Vùng Gia Kiệm mình ở gần như được bao bọc bởi những rừng cao su bạt ngàn. Hồi bé xíu, mỗi lần ngồi trên xe máy cho bố chở lên Ngọc Lâm thăm bà ngoại, mình phải đi qua không biết bao nhiêu là rừng cao su.
KHƯƠNG HÀ
|
Minh họa: Đỗ trung quân |
Mình thường hỏi bố: bố ơi, cây cao su nó có chân à, sao con thấy nó chạy theo mình? Bố nghe vậy cười khành khạch, bảo nó có một cái chân nên không chạy theo mình được đâu con. Khi lớn hơn một chút mình mới biết, cái điều khiến mình tưởng cây cao su chạy theo, cũng vì cách người ta trồng nó. Người ta luôn trồng cao su ngay hàng thẳng lối như cái bàn cờ, nên khi mình đi nhanh và nhìn nó từ xa, những hàng cây xeo xéo (so với mặt đường) rất giống nhau kia trông như thể đang chạy rất nhanh theo mình.
Những năm học cấp III, mình hay cúp tiết môn hóa và chạy ra thung lũng anh đào. Mùa xuân, những bông anh đào miền xuôi rợp hết cả một khoảng trời với màu hồng hồng tím tím. Cánh hoa rụng lả tả xuống dòng suối nhỏ xíu phía dưới trông rất lãng mạn.
Từ đó đi thêm một chút là tới rừng cao su. Có khi mình cứ đi hoài, đi hoài trong rừng để thấy mọi thứ dần trở nên gần như giống nhau tuyệt đối. Cái thú vị của việc đi sâu vào rừng cao su khác với những khu rừng tự nhiên khác là bạn có đi bao nhiêu cũng như không hề đi đâu cả vì cảnh vật không mấy thay đổi.
Và nếu đi ngoằn ngoèo một chút có khi không tìm được đường ra, vì ai biết đã đi vào từ hướng nào. Bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau, phía trên, phía dưới... chỉ có cao su và cao su. Cái cảm giác đi hoài lúc đó rất lạ, mình như thể đang lặn dần vào sự yên tĩnh, lặn vào cái gì đó, sự duy nhất, có thể là vậy. Và mình thấy mùi vỏ cây cao su thơm quá, thơm quá đi. Mùi lá khô, củi mục, đất ẩm quyện vào nhau ngai ngái cũng thơm làm sao mà thơm quá đi. Và mình chỉ muốn nằm lăn ra đó ngủ một giấc thật ngon.
Buổi trưa êm ả và yên tĩnh kinh khủng. Chỉ có gió thỉnh thoảng lào xào trên tán cây, nắng xuyên lỗ chỗ xuống thảm lá màu nâu nhạt. Đâu đó tiếng chim kêu lích chích, và tiếng trái cao su tách vỏ. Tiếng “tách” rất chắc, gọn và vang vọng cả khu rừng như khi ta bẻ một cành cây khô.
Vào mùa, những tiếng lách tách liên tục vang lên khắp nơi, buộc mình phải nhỏm dậy, ngồi ôm gối mà lắng nghe một cách chăm chú rồi tự sướng một mình - vì cái cảm giác nghe một âm thanh như thế giữa trưa, một mình, giữa rừng vắng, rất thích. Có hôm, vài hạt tách ra rớt xuống ngay cạnh mình, mình cao hứng vùng dậy và đi sục sạo, lật tung đám lá khô lên để kiếm những hạt cao su bóng bóng tròn tròn màu nâu gỗ, lốm đốm như trứng cút rồi nhặt cả mớ mang về, lấy bút xóa màu trắng vẽ mặt hề mặt mếu lên mấy cái hạt để trưng cho vui.
Cũng những năm cấp III ấy, buổi tối mình hay rủ mấy đứa bạn cùng chạy lên trên đồi ngắm sao. Đường đi nằm ở lưng chừng chia ngọn đồi thành hai nửa, nửa trên là bạt ngàn cao su già, lúc nào cũng rì rào trong đêm như kể những câu chuyện dài bất tận. Nửa dưới xuống tới chân đồi là những cây cao su non mới được trồng, còn chưa cao quá 1m. Những buổi tối ở đây gió lồng lộng, bầu trời cao, trong và xanh thăm thẳm màu của đêm, và rất nhiều sao.
Vào mùa mưa còn có thể nhìn thấy đom đóm. Đom đóm rợp trời như một trận mưa sao tầm tã. Hàng trăm con, hàng ngàn con bay lượn tung tăng khắp nơi như trong truyện thần tiên. Cảnh tượng đó mình biết không bao giờ được nhìn lại. Và cho tới giờ, trời sao ở trên sườn đồi lộng gió đó là trời sao đẹp nhất mà mình từng thấy. Đẹp vì nó quá rộng, quá cao và gắn với quá nhiều kỷ niệm, khi tất cả chúng mình còn rất ngây thơ, đầy năng lượng và còn chưa đi vào cái khoảng thời gian gọi là “khốc liệt” của tuổi trẻ.
Tết năm rồi về quê. Buổi chiều loanh quanh không biết đi đâu, tự nhiên nhớ tới ngọn đồi của tụi mình hồi xưa, bèn chạy lên xem thế nào. Vùng cao su non ngày xưa giờ đã thành cao su già, già đến nỗi chắc chẳng bao lâu nữa chúng sẽ lại bị thay thế bởi một đám nheo nhóc khác. Đứng ở đó chắc không còn nhìn thấy trời sao được nữa. Mình chạy tới thung lũng hoa anh đào, cái thung lũng xinh đẹp với dòng suối nhỏ xíu dưới sâu đã biến thành một bãi rác khổng lồ theo nghĩa đen.
Và mình cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi đến câu này trong một cuốn sách mà mình rất thích: “Đời vốn như thế. Ban đầu vào cuộc sống, chúng ta giàu, giàu nhiều, giàu nữa; trong bao năm chúng ta trồng cây tỉa hột, nhưng ngày tháng trôi, năm sầu lại: thời gian phá vỡ mất công trình; cây rừng bị chặt; bạn hữu từng người rơi rụng xuống. Bóng tùng quân nghìn tầm xiêu đổ, cái con người trơ trụi sẽ còn nghe rõ trong hoang liêu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất”. (Cõi người ta - Saint-Exupéry, Bùi Giáng dịch).
Khi đứng trước bãi rác bốc mùi tanh tưởi, mình thật sự nhớ tới những ngày lang thang trong khu rừng yên tĩnh xưa kia mà tự nhiên thấy buồn. Mình biết ngay chính tuổi trẻ của mình chẳng qua cũng như một lớp vữa trét lên tường, sẽ bị hoại phá, sẽ từng mảng, từng mảng rời ra và rơi vào im lặng. Chúng ta tất cả rồi sẽ già, sẽ nhàm chán, sẽ mệt mỏi và sẽ trơ tráo mà sống cho hết một cuộc đời. Chỉ vậy thôi.
(TTCT)