Từ xưa đến nay, ở Sa Đéc, nhà nào làm bột gạo đều tận dụng bột cặn nuôi heo, cứ càng làm nhiều bột thì đàn heo cứ tăng lên. Điều đáng quan tâm là diện tích đất đai mỗi hộ gia đình làm nghề bột gạo đều có giới hạn, khi làm bột nhiều, nuôi heo nhiều đã không tránh khỏi tình trạng khu vực làm bột, phơi bột ở sát bên chuồng trại nuôi heo, nước thải, chất thải không có chỗ chứa, đã được tống thẳng ra kênh rạch.
Một trong những nơi làm ra bột và những sản phẩm từ bột danh tiếng nhất vùng từ lâu, đó là Sa Đéc. Phơi bột – Ảnh Khắc Hiếu
Người dân làng nghề đã cảm nhận được nạn ô nhiễm môi trường đang dần ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình mình, họ lo lắng nhưng không thể bỏ nghề vì lâu nay đã đem lại thu nhập khá ổn định. Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp cho biết nước thải chế biến bột, nước thải chăn nuôi có mức độ ô nhiễm gấp hàng chục lần tiêu chuẩn cho phép, hệ thống kênh mương bị tắc nghẽn, dòng chảy bị chặn đứng gây mùi hôi thối nặng.
Ngày 12/7, nghe nói hội thảo “Làng bột Sa Đéc – những tác động của môi trường và định hướng phát triển bền vững” do Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp và UBND thành phố Sa Đéc tổ chức, bàn việc giải quyết ô nhiễm môi trường của làng sản xuất bột, các hộ làm nghề đã thu xếp thời gian để dự.
Thế nhưng, các hộ làng nghề thất vọng khi chủ đề chính không được bàn đến nơi đến chốn. Thật lạ là UBND thành phố Sa Đéc lại đưa ra giải pháp đầu tiên cho việc định hướng phát triển bền vững làng nghề là tổ chức cho khách du lịch tham quan, mà không phải là giải quyết ô nhiễm môi trường.
Ông Trương Hoàng Phương, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Exotic, phụ trách nghiên cứu sản phẩm du lịch mới của Hiệp hội Du lịch TP.HCM phản bác ngay: “Chúng tôi có thể nói ngay là làng bột Sa Đéc không thể trở thành sản phẩm du lịch vì sẽ gây phản cảm về tình trạng vệ sinh và an toàn thực phẩm từ mùi hôi thối của làng nghề”.
Đây không phải là lần đầu tiên Sa Đéc đặt vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường của một làng nghề có tuổi đời cả trăm năm và vẫn còn cung cấp cho thị trường khoảng 60-70 tấn bột mỗi ngày.
Năm 2005, Sa Đéc đưa ra đề án “Nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất bột ở thị xã Sa Đéc đến năm 2010”, nhưng đến năm 2010 thì đề án vẫn chưa được triển khai.
Đến tháng 5/2012, Sở Công thương tỉnh và chính quyền Sa Đéc đã tổ chức tọa đàm “Nâng cao giá trị sản phẩm làng bột Sa Đéc”. Từ quan chức đến các nhà kinh doanh, các chuyên gia tiếp thị chỉ chú tâm bàn về chuyện làm thế nào để bột gạo Sa Đéc bán được giá, xây dựng thương hiệu cho bột gạo Sa Đéc, kể cả tính chuyện viết câu chuyện kể về làng nghề để việc tiếp thị dễ đi vào lòng người.
Còn đến nay chuyện làng bột Sa Đéc vẫn là một trong hai “điểm nóng” nhất về ô nhiễm môi trường ở Đồng Tháp thì vẫn không được đề cập giải quyết rốt ráo. Những hộ dân đến tham dự tọa đàm lần này thì tiếp tục thất vọng. Bởi hơn ai hết, họ biết khi chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường thì hình ảnh làng nghề không có gì hay ho để xây dựng thương hiệu.
Trường Đại học Cần Thơ có đưa ra vài giải pháp mới cho hộ gia đình, cơ sở sản xuất bột gạo – chăn nuôi heo có thể áp dụng để cải thiện môi trường, tăng chất lượng bột gạo, nhưng từng hộ dân làm sao có thể liên hệ để được chuyển giao giải pháp. Người dân chờ nghe tỉnh quyết chừng nào đưa các giải pháp đó về cho dân làng bột áp dụng, tiếc thay câu trả lời chưa có.
Trong khi đó, người ta cứ huyên thuyên về làm du lịch, lại có vị say sưa trình bày việc “Vận dụng nghệ thuật marketing thế giới” vào quảng bá làng nghề. Tương tự, dự án “Xử lý chất thải, nước thải cải thiện môi trường làng nghề sản xuất bột – chăn nuôi ở xã Tân Phú Đông” mà tỉnh đã phê duyệt với vốn đầu tư trên 35 tỉ đồng được hứa hẹn sẽ hoàn thành trong năm nay, không biết có được hiện thực hóa!
Theo DNSGCT