quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Hệ lụy từ du lịch "ăn" vào thiên nhiên ở Tây Nguyên

Thứ Tư, 15/10/2014 | 04:19:00 PM

Do chỉ khai thác mà không đầu tư, tôn tạo, cảnh quan tự nhiên tại các danh thắng quốc gia ở Tây Nguyên đang bị tàn phá nghiêm trọng, có nơi bị du lịch biến thành phế tích. Môi trường du lịch cũng nhếch nhác, khiến du khách một đi không trở lại, rồi đến lượt doanh nghiệp làm du lịch cũng... bỏ chạy.


Dang nắng cưỡi voi xong, du khách về Buôn Ma Thuột lưu trú vì ở lại Bản Đôn chẳng biết làm gì.

Điệp khúc cưỡi voi, cơm lam, gà nướng... !

Ông Y Thắk Ksơ - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn - nhận xét: “Ngoài tình trạng xâm hại cảnh quan, các DN không chịu thay đổi tư duy, cứ mỗi điệp khúc cưỡi voi, rồi lại cơm lam, gà nướng mãi... ai mà không chán”. Còn ông Phạm Tâm Thanh - PGĐ Sở VHTTDL Đắc Lắc - phân tích: “Nguồn lực tài chính của các DN yếu lắm, nên các thương hiệu như Bản Đôn, Buôn Trí, Hồ Lắc, Thanh Hà... chỉ được đầu tư manh mún, chắp vá. Trong khi các thế mạnh về du lịch văn hóa như cồng chiêng, lễ hội của đồng bào Tây Nguyên, hình thức homestay lại càng chưa được chú trọng. Thậm chí nhiều DN chỉ lo khai thác, còn đầu tư thì rất ít”.

Kết luận của UBND tỉnh Đắc Lắc về du lịch giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2025 cũng nhận định: Hầu hết các DN chưa chú tâm đầu tư, khai thác các thế mạnh bằng việc tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, có lợi thế cạnh tranh.

Ở một góc độ khác, Sở VHTTDL Đắc Lắc cảnh báo, hiện khách đến Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái Bản Đôn, điểm nghỉ dưỡng sinh thái và Spa Bản Đôn, các thác nước Dray Knao, Dray Sáp Thượng, Krông Kmar chỉ còn trên dưới 100 lượt người/tháng do môi trường bị tác động tiêu cực.

Tại nhiều nơi, đó là hệ quả của việc giao hàng nghìn hécta rừng cho DN du lịch, để rừng bị tàn phá rỗng ruột như 1.700ha rừng đặc dụng Đray Sáp (Cty thương mại và du lịch Đắc Nông) trước đây, 1.360ha rừng sinh thái của Cty CP thương mại và du lịch Bản Đôn hiện nay.

Trưởng phòng VHTT huyện Buôn Đôn - ông Vũ Minh Thoại - phải tiếc rẻ: “Trước kia khu rừng sinh thái Bản Đôn rất đẹp, giờ tan hoang rồi, du khách đến chi nữa...”. Trong khi các DN không bảo vệ cảnh quan, đầu tư bài bản khiến môi trường xuống cấp, hàng loạt danh thắng quốc gia ở Tây Nguyên lại đang bị thủy điện “giội bom”.

Hiện các thác Bảy Nhánh (huyện Buôn Đôn), thác Dray Nu, Dray Sáp (huyện Krông Ana)... và các khu du lịch sinh thái Bản Đôn, Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) đã bị kiệt nước, mất cảnh quan du lịch do thủy điện dày đặc trên sông Sêrêpốk. Ngành chức năng tỉnh Đắc Lắc phải tham mưu phương án xây dựng... đập tràn để giữ nước cho thác, nhưng cũng chưa ai làm.

Hàng giả và thần chết

Môi trường du lịch Tây Nguyên cũng đáng lo ngại không kém với hàng giả, hàng nhái tràn lan. Đến Bản Đôn, du khách đi đâu cũng bị chèo kéo mua đuôi voi, lông đuôi voi, nhẫn ngà voi, thần dược Ama Kông... giả.

Tinh vi đến mức nếu du khách đến gần con voi, nài voi sẽ nói sát vào tai ra vẻ bí mật: “Mua lông đuôi voi đi, bứt luôn nè” nhưng thật ra cũng là đồ giả. Mà nếu chiếc lông đuôi voi kia là thật, thì với những du khách biết suy nghĩ, anh nài voi đã bán rẻ mình, xúc phạm cộng đồng của anh ta.

Ông Nguyễn Đức - phụ trách Trung tâm du lịch Buôn Đôn - kêu khó: “Cty chỉ kinh doanh nhà hàng, cầu treo, cưỡi voi, còn những tiệm bán đồ lưu niệm xung quanh là của người dân. Việc bán hàng giả đã làm du khách mất niềm tin, làm xấu hình ảnh người dân địa phương, chúng tôi bị vạ lây nhưng chẳng thể làm gì”.

Một thực tế khác là tính mạng du khách bị đe dọa. Chỉ tính riêng Đắc Lắc, từ đầu năm đến nay đã có 4 vụ đuối nước làm chết 6 khách du lịch, do các đơn vị kinh doanh không có lực lượng cứu hộ. Trong đó thác Krông K’mar - huyện Krông Bông 2 vụ (3 người chết), thác Dray Nur - huyện Krông Ana 2 vụ (3 người chết). Dưới nước là thế, còn những cầu treo tạm bợ bắc qua sông Sêrêpốk chảy xiết cũng đong đưa như giỡn với tử thần.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiếu - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VHTTDL Đắc Lắc - cho biết: “Họ chỉ làm cầu treo bằng kinh nghiệm thôi, qua kiểm tra chúng tôi phát hiện 2 cầu không đảm bảo an toàn, đã yêu cầu DN nâng cấp, sửa chữa theo tiêu chuẩn hiện hành”.

Có vẻ như du lịch Đắc Lắc thoái trào khi một loạt DN có tiềm lực tài chính mạnh xin trả giấy phép như Cty đầu tư du lịch Đặng Lê (Thác Dray Sáp Thượng), Cty TNHH MTV càphê Thắng Lợi (Vườn quốc gia Chư Yang Sin và Trung tâm du lịch Hồ Ea Nhái). Theo đánh giá của sở chủ quản, các DN này “bỏ chạy” do cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại nghiêm trọng, bỏ tiền đầu tư cũng chẳng ai thèm đến.

Phải giữ “vốn” cho tương lai

Ngày 11.11.2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch hơn 60.270 tỉ đồng - gồm vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn huy động doanh nghiệp...

Trong định hướng phát triển, các địa phương phải tập trung xây dựng sản phẩm du lịch theo lợi thế riêng, không giẫm đạp lên nhau, tăng cường sự liên kết giữa các vùng, phát huy lợi thế liên thông với các tỉnh biên giới...

Riêng Đắc Lắc, nghị quyết của HĐND tỉnh định hướng trước mắt xây dựng sản phẩm, loại hình du lịch gắn với voi, văn hóa cồng chiêng và sử thi Tây Nguyên, khuyến khích du lịch gắn với càphê... Tuy nhiên, để có “vốn” thực hiện quy hoạch trong tương lai thì việc bảo vệ rừng, bảo vệ danh thắng, nền văn hóa của cư dân bản địa tại các tỉnh Tây Nguyên cần được đặt lên hàng đầu.

Nếu tiếp tục để DN “ăn xổi”, tàn phá tài nguyên như thời gian qua thì Tây Nguyên sẽ không thể là điểm đến hấp dẫn như kỳ vọng của quy hoạch nói trên.
 

Theo Lao Động

Lượt xem: 3014

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE