quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Kiểm kê cổ thụ

Thứ Năm, 15/04/2010 | 11:06:00 AM

VACNE- Ngày 18 tháng 3 năm 2010, Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam phát động sự kiện "Bảo tồn cây Di sản Việt Nam" nhằm vinh danh và bảo vệ các cây di sản của VIệt Nam. Sự kiện được nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, truyền thông và đông đảo cộng đồng hoan nghênh, hưởng ứng, đăng tải thông tin về các cây cổ thụ nổi tiếng, kiến nghị vinh danh các cây di sản ở địa phương, phỏng vấn các chuyên gia của Hội BV TN&MT VN, ... Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 14/4/2010.

 Cụ ông Đinh Đăng Thịnh, 76 tuổi, “ông từ” của đình và miếu thôn Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội), cho biết sân đình Kiêu Kỵ có năm cây đề cổ thụ dự kiến đưa vào danh sách bảo tồn cây cổ thụ của Hà Nội. Lần đầu tiên Hà Nội và tới đây là cả nước sẽ thực hiện một dự án nhằm kiểm kê và bảo tồn cổ thụ, mà từ nay sẽ được gọi tên mới là “cây di sản”.
 

Sân đình Kiêu Kỵ có năm cây đề cổ thụ, dự kiến đưa vào danh sách bảo tồn cây cổ thụ của Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng


Cụ Thịnh bảo những chứng tích hiện lưu giữ được chứng minh đình và miếu thôn Kiêu Kỵ đã có chừng 700 năm tuổi. Năm cây đề không rõ có từ khi nào nhưng theo các nhà khoa học của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, của Viện Điều tra và quy hoạch rừng mới về xác định cách đây ba tháng thì chúng đã có gần 700 năm, cùng tuổi với đình và miếu của làng. Theo thông số từ lần đo đạc mới nhất, cây đề cổ thụ chính giữa cao xấp xỉ 28m, chu vi gốc cây hơn năm vòng ôm của người lớn.

Từ đời ông của cụ kể rằng khi lớn lên đã thấy có cụm đề ở sân đình. Cha cụ Thịnh sinh ra lớn lên, đến đời cụ Thịnh được sinh ra lớn lên, năm cây đề vẫn sừng sững cùng với thời gian. Mỗi độ xuân sang cây trổ lá mới, cành nhánh ngày càng ken chặt lấy gốc cây làm đường kính gốc càng bề thế.

TS Vũ Văn Dũng - làm việc ở Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, người tham gia đề án “Điều tra cây cổ thụ Hà Nội” - cho biết ở Hà Nội có trên 700 cây cổ thụ, trong số này có những cây từ 300-700 tuổi như cây đa lông ở tòa soạn báo Nhân Dân, cây đa đền Bà Kiệu cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, cây gạo trước UBND thành phố Hà Nội... Đặc biệt có hai nhóm cây đáng chú ý là nhóm cây muỗm ở khu vực Láng và nhóm cây đề ở đình - miếu Kiêu Kỵ.

Vinh danh cây cổ thụ

Cây đa lông ở tòa soạn báo Nhân Dân (số 71 Hàng Trống) là một trong số cây cổ thụ nhiều tuổi của Hà Nội, đang nằm trong danh sách được Công ty Công viên cây xanh chăm sóc đặc biệt. Năm 2009, cây bị bệnh rệp lá, phải phun thuốc diệt rệp hơn 10 triệu đồng. Theo lời một cán bộ trị sự của báo, “cách đây 100 năm khu vực báo có một trường học, mà cây đa còn có trước đấy nữa, có người ước tính cây trên 300 tuổi”.

Cây cao nhất ở VN, theo TS Dũng, là cây dầu rái ở Bách Thảo, Hà Nội trên 50m. Ở Lục Nam, Bắc Giang có cây giã hương (cây long não) khoảng 700 tuổi. “Chúng tôi đã thống kê cây cổ thụ ở Hà Nội và sau Hà Nội sẽ thống kê cây cổ thụ ở các vườn quốc gia, thành phố khác. Việc bảo tồn nên ưu tiên những cây đặc hữu của VN như gụ, lim, chò hoặc những cây gắn với lịch sử dân tộc như cây đa Tân Trào, hoặc gắn với yếu tố tâm linh như các cây đa, cây đề cổ thụ ở đình chùa miếu mạo” - TS Dũng nói.

Cây di sản

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Dựng (Viện Điều tra và quy hoạch rừng) đã đề xuất các tiêu chí để công nhận cổ thụ là cây di sản: cây tự nhiên sống trên 200 năm, dáng hùng vĩ, cao trên 40m, chu vi từ 6m với cây gỗ thân đơn.

Với cây trồng, yêu cầu sống trên 100 năm, cao trên 30m hoặc các cây cảnh độc đáo, cây có giá trị đặc biệt về thẩm mỹ, giá trị văn hóa, lịch sử. 10 cây cổ thụ được thạc sĩ Dựng đề xuất đầu tiên vào danh sách cây di sản là các cây chò ngàn năm, sấu, đăng ở vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), sa mu dầu ở vườn quốc gia Pù Mát và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An), cây gùa ở vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, dầu đôi ở thành phố Nha Trang, sao cát ở Gia Lai, cây sữa và giáng hương ở Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Sẽ có cả cuộc bình chọn từ địa phương và ban giám khảo chấm điểm cây di sản, nhằm bảo vệ giá trị nguồn gen, giá trị du lịch và lịch sử của cây cổ thụ.

Hôm chúng tôi đến Kiêu Kỵ, thấy khách du lịch nhiều nơi về thăm cây. Họ thích nhất cây đề lớn gốc có cả một cây sanh sống ký sinh, thành ra một cặp sanh - đề xanh tốt. Từ chỗ có bóng cây, Hội nghề da trong làng đã tặng ghế đá cho người làng ngồi hóng mát. Gốc cây cũng được xây bờ bao chắc chắn. Các cụ kiên quyết không cho ai đóng dù chỉ một cây đinh lên cây. Ở đây, bảo vệ cây là bảo vệ hồn làng.

Cây đa búp đỏ trong vườn Bách Thảo, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Cây đa lông ở tòa soạn báo Nhân Dân - Ảnh: Việt Dũng

VN có khoảng 1.000 cây cổ thụ cần bảo tồn

Hiện VN có 500-1.000 cây cổ thụ (cây di sản) cần bảo tồn. Mỗi cây trong danh sách bảo tồn sẽ được gắn bia, có tên tuổi cây và các thông tin về loài, chi, họ, mức độ quý hiếm, cách hỗ trợ điều trị sâu bệnh.

Ngoài các cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, những cây gỗ tốt, giá trị kinh tế cao cũng cần được bảo tồn đặc biệt. Như cây gỗ sưa đang được người buôn gỗ và bọn trộm gỗ ráo riết săn lùng vì giá mỗi cây có thể lên đến cả tỉ đồng. Tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc từng có cuộc đấu giá ba cây sưa, thu được trên 1,3 tỉ đồng. Khu vực đối diện cổng Bộ Ngoại giao, gần lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội có một cây sưa và vào mùa hoa nở rất đẹp. Theo TS Vũ Văn Dũng, cây sưa là loại gỗ quý đặc biệt nguy cấp, cần bảo tồn theo nghị định 32 năm 2006 của Chính phủ. Ngoài vùng Hà Nội cũ, ở chùa Hương, Vĩnh Phúc, Phong Nha - Kẻ Bàng là những nơi may mắn có cây sưa.

Cây gõ đỏ ở vườn Bách Thảo cũng là một trong những cây cổ thụ được đưa vào danh sách cây di sản vì mức độ quý hiếm của loài và loại gỗ này.

Chưa ai đánh giá được cây già nhất VN bao nhiêu tuổi, dù dân gian vẫn gọi cây chò già nhất rừng quốc gia Cúc Phương là cây chò ngàn năm. Có dịp đi qua những cây cổ thụ đẹp, ai trong chúng ta cũng trầm trồ, nhưng nếu không có dự án cây di sản sẽ rất khó để du khách phương xa và cả người dân hiểu về cây cổ thụ địa phương mình. Chắc chắn cây sống ngàn năm không có nhiều, nhưng với dự án này hi vọng sẽ có thêm nhiều cây được sống ngàn năm.

LAN ANH

(Tuổi Trẻ, 14/4/2010)

Lượt xem: 2957

Các tin khác

Thêm 5 cây cổ thụ bên bờ sông Nhuệ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(24/03/2024 03:22:PM)

Cây Bồ đề cổ thụ tại thành phố Hải Phòng được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(19/03/2024 10:54:PM)

Một số hình ảnh lễ công bố Quyết định Cây Di sản tại Quang Húc (Phú Thọ)

(18/03/2024 10:26:PM)

Trồng cây đầu Xuân và đón nhận Cây Di sản tại Quang Húc

(18/03/2024 10:12:PM)

Một số hình ảnh lễ công nhận cây Ruối tại Làng Khê Tang là Cây Di sản Việt Nam

(17/03/2024 11:58:PM)

Làng Khê Tang lần thứ 2 đón nhận Cây Di sản Việt Nam

(17/03/2024 10:55:PM)

Một số hình ảnh Lễ công nhận Cây Di sản tại Đền Cửa Ông

(13/03/2024 03:42:PM)

Khai hội Đền Cửa Ông năm 2024 và vinh danh Cây Di sản

(12/03/2024 11:52:PM)

Một số hình ảnh buổi lễ công nhận cây Ruối tại Miếu Đống Vịnh là Cây Di sản Việt Nam

(11/03/2024 11:36:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE