quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THƯ GIÃN

Kiệt tác làm vườn Trung Quốc và thế giới ở Côn Minh

Thứ Năm, 09/12/2010 | 07:07:00 AM

Côn Minh là miền ôn đới giữa miền nhiệt đới, dịu mát quanh năm; bốn mùa chỉ một sắc xuân hoa tươi quả chín xum xuê bốn mùa. Đẹp nhất miền xuân ấy là Công viên triển lãm hoa thế giới, trải miên man khắp một triền đồi núi rộng tới 218 ha, cách trung tâm thành phố 7 km về phía Đông Bắc.

 

Người Trung Quốc tự hào nói rằng, đây là một kiệt tác làm vườn của Trung Quốc và thế giới. Chả thế mà Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã phóng bút đề tặng bẩy chữ: Thế giới viên nghệ bác lãm viên, nghĩa là: Công viên triển lãm nghệ thuật làm vườn lớn thế giới.

 

 

Ảnh minh họa (internet)

 

Mới bước qua cổng, tôi đã thấy ngay điều này. Người Trung Quốc không ngoa ngôn khi coi đây là kiệt tác làm vườn của mình. Thế còn kiệt tác làm vườn của thế giới? Cũng không ngoa chút nào. Với thói quen quan sát và đôi mắt vừa hiếu kỳ, vừa soi mói của một người cầm bút, tôi không có cảm giác bàn tay con người đã can thiệp vào thiên nhiên.

 

Thiên nhiên vốn thế, đẹp như thế! Dường như con người chỉ khéo léo, khôn ngoan đặt vào đây những căn nhà đẹp mê hồn, độc đáo, kỳ lạ, những công trình văn hóa đồ sộ cũng độc đáo vô cùng, như những nét hoa văn, những lúm đồng tiền, điểm xuyết cho gương mặt thanh xuân của cô gái miền sơn cước này thêm duyên dáng.

 

Nó chỉ là điểm xuyết, vì trên 218 ha này cây cỏ, hoa lá chiếm tới 90,1% diện tích. Nó độc đáo kỳ lạ, độc đáo vô cùng vì 34 căn nhà ở đây đều mang đặc điểm kiến trúc của 34 tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Hồng Kông, Ma Cao, bắt đầu là tỉnh chủ nhà Vân Nam.

 

Chưa hết! Nói độc đáo kỳ lạ, độc đáo vô cùng, còn vì 32 căn nhà khác, là đường nét kiến trúc riêng của 32 nước trên thế giới mà đầu tiên là Việt Nam, cuối cùng là Palestin (thứ tự in trên một tờ gấp giới thiệu).

 

Vùng nào (của Trung Quốc), nước nào tham gia vào công viên triển lãm này chả đưa đến đây những gì là đẹp nhất, độc đáo nhất của mình. Không cần nhìn lên những lá cờ bay phấp phới trên cột cao trước các tòa nhà cũng nhận ra đấy là đất nước nào. Đường nét kiến trúc giản dị của ngôi nhà truyền thống thâm thấp của người Nhật Bản trên hòn đảo hay bị động đất, khác hẳn những nét trang trí sặc sỡ bay bướm của đạo Phật, như muốn thoát ra khỏi đầu hồi nóc nhà ngôi nhà người Thái Lan.

 

Khối nhà của người Pakistăng thì vuông vức, chắc nịch. Còn đây là cô gái Hà Lan khăn chít trên đầu, tấm váy rộng lòa xòa như vừa đi vắt sữa bò về. Phía sau, chiếc cối xay gió chầm chậm quay...

 

Tôi chợt sững người, giống như giữa đất khách quê người gặp một người quen. Không, hơn thế nữa, như đang mệt mỏi suốt chặng đường xa, bỗng có phép lạ, đứng ngay trước cổng nhà mình.

 

Tổ quốc đây rồi. Chiếc cổng nhà ở một làng quê đồng bằng bắc bộ đây rồi. Tôi chạy vội lại, lay lay cây cột cờ, cố làm cho lá cờ không bị cuốn vào cột. Có thế chứ, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã mở ra, tung bay trước gió.

 

Tôi đứng ngắm một chút chiếc cổng vòm cuốn, lợp ngói vẩy cá màu đỏ, hai cánh cửa gỗ cũng sơn đỏ, phía dưới bưng kín, nửa trên là hàng chấn song con tiện gỗ. Đây rồi, một chiếc ao nhỏ hình bán nguyệt xếp đá tảng, giàn hoa, giàn mướp, bờ dậu... năm gian nhà gỗ cửa bức bàn, nhà ngang không có cối xay, cối giã và bếp núc mà được thiết kế thoáng đãng như một lầu vọng nguyệt.

 

Tôi bước vào giữa ngôi nhà chính có hai gian hồi nhô ra, đúng như những ngôi nhà cổ vẫn dùng làm buồng. Giữa nhà chính, theo truyền thống, là gian có bàn thờ gia tiên tiền tổ với bài vị, hương án...

 

Nhưng đây không phải là ngôi nhà của một gia đình Việt Nam, mà là ngôi nhà tượng trưng cho đất nước Việt Nam, cho nên trên bàn thờ có lá cờ tổ quốc và tượng Bác Hồ. Chỉ có đôi chân nến, bát hương, bình hoa và giá binh khí thờ: gươm, đao, bát xà mâu... bằng gỗ sơn son thiếp vàng là những hiện vật vốn có của một nhà thờ họ.

 

Tôi ngắm nghía mô hình những chiếc thuyền buồm cánh dơi, buồm mành to nhỏ khác nhau, làm bằng gỗ, rất tinh xảo, gợi một nghề rất phổ biến của bà con ta - nghề chài lưới. Nhưng cũng chỉ có thế thôi. Thực tế này làm tôi và các bạn tôi chạnh lòng. Không nhẽ hình ảnh đất nước ta trước bạn bè thế giới chỉ có vậy? Mái ngói nhà không phải là ngói thật như ngói lợp cổng, mà là tôn giả ngói.

 

Người ta bảo, chở từ Việt Nam sang tốn kém quá. Năm 1999, lúc mới khánh thành, cổng còn lợp lá cọ, quanh nhà ken bằng vầu. Chỉ ba ngày gió mưa đã tốc mái. Chủ tịch Trần Đức Lương đến thăm có ý kiến chỉ đạo mới được thế này. Nhưng còn một điều nữa làm tôi bận tâm hơn nhiều.

 

Bởi lẽ, giải quyết việc này không cần tốn tiền bạc gì, chỉ cần những cái đầu biết suy nghĩ. Đây là triển lãm nghề làm vườn trồng hoa của cả Trung Quốc và thế giới. Các nước, các lãnh thổ đem đến đây những thứ hoa tiêu biểu tượng trưng cho đất nước mình - quốc hoa của Lúc Xăm Bua là hoa nguyệt quế.

 

Sanvađo là hoa lan, Đài Loan chọn hoa mai, Hà Lan chọn hoa Tuy líp, Bungari là hoa hồng, Mỹ là hoa hướng dương, Vênêzuêla cũng là hoa lan nhưng là hoa lan tháng năm (ngũ nguyệt lan). Lào là hoa Chăm pa (hoa đại), Nhật Bản là hoa anh đào.

 

Hằng năm, vào dịp tháng 5, khi hoa anh đào bắt đầu nở, các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin hằng ngày vùng nào hoa anh đào nở sớm nhất, nở đến đâu thông tin đến đấy.

 

Người người nô nức đi ngắm hoa anh đào nở như một lễ hội, như một thú vui, như một sinh hoạt văn hóa... Còn Trung Quốc là hoa mẫu đơn, tượng trưng cho vinh hoa, phú quý. Vân Nam chọn riêng cho mình hoa trà. Thế Việt Nam?

 

14 năm trước, trên báo Nhân dân ngày 29/9/1996, chúng tôi đã nêu vấn đề Việt Nam cũng cần phải có quốc hoa. Vì con người có một mối quan hệ sống còn với thế giới tự nhiên. Hoa được con người gửi gắm vào đó những suy nghĩ, tình cảm, quan niệm nhân sinh của mình.

 

Hoa được nhân hóa như những tính cách, những số phận sẽ tác động trở lại với con người như một yếu tố đạo đức. Chúng tôi đã đề xuất nên chọn hoa sen, với rất nhiều lý do, nhưng điều quan trọng nhất là nó đã tồn tại trong đời sống hàng ngày, cũng như trong đời sống văn hóa dân tộc như một thực thể thẩm mỹ và đạo đức truyền thống từ ngàn đời nay. Rất tiếc những người có trách nhiệm không ai đả động đến.

 

Công viên này có tới 2 triệu cây, thuộc 2511 loài, trong đó có 112 loài quý hiếm. Có 7 khu vườn hoa: Cây thân mộc, tre, chè, cây cảnh cây thế, rau, cây ăn quả. Đến bất kỳ khu vườn nào ta cũng mê mẩn không muốn rời chân vì sự tuyệt hảo, tuyệt mỹ của nó mà chỉ có cách thu vào máy ảnh, nhất là máy quay phim mang về mới không tiếc.

 

Tôi đặc biệt thích khu hoa và đá. Tại sao một cái thật cứng - cứng như đá, vững như đá, như thách đố mọi sức lực của con người, đứng bên một cái thật mềm, thật yếu ớt, lại không cho ta một cảm giác trái ngược, mà lại rất hài hòa, như bổ sung, như nương tựa vào nhau, cái này làm đẹp cái kia, làm nổi bật cái kia.

 

Những khối đá từ những vùng nổi tiếng, có khối to bằng cả gian nhà, hình thù kỳ dị đến người giầu trí tưởng tượng đến đâu cũng không thể tưởng tượng được, vì sao nó lại có hình thù như thế, hình thù ấy bảo ta liên tưởng tới cái gì? Điều gì? Tài thánh cũng không thể hiểu ra được nó. Ta buộc phải thừa nhận, nó hữu hình mà lại như vô hình, chỉ biết nó đẹp, đẹp một cách kỳ dị, chỉ biết nó làm ta tha hồ tưởng tượng, khát vọng thẩm mỹ của ta thỏa thuê.

 

Tôi không kể những công trình xây dựng giải trí cho khách thăm như sân khấu cực lớn, tầu điện cáp treo, khu khoa học và công nghệ, nhạc nước, ánh sáng lazer, phim màn hình nước, v.v..., rằng khách ra về sẽ được tặng một dây đeo chìa khóa mà chắc chắn bạn sẽ giữ suốt đời, không phải trong đó chỉ ghi ngày bạn đến thăm, chân dung của bạn, mà sau tấm chân dung ấy còn nói những đặc điểm tính cách của bạn nhờ máy tính căn cứ vào tuổi của bạn để tra ra.

 

Những người thiết kế nên kiệt tác làm vườn này làm chúng ta thêm yêu cái đẹp của thiên nhiên, mặc dù thiên nhiên này cũng do chính con người cải tạo, xây dựng, sắp đặt làm nên, rằng bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ loài người.

 

Trong khu nhà vũ trụ có hình ảnh một phi công vũ trụ người Mỹ. Anh kể rằng, lúc bay trên vũ trụ, nhìn về trái đất, thấy nó chỉ bằng quả bóng bàn màu tím. Trong quả bóng bàn bé bỏng, mỏng mảnh dễ vỡ kia, giờ này vợ anh, mẹ anh đang đi lễ nhà thờ. Phải bảo vệ nâng niu để trái bóng kia không bao giờ vỡ.

Nguyễn Bắc Sơn

(VFEJ, 8/12/2010)

Lượt xem: 1516

Các tin khác

Chiêm ngưỡng các con vật "khủng" được làm từ tre

(10/12/2024 02:30:PM)

Thung thăng miền xanh đại ngàn

(12/02/2024 04:22:AM)

Rừng ngập mặn đẹp như mơ ở Bàu Cá Cái Quảng Ngãi

(16/01/2024 07:26:AM)

Mùa cây trút lá tuyệt đẹp ở miền Tây Quảng Trị

(15/01/2024 09:48:AM)

Về An Giang ngắm mùa vàng bất tận trên cánh đồng Tà Pạ

(11/12/2023 11:49:AM)

Những câu nói nổi tiếng về thiên nhiên

(16/03/2023 07:51:AM)

Độc đáo "cây đa ngơ ngác" gần 1.000 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà

(29/10/2022 03:19:PM)

Tiên Yên (Quảng Ninh) – bức tranh thiên nhiên hài hòa và đầy cuốn hút

(05/05/2022 10:34:PM)

Hà Nội đẹp tinh khôi trong sắc trắng hoa sưa

(20/03/2022 07:39:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE