nhưng mỗi ngày có đến 237 tấn chất thải sinh hoạt cùng hàng tấn hóa chất độc hại đổ ra sông. Đó là chưa tính đến lượng nước thải sinh hoạt, nước thải của các khu công nghiệp đổ ra sông mỗi ngày.
Nếu nước sông Sài Gòn ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của cả TP. Nguồn nước ngọt lúc nào cũng là mối quan tâm lớn của nhiều người. Với vai trò của những người trẻ, chúng tôi thực hiện công trình này như một sứ mệnh thể hiện trách nhiệm với xã hội.
|
Đoàn viên, thanh niên TP.HCM khơi thông dòng chảy kênh rạch đổ ra sông Sài Gòn trong ngày ra quân Tháng thanh niên 28-2-2010 - Ảnh: Q.Linh
|
* Phải chăng công trình này quá sức với Đoàn, Hội, và phương án thực hiện công trình này sẽ như thế nào, thưa anh?
"Tôi đặc biệt yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Tài nguyên - môi trường hợp tác chặt chẽ với Thành đoàn TP.HCM để tập trung thực hiện các công trình bảo vệ môi trường, xây dựng mỹ quan đô thị, làm xanh - sạch đẹp đường phố, khu phố, tổ dân phố..."
Ông Hứa Ngọc Thuận (phó chủ tịch UBND TP.HCM)
|
- Có những việc bản thân tổ chức Đoàn, Hội không thể làm được, như quản lý, xử lý nguồn nước thải, rác thải chẳng hạn. Bắt đầu từ những góc nhỏ, sau nhiều lần thực địa chúng tôi xác định trước mắt bốn phần việc cần làm.
Thứ nhất, công tác tuyên truyền phải tập trung hơn để người dân nhận thức đầy đủ, rõ hơn tác động đến đời sống khi môi trường sông Sài Gòn ô nhiễm ngày càng nặng.
Thứ hai, sẽ có mười đợt cao điểm nạo vét, khơi thông dòng chảy các nhánh kênh, rạch thoát ra sông Sài Gòn.
Thứ ba, trồng cây xanh dọc tuyến đê bờ hữu sông (hiện tuyến đê này đang thực hiện và sắp tới sẽ hoàn thành tại một số quận huyện của TP) để bảo vệ đê, tránh hiện tượng xói lở bờ sông.
Thứ tư, xây dựng các công trình thanh niên tạo khu vui chơi giải trí cho giới trẻ.
* Nhưng chỉ có Đoàn và Hội liệu có hoàn thành công trình này?
- Chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn của lãnh đạo TP, sự đồng thuận của các sở ngành liên quan. Trong đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giúp chúng tôi chọn lựa loại cây trồng phù hợp, Sở Giao thông vận tải và Công an TP sẽ tăng cường các đội hình xử phạt vi phạm giao thông đường thủy, môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường cung cấp các dữ liệu cho công tác tuyên truyền.
Sau khi hoàn thành những phần việc như đã nói ở trên, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ phận liên quan lập dự án trình lãnh đạo TP xem xét để tiếp tục công trình này với những phần việc chuyên sâu, lớn hơn.
QUỐC LINH thực hiện
(Tuổi Trẻ, 4/3/2010)