quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và hoạt động du lịch sinh thái

Thứ Năm, 31/03/2016 | 09:49:00 AM

Rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong 20 địa điểm được chọn để xây dựng khu du lịch quốc gia. Nhiều năm qua, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được đầu tư tái tạo không chỉ để làm chức năng lá phổi xanh cho thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là khu du lịch quy mô lớn với nhiều loại hình phong phú hấp dẫn.

Trần Viết Mỹ,  Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp TP. Hồ Chí Minh  


1. Thực trạng rừng ngập mặn Cần Giờ

Rừng ngập mặn Cần Giờ được xem là tài nguyên phong phú và có giá trị cao của TP. Hồ chí Minh. Năm 1911, người Pháp đã dành 4.000 ha rừng xem như là rừng phòng hộ với mục đích cải thiện khí hậu cho nội thành Sài Gòn, và 500 ha rừng quanh các làng ven biển để bảo vệ chống xói mòn, gió bão. Phần còn lại được coi là rừng dự trữ cung cấp gỗ, củi cho Sài Gòn. Cho đến thập niên 60 thế kỷ 20 rừng nguyên sinh Cần Giờ không còn nữa, thay vào đó là rừng thứ sinh. Nguyên nhân mất rừng là do tác động của con người như chặt phá bừa bãi, làm củi, đốt than…Và nhất là, do chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong những nam 1964 đến 1970, đặc biệt việc Mỹ rải chất độc hóa học xuống khu rừng ngập mặn Cần Giờ đã làm cho hệ sinh thái rừng trở nên nghèo kiệt, một số loài cây như chà là, ráng và các loài cây kém giá trị lấn chiếm, phát triển như Cóc kèn, Muống biển, Sam biển… Mất rừng, đất đai bị xói mòn nghiêm trọng, Cần Giờ trở thành các “sa mạc mặn” mênh mông, vắng bóng người và các loài chim thú hoang dã, các loài thủy sản nước lợ cũng không còn nữa.

Sau năm 1975, Cần Giờ thuộc tỉnh Đồng Nai, đến năm 1978 mới chuyển trực thuộc TP. Hồ Chí Minh. Sau hơn 30 năm gây trồng, khôi phục và quản lý bảo vệ, đến nay rừng ngập mặn Cần Giờ đã có gần 35.000 ha, chiếm 50% diện tích tự nhiên toàn huyện.

Sự phục hồi và phát triển tốt của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã biến vùng đất hoang hóa, trơ trụi bị hủy diệt năm xưa trở thành những cánh rừng xanh tươi bạt ngàn, cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho các loài sinh vật sinh sôi, phát triển. Hệ sinh thái rừng Cần Giờ có 700 loài động vật thủy sinh, 137 loài cá, hơn 40 loài động vật có xương sống, khoảng 130 loài chim đang sinh sống. Nhiều loài chim thú quý trở lại và tăng đàn rất nhanh. Tại tiểu khu 21 có đàn khỉ đuôi dài trên 1.000 con, tại tiểu khu 15 đàn dơi nghệ khoảng 500 con, và sân chim Vàm Sát( Lý Nhơn) có khoảng 2.000 con thuộc 26 loài. Heo rừng, mèo rừng, chồn, rái cá, trăn, rắn và nhiều loài thú khác có mặt khắp các gò đất cao trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Về thực vật, so với các nước Đông Nam Á, hầu hết các loài thực vật chủ yếu của rừng ngập mặn đều có mặt ở rừng Cần Giờ. Phạm Văn Ngọt và cộng sự (2007) ghi nhận rừng ngập mặn Cần Giờ có 220 loài thực vật bậc cao với 155 chi, thuộc 60 họ; trong đó, các họ có nhiều loài nhất gồm: họ Cúc (Asteraceae) 8 loài, họ thầu dầu (Euphorbiaceae) 9 loài, họ Đước (Rhizophoraceae) 13 loài, họ Cói (Cyperaceae) 20 loài, họ Hòa thảo (Poaceae) 20 loài, họ Đậu (Fabaceae) 29 loài. Số lượng loài, họ thực vật có khác nhau qua một số công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, cụ thể Nguyễn Bội Quỳnh (1997) xác định rừng Cần Giờ có 188 loài thực vật; trong đó, có 31 loài ngập mặn chủ yếu, 36 loài tham gia rừng ngập mặn, 127 loài nhập cư gặp ở nơi đất cao không ngập triều hoặc ít ngập, ven đường hay trồng ở nhà dân. Hoặc, theo Viên Ngọc Nam và cộng sự (1993), Cần Giờ có 35 loài cây ngập mặn thực sự thuộc 17 họ, 29 loài chịu mặn thuộc 20 họ, 53 loài cây gia nhập và đất cao thuộc 33 họ. Nguyễn Thị Nữ Trinh (2007) cho biết, tiểu khu 1 có 21 loài thuộc 12 họ, theo phân tích định lượng, cao nhất là Ô rô( hoa tím ), kế đến Mắm đen, Dà quánh, Đước đôi… Tiểu khu 2, có 23 loài thuộc 13 họ, xếp thứ tự cao nhất là Ô rô (hoa tím), Dà quánh, Đước đôi, Mắm đen, Mắm trắng. Tiểu khu 3, có 23 loài, thuộc 15 họ; trong đó Dà quánh có chỉ số quan trọng cao nhất, kế đến Ô rô, Đước đôi, Chà là biển và Mắm trắng. Tiểu khu 9, có 17 loài, thuộc 11 họ; thứ tự quan trọng lần lượt là Ô rô (hoa tím), Giá, Dà quánh, Mắm đen, Mắm trắng và Đước đôi. Tiểu khu 16, có 21 loài thuộc 12 họ; trong đó Đước đôi có chỉ số quan trọng cao nhất, kế đến là Mắm trắng, Ô rô, Dà quánh, Bần trắng và Giá. Trong 5 tiểu khu nói trên và toàn thể rừng ngập mặn Cần Giờ có 3 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (1996) là Đước đôi (Rhizophora apiculata), Quao nước (Dolichandrone spathacea) và Cóc đỏ (Luminitzera littorea). Một số loài mới được phát hiện trong vài năm gần đây như là Ráng đại thanh (A.speciosum), Đước lai (Rhizophora & Lamarckii) và Cóc đỏ (Lumnitzera littorea). So với hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các địa phương khác của Việt Nam, hoặc so với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thailand, Malaysia, Philippine, Singapore, Campuchia… thì số lượng loài ở Cần Giờ tương đương hay nhiều hơn. Điều này cho thấy, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, trong đó có hệ thực vật sau hơn 30 năm khôi phục và phát triển không những đạt về diện tích, mà còn phong phú hơn về chủng loài so với thời kỳ trước chiến tranh.

Tháng 01 năm 2000, nhờ kết quả tốt đẹp của việc khôi phục, chăm sóc, bảo vệ; rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, gia nhập vào hệ thống các khu dự trữ sinh quyển toàn cầu.

Từ khi rừng được phục hồi, sản lượng thủy sản khai thác được ngày càng tăng, trong đó nghề nuôi nghêu, sò, tôm sú phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương, phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống cho cư dân bản địa.

Rừng có tác động rõ rệt đến khí hậu trong vùng, làm cho khí hậu trở nên mát mẽ hơn, và mức chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm ít hơn. Trên thế giới có rất nhiều thí dụ điển hình về việc mất rừng, kể cả rừng ngập mặn, kéo theo sự thay đổi khí hậu. Sau khi thảm thực vật không còn, cường độ bốc hơi nước tăng cao dẫn đến độ mặn nước và đất tăng, mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng, có tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp; tốc độ gió tăng lên đột ngột, gió to gây ra sóng lớn làm xói lở bờ sông, bờ biển mà việc gia cố bờ sông hoặc di dời khu dân cư tốn rất nhiều tiền của xã hội, gây bất an cho đời sống người dân. Vì bị mất rừng mà ở vùng núi thường xảy ra thảm họa lũ quét; ở đồng bằng thì lũ lụt, sạt lở bờ sông có khi mất cả một khu dân cư lâu đời thật đáng tiếc.

So sánh tại Cần Giờ trong khoảng 30 năm qua cho thấy, có sự thay đổi rất khác biệt về môi trường khí hậu theo chiều hướng thuận lợi cho đời sống và sản xuất. Rừng Cần Giờ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố Hồ Chí Minh, có tác dụng hấp thụ khí độc hại thải ra từ sản xuất công nghiệp và giao thông, đồng thời trả lại cho môi trường khí oxy cần thiết cho quá trình sống của con người, giữ hơi ẩm cho nội thành qua hệ thống gió thổi từ biển Đông vào, lọc nước thải từ các quận nội thành đổ về, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Bên cạnh đó, với ưu thế của một vùng sông nước, phong cảnh hữu tình, hệ động thực vật đa dạng, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đang dần dần hình thành khu du lịch sinh thái độc đáo và đầy tiềm năng không những của T.P Hồ Chí Minh mà là cả nước.

150917_Rungngapman

2. Du lịch Sinh thái

Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch khá đặc trưng, gắn với cảnh quan môi trường, sử dụng tài nguyên nhưng phải đảm bảo tính bền vững. Đây là loại hình du lịch mà đối tượng được chọn lọc, lợi ích kinh tế không phải là mục tiêu cuối cùng.

Rừng ngập mặn Cần Giờ là một trong 20 địa điểm được chọn để xây dựng khu du lịch quốc gia. Nhiều năm qua, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được đầu tư tái tạo không chỉ để làm chức năng lá phổi xanh cho thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là khu du lịch quy mô lớn với nhiều loại hình phong phú hấp dẫn. Hệ thống cầu-đường nối liền trung tâm thành phố với Cần Giờ đã được hoàn thiện. Từ cuối năm 1999, được sự hỗ trợ của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Lâm Viên Cần Giờ, nay là công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ, đã từng bước hoàn thiện hệ thống kênh mương giữ nước, tạo ra hệ thống giao thông thủy nội bộ phục vụ khách tham quan; xây dựng các nhà hàng ăn uống, hệ thống khu nhà nghỉ do Tổ chức Rừng ngập mặn Nhật Bản tài trợ; phục chế lại mô hình căn cứ cách mạng rừng Sác; sữa chữa lại Nhà bảo tàng, xây dựng bãi cắm trại, hệ thống đường-cầu trong rừng.

Bước đầu, Công ty Du lịch sinh thái Cần Giờ đã hình thành một số loại hình dịch vụ để phục vụ khách tham quan như đi thuyền, lướt ván len lỏi giữa các kênh rạch, ngắm vẻ đẹp đặc trưng của rừng ngập mặn; tham quan căn cứ rừng Sác, thưởng thức các món ăn đặc sản rừng Sác; cắm trại và sinh hoạt dã ngoại trong rừng ngập mặn; tham quan nhà bảo tàng Cần Giờ; tắm biển ở khu bãi biển với cảnh quan thoáng mát, không khí trong lành, nhìn ra biển Đông.

Hiện nay, Ban quản lý khu du lịch Cần Giờ đang tiến hành dự án bảo tồn, khôi phục loài cá sấu nước lợ Cần Giờ với sự tài trợ của GEF (Global Environment Facilities), UNDP. Nhật Bản bắt đầu đầu tư xây dựng ở đây một Trung tâm giáo dục và phát triển vùng sinh thái rừng ngập mặn để hàng năm đưa sinh viên của họ đến đây thực tập dã ngoại . Để khơi dậy hơn nữa tiềm năng du lịch của rừng ngập mặn Cần Giờ, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái Cần Giờ đến năm 2010”. Theo đề án này, huyện Cần Giờ được quy hoạch phát triển thành 3 phân khu chức năng du lịch sinh thái gồm khu du lịch sinh thái biển, khu sinh thái rừng và khu sinh thái nông nghiệp. Trong đó, các khu vực tập trung phát triển du lịch sinh thái là khu lâm viên Cần Giờ (2.200 ha), khu du lịch Vàm Sát (1.800 ha), khu du lịch Rừng Sác (250 ha)…

Hoạt động du lịch sinh thái tại Cần Giờ bắt đầu từ năm 1995, tăng trưởng nhanh chóng từ năm 1997 cho đến nay. Năm 2008, ước lượng du khách đến Cần Giờ đạt trên 600.000 lượt người. Năm 2010, ước đạt 800.000 lượt người.Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng du khách từ 10 – 15% hàng năm. Bộ mặt du lịch sinh thái Cần Giờ ngày càng thay đổi rõ rệt từ cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, điện, thông tin liên lạc, cơ sở lưu trú, các loại hình dịch vụ … đến thượng tầng kiến trúc như nhận thức về văn hoá du lịch trong cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao, các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch đều được quan tâm ngăn chận và xử lý triệt để. Tuy nhiên, để phát triển du lịch sinh thái đúng mục tiêu tại Cần Giờ, cần phải biết khai thác tốt về lợi thế tài nguyên có được và luôn quan tâm giữ gìn, phát triển các tài nguyên hiện có.

Như vậy, các hoạt động du lịch sinh thái mới có điều kiện phát triển mạnh và thông qua việc phát triển các hoạt động du lịch sinh thái sẽ góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên rừng hiện có. Ngoài ra, cần gắn chặt quyền lợi của cộng đồng dân cư bản địa vào các hoạt động du lịch nhằm nâng cao đời sống và nhận thức của cư dân địa phương trong việc phát triển tài nguyên sinh thái nhân văn. Đây là điều không thể thiếu trong việc phát triển du lịch sinh thái tại Cần Giờ. Các công ty kinh doanh loại hình du lịch này cũng cần nhận thức đầy đủ về bản chất của lọai hình hoạt động du lịch này. Những ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động này cần quan tâm, đó là: Hoạt động du lịch sinh thái nếu không quản lý tốt sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên và sẽ làm cho tài nguyên ngày càng suy kiệt, phá vỡ cân bằng sinh thái tự nhiên; ảnh hưởng đến những giá trị văn hoá bản địa làm mất tính đặc thù bản sắc văn hoá địa phương và đem lại những xu hướng văn hoá, thương mại xấu; phân hoá trong cộng đồng dân cư địa phương về điều kiện sống,thu nhập gây ảnh hưởng đến không gian sống và làm phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TP.Hồ Chí Minh, 2006. khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái RNM Cần Giờ TP.Hồ Chí Minh (1978-2000). Nhà xuất bản Nông nghiệp.
2. Trần Viết Mỹ, 1997. Nghiên cứu xác định một số cây trồng lâm nghiệp phù hợp với yêu cầu phòng hộ và kinh tế cho dạng đất cao, ít ngập triều vùng cửa sông ven biển huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ khoa học Nông nghiệp.
3. Nguyễn Thị Nữ Trinh, 2007. Định lượng và so sánh tính đa dạng sinh học thực vật rừng ngập mặn của một số tiểu khu thuộc rừng phòng hộ Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh. Luận văn Thạc sĩ khoa học Nông nghiệp.

Lượt xem: 5546

Các tin khác

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

Bình Thuận: “Lá phổi xanh” trong lòng thị trấn

(23/02/2024 07:14:AM)

Về Đồng Tháp ngắm “Bình minh Tràm Chim”

(19/02/2024 05:49:AM)

Bình Phước: Vườn quốc gia Bù Gia Mập và ước mơ… xanh!

(19/02/2024 05:46:AM)

Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, bền vững

(19/02/2024 05:44:AM)

Quảng Ngãi: Du Xuân khám phá rừng dừa nước Tịnh Khê

(16/02/2024 06:58:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE