Anh Manichanh, trưởng ban kinh tế thời báo Viên Chăn thì kể rằng đã cùng các bạn qua cửa khẩu cầu treo Hà Tĩnh sang Cửa Lò chỉ để được tắm biển một lần. Lào không có biển, ta đã cho bạn thuê một phần cảng Đà Nẵng để thông thương với thế giới.
Tôi nâng bàn tay anh bạn Pu Tan lên ngắm. Lòng bàn tay anh trắng bệch, nhưng mu bàn tay đen nhẻm. Anh buộc chỉ cổ tay, với ý nghĩa là lời cầu chúc may mắn. Anh bảo cái này Chúa buộc cho, cái này Phật buộc cho, còn cái này bạn buộc cho.
Dây vòng vàng đeo tay là bằng tiền lương tháng đầu tiên. Dây vòng vàng đeo cổ để đeo tên dòng họ. Anh tên là TSHERING WANGDI, 25 tuổi, làm nghề quay phim cho tổ chức truyền thông TARAYANA FOVNDATTON, tên một vị nữ Chúa.
Tôi kể, xưa Việt Nam cũng có tục buộc chỉ cổ tay, nhưng là để trai gái nhắc nhở nhau giữ lời hẹn ước. Tôi cũng đã từng được bà con một bản người Lào hì hục cả buổi chiều làm bánh nếp và trang trí mâm hoa bốn tầng dùng trong lễ buộc chỉ cổ tay cho tôi.
Câu chuyện thân mật như quen biết từ lâu. Anh bạn Myanma ngồi bên làm tôi nhớ đến một người Diến Điện (sau gọi là Miến Điện, giờ là Myanma) từng là Tổng thư ký Liên Hợp quốc. Đấy là người châu Á đầu tiên giữ cương vị ấy. Mấy chục năm sau, giờ đến ông Bankimoon (Hàn Quốc) là người thứ hai.
Anh bạn trẻ bảo có nghe nói như thế, nhưng không nhớ tên. Tôi nhắc, đấy là ông Uthan và hỏi, sao ông ấy mặc váy mà anh không mặc như anh bạn Pu Tan này? Anh bảo có mang đi, nhưng vào một dịp nào đấy trang trọng mới mặc.
Nhờ không khí thân mật nên tôi đánh bạo hỏi, đàn ông Scotlen cũng mặc váy ngắn, tôi nghe, có tờ báo nói ở trong họ không mặc gì… Thế… các anh có mặc gì bên trong không? Mấy cô Việt Nam đỏ mặt.
Tôi phải ép mới dịch, anh ấy bảo có khi có, có khi không. – Khi nào có khi nào không? Cả đám phá lên cười. Không biết anh trả lời thế nào, mấy cô thà chết chứ nhất định không chịu dịch.
Thế đấy, chỉ nói chuyện ăn, chuyện mặc cũng thấy tính nhân loại của mỗi dân tộc. Ai chả phải đưa thức ăn vào miệng. Tôi với các bạn Trung Quốc kia thì dùng đũa. Các bạn Lào (khi ăn xôi), Ấn Độ này thì dùng tay. Có sao đâu. Vẫn cứ sống tốt.
Để che phần dưới cơ thể, chỉ có mấy sự lựa chọn, quần một ống (váy) và quần hai ống hoặc chùm kín mít từ đầu đến chân, chỉ để hở đôi mắt như chị phụ nữ theo đạo Hồi cũng đến đây dự một cuộc hội thảo quốc tế đang ngồi kia.
Bây giờ hầu hết các nước đều đồng thời dùng cả hai hình thức trên. Tính nhân loại vẫn là mẫu số chung của loài người. Sự khác biệt chỉ là tử số rất nhỏ, thuộc về đặc điểm văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán, v.v…
Nhưng dù khác nhau thế nào cũng vẫn tìm ra tiếng nói chung. Mục đích hoạt động trao đổi của FK chính là mang mọi người đến với nhau, để tìm hiểu nhau, trao đổi, học hỏi nhau đặng cùng nhau phát triển.
Chỉ nhắc tên của các nước nhóm trong khóa học này cũng thấy chúng tôi quan tâm đến chuyện gì: Tín dụng nhỏ, Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Truyền thông về môi trường, Nông nghiệp sạch, Quyền con người, Đối thoại hòa bình.
Trước kia tôi chỉ hiểu khoan dung là rộng lượng, bao dung, tha thứ, kiểu đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Đến khi biết đến định nghĩa của Liên Hợp quốc về Năm quốc tế khoan dung mới biết đến tầm văn hoá rất cao của khái niệm này.
Khoan dung là hãy chấp nhận sự khác nhau của người khác, kể cả tôn giáo, sắc tộc, chính kiến. FK và AIT đang dạy tôi những bài học về sự khoan dung để hội nhập thế giới. Trong một điều tra xã hội ngắn, giảng viên hỏi các TNV, bạn lo sợ nhất điều gì? Không phải chỉ các bạn Ấn Độ vừa phải chịu một trận khủng bố kinh hoàng thế giới ở Mum bai mà nhiều TNV đều trả lời: nạn khủng bố.