quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Huế mưa

Thứ Ba, 27/03/2012 | 08:58:00 AM

Chúng tôi ra Huế vào những ngày khí hậu áp thấp nhiệt đới; trời cứ mưa suốt. Từ miền Nam nóng bức đến với cái lạnh buôn buốt của những đợt mưa lất phất, bay bay khiến tôi thấy người cứ chống chếnh, quắt queo thế nào ấy.

Nguyễn Ngọc Tuyết



 

May mà anh bạn Huế của tôi hết sức nhiệt tình. Mưa thì mưa, đi chơi vẫn cứ đi. Vậy là thuê thêm một chiếc xe máy của khách sạn, cả bọn bốn đứa lang thang giữa Huế mộng, Huế thơ và Huế mưa! Đây không phải là lần đầu đến Huế nên những lăng tẩm, miếu mạo hay đại nội quen thuộc đều được gạt khỏi chương trình. Với lại, trời mưa bay lất phất thơ mộng thế này thì phải tìm đến chốn nên thơ lãng mạn chứ. Vậy còn gì đẹp bằng những nhà vườn xưa ở Kim Long.

Kim Long có gái mĩ miều,

Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi...

Câu ca Huế từng thuộc thời đi học khiến trong tôi ấn tượng về những phủ đệ, những nhà vườn Kim Long bao giờ cũng đẹp đẽ lãng mạn. Ngang qua Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình, anh bạn giới thiệu thêm về xuất xứ mấy câu hò mái nhì của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị:

Chiều chiều trước bến Văn Lâu

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

Hóa ra câu hát trên nào phải là một câu hát huê tình mà đó còn là tấm lòng yêu nước của một vị vua, mượn cớ vi hành vì người đẹp để lo chuyện nước non và câu hò của nhà thơ vương giả lại rưng rưng tâm sự của người dân mất nước, xót xa vì những mất mát đau thương.

Đứng bên bờ sông Hương, câu hò mái nhì ấy một lần nữa tỏa sáng trong tôi, tỏa sáng cả trên mặt sông đang ướt đẫm trong mưa khiến cơn mưa xứ Huế dường như ấm lại. Và điệu chầu văn vui nhộn của đêm qua dưới thuyền ca Huế như reo vui trong đầu. Không hiểu sao mấy lần xuống đò, bên những khúc Tương tư, Nam ai, Nam bình… tôi vẫn thích tiếng lách cách của mấy chiếc tách va vào nhau, thích cái không khí rộn ràng cùng điệu bộ của mấy nghệ nhân Huế trong điệu ca này.

Ai đó từng nói “Nhà vườn Huế chính là nơi trú ngụ của tâm hồn Huế, là kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị…”. Theo chân anh bạn Huế, tôi đã đến với các nhà vườn Huế để chứng thực ý nghĩa của những nhận xét ấy từ nhà vườn Phú Mộng, Lạc Tịnh Viên đến nhà vườn An Hiên. Ấn tượng nhất, thắm sâu nhất trong cảm nhận của kẻ đến từ vùng sông nước Cửu Long chính là không gian, hình ảnh của nhà vườn An Hiên, nơi anh bạn tôi cho là còn nguyên vẹn và tiêu biểu cho những nhà vườn, phủ đệ dọc Gia Hội, Kim Long.

Đứng trước vòm cổng đá rêu phong, nhìn sâu vào bên trong, màu xanh trải ra hun hút mượt mà dẫn ta vào một hồ bán nguyệt duyên dáng, hai bên đều là hoa trái của bốn mùa, của Bắc Nam tụ hội, hỏi ai mà không mê đắm lâng lâng.

“An Hiên”, phải chăng là ngôi nhà bình an, trải bao đời chủ nhân từ cô công chúa thứ 18 của vua Dục Đức đến Phạm Đăng Thập, cháu nội cụ Phạm Đăng Hưng rồi quan tuần vũ Nguyễn Đình Chi và bà Đào thị Xuân Yến, vị hiệu trưởng trường Đồng Khánh hiển hách một thời…

Nhà xưa vẫn thế, không chút suy xuyển, đổi thay. Cảm động hơn là trên bàn thờ hai vợ chồng quan tuần vũ ngay giữa ngôi nhà rường, hai dĩa măng cụt xinh xắn hiện ra trước mắt tôi như một giấc mơ. Loại trái cây nhiệt đới này ở miền Nam còn chưa vào vụ mùa, vậy mà đã ra hoa kết trái nơi đây?

Vị chủ nhân hiện tại của khu nhà vườn, con dâu quan tuần vũ, vợ ông Nguyễn Đình Ký mới ở Pháp về mấy tháng nay tiếp chúng tôi rất niềm nở và khẳng định dứt khoát “Tuy chồng tôi đã mất và con trai tôi đang ở Pháp nhưng còn mấy đứa cháu nội tôi ở Sài Gòn. Chúng sẽ thừa kế và giữ ngôi nhà này”. Rồi người phụ nữ đã bước vào tuổi “cổ lai hy” ấy cười nhẹ, “Giữ đến lúc nào không được nữa thì thôi”. Câu nói nghe vừa ấm lòng lại vừa man mác, ngậm ngùi. Dẫu sao những đóa hải đường đỏ thắm đang “lã ngọn đông lân” ngoài sân vẫn như tín hiệu của một mùa xuân chưa chấm hết và những giọt mưa lất phất vẫn như thúc giục chúng tôi tiếp tục cuộc du hành.

Như anh bạn Huế sáng nay đã định hướng. “Mình không chỉ đi ngắm cảnh đẹp nhà xưa. Mình sẽ làm một tua “văn hóa ẩm thực” để các bạn lần theo thơ, nhạc thưởng thức các món Huế mà cảm nhận vẻ nên thơ của mưa Huế”. Bữa ăn nhẹ với bánh ướt và bún thịt nướng ở quán Huyền Anh trong kiệt 54 đường Kim Long vừa cho chúng tôi thưởng thức một món ăn đặc sản, vừa giúp chúng tôi đủ sức đi tiếp. Quán Huyền Anh này nổi tiếng từ lâu, trước tọa lạc ngay bờ sông Hương, nay bị giải tỏa nên lùi vào trong kiệt nhưng khách ta, khách Tây vẫn đến nườm nượp.

Lại lên đường đi tiếp khi cơn mưa vẫn còn lất phất. Qua cầu Gia Hội, cả bọn đã đắm mình vào sự êm ả thơ mộng của con đường vừa được mang tên người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Con đường dài 600 mét ven bờ sông Hương tuy còn lặng lẽ nhưng tôi biết trong tương lai đây sẽ là một con đường đẹp và trù phú xứng tầm với con người đã làm vinh danh thành phố quê nhà.

Đi hết con đường, anh bạn rẽ xuống đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để chúng tôi tiếp tục thưởng thức món bánh “bèo, nậm, lọc” ở quán Hương Cau của cô Hồng rồi quành về theo ngã cầu Dinh. Quán cà phê “Vỹ Dạ xưa” đón chúng tôi khi cơn mưa vẫn còn lắc rắc trong cái chạng vạng của bên ngoài. Và ly cà phê cuối ngày cùng uống bên bạn bè đã hoàn tất một ngày “Mưa trên xứ Huế” với bao nỗi xao xuyến, bâng khuâng.

Những chiếc máy ảnh lại giơ lên, bấm lia lịa những tấm hình lưu niệm dẫu biết những hình ảnh kia làm sao ghi lại được những cảm xúc dạt dào hôm nay. Có lẽ vì vậy mà khi xe chạy ngang qua Đập Đá để về khách sạn, anh bạn Huế của tôi lại đọc mấy câu quen thuộc: Đò về Đông Ba đò qua Đập Đá / Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình / Lờ đờ bóng xế trăng chênh / Theo nhau cho trọn mối tình nước non

Huế những ngày này theo dự báo thời tiết trời đã nắng ấm trở lại. Đất thần kinh đang rộn ràng trước những ngày Festival sắp tới. Chắc anh bạn tôi đã kịp làm cả chùm “Thơ lái” để góp vui với các bạn thơ khắp nơi tụ về. Hình ảnh những nhà vườn, dòng sông Hương, những câu hò và những đặc sản Huế vẫn còn tươi rói trong đầu mà sao tôi vẫn muốn trở ra đó. Biết đâu một ngày lãng du trong “nắng đẹp” sẽ làm tôi thấm thía hơn về mưa Huế. Ừ, biết đâu!

(TBKTSG Online)

Lượt xem: 2343

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE