Minh Nguyễn
Hồ Tây thơ mộng ai thương?
Hồ Tây, còn có tên khác là hồ Dâm Đàm, hồ Trâu Vàng, đầm Xác Cáo, Tây Hồ… Hồ Tây đã đi vào huyền tích, sử sách, thơ ca, hội họa và tâm thức bao đời của người dân Việt như một nhân chứng lịch sử sống động chứa đựng nhiều điều kỳ thú. Vậy mà, mãi tới thời điểm này, cái địa danh gắn liền với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, lá phổi xanh lớn nhất của Thủ đô vẫn chưa được tổ chức nghiên cứu khảo cổ lẫn chỉnh trang không gian cho xứng tầm. Xung quanh hồ có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng cả nước, mang nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ: đền Quán Thánh, đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, đình Võng Thị, quần thể đình chùa làng Bưởi, làng cổ Tây Hồ (Quảng An), làng đào Nhật Tân, làng hoa, cây cảnh Nghi Tàm, làng quất cảnh Quảng An, Tứ Liên… cùng ba di tích lịch sử cách mạng ở làng Phú Thượng (nhà bà Hai Vẽ, nhà bà An và bến đò Phú Gia). Nơi đây một thời sâm cầm bơi lội tung tăng đùa giỡn trên mặt nước. Một vùng cư dân có nhiều nghề truyền thống: cây cảnh, cá cảnh ở Yên Phụ, Nghi Tàm, giấy dó Yên Thái - Bưởi, giấy màu Yên Phụ… Tháng Năm về, sen nở ngát thơm. Nép bên hồ là những khu dân cư quanh năm xanh mát, chiều về gió lộng thuyền bơi. Hồ Tây còn có một môi trường tự nhiên, nơi cư trú của nhiều loài thủy sản nổi tiếng như cá chép (cá rô đầm Sét, cá chép Tây Hồ), ốc phủ Tây Hồ… Con đường Cổ Ngư xưa, được Bác Hồ đặt tên "đường Thanh Niên" quanh năm tỏa bóng mát, mùa hè phượng cháy hết mình, bằng lăng tím rực trời, mùa đông thoang thoảng hoa sữa, liễu rủ thướt tha, một vườn hoa đẹp mang tên Lý Tự Trọng - người anh hùng trẻ tuổi hy sinh vì độc lập dân tộc... Người dân nơi đây thực sự hạnh phúc được sống trên mảnh đất giàu giá trị văn hóa, tinh thần bên khung cảnh thơ mộng. Biết bao nhà thơ ca ngợi Tây Hồ như một thắng cảnh rất riêng của Thủ đô mà không nơi nào có được. Thế nhưng, những năm gần đây Hồ Tây của chúng tôi không còn như xưa nữa.
Kinh doanh vô tội vạ
Tôi đã sống bên Hồ Tây từ khi để chỏm, nay đã "thất thập cổ lai hy", nhìn Hồ Tây hằng ngày bị gặm nhấm mà thấy lòng xót xa. Người ta lợi dụng hồ để kinh doanh đủ kiểu, chỉ biết lợi trước mắt mà bỏ đi giá trị tuyệt mỹ của Hồ Tây. Một thời người ta dỡ cả đền Cẩu Nhi để làm quán cà phê, dựng những nhà hàng nổi bên đường Thanh Niên, bên làng cổ Võng Thị… ngày đêm nhạc chát chúa, người ăn, kẻ uống xả rác và nước thải ra hồ. Rồi người ta cho phép một đơn vị đến đổ đất cát, lấp hàng chục héc ta mặt nước hồ để xây khách sạn, chắn hết mặt tiền làng cổ Nghi Tàm. Những hàng cây vối sum suê, vườn hoa cây cảnh tỏa mát quanh năm được thay bằng những khối bê tông tức mắt. Bè bạn đến thăm tôi, muốn ra thưởng ngoạn cảnh Hồ Tây thơ mộng, mà tôi thấy ngượng ngùng đành phải thưa rằng: Hồ Tây hôm nay không còn cảnh sắc thiên nhiên như xưa nữa. Những con sâm cầm đẹp là thế, cứ mùa thu lại về nhưng bây giờ thì mất tăm mất dạng. Những đầm sen tháng Năm hoa ngát thơm bên đường vào phủ Tây Hồ bây giờ là những hàng quán bún ốc chen lấn. Một ngôi chùa Trấn Quốc đẹp là thế, linh thiêng, hào hoa là thế, giờ đây mất hết cảnh quan…
Nghe tôi là "thổ dân" "tố khổ" hộ Hồ Tây, ông bạn tuổi đã thất thập bộc bạch: Cách đây đã khá lâu, tôi cùng một người bạn vong niên người nước ngoài làm chuyến du ngoạn quanh Hồ Tây vào buổi chiều cuối thu. Tôi đã chụp lại được những vẻ đẹp của Hồ Tây vào lúc chiều tà trong đó cũng có những tấm ảnh "ám ảnh" buồn đến nay tôi vẫn còn lưu luyến và thất vọng. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, cũng đã đến nhiều hồ của nhiều quốc gia khác nhau, nhưng Hồ Tây là con hồ để lại nhiều ấn tượng cùng trăn trở nhất trong tôi. Không phải là dân Hồ Tây, là người Hà Nội vậy mà Hồ Tây như nằm lòng trong ông. Thôi thì chấp nhận có một quán bánh tôm Hồ Tây, bởi nhờ nó mà du khách biết đến đặc sản một Hồ Tây từng có nhiều tôm cá ngon vào loại nhất nhì Hà thành. Song người ta dựng thêm cái nhà nổi tùm lum ngay bên cạnh chùa Trấn Quốc để kinh doanh thì thật không thể chấp nhận. Thấy nhà nổi kinh doanh có lãi, người ta dỡ bỏ cả miếu Cẩu Nhi bên kia đường Thanh Niên dựng quán giải khát, do bị dư luận lên tiếng gay gắt mà đành trả lại, nhưng cái miếu cổ xưa trên đảo, một vật thể kiến trúc quý báu đã vĩnh viễn mất đi. Phía làng Trích Sài mọc lên hàng chục ngôi nhà nổi nữa, thải ra tiếng nhạc ầm ĩ, xập xình và rác rến… Không hiểu tại sao người ta cố tình vắt kiệt sức con hồ để lấy cái lợi nhỏ, bỏ cái lợi lớn là không gian sạch sẽ, thông thoáng, yên tĩnh như xưa. May mà gần đây, trước sức ép của những người yêu Hồ Tây, chính quyền thành phố đã cho dỡ bỏ những cái nhà nổi thực dụng ấy đi. Thế nhưng đã là hơi muộn, bởi nước hồ ngày càng bị ô nhiễm, cá chết nổi lềnh bềnh dạt vào bờ phát mùi tanh tưởi rất khó chịu mà chưa biết bao giờ khắc phục được.
|
|
Kè xây dang dở, Hồ Tây than thở…
Và cũng may cho Hồ Tây, vào một năm cuối thế kỷ XX, thành phố phê duyệt "Dự án kè Hồ Tây". Dân làng chúng tôi mở cờ trong bụng, từ nay hồ sẽ không bị lấn chiếm, nước thải, rác thải sẽ thôi xả xuống. Thế rồi dự án khả thi, người ta vận động dân sống xung quanh trả mặt bằng cho kè. Hàng trăm hộ sẵn sàng giao đất. Những tưởng kè làm xong trong vài năm đầu thế kỷ XXI, nào ngờ đến hết quý IV-2010, tức là sau hơn 10 năm dự án xây dựng hạ tầng xung quanh Hồ Tây triển khai, vẫn chỗ được chỗ không. 17 cây số ven hồ thi công mỗi năm chưa được một cây số, đoạn được rồi đã rêu phong, xuống cấp, đoạn còn lổn nhổn gạch đá. Trong khi kè chưa làm xong, nhà chọc trời cứ mọc lên sừng sững, khiến mặt hồ ngày càng hẹp lại. Xưa Hồ Tây rộng hơn 600ha, nay chỉ còn trên 500ha, chả biết sau khi kè xong, còn được bao nhiêu? Buồn nhất là lòng hồ đoạn chạy song song với đường Xuân Diệu, xung quanh hai làng Nghi Tàm và Tây Hồ, cọc đóng lấn ra hàng chục mét, dài hàng cây số để làm kè. Chẳng hiểu sao công trình cứ làm từng khúc, theo chủ đầu tư và nhà thầu, gói thầu này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2007, sau đó lại hứa sẽ hoàn thành trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng… từ đầu năm 2011 đến nay còn một số đoạn dang dở, đường dạo xung quanh Công viên nước Hồ Tây chỗ trải nhựa, chỗ đổ bê tông, những hố ga không nắp toang hoác chực "nuốt" người trông mà khiếp. Ban đêm không đèn chiếu sáng, nhiều người bị những cái "bẫy" ấy làm hại mà chẳng biết bắt đền ai. Đặc biệt, đoạn qua trước cửa làng Nghi Tàm thì bỏ dở và đến nay gần hết năm vẫn án binh bất động, hỏi ra mới biết chủ đầu tư hết tiền. Lý do: nguyên vật liệu tăng vọt, nhà thầu thua lỗ, hết kinh phí và… chờ. Do thi công dang dở, đường Xuân Diệu bị băm nát, dân sống bên đường kè lo lắng, chẳng biết quy hoạch treo mình đến bao giờ? Mưa xuống, đường và làng lầy lội bùn đất. Nắng lên, mùa hanh khô bụi bay mù mịt, trong khi đó nước thải, rác thải vẫn cứ xả xuống hồ. Đặc biệt kè hồ đến vườn hoa Lý Tự Trọng thì bị "cụt" không thể liên thông sang đường Thanh Niên, mặc dù vừa qua khuôn viên vườn hoa đã được mở rộng gấp 3 lần, khiến các phương tiện đến đây đành phải "bay" qua vườn hoa, biến vườn hoa thành đường giao thông. Chẳng lẽ người thiết kế dự án kè Hồ Tây không nghĩ tới đoạn kè này đi thế nào, đến đâu?... Một công trình quan trọng của Thủ đô như vậy mà lình xình khó gỡ, làm tùy tiện, tốn tiền hao của, lãng phí ai chịu?
Hồ Tây hòn ngọc quý của Thủ đô đang bị xâm hại một cách quá đáng. Mai sau liệu Hồ Tây có còn mênh mang sóng nước? Nhớ ngày nào chiều chiều, tôi đứng bên đường Thanh Niên nhìn về phía mặt trời lặn, giữa mênh mang mặt nước Hồ Tây bang bềnh con thuyền tình tự, đưa tầm mắt nhìn về xa xa, ba đỉnh Ba Vì, đỉnh cao, đỉnh thấp. Nay thì chẳng còn thấy gì, vì nhà cao tầng đã che lấp hết. Là công dân Tây Hồ, tôi mong những người có trách nhiệm sớm xem lại cái cung cách cư xử với Hồ Tây. Đừng để con cháu mai sau trách chúng ta không quản lý nổi một cái hồ - vật thể vô giá thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, mảnh đất địa linh nhân kiệt, để Hồ Tây mãi mãi là viên ngọc biếc của Thủ đô nghìn năm văn hiến.