Tại Hội nghị trực tuyến "Kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương,” kinh nghiệm về kết nối cộng đồng bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển của Việt Nam đã được đưa ra giới thiệu và được giới khoa học, học giả và các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc gia trong và ngoài nước quan tâm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Hội nghị được Trung tâm Thông tin Phát triển Việt Nam (VDIC) tổ chức ngày 4/4, tại Hà Nội, với sự tham dự của các nhà khoa học, học giả và các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Philippines…
Đại biểu Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm kết nối cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển bằng sáng kiến cấp giấy chứng nhận cho người dân nông dân tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình này được thí điểm từ năm 2008.
Các đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận về diễn biến của biến đổi khí hậu và kinh nghiệm quản lý hệ sinh thái đại dương dựa trên phát triển kinh tế cộng đồng; đất đai, nông nghiệp; đề xuất các giải pháp, kế hoạch để cải thiện môi trường sống của con người liên quan đến các vấn đề như bảo vệ nguồn nước, khí hậu, môi trường tại các quốc gia thuộc các nước châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, hội nghị đặt trọng tâm vào các vấn đề của Việt Nam như việc xói mòn bờ biển, sông, kênh; những thay đổi của môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Các đại biểu nhận định, những năm gần đây, các nhà khoa học vừa phải đương đầu với thách thức vừa phải hướng tới phát triển Biển bền vững, vừa phải bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Việc quan trọng là làm thế nào tiếp cận thực tế, nghiên cứu tìm ra các cơ hội phát triển kinh tế biển và ven biển thân thiện với môi trường. Thông qua hội nghị này,Việt Nam đã nhận được những tư vấn về kỹ thuật và tài chính phục vụ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại biểu từ Thái Lan chia sẻ cần thay đổi, nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người. Nhà nước cũng có thể hình thành môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi để nền “kinh tế xanh” có điều kiện phát triển. Theo đó, chúng ta nên đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ năng lượng tái tạo, sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, việc hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; đổi mới quy hoạch sử dụng đất …Ngoài ra, việc dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy định tiêu chuẩn quốc tế cũng là những việc làm cần thiết…
Hậu quả từ việc khai thác, sử dụng quá nhiều năng lượng nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang đặt loài người phải đương đầu với hàng loạt vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học… Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển “kinh tế xanh” đang là hướng tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới./.
Lý Thanh Hương
(TTXVN)