Hai vợ chồng du khách Anna và David đến từ Pháp sử dụng nước tại trạm cấp nước ở lăng Minh Mạng. Ảnh: Báo Văn hóa
Đi đôi với tăng trưởng, ngành du lịch cũng tạo ra áp lực nhất định đối với môi trường, như là rác thải nhựa dùng một lần.
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở Miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (WWF) tài trợ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu chất thải nhựa tại Huế gắn liền với việc tuyên truyền phổ biến Bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa sử dụng một lần.
Các hoạt động cụ thể đã được triển khai: Thành phố Huế đã lắp đặt tại nhiều khu vực công cộng các thùng lưu chứa, phân loại chất thải, rác thải, tạo điều kiện cho người dân và du khách dễ dàng bỏ rác theo phân loại.
Những bức tranh bích họa tại bãi biển Thuận An, điểm check in trong khu “phố Tây” ở thành phố Huế, thu hút nhiều du khách đến chụp ảnh. Với các thông điệp rõ ràng, cùng những hình ảnh sinh động, du khách có thể ghi nhớ, thực hiện những hành động nên, không nên để góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng một thành phố Huế xanh. Đó là cách Dự án mong muốn tạo sự chú ý, thay đổi dần các thói quen sử dụng đồ nhựa của khách du lịch.
Mới đây, bằng việc lắp đặt các trạm tiếp nước uống tại một số điểm tham quan thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, du khách được khuyến khích đem theo bình nước cá nhân để lấy nước uống thay vì mua, sử dụng các chai nước bằng nhựa. Ngay khi vận hành, nhiều du khách đã trải nghiệm, ủng hộ và đánh giá cao mô hình bởi sự tiện lợi, an toàn và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đưa vào hoạt động các trạm xe đạp chia sẻ cộng đồng, vừa cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích cho du khách, vừa góp phần giảm lượng khói bụi tác động đến môi trường, tạo sự gắn kết giữa du khách với không gian xanh của Cố đô Huế.
Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Quản lý Dự án cho biết, thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tuyên truyền phổ biến Bộ quy tắc ứng xử giảm nhựa sử dụng một lần ở các điểm di sản, di tích trên địa bàn để sớm hoàn thành mục tiêu giúp thành phố giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường trong năm 2024 và tiến đến trở thành điểm đến di sản không rác thải nhựa.
Ngành du lịch Thừa Thiên Huế luôn xem chất lượng môi trường là một yếu tố hấp dẫn để thu hút du khách. Chỉ với một hành động nhỏ giảm nhựa, người dân và du khách sẽ góp phần giải quyết các thách thức từ rác thải nhựa, xây dựng điểm đến Huế xanh trong lòng du khách gần xa.
Với định hướng phát triển du lịch xanh, với lợi thế sở hữu di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng,… việc phát triển du lịch xanh của thành phố Huế sẽ tác động tích cực và nâng tầm giá trị ngành du lịch thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Trung tâm Thông tin du lịch