Đây là hoạt động phản biện rất quan trọng của Hội, nhằm xây dựng khung pháp lý, góp phần tích cực cho công cuộc phát triển của đất nước, nên đã thu hút đông đảo các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường Đại học trong cả nước và các tổ chức xã hội tham gia .
GSTS Lê Thạc Cán, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững khẳng định: Luật BVMT sửa đổi phải xác lập rõ và cụ thể về tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường. Còn PGSTS. Nguyễn Đình Hòe lại cho rằng: Khái niệm “cộng đồng” cũng như thuật ngữ này được sử dụng trong Luật BVMT ban hành năm 2005 chưa đúng và không nhất quán. Thêm vào đó, việc không xác định rõ nội hàm Cộng đồng cũng như mô hình quản lý môi trường 2 cực (chỉ gồm mối quan hệ một chiều) từ trên xuống, khiến cho Luật không phù hợp với các mô hình “Đồng quản lý” hay “Tự quản lý” của nền kinh tế Thị trường.
TS Nguyễn Văn Phương, Đại học Luật Hà Nội cho biết thêm: vai trò và quyền lợi của cộng đồng cũng đã được đề cập rải rác trong Luật BVMT đã ban hành, nhưng không có cơ chế để người dân được tiếp cận thông tin. Từ trước tới nay, các cuộc đối thoại giải quyết mâu thuẫn do sự cố môi trường hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan của nhà nước và người dân thường phải cam chịu. Vì thế, việc xác lập quyền phản ứng của người dân trong Luật là cần thiết (kể cả quyền tẩy chay hàng hóa) đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Đáng lưu ý: những quy định trong Luật BVMT ban hành năm 2005 và các văn bản dưới luật ngày càng thu hẹp vai trò và quyền lợi của người dân.
Tán thành với ý kiến trên, PGS Lê Trong Thuận và TS. Nguyễn Thị Hương, Phó Viên trưởng viện Tài nguyên và Phát triển cộng đồng cho rằng, hiệu lực tham vấn cộng đồng rất thấp. Vì chưa có những quy định, cũng như chế tài bắt buộc để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội cũng như người dân.
Cùng đồng thuận với những ý kiến trên, GS Hà Chu Chử, Viên trưởng viện Kinh tế Sinh Thái; GS, TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, PGS.TS Lê Bắc Huỳnh đều cho rằng: trong Luật BVMT cần phải xác lập tư cách pháp nhân cho cộng đồng, để họ phát huy tốt hơn vai trò của mình trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát môi trường. GSTSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam còn cho rằng, Luật BVMT ban hành năm 2005 đã “quên” BVMT không khí và đất . Dù đó là hai trong 3 thành phần cơ bản của môi trường tự nhiên. Vì thế, Luật BVMT sửa đổi phải được bổ sung thêm một Chương về BVMT không khí.
Tại Hội thảo này còn có hàng loạt các ý kiến khác của đại diện Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quỹ Châu Á, Đại học Huế, Hội BVTN&MT Thanh Hóa, Viện Tài nguyên nước và Môi trương Đông Nam Á…cũng kiến nghị bổ sung, hoàn thiện về pháp lý, nhằm tạo sự bình đẳng về Luật pháp đối với cộng đồng trong Luật BVMT sửa đổi xắp tới./.
Văn phòng VACNE