quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Kỳ lạ những “cụ cây thần” hàng trăm năm tuổi

Thứ Hai, 29/06/2015 | 07:49:00 AM

Ba cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Bến Tre được coi là “báu vật” đã được nhiều thế hệ người dân ở đây yêu quý, giữ gìn, chăm sóc từ bao đời nay vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản cấp quốc gia.

Đó là hai cây đa cổ thụ ở Đình thần Phước Tuy (xã Phước Tuy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và cây cổ thụ Bạch mai ở Đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TP Bến Tre). Ngày nay, các cây cổ thụ ở đây không chỉ đơn thuần là cây tỏa bóng mát cho sân đình mà cây còn có những giá trị tinh thần lớn lao đối với cuộc sống tâm linh của người dân ở vùng đất này.

Đại thụ cây “đa Ông” và cây “đa Bà”


Mấy trăm năm trôi qua đã biết bao thế hệ đi qua nhưng hai cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở sân đình Phước Tuy vẫn sừng sững ở đó, vẫn gần gũi và thân quen với nếp sống thường ngày của con người.

Nhiều cụ cao niên sống ở làng Phước Tuy (nay là xã Phước Tuy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) kể lại: “Vào năm 1820, để đáp ứng nhu cầu đời sống về mặt tinh thần của người dân trong làng, ông Trần Văn Đạo - một trong những họ tộc đến đây khai khẩn đã đề xướng thành lập ngôi đình Phước Tuy phụng thờ thành hoàng bổn cảnh. Từ thuở đó, ngôi đình được xây dựng và hai cây đa ở đình thần này mọc lên cũng từ thời đó”.


Cây đa bà nằm gần đường dân sinh sừng sững trước sân đình Phước Tuy

Hai cây đa được trồng ngay trước ngôi chánh điện của đình, bên tả một gốc, bên hữu một gốc còn được người dân gọi tên là cây đa Ông và cây đa Bà. Cây đa Bà ở phía phải còn có tên khoa học là cây đa Tía nằm ngay đường dân sinh. Thân cây rất lớn nhiều người ôm không xuể. Cây đa Bà có tán rộng 30m, cao 28m, thân hình xù xì, gân guốc nhuốm màu rêu phong, cành xum xuê, tán cây tỏa rộng che mát khắp cả một vùng.

Còn cây đa Ông  được trồng ở phía sau bàn thờ xã tắc (thờ thần Nông), còn có  tên khoa học là cây đa Lông. Nếu như cây đa Bà xòe tán rộng như dang đôi cánh tay che chở cho dân làng biểu trưng cho người mẹ chở che cho đàn con thì cây đa Ông có  tán cây cao lừng lững không tỏa rộng mà vươn lên cao vút, thân cây rộng lớn hiên ngang sừng sững giữa trời xanh làm trụ cột cho cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Văn Tân, giữ chức Hương cả đình Phước Tuy kể lại: “Từ lâu lắm, dân làng tôi đã trông thấy hai cây đa sừng sững, to lớn này hiện hữu ngay trong sân đình. Tôi nghe ông bà nhiều đời trước truyền tai nhau kể lại, hai cây đa đã tồn tại ở đây từ lâu lắm, gần 200 năm nay. Trải qua bao năm tháng, rễ cây rũ xuống xuyên sâu vào lòng đất tạo nên nhiều gốc phụ nuôi cây vững chắc đến hôm nay”.

Và hiển nhiên, cây đa nơi này không chỉ đơn thuần là cây vô tri vô giác chỉ tỏa bóng mát sân đình mà nó đã trở thành cây tinh thần chung của mọi người dân ở làng Phước Tuy. Dưới gốc đa Ông và đa Bà, người dân còn truyền tai nhau những câu chuyện huyền bí về sự linh thiêng đến rùng mình của “thần đa”.

Đó là vào năm 1959, lính Mỹ - Ngụy đã biến ngôi đình thành nhà tù, tra trấn dân lành, đàn áp cách mạng. Sau khi chúng tra tấn dã man người dân vô tội, một viên Cò Xám còn say máu hứng chí bắn chết chim linh đang đậu trên cây đa và lập tức tên này bị thần linh quở phạt hộc máu chết tại chỗ.

Bọn lính thấy vậy hết sức hoang mang, sợ hãi sợ bị báo ứng nên chúng phải chuyển nhà tù đi nơi khác. Và từ đó bọn chúng không bao giờ dám bén mảng tới nơi này nữa. Câu chuyện trên được đồn thổi nhiều đời nay không biết có bao nhiêu phần thực, bao phần hư, nhưng rõ ràng hai cây đa nơi này đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử, bao thăng trầm của cuộc sống của người dân qua gần hai thế kỷ nay.

Cũng chính vì tin có “thần đa” phò trợ nên đối với người dân nơi đây, từ bao thuở hai cây đa cổ thụ như một biểu tượng của vị thần che chở cho người dân. “Không ai biết các cây cổ thụ ở đây mọc lên từ khi nào chỉ biết đó là “linh hồn” của người dân địa phương chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Tân nói.

Cụ ông Phạm Văn Hùng, hương chủ của đình Phước Tuy còn cho biết: “Hàng năm hai cây đa này cho trái đúng một mùa, kéo dài vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 8 âm lịch. Trái đa non màu xanh, vị chua, chát khi chín có mà vàng tươi, có mùi thơm nhạt và vị ngọt. Ở làng Phươc Tuy, người dân  chúng tôi rất tự hào khi địa phương gìn giữ được những cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi này”.

Ngày nay, đình Phước Tuy còn là nơi sinh hoạt đời sống văn hóa của người dân cả xã. Hàng năm, người dân còn tổ chức cúng đình và dưới gốc đa Bà là nơi làm lễ tống  phong sau mỗi lần cúng hội Kỳ Yên.

“Thần mai” 300 tuổi

Cùng với hai cây đa cổ thụ như nói trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre có còn một cây cổ thụ khác được công nhận là cây di sản cấp quốc gia, đó là cây Bạch mai hay còn gọi là “Thần mai” 300 năm nằm áng ngữ ở sân đình Phú Tự (ấp Phú Tự, xã Phú Hưng, TP Bến Tre).

Cây Bạch mai trên 300 tuổi ở Bến Tre là loại cây cổ thụ quý hiếm, được người dân xưng tụng với nhiều tên gọi khác nhau như: “Cổ thụ mai, “Thần mai”, “Danh mộc bạch mai”. Đây còn là loài mai cổ thụ trăm năm tuổi độc nhất vô nhị gắn liền với sự hình thành của vùng đất phương Nam từ thời khai hoang, mở cõi. Cây có chiều cao 14m, tán lá rộng chiếm diện tích 200m2. Hiện thân cây chính không còn do ảnh hưởng của cơn bão dữ vào năm Thìn (1952) làm gãy đổ. Nay từ gốc cây cũ đã mọc ra chín nhánh đan xen tươi tốt như tượng trưng cho mảnh đất chín rồng (Cửu Long) tỏa rộng cả sân đình.

Dưới gốc Bạch mai trăm tuổi có một tấm bia gọi là “Bạch Mai Bi Ký” được dựng vào tết Canh Thân, năm 2000. Trên bia có ghi: “Phương Nam thời mở cõi/ Rừng rậm cồn hoang/ Sấu nghé cọp gầm/ Sông sâu nước chảy/Xứ cù lao bốn phương tụ hội/ Người Bến Tre mở đất lập làng/Nước ngọt cây xanh, đất lành chim đậu/ Đình Phú Tự nhớ về nguồn cội/Trồng Bạch mai ghi dấu người xưa/ Khí thiêng sinh hoa quý/ Đất linh trổ người tài/ Ba trăm năm một cội thần mai/ Trải mưa nắng thành chứng nhân lịch sử/ Nguyên tiêu hoa nở, xuân hết hương bay”.

Cụ Nguyễn Văn Bồn, chánh bái đình Phú Tự kể lại: “Ngày xưa, tôi nghe ông bà và các cụ cao niên ở đây kể lại rằng, cây Bạch mai này có từ mấy đời trước và đến nay cũng không ai nhớ chính xác cây Bạch mai hiện hữu ở trước sân đình từ lúc nào nhưng chắc chắn tuổi thọ của nó đã ngoài 300 năm. Và cây Bạch mai ở đình Phú Tự có sức sống rất mãnh liệt suốt hàng trăm năm qua và được nhiều thế hệ người dân nơi đây quý trọng, tự hào và cùng nhau chăm sóc, giữ gìn xem như là tài sản chung”.

Ngoài ra, các thành viên trong Ban khánh tiết của đình Phú Tự còn cho biết, đặc biệt mỗi năm “cụ” Bạch mai nơi này đều trổ bông đúng một lần và tỏa hương thơm thoang thoảng khắp vùng vào dịp tết nguyên tiêu (tức ngày rằm tháng Giêng âm lịch).

Bông mai trắng tinh tựa như loài sứ trắng, hoa có 4 cánh dày và số lượng hoa trổ rất ít và rất quý hiếm ở Nam Bộ. Chính sự hiện hữu của “Thần mai” và nơi đây, vào ngày rằm tháng giêng các văn, nghệ sĩ  khắp nơi tề tựu về đây tổ chức bình thơ phú dưới gốc Bạch mai trăm tuổi này.  

Không chỉ gần gũi với cuộc sống thường nhật của người dân, đã hơn 300 năm bao thế hệ người dân ở Phú Hưng đã trăm mùa vui tết bên hương sắc thanh tao của Bạch mai cổ thụ duy nhất còn sống sót.

Đó còn là niềm tự hào của người dân về cây di sản quý hiếm của địa phương và là biểu tượng của sức sống trường tồn, bền vững. Hàng năm, người dân tỉnh Bến Tre còn tổ chức cúng đình và thắp hương cúng bái cụ “Thần  mai” rất thành kính.

Cụm cây đa Ông - đa Bà ở đình Phước Tuy và cây Bạch mai ở đình Phú Tự trở thành là cây di sản Việt Nam không chỉ là niềm vinh dự của người dân địa phương mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với tất cả người dân ở vùng đất này.

Đồng thời Ban khánh tiết của hai ngôi đình Phước Tuy và Phú Tự còn khẳng định, họ sẽ quyết tâm cùng người dân  giữ gìn, chăm sóc để các cây cổ thụ trên ngày càng xanh tốt, mãi là cây cao bóng cả và là biểu trưng văn hóa ngàn đời của người dân địa phương. 

Theo An Ninh Thủ Đô

Lượt xem: 3343

Các tin khác

(TTXVN): Cây thiên tuế 200 tuổi ở Bến Tre được vinh danh là cây di sản Việt Nam

(13/01/2025 10:38:AM)

Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(11/01/2025 11:14:PM)

Video của Đài Truyền hình TP HCM: CÔNG NHẬN 8 CÂY DI SẢN VIỆT NAM TẠI THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

(02/01/2025 09:57:AM)

(Báo Tuổi trẻ) - Video "Cận cảnh 8 cây quý vừa được công nhận cây di sản ở Thảo cầm viên"

(02/01/2025 09:46:AM)

Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(01/01/2025 11:53:PM)

(nld.com.vn): Thảo Cầm Viên: 8 cây di sản kể chuyện lịch sử thiên nhiên

(01/01/2025 04:21:PM)

(Tuoitre.vn): Thảo cầm viên có 8 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:16:PM)

(Tienphong.vn): Nhìn gần 8 cây cổ thụ ở Thảo cầm viên vừa được công nhận là cây di sản

(01/01/2025 04:10:PM)

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải.

(30/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE