Hơn một trăm cây cổ thụ ở khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) được công nhận Cây Di sản Việt Nam
(VACNE,27/8) - Hội đồng Cây Di sản Việt Nam vừa họp, xét công nhận thêm 171 cây cổ thụ, trong đó có 144 cây ở khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) là Cây Di sản Việt Nam, đưa số lượng Cây Di sản ở nước ta đã lên tới con số 2.609 cây.
Ngoài số lượng đông đảo cây cổ thụ ở Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh) và 7 cây ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), còn có nhiều cây khác ở các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Phú Thọ, Sơn La, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Long An được xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong đợt này
Cụ thể là: 102 cây Hồng Tùng có tuổi từ 300 đến 700 năm; 09 cây Đại từ 200 -700 năm ở Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, tại đây còn có 10 cây Thông nhựa khổng lồ và 21 cây Mai vàng đặc hữu, cùng 02 cây (Đa + Thị) trên 500 năm trong khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm.
Thành phố Đà Nẵng có cây Đa sộp trên 600 năm đứng sau lưng chùa Linh Ứng, cây Thị hơn 200 năm đứng sau chùa Tam Thai và 3 cây Bồ kết trên 200 năm trong động Tăng Chơn, trên núi Thủy, Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Tại đây còn có 2 cây bàng khổng lồ (cây lớn có chu vi thân hơn 4 mét) đứng trước chùa Tam Thai, có tuổi hơn 300 năm cũng được công nhận, đủ tiêu chí Cây Di sản Việt Nam.
Khu vực miền Trung còn có 3 cây Thị cổ thụ hơn 200 năm ở đền Tiền Hiền, làng Tiên Châu, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam; cây Trâm trên 400 năm ở thôn An Tương, Phổ Hòa (Đức Phổ - Quảng Ngãi) được Hội đồng xét công nhận đạt tiêu chí Cây Di sản Việt Nam..
Cây Trôm hơn 350 năm trước cổng chùa Diêu Quang, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An (Long An) được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam, nhưng Hội đồng yêu cầu: phải thẩm tra lại mẫu vật, để xác định chính xác tên khoa học của cây.
Vùng cực bắc của tổ quốc, có cây Dẻ Trùng Khánh 120 năm ở bản Khấy, xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) được xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong đợt này
Cây Đa tía và cây Sanh hơn 500 năm ở chùa Sơn Cương, xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cùng 2 cây Bồ đề (có tuổi hơn 300 năm) ở thôn Phú Hậu Thượng, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng được Hội đồng thông qua, công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Không xét và công nhân cây Tam động (gồm 3 cây Trâm đá, Si, Đa) đang ôm nhau tại danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia Hang Dơi, tiểu khu 8, thị trấn Mộc Châu, nhưng Hội đồng lại nhất trí công nhận cây Đa hơn 300 năm ở bản Áng 1, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Cây Di sản Việt Nam.
Tỉnh Hưng Yên có 2 cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong đợt này. Đó là cây Bồ Đề hùng vĩ, có tuổi gần 1.000 năm ở thôn Dung, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ và cây Muỗm hơn 200 năm bên miếu Cụ Thiện, thôn Hạ, thị trấn Khoái Châu.
Thành phố Hải Phòng chỉ có 3 cây được công nhận đủ tiêu chuẩn trong tổng số 5 hồ sơ cây gửi xét lần này. Đó là cây Bồ Đề hơn 200 năm; cây Gạo 300 năm ở đình Trữ Khê, phường Quán Trữ, quận Kiến An và cây Thị hơn 800 năm trong khuôn viên Từ đường họ Trần Hữu, xã Đặng Cương, huyện An Dương. Còn lại 2 cây Bàng ở đình Lãm Khê, phường Đồng Hòa, quận Kiến An bị loại, vì xét thấy chưa đủ tuổi
Một số cây lần trước được thẩm tra lại các tiêu chí như: khả năng bảo vệ, mở rộng không gian sống cho cây, xác định tên khoa học…đã được Hội đồng thông qua sau khi được bổ sung hồ sơ. Cụ thể là cây Chắp (trước đây gọi là Cây Kháo, cây Mò) ở quán Sở, thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội; cây Thị, cây Đa và cây Bồ đề ở, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh./.
Văn phòng VACNE