quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Hành trình xuyên Việt 2010: Hội An - Thành phố di sản

Thứ Bảy, 28/08/2010 | 09:47:00 PM

Hành trình xuyên Việt 2010 đã đi được nửa chặng đường. Ngày thứ mười lăm, 21/08/2010, chúng tôi dừng chân tại Hội An. Thương cảng Hội An

 
 
quảng cáo

 
Hành trình xuyên Việt 2010 đã đi được nửa chặng đường. Ngày thứ mười lăm, 21/08/2010,  chúng tôi dừng chân tại Hội An. Thương cảng Hội An, với tên gọi xưa là cảng Đại Chiêm, được hình thành và biết đến từ thế kỷ 16, 17 bởi các thương nhân  nước ngoài, đặc biệt là người Nhật Bản và Trung Quốc. Nằm nép mình bên dòng Thu Bồn thơ mộng, thị xã nhỏ bé ấy đã từng là một thương cảng thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, là một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Đông.
 

 
Trong lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Nam này đã được thế giới biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cái tên được biết đến nhiều nhất là Faifo, hay Hoài Phố…Ngày nay, thông qua các di chỉ khảo cổ và các hiện vật, công trình kiến trúc còn lưu lại, đã cho thấy Hội An là nơi hội tụ, giao thoa giữa nhiều nền văn hoá: Chăm, Việt, Trung Hoa, Nhật Bản ... trong đó chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của văn hoá Việt và Trung. Dù trải qua nhiều thăng trầm, trước sức mạnh thời gian, đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ...và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ.  Đô thị cổ Hội An sở dĩ có một sức thu hút kỳ lạ đối với khách du lịch, bởi họ nhận thấy đó không chỉ là một quần thể di tích cổ xưa gần như nguyên vẹn, mà nếp sống của người dân ở đó chứa đựng nhiếu dấu ấn của lịch sử ngày xưa. Đây gần như là một phố cổ đang sống, giữa nhịp hối hả của văn minh, hiện đại, nơi ấy gợi lên cho du khách những cảm xúc rất chân thực về những gì của quá khứ, của thương cảng Đại Chiêm xưa.
Một góc Hội An đêm - Rực rỡ ánh đèn lồng
 
 
Chùa Ông - Một trong những di tích cổ của Hội An
 
 
 
 
 
Một quán nước nhỏ, rực rỡ ánh đèn nơi Phố Cổ
 
 
 
 
Một hiệu quần áo ở Phố Cổ - Kiến trúc nhà gỗ vẫn còn được bảo toàn
Ngoài những giá trị văn hoá qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ một nền tảng văn hoá phi vật thể khá đồ sộ. Cuộc sống thường nhật của cư dân với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá đang được bảo tồn và phát huy cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các làng nghề truyền thống, các món ăn đặc sản ... làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Có thể kể đến một số di tích của Hội An như: Chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, Quan Âm Phật tự Minh Hương, Chùa Ông… Trong đó, Chùa Cầu chính thức được chọn làm biểu tượng của Hội An. Chùa Cầu là một công trình kiến trúc được xây dựng bởi các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An vào khoảng thế kỷ 16. Từ đó đến nay, Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần. Chùa Cầu có dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu có mái che uốn cong mềm và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) - tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù - một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản và mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.
Các tình nguyện viên đang nghe thuyết minh về di tích biểu tượng của Hội An -  Chùa Cầu
Tháng 12 năm 1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới. Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Riêng trong khu vực đô thị cổ đã có hơn 1.100 di tích.Bước chân vào khu phố cổ, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sức phá huỷ của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn mầu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa.
Chúng tôi dừng chân tại Phố Cổ lúc ánh đèn vừa lên. Đô thị vẫn tấp nập và nhộn nhịp theo cái vẻ cố hữu, nhưng không giống với cái hối hả của những con phố hiện đại ngày nay. Cái nhộn nhịp cố hữu ấy là của một không gian xưa cũ, của cao lầu, của những bảng hiệu tiếng Hán, Nhật, của sắc gỗ nâu trầm và ấm áp đèn lồng. Đối với đa số các thành viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên họ đến thăm  Hội An. Cái ngạc nhiên, thích thú hiện rõ trên từng gương mặt tươi trẻ, sáng bừng lên trong ánh đèn Phố Cổ.
Sáng hôm sau, thật tình cờ và may mắn khi chúng tôi đến đúng dịp Hội An phối hợp cùng với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam VTV tổ chức chiến dịch “Di sản Xanh”. Đoàn đạp xe xuyên Việt đã cùng phối hợp với các thanh niên tình nguyện tại địa phương đạp xe diễu hành, đi thăm những địa danh lịch sử, văn hóa của Hội An và cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn di sản hiện nay. Chúng tôi cũng có dịp đi thăm những làng nghề truyền thống ở nơi đây, cùng đi vào chợ Bà Lê, vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông và cùng chung tay bảo vệ môi trường tốt hơn.
Tiếp xúc với một hướng dẫn viên, chúng tôi được biết Hội An đã từng bị hứng chịu nhiều tàn phá của thiên nhiên, đặc biệt là nắng nóng và bão lũ. Gần đây nhất là trận lũ năm 2009 đã hủy hoại rất nhiều những công trình kiến trúc, di tích của khu phố cổ. Dưới đây là một số hình ảnh về trận bão lũ năm 2009, cho thấy sức tàn phá của thiên nhiên ảnh hưởng to lớn thế nào đến Hội An:
 
 
 

Tuy tác hại của bão lũ là vô cùng to lớn, nhưng Hội An không thể chủ động trong công tác phòng chống bão lũ được, mà chịu quyết định của những tỉnh đầu nguồn, nơi có rừng phòng hộ và những con đập chắn nước. Nếu rừng càng ngày càng bị tàn phá và diện tích bị thu hẹp đi, Hội An sẽ càng có nguy cơ cao bị tàn phá trước những hiểm họa từ thiên nhiên, mà nguyên nhân sâu xa cũng bởi bàn tay của con người.
Sau buổi sáng tham quan tìm hiểu về Hội An, thành phố Di sản, chúng tôi lại tiếp tục lên xe, đến điểm dừng chân tiếp theo: Đà Nẵng – Thành phố xanh.
 
HIẾU THƯỢNG
 
(C4E TPHCM, 28/8/2010)

Lượt xem: 1665

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE