“Cây hai ngọn” Lưỡng Quán đã được công nhận là cây di sản.
“Cây hai ngọn” nằm trên vùng đất cổ càng tôn thêm những huyền bí thánh thần. Ở ven con sông Hồng là một ngôi miếu mà tịnh không ai rõ có từ bao giờ. Người ta gọi miếu ấy là miếu Nghè, thờ bà quan Nghè thiêng nhất đất Phong Châu. Phía góc ngôi miếu là cây cổ thụ hội tụ “ma và thần” như câu dân gian vẫn nói: Cây gạo có ma, cây đa có thần.
Nhưng trên hết, theo như lời bà chủ miếu Trịnh Thị Thơ thì cây là địa giới phân tách làng này với làng khác. Xưa, hai làng trồng hai cây gạo và đa để phân mốc giới theo cách đơn thuần. Nhưng chẳng biết thế nào, hai cây ấy sống xoắn xuýt vào nhau. Đời này qua đời khác, vỏ đa trùm lên thân gạo bao bọc lấy nhau như không còn ranh giới của chia cách.
Cây còn biết sống như thế, huống chi con người. Thế nên hai làng cổ ghép tên chung với nhau tạo thành thôn Lưỡng Quán. Chẳng biết đó là Hán âm hay từ Việt cổ nhưng người làng chắc chắn rằng, Lưỡng Quán là sự đoàn kết chung hòa của tình người một nhà như hai cây kia ghép vào làm một.
“Trước là cây phân chia làng. Còn thời mới thì cây hai ngọn nhưng chia ra 3 cành lớn chĩa thẳng về phía thôn 1, 2 và 3. Sau này, chẳng biết vì sao mà người ta cưa đi 1 cành, một cành nữa thì bị gãy. Thế nên giờ cây chỉ còn hai ngọn lớn của hai cây ghép chung và một cành dài vươn ra xa”, bà Thơ cho biết.
Phần thân đa quấn lấy cây gạo.
Tận mắt cây quý
GS.TSKH Đặng Huy Hùynh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho rằng, “cây hai ngọn” đa – gạo hợp nhất là rất quý hiếm. Đó cũng là cây đẹp của miếu Nghè. Ngoài những ý nghĩa về lịch sử, công lao tạo dựng của người đi trước thì cây còn mang thông điệp và giá trị về tính nhân văn, đoàn kết và tu dưỡng đạo đức, lối sống.
Theo đo đạc của các nhà chuyên môn, cây đa – gạo Lưỡng Quán có chu vi gần 12m; đường kính thân cây gần 4m; chiều cao từ gốc tới ngọn tới 40m; phần tán cây của cành lớn còn sót lại dài tới hàng trăm mét. Thế nhưng theo bà Thơ và các cụ cao niên trong thôn thì trước đây, các cành của cây này vươn ra tới giữa làng.
Các hốc cây có nhiều cóc và rắn cùng sinh sống.
Sở dĩ các cành lớn có thể vươn xa như vậy là nhờ các phần rễ mọc thòng xuống đất. Qua thời gian năm tháng, phần rễ to như thân cây chuối, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa là các trụ đỡ để cành có thể vươn xa.
Phần gốc cây sù sì tạo thành các hốc lớn. Soi pin vào trong hốc vẫn có thể thấy rõ những cái gai của thân cây gạo. Bên ngoài, toàn bộ phần vỏ được xác định là thân cây đa. Lên phía trên, thân cây gạo mới được nhìn rõ bởi phần này cây đa không quấn vào nữa. Từ đó, cây như phân chia nhiệm vụ. Cây gạo cứ thế mọc lên cao, còn cây đa vươn các cành nhánh ra xung quanh.
Người xã Trung Kiên luôn coi đây là cây thần. Vì với họ, những sự tích, những câu chuyện ở miếu Nghè là cội rễ tâm linh. Không ai và không người nào dám xúc phạm đến cây, dù chỉ là một câu nói trống không.
Miếu thờ bà quan Nghè.
Huyền tích có thật
Nằm trong khuôn viên của miếu Nghè, một di tích đã được tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng, “cây hai ngọn” còn gắn liền với những huyền tích lạ liên quan tới bà quan Nghè. Bà quan Nghè là tên gọi dân gian, còn tên thật của bà là gì thì không ai biết.
Chỉ biết rằng, khi bà mất tại đây, đất đá đùn lên thành mộ kết. Mộ cứ to dần và rất linh thiêng. Dân thấy vậy, lập miếu thờ bà. Gian chính nơi ban thờ ở phía dưới chính là mộ kết còn lại. Ở đó, từ rất lâu đời, người làng phải đặt tượng năm con hổ để trông coi mộ.
Trên ban thờ, còn rõ mồn một ba thanh kiếm cổ. Người làng đồn rằng, bà quan Nghè từng là quan võ của triều đình. Khi đánh trận về qua bờ tả sông Hồng mới qua đời tại đây. 3 thanh kiếm bà dùng vẫn còn nguyên vẹn, được đặt trên mộ để tưởng nhớ.
Miếu thiêng nên người ta đến cầu xin đường con cái. Không biết ngẫu nhiên hay do thiêng thật, nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn đến xin thì được ban con. Thế nên, cứ ngày rằm hay mùng một, rất nhiều đôi vợ chồng kéo đến mang trong mình một hi vọng vào bà quan Nghè.
Chuông cổ miếu Nghè.
Theo lời kể của các cụ già Lưỡng Quán, khu vực miếu Nghè trước đây rậm rạp cây cối, phía “cây hai ngọn” có đường rắn đi nhẵn thín. Chẳng phải xa xôi gì, cách đây hơn chục năm, những con rắn hổ mang chúa cứ chui vào hốc cây rồi lại trườn ra sông Hồng. Thậm chí, có người còn nhìn thấy rắn mào sống trong đó.
Không chỉ có rắn, các hốc trong cây còn là nơi ếch và cóc sinh sống. Lạ một điều, rắn vốn ăn cóc và ếch nhưng trong hốc cây này hai loài lại sống hòa thuận với nhau. Người làng cho rằng đó là chuyện lạ, là huyền tích lẫn thông điệp sống hòa thuận dưới một mái nhà chung.
Theo Kiến Thức