Đối với đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển du lịch vừa khai thác được tiềm năng vừa thích ứng được với tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa vùng. Hơn nữa, việc phát triển du lịch còn giúp nông dân có cơ hội tiếp cận phương cách làm ăn mới ngoài sản xuất nông nghiệp.
Mô hình phát triển bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”, nhất là tiềm năng “du lịch xanh” dựa trên yếu tố thiên nhiên và nền văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa lúa nước. Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, các loại hình du lịch của vùng ĐBSCL khá đa dạng và phong phú. Các loại hình du lịch chính của vùng bao gồm: Du lịch sinh thái ở các sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước điển hình; du lịch sông nước gắn với du lịch làng nghề, trải nghiệm cuộc sống người dân; du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo gắn với du lịch thể thao và du lịch gắn với cửa khẩu.
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
|
Trong những loại hình du lịch trên thì du lịch sinh thái được ưu tiên phát triển. Bởi đó là loại hình “du lịch xanh” điển hình, dựa trên lợi thế so sánh của lãnh thổ có diện tích đất ngập nước lớn nhất ở Việt Nam với sự đa dạng về các kiểu sinh cảnh đất ngập nước mà tiêu biểu là sinh cảnh đầm nước nội địa; sinh cảnh rừng ngập mặn và sinh cảnh biển - đảo. Du lịch sinh thái cũng đáp ứng được xu thế “cầu” về du lịch của khu vực và quốc tế, là hướng tiếp cận phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL.
Du lịch miệt vườn cũng được xem là loại hình “du lịch xanh” rất đặc thù của vùng ĐBSCL.
“Việc phát triển du lịch xanh không chỉ có ý nghĩa với ĐBSCL mà còn có ý nghĩa trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Riêng ở ĐBSCL, một trong những nơi đã và đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có ô nhiễm nước, tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc phát triển các sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch xanh nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết.
Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch xác định các định hướng phát triển cho vùng ĐBSCL là du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước), du lịch biển và du lịch văn hóa lễ hội. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn tới cũng xác định phát triển hệ thống khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia tại vùng ĐBSCL gồm: 4 khu du lịch và 7 điểm du lịch quốc gia. Bao gồm: Khu du lịch quốc gia Happyland, khu du lịch quốc gia Thới Sơn, khu du lịch quốc gia Phú Quốc, khu du lịch quốc gia Năm Căn; điểm du lịch quốc gia Láng Sen, điểm du lịch quốc gia Tràm Chim, điểm du lịch quốc gia Núi Sam, điểm du lịch quốc gia Cù lao Ông Hổ, điểm du lịch quốc gia TP.Cần Thơ, điểm du lịch quốc gia TX.Hà Tiên và điểm du lịch quốc gia Lưu niệm Cao Văn Lầu.
Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua du lịch ĐBSCL phát triển rất sôi động với tốc độ phát triển bình quân trên 2 con số. Năm 2014, toàn vùng đã đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 10 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt trên 6.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 2,2 triệu người.
Xu hướng thích ứng
Theo các chuyên gia, các nhà khoa học, phát triển du lịch xanh là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, trong đó Việt Nam cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ. ĐBSCL là vùng ngập nước lớn nhất của Việt Nam với nhiều giá trị về cảnh quan sinh thái và văn hóa bản địa hấp dẫn du lịch. Một trong những ưu tiên phát triển du lịch ở ĐBSCL là phát triển du lịch xanh bởi vì đây là lợi thế so sánh của vùng đồng thời phát triển du lịch xanh sẽ có những đóng góp tích cực và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang được xem là những thách thức đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh của vùng ĐBSCL chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân là nhận thức và hiểu biết về du lịch xanh còn nhiều hạn chế, các chính sách phát triển du lịch xanh chưa đáp ứng so với nhu cầu đặc biệt là sự liên kết giữa các bên có liên quan tham gia phát triển du lịch xanh giữa các địa phương trong vùng còn hạn chế.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để du lịch xanh ĐBSCL phát triển mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành ĐBSCL, Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp các tỉnh thành cần sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, trong đó đề xuất chọn 3 vấn đề đột phá như: Xây dựng cơ chế chính sách điều phối liên kết, tạo nguồn lực vật chất đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo, điều phối và Văn phòng Ban chỉ đạo, điều phối phát triển du lịch ĐBSCL, xúc tiến hình thành Quỹ phát triển du lịch ĐBSCL, kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các cụm du lịch…
Cơ hội cho người nông dân
Phát triển “du lịch xanh” không thể tách rời các dự án phát triển du lịch miệt vườn; du lịch cùng ăn, ở và làm việc với nông dân (homestay)… Điều này không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch cho vùng ĐBSCL nói chung mà nó còn tác động, thay đổi tư duy làm kinh tế của nông dân trong vùng nói riêng. Hay nói cách khác, đây được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều hiệu quả, bởi nó vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giúp người nông dân vùng ĐBSCL xưa nay chỉ chăm chăm làm nông nghiệp thay đổi phương thức sản xuất có hiệu quả hơn, tăng thêm thu nhập hơn; đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo tại địa phương.
Theo ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh An Giang, An Giang là một tỉnh có nền nông nghiệp tổng hợp: làm vườn, ruộng, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều phong cảnh đẹp đặc trưng của miền Tây sông nước… cho nên du lịch xanh homestay là một trong những loại hình du lịch phát triển phù hợp ở An Giang. Hiện tại, tỉnh đã có 8 xã với 82 hộ nông dân tham gia kinh doanh du lịch.
Từ những nông dân chỉ quen việc đồng áng, thông qua các dự án, nhiều người đã mạnh dạn bắt tay làm du lịch trên cơ sở khai thác những điều kiện tự nhiên, xã hội và các tài nguyên du lịch ngay tại địa phương. Ông Phan Văn Hổ, ngụ tại ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã mạnh dạn đầu tư sửa sang nhà cửa, sắm thêm thuyền để đưa khách du lịch tới tham quan cửa sông Vàm Nao, ngắm cảnh sông nước và thưởng thức ẩm thực vào mùa nước nổi. “Nhà tôi chỉ có hơn 2.000 m2 đất trồng mía, mỗi vụ chỉ thu được hơn 10 triệu đồng. Mùa nước nổi chỉ biết đi đánh bắt cá bán. Từ khi làm du lịch, gia đình tôi vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi vừa có thêm thu nhập. Năm 2014, địa điểm Vàm Nao này bắt đầu có khách du lịch, gia đình đã thu được hơn 11 triệu đồng. Hơn nữa, với mô hình du lịch này, người nông dân có thể “xuất khẩu” nông sản của mình tại chỗ với giá cao hơn so với thị trường”, ông Hổ phấn khởi chia sẻ.
Theo Anh Đức - M.T - Minh Trí (Báo Tin Tức)