Đây là kết quả gần hai năm điều tra, khảo sát của các nhà khoa học của Trung tâm Giáo dục truyền thông và môi trường, thuộc Liên hiệp các hội khoa học- kỹ thuật Việt Nam.
Cây cổ thụ, linh hồn cuộc sống
Theo tiến sĩ Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông và môi trường, chủ nhiệm dự án, ý tưởng làm một cuốn Atlas về cây cổ thụ đã có từ lâu, được cố giáo sư Vũ Tuyên Hoàng ủng hộ.
Để thực hiện, Ban chủ nhiệm dự án đã mở một hội thảo, mời các giáo sư, nhà chuyên môn về cây ở Hà Nội, nhà quản lý đến dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho đề tài. Các nhà chuyên môn đi đến thống nhất về tiêu chí cây có tuổi đời trên 70 năm, đường kính trên 1 m và được xác định rõ tọa độ, chiều cao, họ, loài, được gọi là cây cổ thụ.

Cây đa búp tại Sư đoàn 361- 36A, Lê Văn Lương.
Từ kết luận của hội thảo, Ban chủ nhiệm đã lập phiếu điều tra và đưa đến các phường, xã để tìm kiếm, xác định “cụ” cây theo đúng mẫu. Ngoài những cây cổ thụ dáng đẹp, quý còn có những cây do Bác Hồ, nguyên thủ các quốc gia tới thăm Việt Nam trồng.
Đa số cây quý hiếm đều tồn tại nhờ sự chăm sóc mang tính gia truyền. Cây lim xanh của nhà anh Nguyễn Đức Kỳ, xóm 3, xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội là một ví dụ. Trước khi mất, bố anh Kỳ dặn dò kỹ lưỡng: “Không được chặt. Cây tồn đã được ghi trong gia phả”. Tiến sĩ Cương cho biết, cây này có tuổi thọ trên 400 năm. Các nhà khoa học xác định “cụ” có nguồn gốc từ một khu rừng tự nhiên thời xa xưa.
Ở đền Quán Thánh có một cây muỗm với lời chú thích: "Cây được trồng từ 400 năm trước trong dịp trùng tu đền". Một cây đa ở Kiêu Kị, Gia Lâm được cho là có tuổi đời lâu nhất Hà Nội, khoảng 700 năm. Tiến sĩ Cương mô tả: “Hiện cây đa chính đã mất, chỉ còn lại gốc, nhưng các cây con của nó thì đã mọc quanh, tạo nên một tổ hợp đa bốn chân, giống như con voi. Cây đa này có trong gia phả làng Kiêu Kỵ nên dân làng ai cũng biết”.
Lên tiếng cứu cây
Để tìm kiếm cây cổ thụ, ban chủ nhiệm dự án phải dựa vào bản đồ gốc của Hà Nội rồi đi khắp các xã tìm kiếm, “gõ cửa” từ người dân đến chính quyền địa phương và lấy tiêu bản (lá, quả…) mang về. Và muốn xác định tuổi thọ của cây phải khoan vào gốc, nhưng nếu làm vậy sẽ rất nguy hiểm cho cây. Do vậy, các nhà khoa học đang phải xác định tuổi cây qua phỏng vấn người dân và thông qua gia phả của nhiều dòng họ.

Cây đa lông, trong khuôn viên báo Nhân dân.
Những thông số cho mỗi cây cổ thụ sẽ là tên chính xác (trong loài nào, họ nào), tuổi của cây, nguồn gốc, tọa độ định vị toàn cầu (GPS). “Chúng tôi rất may mắn là có những chuyên gia giỏi về cây trợ giúp, như ông Nguyễn Huy Khôi, nguyên giám đốc công ty công viên cây xanh hay ông Nguyễn Đăng Khôi, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, người được Chính phủ giao duyệt và tìm kiếm những cây trồng ở lăng Bác năm 1972…”, ông Cương cho biết.
Tuy nhiên, ông Cương tỏ ra băn khoăn bởi trong 715 cổ thụ được tìm thấy, nhiều cây đang bị sâu bệnh “quấy”, hoặc bị đe doạ bởi con người. Ông Cương đưa ra ví dụ về hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc đang bị những cửa hàng to đẹp…tìm cách xâm hại. Tháng 7 tới, Ban chủ nhiệm dự án sẽ đưa ra kiến nghị đối với UBND TP. Hà Nội và Nhà nước các biện pháp để bảo tồn những cây cổ thụ nói trên.