Đầm sen trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Chúng tôi đã đến và trải nghiệm không gian du lịch sinh thái của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam được công nhận vào tháng 11/2015.
Ý nghĩ về “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” càng thôi thúc chúng tôi lên đường để đến với Láng Sen dù cái tên này khá mơ hồ về mặt địa lý.
Từ thành phố Hồ Chí Minh đến Láng Sen chỉ khoảng 140km nhưng chúng tôi phải nhờ sự chỉ dẫn tận tình của anh Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen mới đến được vùng đất này sau khi xuyên qua những cánh đồng lúa mênh mông giữa một vùng rừng tràm trải rộng đến bạt ngàn.
Để vào được Láng Sen, chúng tôi phải đi qua một con kênh nhỏ rồi lên chiếc tắc ráng (xuồng máy - PV) đi tiếp khoảng hơn 1km mới tới nơi.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm yên bình giữa một đầm sen rộng đang tỏa hương thơm ngát. Anh em làm công tác bảo tồn ở đây ai cũng niềm nở, sẵn sàng đưa chúng tôi đi thăm thú vùng sinh thái đất ngập nước vốn được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười thu nhỏ” này.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có phần lớn diện tích thuộc hai xã Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Sen là “điểm nhấn” trong vẻ đẹp của Láng Sen. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim quý. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Khung cảnh bình yên trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Vẻ đẹp nên thơ trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Tiêu bản các loài sinh vật trưng bày trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Du khách lưu trú bằng lều trong dịp khám phá Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Anh Trương Thanh Sơn cho biết, Láng Sen được thành lập năm 2004 với tổng diện tích tự nhiên hơn 5.030ha, trong đó phần lớn diện tích thuộc hai xã Vĩnh Lợi và Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Láng Sen chính là cái tên thứ 7 của Việt Nam được công nhận là khu Ramsar của thế giới (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế hiện nay - PV) vào tháng 11/2015.
Sau đó, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã thành lập phòng Du lịch nhằm xúc tiến các hoạt động thu hút du khách từ khắp nơi về với vùng đất độc đáo này, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Long An.
Mới 5 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Cuộc, cán bộ phòng Du lịch của Láng Sen đã gọi chúng tôi dậy để đi xem các loài chim di trú về Láng Sen vì “thời điểm này chúng tập hợp rất đông.”
Anh dùng xe máy để chở chúng tôi đi xuyên những con đường nhỏ hai bên trồng tràm, xung quanh là những cánh đồng ngập nước với các loài thực vật đặc trưng.
Hình ảnh hàng nghìn con chim bay lên trong khung cảnh mênh mông trời nước thật ngoạn mục và thoảng nghe mùi ngai ngái từ cỏ cây buổi sớm trong thời điểm này thực sự là trải nghiệm khó quên cho bất kỳ ai đến với Láng Sen.
Anh Cuộc còn chở chúng tôi bằng tắc ráng đi thăm những đầm sen ở phía sâu trong Láng Sen. Ở đó, mặt trời đã lên cao, từng đàn cò thìa, giang sen hay le le, bói cá... lúc này vẫn đang cần mẫn kiếm ăn.
Anh Cuộc cho biết Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen hiện đang lưu giữ và bảo tồn 50ha sen và 40ha lúa trời cùng một số loài sinh vật đã được phục hồi … Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống.
Từ lâu, nhắc đến Đồng Tháp Mười là nhắc đến một vùng giàu tài nguyên, sản vật của miệt sông nước Nam Bộ, nhất là mỗi dịp mùa nước nổi về, người ta thường nghĩ ngay đến tỉnh Đồng Tháp, hoặc không thì An Giang chứ thường ít ai nghĩ đến Long An.
Nhưng thực tế thì vùng trũng nhất, mang đặc trưng nhất với nhiều sản vật nhất của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi lại chính là Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm phần lớn diện tích ở Long An.
Chỉ dẫn địa lý này sẽ giúp du khách biết đến và tìm về Long An nhiều hơn, để trải nghiệm và khám phá một vùng cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, vốn từ lâu đã chứa đựng và lưu giữ những giá trị văn hóa-du lịch độc đáo của vùng Đồng Tháp Mười giàu sản vật mà “điểm nhấn” là Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là nơi trú ngụ của 156 loài thực vật hoang dã, 142 loài chim quý cùng 86 loài cá, lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác.
Trong số đó, có 24 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn như: ngan cánh trắng, cú lợn lưng nâu, chích chòe lửa, cò thìa, cò quắm, công đất, giang sen, diệc, trích, dồng dộc, le le, vịt trời, bói cá...