TT - Đó là thông điệp của diễn đàn “Thanh niên hành động vì môi trường”, diễn ra ngay sau lễ phát động Tháng thanh niên ở TP.HCM. Trên 100 bạn trẻ là sinh viên, học sinh, công chức trẻ tham dự diễn đàn.
|
Đoàn viên Quận đoàn 5, TP.HCM phát túi giấy đựng thực phẩm cho tiểu thương chợ An Đông sau lễ ra quân Tháng thanh niên - Ảnh: MINH ĐỨC
|
Bạn Quốc Bảo - sinh viên khoa môi trường, ĐH Bách khoa TP.HCM - làm nóng diễn đàn khi đặt câu hỏi: “Bạn nào thấy nhiệt độ của phòng lạnh hơn so với nhu cầu của bạn?”. Khoảng 1/3 số cánh tay đưa lên và Bảo nói: tại các buổi hội họp, nhiệt độ phòng thường mở khoảng 22-23OC, trong khi nhiệt độ vừa đủ theo các chuyên gia năng lượng là 26-27OC. Không chỉ vậy, Bảo còn chỉ ra bất hợp lý ngay chính tại căn phòng diễn đàn là dùng đèn điện quá nhiều, trong khi có thể mở các rèm cửa sổ để nhận ánh sáng từ bên ngoài.
Ngay lập tức, ban tổ chức điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh, mở tung các rèm cửa sổ và tắt bớt điện.
Hành động đơn giản, tác động tức thì
Quốc Bảo nêu ý kiến: hành động của mỗi người trẻ đơn giản là mở điều hòa vừa phải, vừa tiết kiệm tiền, vừa sử dụng năng lượng hiệu quả, có ích cho môi trường.
Bảo còn đề xuất ý tưởng trước mỗi văn phòng Đoàn trường, quận, huyện, cơ quan nên có những thùng rác mang tên “Thùng rác ngày mai”, dán các hình ảnh “chai, vỏ hộp, túi nilông” để mọi người bỏ đúng loại rác; từ đó bán ve chai, tạo quỹ Đoàn, tổ chức lễ hội cho thanh niên. Bạn trẻ sẽ thấy: hành động đơn giản mà tác động tức thì, không chỉ mang tới một sản phẩm cụ thể (ngày hội cho chính họ) mà còn ảnh hưởng tốt tới môi trường sống.
Đông đảo bạn trẻ đưa tay nêu ý kiến đề xuất những hành động thiết thực của thanh niên. Ngọc Điệp, ĐH Khoa học tự nhiên, góp ý: mỗi người chỉ cần về thực hiện tại gia đình mình những việc đơn giản như: chọn bồn vệ sinh có thể sử dụng dung lượng nước theo nhu cầu; mỗi lần nấu ăn, sử dụng gas không đứt quãng (không bật, tắt liên tục) sẽ tiết kiệm hơn; hứng nước vào thau rửa thực phẩm đỡ tốn nước hơn rửa xả từ vòi.
Bạn Dương, đến từ Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường, đề xuất Thành đoàn TP.HCM nên thực hiện các tuyến đường thanh niên. Học sinh, sinh viên có trường học nằm trên tuyến đường sẽ tuyên truyền ý thức bảo vệ cảnh quan khi dọn dẹp sạch sẽ con đường, trồng và chăm sóc cây xanh...
Bạn Giang ở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mang đến diễn đàn hai câu chuyện. Một là đến các ngã tư, khi dừng đèn đỏ, bạn từ chối nhận các tờ rơi phát cho từng chủ nhân chạy xe. Hai là khi mua hàng hóa, bạn từ chối nhận túi nilông. Giang kể và không bình luận về hai câu chuyện.
Kết nối để hành động
Đại sứ môi trường Bayer 2009, bạn Lê Thái Sơn, đặt vấn đề với diễn đàn: thấy một quả bong bóng hay một vỏ chai nước trên đường phố, liệu chúng ta có lượm nó cho vào thùng rác? Bạn cho rằng điều đó thật khó khi hiện tượng biến đổi khí hậu, những tác động tiêu cực của việc phá hoại môi trường ảnh hưởng tới cuộc sống chưa được tuyên truyền đúng mực nên ý thức bảo vệ môi trường chưa phải là thói quen của mỗi người dân VN.
TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng để xây dựng ý thức vì môi trường phải là một chương trình dài hơi chứ không phải nói rồi không làm, hay hành động dừng lại chỉ trong một tháng thanh niên. TS Sơn đưa ra nhiều đề xuất: Đoàn nên phát động phong trào đi xe đạp đến công sở; công trình “mỗi chi đoàn một mảng xanh”; mô hình “đi chung xe tới trường”...
Bạn Lý Trung Trí Dũng, đại diện Đoàn Trường ĐH Bách khoa, mang đến diễn đàn một phần mềm độc đáo: “Sơ đồ hóa điểm đen môi trường thành phố”. Theo đó, sản phẩm ngoài cung cấp những dữ liệu về hành chính sông hồ, giao thông, tiêu chí chất thải rắn, nước..., còn là phần mềm cập nhật những điểm ô nhiễm môi trường (rác, nước, không khí...), có minh họa hình ảnh, đánh giá mức độ ô nhiễm. Các cơ sở Đoàn hoặc đơn vị có thể dựa vào những thông tin này để tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Phần mềm có công cụ đánh giá trở lại hiệu quả của những hoạt động, mang tới màu xanh hay vẫn là điểm đen.
Từ công trình thú vị này, tại diễn đàn, Thành đoàn quyết định thành lập đội hình thanh niên hành động vì môi trường gồm 15 bạn. Việc trước mắt là xây dựng, quản lý trang web về môi trường (sẽ hoàn thành trong Tháng thanh niên 2010, trước 28-3), tạo nên diễn đàn môi trường để kết nối các bạn trẻ cùng nhau hành động.
Kết nối chính là mong muốn của các bạn tới diễn đàn như ý kiến của Thái Sơn: hiện có rất nhiều câu lạc bộ, đội nhóm hoạt động vì môi trường nhưng còn rời rạc, riêng lẻ. Sơn nói: “Nên chăng Thành đoàn làm cầu nối để liên kết nhiều nhóm với nhau tạo nhiều chương trình có sức lan tỏa lớn hơn”.
Đề cập những vấn đề nóng bỏng nhất về môi trường, PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn, hiệu trưởng Trường cao đẳng Tài nguyên - môi trường, nhận định biến đổi khí hậu hiện nay đã hiển hiện trong cuộc sống một cách rõ rệt: mùa đông ngắn lại, hạn hán, mưa lũ thất thường không theo quy luật, Trái đất nóng lên, ô nhiễm nước, không khí, chất thải rắn ngày càng trầm trọng... TS Tuấn nhấn mạnh: Không chần chừ gì nữa, đây là lúc mỗi cá nhân phải chung tay và trên hết chính là hành động của những người trẻ tuổi.
ĐẶNG TƯƠI
(Tuổi Trẻ, 1/3/2010)