quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Hành động vì môi trường - cách sống có trách nhiệm

Thứ Bảy, 27/03/2010 | 08:14:00 PM

TTO - Chiều 26-3, Tuổi Trẻ Online đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giờ Trái đất và hành động vì môi trường” thật ý nghĩa khi bạn đọc và khách mời cùng chia sẻ những kinh nghiệm tiết kiệm điện và các biện pháp bảo vệ môi trường.

 

 

Các khách mời gồm:

- Ông Huỳnh Tiến Dũng - Trưởng ban Quản lý Dự án WWF chương trình Việt Nam;

-  Hoàng Thị Minh Hồng, cố vấn chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam, thành viên chuyến thám hiểm Nam Cực 2009;

- Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM;

- MC Châu Anh, đại sứ của chiến dịch Giờ trái đất 2010. 
 

Sau đây là nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

* Xin gửi câu hỏi này đến ông Huỳnh Kim Tước. Thưa ông, cá nhân tôi hiểu rằng, việc tắt điện một giờ không quan trọng bằng việc sử dụng điện cho hợp lý. Thế nhưng chiến dịch Giờ trái đất có vẻ như đang nặng phần thuyết phục mọi người hãy tắt điện vào thời điểm 20g30 đêm 27-3 hơn là giáo dục, hướng dẫn mọi người sử dụng điện, sử dụng năng lượng hợp lý. Ông nghĩ như thế nào về điều này? (Uy Chương, 24 tuổi, uy.dn@...)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Đúng như bạn suy nghĩ, vấn đề không phải là tắt điện một giờ. Điều cơ bản là mọi người đều biết và hành động đúng torng việc sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả. Giờ trái đất là một điểm nhấn cho việc thể hiện nhận thức và hành động đúng đắn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giờ trái đất cũng là cơ hội phát động, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng xã hội đến vấn đề môi trường thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng.

Trong thực tế, liên tục gần mười năm qua, chúng tôi vẫn kiên trì tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả, cách thức sử dụng năng lượng và vẫn tiếp tục việc này trong lâu dài.

* Có cảm giác Giờ trái đất thành công trong việc truyền đạt thông điệp đến người dân, nhưng hành động vẫn hơi xa vời. Có cách nào để tạo giúp người dân hành động ngay không? (Binh Di, 21 tuổi, binhdi@...)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Việc thực hiện Giờ trái đất rất đơn giản và có thể thực hiện ngay bất cứ lúc nào. Đó là dùng điện tiết kiệm và cũng là bản chất của chiến dịch, là nâng cao ý thức của mọi người về việc tiết kiệm năng lượng mọi lúc mọi nơi. Chúng tôi mong muốn đối với mọi người giờ nào cũng là Giờ trái đất.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, cố vấn chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam, thành viên chuyến thám hiểm Nam Cực 2009 - giao lưu với SV TP.HCM về chương trình Giờ Trái đất ngày 22-3 - Ảnh: Nhật Anh

* Tôi rất tâm đắc khi sáng nay đọc được một đoạn trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần: "Chúng ta chưa làm được bao nhiêu để bảo vệ môi trường, nhưng lại có chuyện trao giải thưởng cho một doanh nghiệp gây ô nhiễm như Vedan. Một giờ hưởng ứng Giờ trái đất sẽ chỉ là hình thức nếu hằng ngày các cơ quan có trách nhiệm vẫn tiếp tục dung dưỡng cho các cơ sở gây ô nhiễm môi trường..." Mọi người nghĩ sao về điều này? (Hùng Minh, 40 tuổi, luudoan@...)

Bảo vệ môi trường không phải là việc của riêng chính phủ, mà nó còn là việc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Tôi muốn mọi người hiểu rằng mỗi cá nhân đều có thể tạo nên một sự thay đổi.

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Bảo vệ môi trường không phải là việc của riêng chính phủ, mà nó còn là việc của mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Nếu như chúng ta cứ ngồi đó và nghĩ rằng đó là việc của Bộ Tài nguyên - môi trường, của cảnh sát môi trường, hay của các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế, và cho rằng cá nhân mình có cố gắng bảo vệ môi trường mà các cá nhân khác hay các doanh nghiệp vẫn cứ phá, thì thôi mình cố làm gì, thì sẽ dẫn đến tình trạng chẳng ai muốn làm gì cho môi trường. Tôi muốn mọi người hiểu rằng mỗi cá nhân đều có thể tạo nên một sự thay đổi.

Giờ Trái đất chỉ là một trong những sáng kiến, những hoạt động trong nỗ lực toàn cầu về giảm thiểu biến đổi khí hậu. Mục tiêu của nó là để mọi người nhận thức ra được rằng, mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào giảm thiểu biến đổi khí hậu, chỉ bằng một hành động nhỏ nhất, như tắt một ngọn đèn. Trong khi chúng ta không thể kiểm soát được việc thực thi luật môi trường, thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể có những hành động đơn giản, thay đổi những thói quen của mình để có lối sống thân thiện hơn với môi trường, để giúp làm giảm các tác động tiêu cực lên môi trường, hơn là ngồi chờ, và đổ lỗi. 

Tôi cũng hy vọng là những người làm chính sách cũng nghe thấy lời thắc mắc của bạn, và lần tới nếu bạn gặp một người làm chính sách bạn có thể đề cập quan điểm này của bạn.

* Chào ông Huỳnh Kim Tước. Tôi rất ấn tượng sau khi đọc bài viết về căn nhà tiết kiệm điện của ông. Cho tôi hỏi thế trụ sở, văn phòng làm việc của ông thì thế nào, có thực sự tiết kiệm năng lượng? Rất mong được ông chia sẻ. (Đoàn Trưng Thu, 56 tuổi, thudoan@...)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Trong thực tế, để tiết kiệm năng lượng triệt để, bản chất phải can thiệp vào kiến trúc tòa nhà, thiết kế xây dựng, các hệ thống chiếu sáng, nhiệt, lạnh, và quản trị năng lượng trong tòa nhà. Các giải pháp khả thi đòi hỏi thoả mãn nhiều yếu tố về công nghệ, mặt bằng, tính kinh tế, điều kiện thi công... Trong một tòa nhà công sở, chi phí năng lượng chính là hệ thống điều hòa không khí, chiếu sáng.

Hiện nay, trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) sử dụng điều hòa không khí loại có inverter. có thể nói đây là loại TKNL nhất hiện nay. Như tôi đã nói, thiết bị TKNL chỉ là một phần, các yêu cầu khác như thiết kế phù hợp công suất, sử dụng hợp lý...cũng được chúng tôi quản lý chặc chẽ.

* Thưa ông Huỳnh Tiến Dũng, theo ông làm sao để Giờ trái đất không chỉ dừng lại trong một giờ, và không chỉ là một "hình thức" đến hẹn lại lên (Hữu Quang, 29 tuổi, dotran@...)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Hình ảnh tắt điện 1 giờ chỉ mang tính chất tượng trưng, còn bản chất của chiến dịch là nâng cao ý thức của mọi người dân về sử dụng năng lượng tiết kiệm trong căn nhà riêng của mình.

Thông qua đó, góp phần làm giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ngôi nhà chung của nhân loại đó là trái đất. Giờ trái đất không chỉ dừng lại 1 giờ khi nhận thức của mọi người  được nâng cao.

Và để làm được việc này cần sự hợp tác của các cơ quan truyền thông trong việc truyền tải thông điệp và ý nghĩa của Giờ trái đất tới mọi người.

MC Châu Anh (trái) chia sẻ cảm xúc với bạn đọc Tuổi Trẻ Online từ Hà Nội sau thời gian làm Đại sứ chương trình Giờ trái đất tại Việt Nam - Ảnh Mỹ Châu

 

* Công tác tuyên truyền Giờ Trái Đất chỉ có một lần mỗi năm, và luôn luôn chậm. Tại sao chúng ta (VN hoặc TP.HCM) không tiến hành Giờ VN hoặc Giờ TP.HCM hàng quý hoặc hàng tháng, kết hợp đồng thời các công tác vận động, tuyên truyền... xuyên suốt trong năm? (Nguyen Duong Giang, 32 tuổi, nd.giang@...)

Tất cả mọi người dân sống trên hành tinh này cùng hòa chung một nhịp đập, hòa chung một hành động bảo vệ tương lai của chính chúng ta.

- MC Châu Anh: Mặc dù chỉ diễn ra 1 lần/năm và trong một giờ, nhưng Giờ trái đất được diễn ra với quy mô toàn cầu. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người dân sống trên hành tinh này cùng hòa chung một nhịp đập, hòa chung một hành động bảo vệ tương lai của chính chúng ta. Trong 60 phút đó tất cả cùng hưởng ứng hành động tắt đèn, một hành động có ý nghĩa tượng trưng và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người mọi lứa tuổi để mang thông điệp chống lại sự biến đổi khí hậu.

Sau chiến dịch này tôi nghĩ rằng mọi người sẽ được nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và nó sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, diễn ra trong suốt quá trình sinh hoạt hàng ngày chứ không chỉ một tiếng đồng hồ mà thôi.

Các bạn trẻ xuống đường tuyên truyền cho chiến dịch Giờ Trái đất 2009 - Ảnh: Minh Đức

 

* Gửi ông Huỳnh Kim Tước. Tôi được biết trung tâm ông có phát hành các tài liệu giúp người dân sử dụng năng lượng hiệu quả. Tôi xin hiến kế là trung tâm mình có thể phát không cái tài liệu này trên xe bus, hoặc ở các nhà sách. Hay nếu số lượng in ấn hạn chế, thì có thể đăng tải địa chỉ ở đây, để ai có nhu cầu có thể gửi thư đến xin. Trân trọng cám ơn! (Lê Thị Hương Mai, 30 tuổi, huong.lth)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Cảm ơn ý tưởng của chị Mai rất nhiều. Ý tưởng của chị rất hay và chắc chắn hiệu quả. Trong thực tế, vấn đề tiết kiệm năng lượng cần phải truyền thông nhiều hơn nữa, cần có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, và cần được tổ chức liên tục.

Do điều kiện kinh phí hạn hẹp, mỗi đối tượng sử dụng năng lượng sẽ có cách truyền thông phù hợp, ví dụ, truyền thông cho doanh nghiệp sản xuất sẽ khác hộ gia đình, khi nào thì thông tin trên báo đài, khi nào thì dùng tờ rơi... cách của chị rất hiệu quả đối với đối tượng là hộ gia đình. Tài liệu này chúng tôi cũng đăng tải trên nhiều website các báo như báo Tuổi Trẻ Online,  Website của trung tâm tiết kiệm năng lượng... Cảm ơn chị rất nhiều!

* Thưa các chú, các cô. Cháu không nghĩ rằng với việc đạp xe tuần hành ngoài đường, cùng những tấm biểu ngữ được treo ở các gốc cây là cách kêu gọi được người dân hưởng ứng Giờ trái đất. Cháu nghĩ là cần có những hình thức khác, phù hợp hơn, gần gũi hơn, cụ thể hơn. (Tùng Vân, 19 tuổi, congchuakieuky@)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Thực tế cho thấy rất nhiều bạn trẻ đã hăng hái tham gia hưởng ứng và đóng góp vào việc vận động cho chiến dịch bằng nhiều hình thức khác nhau. Thực ra chiến dịch bao gồm rất nhiều phương pháp tuyên truyền khác nhau, trong đó đạp xe và treo các biểu ngữ chỉ là một trong các phương pháp.

* Gửi chị Châu Anh, một đại sứ cho chiến dịch này thì sẽ làm những gì? Và nhiệm kỳ của đại sứ là bao lâu? (Anh Chi, 32 tuổi, anhchi@...)

- MC Châu Anh: Trong hai tuần vừa qua, với tư cách là một Đại sứ thiện chí của Giờ trái đất, tôi đã tới các trường THPT, THCS trên địa bàn Hà Nội, để trò chuyện, giao lưu với các em học sinh, để tuyên truyền giúp cho các em hiểu được thông điệp: "Hành động nhỏ cho sự thay đổi lớn" (Slogan cho Giờ trái đất 2010) và chính các em - thế hệ tương lai - hơn ai hết sẽ là những ngươi tuyên truyền tích cực cho việc gìn giữ bảo vệ môi trường.

Thêm nữa, vì tôi là một giáo viên nhiều năm giảng dạy nghệ thuật, đã gắn bó với thiếu nhi nên tôi thật sự vui khi được đứng trước hàng trăm em học sinh thủ đô, đặc biệt là những thông điệp đó lại vô cùng ý nghĩa. Một thông điệp giúp chúng ta gìn giữ trái đất xanh.

Tôi không rõ nhiệm kỳ của Đại sứ là bao lâu. Nhưng bản thân tôi với nhận thức được nâng cao rõ rệt sau khi nhận nhiệm vụ này, tôi cảm thấy mình có thể sẵn sàng làm nhiệm vụ này bất cứ thời điểm nào và trong thời gian bao lâu.

* Một tiếng đồng hồ hưởng ứng Giờ Trái đất có lẽ là quá ít. Cô/chú có nghĩ vậy không? (Nguyễn Văn Thành, 21 tuổi, nvthanh_sv2009@...)

Ông Huỳnh Tiến Dũng - Trưởng ban Quản lý Dự án WWF chương trình Việt Nam - trao đổi với bạn đọc Tuổi Trẻ Online từ Hà Nội - Ảnh: Mỹ Châu

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: 1 giờ đồng hồ chỉ mang tính chất tượng trưng và đó không phải là cái đích cuối cùng của chiến dịch. Chúng tôi ví dụ: một giờ tắt điện trong chiến dịch năm 2009 đã tiết kiệm được 140.000 KW giờ điện, tương đương với 132 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy nếu ngày nào cũng có một giờ trái đất thì chúng ta sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng. Đây chỉ là con số tiết kiệm được từ 6 thành phố tham gia chiến dịch năm ngoái.

Nếu giờ nào cũng là giờ trái đất thì bạn hãy tưởng tượng xem số tiền tiết kiệm sẽ lớn như thế nào? Qua những con số này, chúng tôi mong muốn các bạn hiểu được tầm quan trọng của chiến dịch và hành động ngay từ bây giờ.

* Xin hỏi chị Châu Anh. Sinh ra trong gia đình có bố làm bộ trưởng môi trường, liệu chuyện bảo vệ môi trường ở gia đình chị có gì khác so với những gia đình khác? (Thanh Diệu, 22 tuổi, thanhminhthanhnga@...)

- MC Châu Anh: Thời nhỏ, khi sống cùng cha mẹ, như bạn biết về vị trí của bố Châu Anh, ông luôn hướng các con tiết kiệm điện,nước, có ý thức tiết kiệm khi sử dụng những vật dụng có thể tái chế(giấy in có thể sử dụng mặt sau để làm nháp, vẽ tranh...), không vứt rác bừa bãi...Ban đầu, thấy bố luôn nhắc đến vấn đề bảo vệ môi trường, bốn anh em mình đôi khi có ý chống đôi. Nhưng sự kiên trì của ông đã thuyết phục được chúng mình. Từ đó chúng mình luôn ý thức được việc này và cũng nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện. Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn lòng thực hiện đâu!

* Tôi được biết chính phủ từng yêu cầu các cơ quan nhà nước khi dùng máy điều hòa chỉ chỉnh 25 độ C để tiết kiệm điện. Tuy nhiên tôi thấy nhiều cơ quan (trong đó có cả cơ quan tôi), người ta mở máy điều hòa ở mức 10-15 độ C, khiến một số người không quen chịu lạnh phải... choàng thêm áo khoác. Các vị có "sáng kiến" gì để dẹp tình trạng này, xin mách nước giùm tôi... (K.Oanh, 30 tuổi)

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, trả lời trực tuyến tại tòa soạn Tuổi Trẻ Online ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

- Ông Huỳnh Kim Tước: Đúng như bạn nói, hiện nay cũng còn có cơ quan cài đặt nhiệt độ điều hòa không khí khá thấp. Như chúng ta biết, tăng 1 độ cài đặt điều hòa không khí sẽ tiết kiệm được 2% năng lượng. Ngoài ra, chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và ngoài trời quá lớn cũng không tốt. Từ 2 năm nay, trung tâm TKNL có phối hợp với công ty Điện lực TP.HCM tổ chức chương trình đào tạo và tư vấn cho công sở về cách thức TKNL trong công sở. Chị nên đề nghị cơ quan tham gia hoặc nhận tài liệu hướng dẫn tại trung tâm TKNL.

Hiện nay, việc khoáng chi phí điện nước cho các cơ quan cũng có hiệu quả tích cực, tiết kiệm điện cũng là cách làm tăng thu nhập.

Về mặt pháp luật, hiện nay, hàng năm thành phiố đều có các đoàn thanh tra đi kiểm tra việc sử dụng điện tại các công sở để kiểm tra việc chấp hành chỉ thị của Chính phủ về vấn đề này.

* 1. Hiện nay một số thanh thiếu niên nhận thức về môi trường còn rất kém. Vậy theo ông/bà, Giờ trái đất Việt Nam có mang lại ảnh hưởng lớn cho mọi người, đặc biệt là tầng lớp trẻ? 2. Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của sự nóng lên trái đất. Tình trạng này có ảnh hưởng gì lớn đến Việt Nam và TP.HCM hay không? (lê ngọc thanh, 22 tuổi, ngocthanh88_mylove@...)

Nếu như có nhận thức và kiến thức tốt về môi trường ngày hôm nay, chính các em sẽ làm cho môi trường được cải thiện hơn trong tương lai.

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Từ trước đến nay các chiến dịch, chương trình môi trường ở Việt Nam thường khô cứng và dừng lại ở những lời kêu gọi chung chung. Vấn đề là nhiều khi các bạn trẻ có nhận thức, nhưng lại không biết họ phải làm gì, hay có thể làm gì. Giờ Trái đất trở thành sáng kiến thành công nhất toàn cầu về biến đổi khí hậu, vì nó chỉ cho mọi người là đóng góp vào giảm thiểu biến đổi khí hậu, hay vào các giải pháp cho các vấn đề môi trường, chỉ đòi hỏi những hành động hết sức đơn giản, trong từng hoạt động ta làm hàng ngày, ai cũng làm được.

Chính vì nó đơn giản và đóng góp vào giải pháp cho một vấn đề mà sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của chính người dân nên mới thu hút được sự tham gia đông đảo như vậy. Rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã tham gia bảo trợ thông tin, giúp chúng tôi đưa thông điệp và‎ ý nghĩa của Giờ Trái đất đến hàng triệu người dân. Hàng ngàn tình nguyện viên là thanh niên sinh viên trên toàn quốc đã và đang hỗ trợ chúng tôi, và các em chính là lực lượng chủ đạo thực hiện chiến dịch này.

Nếu như có nhận thức và kiến thức tốt về môi trường ngày hôm nay, chính các em sẽ làm cho môi trường được cải thiện hơn trong tương lai.

Theo tôi hiện nay, đã có rất nhiều bạn trẻ quan tâm tới vấn đề môi trường. Qua 2 năm thực hiện chương trình Giờ Trái đất, chúng tôi nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều từ các bạn tình nguyện viên là những học sinh, sinh viên. Các bạn trẻ, đã tự tổ chức rất nhiều hoạt động khác nhau để hưởng ứng chương trình như các bạn trẻ trong Thế hệ xanh đã tổ chức nhiều seminar nói chuyện về biến đổi khí hậu tại các trường ĐH Hà Nội và TP.HCM, các bạn CLB Môi trường của trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội đến nói chuyện với các em học sinh tiểu học về Giờ Trái đất, hay một nhóm các bạn học sinh đã thực hiện Free Hug Giờ Trái đất vào chiều ngày 25 vừa qua tại TP.HCM.

Ngoài ra có rất nhiều bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành khác gọi điện cho chúng tôi để chia sẻ những kế hoạch hoạt động truyền thông cho Giờ Trái đất. Đấy là những minh chứng rất cụ thể về sự quan tâm của thế hệ trẻ tới các vấn đề môi trường toàn cầu và Việt Nam.

Một trong những hậu quả của Biến đổi khí hậu là mực nước biển dâng. Do Việt Nam có đường bờ biển dài chạy dọc theo đất nước nên theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới Việt Nam sẽ là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 11% dân số Việt Nam, 5% diện tích đất đai, 7% diện tích đất nông nghiệp và 29% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.

Mực nước biển dâng, một phần lớn diện tích của TP.HCM sẽ bị ngập lụt, dẫn tới sự xâm lấn mặn tại đầu nguồn trong mùa khô. Theo ước tính, nước biển dâng 1m sẽ khiến cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị xâm lấn mặn vào đến 60 – 70 km và làm ngập khoảng 15,000 - 20,000km2. Xâm lấn mặn cũng sẽ dẫn tới nhiễm mặn nguồn nước ngầm và bề mặt, đe doạ tới nguồn nước và cuộc sống của hàng triệu người dân TP.HCM.

* Xin hỏi anh Tước, bên cạnh chiến dịch Giờ trái đất, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM của anh còn tiến hành những hoạt động gì để giúp người dân thực hiện việc tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi có thể thụ hưởng những hoạt động này bằng cách nào và ở đâu? (Trà Ly, 26 tuổi, traly@)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Chúng tôi đang phối hợp với Hội Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai cuộc vận động "Hộ gia đình tiết kiệm năng lượng" với mục tiêu 100.000 hộ gia đình tham gia. Mặc dù đến ngày 1-4 cuộc vận động mới bắt đầu, tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo hiệu quả của Thành hội Phụ nữ, đến nay đã có 87.000 hộ gia đình tham gia. Bạn có thể đăng ký tham gia ở phường hội nơi bạn cư trú.

Tham gia hoạt động này, bạn sẽ được cung cấp thông tin, tập huấn về cách thức mua sắm, sử dụng thiết bị điện như thế nào cho hợp lý.

Ngoài ra, bạn có thể tham gia các hội thảo, diễn đàn về vấn đề này, tham gia viết bài về Giờ trái đất trên báo Tuổi Trẻ Online, tham gia đêm giao lưu tại Trường nghiệp vụ Du lịch khách sạn (đường Hoàng Việt, Q. Tân Bình) vào tối 27-3. 

Đối với các đối tượng khác như doanh nghiệp, tòa nhà, giao tông vận tải ... chúng tôi có những chương trình, cách thức riêng như hỗ trợ đào tạo, tư vấn kiểm toán năng lượng, tư vấn hệ thống quản lý năng lượng, chuyển giao công nghệ ...

Mời bạn đến trung tâm chúng tôi (244 Điện Biên Phủ, Q.3) để trao đổi cụ thể hơn.

Giờ trái đất 2009 tại Hội An - Ảnh: T.T.D.

* Thưa ông Dũng, theo cá nhân tôi hiểu, chiến dịch Giờ trái đất không chỉ nhằm mục đích sử dụng năng lượng tiết kiệm mà còn những vấn đề khác. Nhưng, những vấn đề khác là gì, sao chưa thấy được đề cập đến. (Thúy Hà, 28 tuổi, ha_btpt@)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Bản chất sâu xa của chiến dịch là bảo vệ trái đất này, chống lại các tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tượng biến đổi khí hậu do rất nhiều nguyên nhân trong đó bao gồm việc sử dụng năng lượng và tài nguyên không hợp lý. Giờ trái đất lấy hình ảnh tiết kiệm điện năng như là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, còn có rất nhiều các giải pháp khác nhau cùng góp phần vào việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng thông qua chiến dịch này, chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng, không cần làm việc gì to tát, chỉ cần bắt đầu bằng những công việc hết sức đơn giản và cụ thể hàng ngày như dùng năng lượng và tài nguyên một cách tiết kiệm.

Ví dụ: tiết kiệm tài nguyên nước, xăng dầu, điện năng, khí đốt... Đây là những việc hết sức nhỏ nhưng sẽ mang lại những thay đổi lớn tích cực ở mức độ toàn cầu.

 

* Quạt điện và bóng đèn sức nóng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm thế nào để sử dụng 2 loại trên hợp lý? Khi nấu cơm, cơm chín rồi mà vẫn ghim chui điện như thế có làm tiêu hao điện thêm không? (Phan Hồng Trang, 22 tuổi, trangp2009@)

Ông Huỳnh Kim Tước: bạn có thể tham khảo thông tin hướng dẫn trong "Cẩm nang hướng dẫn sử dụng thiết bị điện trong gia đình" do trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) biên soạn, hiện có đăng tải trên báo Tuổi Trẻ Online.

>> Tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng
>> Cách sử dụng máy điều hòa không khí hợp lý
>> Sử dụng tủ lạnh, tivi, quạt máy... đúng cách
>> Sử dụng xe máy, lò vi sóng, máy nước nóng... đúng cách

* Chào chị Châu Anh, ở nhà chị có thực hiện phân loại rác hay tiết kiệm năng lượng không? Chị làm lâu chưa? Chị có bí quyết tiết kiệm điện nào chia sẻ với bạn đọc? (Binh Di, 21 tuổi, binhdi@...)

MC Châu Anh đang giao lưu với bạn đọc từ Hà Nội - Ảnh: Mỹ Châu

- MC Châu Anh: Từ khi tôi làm đại sứ Giờ trái đất, học trò của tôi toàn gọi trêu tôi là "Cô Châu Anh tắt đèn, người ta đi đến đâu thì bừng sáng, cô Châu Anh đi đến đâu thì tối om". Cu Kem- 8 tuổi, con trai tôi rất thú vị với biệt danh mới của mẹ, nên cu cậu rất thích tắt đèn, thậm chí mẹ đang làm việc cậu bé cũng tranh đi tắt đèn và tự hào nói: "Con đang tiết kiệm điện mà"!

Tiết kiệm điện không phải là bí quyết gì to lớn. Với gia đình tôi, nhận thức đã bắt đầu ngấm dần vào các thành viên một cách rất tự nhiên. Thú thật trước đây gia đình tôi không phân loại rác. Nhưng từ khi đảm nhiệm vai trò này, tôi phải tìm hiểu và ý thức bản thân cũng đã có nhiều thay đổi. Tôi cũng bắt đầu truyền tải các thông điệp, kiến thức bảo vệ môi trường cơ bản (phân loại rác, không vất rác bừa bãi, tiết kiệm năng lượng...) tới các học trò và mọi người xung quanh.

* Kính gửi ông Huỳnh Tiến Dũng. WWF đánh giá như thế nào về thành công của chiến dịch Giờ trái đất 2009, đặc biệt là ở Việt Nam. Và so với chiến dịch năm 2009, thì chiến dịch năm này có gì mới, có gì đáng phấn khởi? (Minh Huy, 31 tuổi, heomoi@...)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: So với năm 2009 (có 6 thành phố tham gia), thì năm nay số lượng tỉnh thành chính thức tham gia chiến dịch là 20. Các hình thức tuyên truyền phong phú hơn, quy mô lớn hơn, tập trung vào nhiều đối tượng hơn. Những người nổi tiếng như ca sỹ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu... đều vui vẻ tham gia nhận lời làm đại sứ thiện chí và là một chiến dịch mà có số lượng đại sứ thiện chí lớn nhất từ trước đến nay. 

Năm nay chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền cho thế hệ tương lai của chúng ta. Ví dụ: tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện chia sẻ về giờ trái đất giữa các đại sứ giờ trái đất và các em học sinh, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh tìm hiểu về hành tinh xanh...

* Thưa anh Tước. Tôi thấy rằng tiết kiệm điện như nhà anh thì bình thường quá. Theo tôi nghĩ một người làm chuyên ngành như anh có thể nên sử dụng bóng compact cho cả nhà, có thể sử dụng ngôi nhà năng lượng mặt trời chứ. (An Khanh, 27 tuổi, khanhkhanh@)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Cảm ơn gợi ý của bạn. Một trong những rào cản của những tòa nhà cũ khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời là không có vị trí phù hợp lắp đặt và phải tác động đến tòa nhà để lắp hệ thống đường ống.

Trong chiếu sáng sinh hoạt, mỗi loại đèn có những yêu cầu riêng của có, có ưu nhược riêng, đặc biệt khi lắp đặt có tác động đến phần xây dựng của tòa nhà hay không. Ngoài ra, một số vấn đề khác như phổ ánh sáng tương thích, vùng chiếu sáng... cũng cần phải được tính đến.

* Tôi được biết hiện nay Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM đang kết hợp với SaigonPetro xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học. Xin ông Huỳnh Kim Tước cho biết bao giờ nhà máy này sẽ đi vào hoạt động? Công suất bao nhiêu? Nguyên liệu và sản phẩm của nhà máy là gì? (Lan Nhi, 30 tuổi, lannhi218@)

Ông Huỳnh Kim Tước: Xăng sinh học được ủng hộ với ưu điểm giảm ô nhiễm môi trường của nó. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chương trình phát triển nhiên liệu sinh học của Việt Nam, trong đó có xăng sinh học. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đang tham gia vào lĩnh vực này. Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM (TT.TKNL) có hợp tác với Saigon Petro đầu tư nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại Cát Lái (Q.2, TP.HCM), dự kiến tháng 10 năm nay sẽ có sản phẩm đưa ra thị trường. Giai đoạn 1, nhà máy sẽ đưa ra thị trường 60 m3 xăng sinh học. Nếu tỷ lệ pha là 5%, chúng ta sẽ có hàng ngàn khối xăng sinh học đưa ra thị trường hàng ngày 

* Xin hỏi chị Minh Hồng. Chị có nghĩ Giờ Trái đất mang tính hình thức nhiều quá không? Liệu có cách nào bảo vệ môi trường thiết thực hơn không? (Thanh Diệu, 22 tuổi, thanhminhthanhnga@)

Mục tiêu của Giờ Trái đất là nâng cao nhận thức của tất cả cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức về vấn đề biến đổi khí hậu, bởi biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của tất cả chúng ta.

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Có rất nhiều cách để bảo vệ môi trường. Một trong những hoạt động đó chính là nâng cao nhận thức của mọi người để không còn những hành động tiêu cực phá hoại môi trường. Và mục tiêu của Giờ Trái đất là nâng cao nhận thức của tất cả cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức về vấn đề biến đổi khí hậu, bởi biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của tất cả chúng ta. Chính vì mục đích đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông và hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, từ trường học tới công sở và các hộ dân, doanh nghiệp.

Ngoài những hoạt động này ra thì còn rất nhiều bạn trẻ và doanh nghiệp tự tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất và vì thế đã tạo ra một làn sóng rất lớn ủng hộ Giờ Trái đất trên toàn quốc. Đây không phải là những hoạt động mang tính hình thức, mà nó thể hiện sự quan tâm của tất cả mọi người đến một vấn đề và cùng nhau hành động.

Không phải là sau một giờ tắt đèn thì ngay ngày mai sẽ hết biến đổi khí hậu. Nhưng chắc chắn nó sẽ có những thay đổi tích cực trong nhận thức của mọi người, và cái đạt được của nó không phải là con số điện tiết kiệm được trong vòng 1 giờ đồng hồ đó, mà là sự thay đổi suy nghĩ trong mỗi cá nhân về những gì mọi người có thể làm được để đóng góp vào bảo vệ môi trường.

* Thưa ông Huỳnh Tiến Dũng. Hình ảnh những người trẻ xuất hiện trong đợt cổ động chiến dịch Giờ trái đất là một hình ảnh đáng tự hào. WWF có dự định phối hợp với các tổ chức Đoàn, Hội để biến những Giờ trái đất không chỉ mỗi năm một giờ, mà sẽ thành những hoạt động định kỳ có ý nghĩa như Chủ nhật hồng, Mùa hè xanh... (Văn Thương, 24 tuổi, thuong.vothivan@)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Cảm ơn bạn vì đã đề cập đến một lực lượng rất quan trọng đảm bảo sự thành công của chiến dịch giờ trái đất, đó chính là lực lượng đông đảo các tình nguyện viên và học sinh sinh viên. Các bạn tình nguyện viên đã tham gia hết sức tích cực vào các hoạt động tổ chức vận động tuyên truyền cho Giờ trái đất.

Thế hệ trẻ là những người sẽ làm chủ đất nước và trái đất này, vì vậy họ vừa là đối tượng giờ trái đất hướng tới đồng thời họ cũng là lực lượng quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về giờ trái đất. Họ chính là những thông điệp sống về giờ trái đất.

Hiện tại WWF đang có một số chương trình dự án như giáo dục môi trường trong nhà trường phổ thông, văn phòng xanh (văn phòng tiết kiệm năng lượng và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường)... Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn các dự án và chương trình của mình vào các đối tượng trẻ.

* Cháu chưa hiểu lắm về khái niệm không nên dùng điện ở các giờ cao điểm. Những giờ như thế nào được coi là giờ cao điểm đối với ngành điện. Và tại sao không nên sử dụng điện trong những giờ cao điểm? (Bé Lan, 12 tuổi)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Cháu Lan thân mến, rất vui vì cháu sớm quan tâm đến vấn đề này. Khái niệm giờ cao điểm để nói đến những thời điểm trong một ngày mà phụ tải điện lên cao. Đặc điểm của nguồn cấp điện và tiêu tụ điện của Việt Nam là trong một ngày có lúc dư công suất nhưng lúc cao điểm lại có lúc thiếu điện.

Ở góc độ quản lý, người điều hành mong muốn chuyển phụ tải giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. Ví dụ: không nên bơm nước lúc 6-10 giờ tối (giờ cao điểm) mà nên chuyển sang bơm nước vào 6g sáng chẳng hạn. Về năng lượng không giảm nhưng vào giờ này, giá điện sẽ thấp hơn.

* Hưởng ứng Giờ trái đất, em không đợi đến ngày 27-3 mới tắt đèn, mà từ khi biết thông tin này, em đã tắt đèn nhiều hơn, những ngọn đèn em cho là không cần thiết. Thế nhưng mẹ em lại la em là tắt đèn làm gì, để vậy cho sáng nhà sáng cửa. Em không làm sao thuyết phục được mẹ em. Vậy theo chị, em phải làm sao ạ. (Tuyết Trinh, 16 tuổi, trinhusau@)

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Em hãy thuyết phục mẹ với những lý do tại sao em lại tắt đèn; nói để mẹ hiểu việc tắt đèn và những thiết bị điện không đang sử dụng sẽ không những góp phần bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu khí CO2, giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu mà còn giảm hóa đơn tiền điện của nhà mình mỗi tháng.

* Giờ trái đất chúng ta ủng hộ là tắt điện trong 1 thời gian, thực ra chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Theo mình, để việc tiết kiệm đi vào thực chất, phải ban hành thành luật, thành quy định (có thưởng có phạt) để mọi người cùng làm. Ông nhận xét gì về việc này. (Trần Minh Hải, 29 tuổi, hai.tm@)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Hiện nay, Việt Nam đang dự kiến thông qua luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kỳ họp Quốc hội tháng 5-2010 tới đây. Phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm các lĩnh vực, đối tượng liên quan đến năng lượng như ngành công nghiệp, giao thông vận tải, tòa nhà, thiết bị điện, công nghệ, chiếu sáng, hộ gia đình... Khi luật này có hiệu lực, chắc chắn hiệu quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) sẽ cao hơn.

Thực ra, tiết kiệm năng lượng là một chủ trương mang tính đồng thuận cao, vì TKNL đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, cho doanh nghiệp, cho nhà nước và cho môi trường. Vấn đề là, để làm tốt TKNL luôn luôn cần có 2 mặt: khuyến khích và chế tài. Vấn đề này đi liền với các chính sách, tài chính, tiêu chuẩn, đào tạo... Việt Nam đang cố gắng hoàn chỉnh những vấn đề này.

* Chào chị Minh Hồng, em được biết chị có dịp đi nhiều nơi trên thế giới. Vậy chị có thể chia sẻ cùng mọi người về kinh nghiệm sử dụng điện hợp lý, bảo vệ môi trường của các nơi trên thế giới (từ cá nhân cho đến tổ chức, chính quyền...) (Hoàng Công, 28 tuổi, sale_ad@)

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Ở các nước phát triển chị đã tới, việc bảo vệ môi trường là việc nghiễm nhiên, trở thành thói quen hàng ngày, trở thành lối sống chứ không phải là phải là những việc mang tính bắt buộc, là trách nhiệm. Con người mình khi làm gì mà nó là bắt buộc phải làm, thì thấy khó lắm.

Như nhiều người dân mình không có thói quen tắt đèn khi ra khỏi phòng, nên cứ phải hô hào mãi, nhưng nếu nó là những thói quen được tập từ bé tí, xung quanh ai cũng làm vậy, thì đã không có tình trạng tiêu thụ điện lãng phí như hiện nay. Làm thế nào để những thói quen bảo vệ môi trường, như tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng, tái chế, đi xe đạp đi học, dùng thực phẩm địa phương... trở thành những hành vi điển hình của lối sống “sành điệu.

Làm thế nào để những thói quen bảo vệ môi trường, như tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng, tái chế, đi xe đạp đi học, dùng thực phẩm địa phương v.v., trở thành những hành vi điển hình của lối sống “sành điệu” và văn minh, thì ai cũng sẽ muốn luyện những thói quen đó.

* Tôi nghĩ bên cạnh những vấn đề thuộc về quản lý thì những hướng dẫn tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đến từng người dân, đặc biệt là trường học, hiện nay kém. Tôi ví dụ đi xe máy gặp đèn đỏ, tắt máy hay mở máy là bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm công nghiệp như thế nào là chừng mực. Tôi tự hỏi một chương trình mang tầm quốc gia tại sao chưa có? (Nguyễn Châu, 36 tuổi, chau98@...)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Hai năm qua, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng (TKNL) đã cố gắng đưa kiến thức TKNL vào trong trường học thông qua nhiều hình thức, chúng tôi vẫn kiên trì hoạt động này trong thời gian tới. Rất mừng là gần đây, chúng tôi thấy nhận thức của cộng đồng về TKNL đã có chuyển biến.

Việc sử dụng năng lượng sao cho hiệu quả trong thiết bị điện, phương tiện giao thông, thiết bị công nghiệp ... cũng được trung tâm hướng dẫn trong nhiều năm qua. Đã có hơn 3.000 doanh nghiệp được tư vấn trong lĩnh vực này. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2010 và 2015.

* Sài Gòn thời gian gần đây rất nóng, nóng đến điên người. Những cơn lũ lụt năm rồi tàn phá miền Trung... Đó là hậu quả của việc mở khu công nghiệp tràn lan, mở thủy điện không quy hoạch. Vậy, theo cá nhân tôi, nhà nước cần xem xét lại chính sách của mình hơn là hô hào người dân tắt đèn một giờ (Lộc Minh, 67 tuổi, vanloc63@...)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Để ứng phó với biến đổi khí hậu, cần phải có sự hợp tác ở mức độ toàn cầu, sự cam kết và quyết tâm của các quốc gia thông qua những chủ trương và chính sách hợp lý. Ngoài ra, nó cần sự chung tay góp sức của mọi người dân. Chiến dịch giờ trái đất chỉ là một trong những giải pháp ứng phó với các hiện tượng biến đổi khí hậu như hiện tượng nóng lên toàn cầu, các hiện tượng thiên tai lũ lụt... Chúng tôi được biết chính phủ VN đã có chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều chương trình dự án liên quan.

Giờ trái đất cũng là một trong những giải pháp cho biến đổi khí hậu. Thay bằng đổ lỗi cho những nguyên nhân khác, thì chúng ta hãy tập trung ngay vào những hành động thiết thực nhất của mình.

* Thưa ông Huỳnh Kim Tước, được biết tối mai 27-03 Trung tâm sẽ phối hợp với công ty Saigontourist tổ chức chương trình hưởng ứng Giờ trái đất tại sân trường trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Ông có thể giới thiệu thêm về chương trình không, điều gì ông muốn nhắn gửi đến bạn trẻ trong chương trình này. (cao minh, 29 tuổi, caominh80@..)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Cảm ơn bạn quan tâm. Chương trình "Ấm áp một giờ không điện" do Trung tâm TKNL phối hợp với Saigontourist tổ chức tại địa chỉ: 23/8 đường Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM từ 18g30 đêm 27-3 với các nội dung: biểu diễn thời trang thân thiện môi trường, văn nghệ, giao lưu giữa các chuyên gia về năng lượng và môi trường với thanh niên. Tham gia đêm giao lưu cũng là cách hưởng ứng Giờ trái đất một cách lành mạnh cùng bạn bè và người thân. Mời bạn đến và cùng bạn bè tham dự! 

 

* Tôi còn nhớ ở chiến dịch Giờ trái đất năm ngoái, cơ quan tôi đã hưởng ứng suốt một tuần liền bằng những việc như: kéo rèm cửa ra lấy ánh sáng tự nhiên khi ngồi họp để khỏi bật đèn, chỉ mở máy điều hòa sau 10g sáng, treo bảng ở cửa thang máy "Nếu có thể hãy đi thang bộ để tiết kiệm điện và rèn luyện sức khỏe".

Nhưng sau thời gian đó, việc mở đèn lúc họp, và bật máy điều hòa từ sáng sớm lại được lặp lại... Để có vẻ như là người VN chúng ta chỉ giỏi hô hào, làm hình thức đánh trống bỏ dùi... Làm sao để những điều này trở thành những thói quen và đi vào thực chất. (Uy Chương, 24 tuổi, uy.bg@...)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Để thay đổi nhận thức và thói quen của con người đòi hỏi một phương pháp tuyên truyền hợp lý và lâu dài, lặp đi lặp lại. Giờ trái đất chỉ là một trong những đóng góp nhỏ bé của WWF vào việc thay đổi nhận thức này. Như ví dụ trên, chiến dịch ít nhất cũng đã thành trong vòng một tuần.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch Giờ trái đất hàng năm với những hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú hơn, quy mô càng rộng lớn hơn.

Hy vọng rằng, càng ngày nhận thức và thói quen của chúng ta trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng ngày càng thay đổi theo hướng tích cực, thể hiện một cách sống có trách nhiệm với mọi người xung quanh và trái đất.

* Con tôi về đến nhà là bật tivi, sau đó chuyển từ kênh này sang kênh khác. Và tương tự cũng về đến nhà là mở máy điều hòa cho dù thời tiết không nóng quá, hoặc lạnh quá. Rõ ràng, như vậy là không tiết kiệm điện, nhưng tôi không cách nào khuyên răn con mình trong chuyện này được. Mong được chương trình giúp cho ý kiến. (Thu Hòa, 58 tuổi, dothuhoa@...)

MC Châu Anh - Ảnh: Mỹ Châu

- MC Châu Anh: Bạn hãy kể cho con một câu chuyện hoặc sưu tầm những đoạn phim ngắn, phóng sự về những em bé ở các địa phương vừa trải qua nạn động đất, sóng thần... sống cảnh màn trời chiếu đất. mất cha mẹ, anh chị... và nói với con: "Nếu ai cũng không biết tiết kiệm nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường thì tương lai của chúng ta sẽ như thế này đây"!

Hãy cho con trẻ nhìn thấy trực tiếp những hình ảnh cụ thể làm minh chứng sinh động cho những điều bạn nói.

* Chào chị Châu Anh, với vai trò là một đại sứ của chiến dịch giờ trái đất 2010, chị có những thông điệp gì muốn gửi gắm tới các bạn trẻ. Ngoài ra chị còn là người hoạt động trong lĩnh vựa âm nhạc, vậy chị có sáng kiến gì trong tuyến hoạt động tuyên truyền về môi trường, biến đổi khí hậu bớt "khô khan" đi để bạn trẻ dễ tiếp nhận hơn? (Vương Hùng, 27 tuổi, vuonghung27@...)

- MC Châu Anh: Tôi rất tâm đắc với thông điệp của chiến dịch Giờ trái đất 2010: "Hành động nhỏ cho sự thay đổi lớn - Small action for big change". Đúng là như vậy, chúng ta hãy làm một hành động vô cùng đơn giản là tiết kiệm điện để bản thân chúng ta có một tương lai tốt đẹp!

Tôi có một số những ý tưởng lồng ghép âm nhạc vào các hoạt động tuyên truyền Giờ trái đất như sau:

- Trong 1 tiếng tắt đèn vào ngày mai 27-3, vào lúc 20g30-21g30, các gia đình nên tổ chức cho các con chơi các trò chơi âm nhạc như: hát đối đáp, nghe nhạc sáng tạo hình tượng con vật...

- Các nhóm SV-HS cùng tổ chức trong ánh nến các chương trình văn nghệ, cùng chia sẻ những ước mơ, sở thích, đồng thời lồng vào đó những hiểu biết về biến đối khí hậu, về hiệu ứng nhà kính...

- Trong khi đi giao lưu, tuyên truyền ở các trường phổ thông, bằng kinh nghiệm giảng dạy nghệ thuật, tôi cũng đưa vào các trò chơi âm nhạc, các bài hát cho không khí buổi giao lưu tuyên truyền thêm phần sinh động và gần gũi với các em nhỏ hơn.

- Bản thân Châu Anh và và các bé thiếu nhi của Trung tâm Nghệ Thuật SolArt và các em học sinh của Học viện Âm nhạc quốc gia VN có nhiệm vụ tạo nên sắc màu lung linh cho sự kiện Giờ trái đất được diễn ra tại Hồ Tây, Hà Nội bằng các tiết mục hát múa đặc biệt. Đặc biệt toàn bộ chương trình không sử dụng ánh đèn sân khấu, BTC sử dụng ánh sáng từ hàng trăm ngọn nến trên tay các bé thiếu nhi và các bạn tình nguyện viên.

Dàn hợp xướng sẽ hát bài Peace on Earth (Hòa bình trên trái đất), Never let go of your dream (Bay lên cùng ước mơ)...

* Thưa chị Minh Hồng. Theo ý kiến cá nhân chị, đâu là những điều đáng lo ngại nhất mà thời tiết, khí hậu... sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân Việt Nam? Chị có cho rằng, hình như ở Việt Nam, việc môi trường là việc của chính quyền chứ chưa phải là việc của người dân (khi mà người dân, ưu tiên trước tiên vẫn là chuyện cơm áo gạo tiền mưu sinh hàng ngày)? (Hoài Lam, 22 tuổi, hoailam@...)

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Việt Nam là một trong năm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhất do tác động của tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, do dân số đông, diện tích nông nghiệp và thủy sản lớn, và có đa dạng sinh học và các hệ sinh thái phong phú. Trong những năm vừa qua, biến đổi khí hậu đã thấy rất rõ ở đây.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra nhiều thiệt hại nặng về người và của: mưa bão lớn và thủy triều cao trong năm ngoái ở tỉnh Cà Mau đã lấy đi tính mạng của nhiều người, phá hủy nhiều ngôi nhà và thuyền đánh cá, các đầm nuôi cá tôm bị phá hủy.

Như đã nói ở trên, trách nhiệm bảo vệ môi trường không phải chỉ của chính quyền. Các bạn hãy hiểu rằng mỗi việc ta làm hàng ngày, các thói quen tiêu thụ của mỗi người đều có tác động đến môi trường xung quanh. Chỉ cần mọi người dừng lại một phút, suy nghĩ về những gì mình đã làm ngày hôm nay liệu có ảnh hưởng gì đến môi trường không, thì dần dần mọi người sẽ trở nên “xanh” hơn.

Nếu như môi trường bị phá hủy thì chính người dân sẽ chịu hậu quả đầu tiên. Biến đổi khí hậu chẳng hạn, sẽ dẫn đến hạn hán, lũ lụt, ảnh hưởng đến nông nghiệp, đến nền kinh tế, đến sinh kế và cuộc sống của chính chúng ta.

* Hẳn ông đã có điều kiện đi nhiều nơi để tham quan và học tập những mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện môi trường... Theo ông, những mô hình nào đáng để học tập, và lý do vì sao? Liệu những mô hình đó khi ứng dụng ở nước ta thì sẽ gặp những khó khăn gì? (Thu Hằng, 32 tuổi, thu.vu@...)

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta phải chọn cách làm phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tiết kiệm năng lượng sẽ đi cùng với quá trình đổi mới công nghệ và quản lý.

- Ông Huỳnh Kim Tước: Có dịp nghiên cứu về công tác tiết kiệm năng lượng (TKNL) của các nước, tôi thật sự ấn tượng về hiệu quả của TKNL ở nước Nhật, Trung Quốc...

Nếu nước Nhật thành công vì có một hệ thống chính sách và giải pháp đồng bộ và sự tham gia tự nguyện rất cao của cộng đồng, doanh nghiệp thì ở Trung Quốc thành công nhờ có tinh thần chấp hành luật pháp và các chương trình hành động cụ thể.

Mỗi nước có một cách làm khác nhau nhắm vào các đối tượng chính tiêu dùng năng lượng, ví dụ: Singapore không chú ý nhiều vào nhóm công nghiệp nhưng quan tâm nhóm tòa nhà.

Để làm tiết kiệm năng lượng thành công, cái khó nhất là cần có sự tham gia của nhiều thành phần trong cộng đồng từ doanh nghiệp sản xuất, đến người dân, công trình xây dựng... Thứ hai, để làm được, cần có các điều kiện về tài chính, tiêu chuẩn, nguồn nhân lực, tư vấn,... đây chính là những vấn đề hạn chế của Việt Nam.

Chúng ta đi sau, có điều kiện nghiên cứu cách làm của các nước. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta phải chọn cách làm phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tiết kiệm năng lượng sẽ đi cùng với quá trình đổi mới công nghệ và quản lý. Do vậy, kết hợp các mục tiêu trong một hành động sẽ có hiệu quả cao hơn.

Theo nhận xét của cá nhân tôi, dù Việt Nam tiếp cận vấn đề TKNL chỉ gần đây nhưng nhìn chung chúng ta đã đi không chậm. Chúng ta đã vượt qua được bước thay đổi nhận thức rồi.

* Xin gửi câu hỏi này tới ông Huỳnh Kim Tước: Hiện nay, tại TPHCM, tôi được biết bên ông thực hiện rất nhiều các hoạt động truyền thông thông tin về TKNL, và trong chương trình GTD tôi thấy bên ông cũng có rất nhiều hoạt động, theo ông, ông đánh giá tầm quan trọng của hoạt động truyền thông này như thế nào đối với Trung tâm ông, xin cảm ơn ông. (Minh Hai, 43 tuổi, minhhai@...)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Bao giờ cũng vậy, một vấn đề mới, muốn đối tượng hiểu đúng và làm đúng đề cần thiết phải làm truyền thông. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi tập trung truyền thông để các thành phần từ doanh nghiệp, tòa nhà, người dân, thanh niên, học sinh hiểu đúng thế nào là tiết kiệm năng lượng (TKNL), từ đó thay đổi nhận thức là muốn hành động tiết kiệm năng lượng. Về cơ bản, giai đoạn này ở TP.HCM đã hoàn tất.

Bước thứ hai, sau khi cộng đồng có nhận thức là muốn thực hiện TKNL thì truyền thông phải làm được việc trả lời câu hỏi: làm thế nào để TKNL. Do vậy, có thể nói, nếu muốn làm TKNL, bước đầu tiên phải làm là công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng.

* Mình thấy ở những tỉnh xa TP.HCM như Đồng Tháp, An Giang dều không biết gì về Giờ trái đất. khi mình hởi phó bí thư trường ĐH Đồng Tháp là "anh có tổ chức gì để ủng hộ Giờ trái đất không?", anh ấy hỏi lại mình "Giờ trái đất là gì? Trường mình không tổ chức mấy cái lạ như vậy". Mình nghĩ là cần phải tìm cách để mọi người cùng hoạt động... Quý vị khách mời có thể gợi ý cho mình một số cách không? (Bearly, 22 tuổi, nguyenthi_trucly89@)

- MC Châu Anh: Rất đơn giản, mời những người chưa nhận được thông tin vào ngay website www.earthhour.org.vn, website chính thức của hoạt động, để có thông tin và cùng hưởng ứng Giờ trái đất.  

* Năm trước em có tham gia,em cùng các bạn đi đến công viên đốt nến đợi cúp điện nhưng đến lúc cúp điện thì có vài nơi còn điện đường vẫn sáng chói, vậy đã hành động vì môi trường chưa? (Phi Cung, 23 tuổi, SV ĐH NGÂN HÀNG)

- MC Châu Anh: Chị nghĩ là chiến dịch Giờ trái đất muốn kêu gọi nhận thức của từng người, từng cá nhân biết gìn giữ bảo vệ môi trường. Hãy tự hào em là người có ý thức và tiếp tục kiên nhẫn tuyên truyền cho những người xung quanh, để những ngọn đèn đường sáng thừa thãi sẽ được tắt.

 

* Việc in các băng rôn, poster (khó tái sử dụng) cho sự kiện và đốt nến như vậy cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến môi trường? Ban dự án có nhận thức được điều này không? (Nguyễn Tư Duy, 30 tuổi, tuduy@)

- Huỳnh Tiến Dũng: Đúng là chúng tôi hoàn toàn ý thức được việc sử dụng băng rôn, poster hay đốt nến cũng phần nào ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, đây là một trong những hình thức tuyên truyền hữu hiệu và hiệu quả của nó chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với mặt tiêu cực của việc sử dụng các vật liệu trên.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi khuyến khích những hoạt động hưởng ứng giờ trái đất một cách quá ồn ào, tốn kém ảnh hưởng đến môi trường. Mong rằng, chúng ta tham gia hưởng ứng giờ trái đất bằng các hình thức hiệu quả và thân thiện với môi trường.

* Chi phí hoạt động và tài trợ cho WWF được sử dụng như thế nào cho hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam? Các doanh nghiệp có tham gia ủng hộ? (Nguyễn Tư Duy, 30 tuổi, tuduy@)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: WWF là tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. WWF Việt Nam tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ và hỗ trợ VN thông qua các dự án. Việc xây dựng và triển khai các dự án này chúng tôi luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nhà nước và chính quyền địa phương để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được nhu cầu ưu tiên của quốc gia cũng như của các địa phương.

Tôi cũng phải nói rằng, so với các nước khác việc các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường thiên nhiên còn rất hạn chế. Chúng tôi đang hết sức nỗ lực thông qua các hoạt động vận động của mình để dần dần khuyên khích các doanh nghiệp VN tham gia và đóng góp tích cực hơn vào hoạt động bảo vệ môi trường.

 

* Chúng ta có nên vận động "ngày làm việc xanh", ví dụ các bạn trẻ đi làm bằng xe đạp? Các bạn nghĩ việc này có thực hiện trong thời gian tới tại TP.HCM không? Và việc giáo dục bảo vệ môi trường có nên đưa vào chương trình chính khoá ? (Nguyễn Tư Duy, 30 tuổi, tuduy@...)

- MC Châu Anh: Ý tưởng của bạn quá tuyệt vời. Đi xe đạp vừa bảo vệ được môi trường, vừa tiết kiệm được năng lượng, vừa rèn luyện sức khỏe. Tôi rất ủng hộ và bản thân cũng sẽ cố gắng chuyển sang đạp xe đi làm.

Việc giáo dục bảo vệ môi trường hoàn toàn nên đưa vào chương trình chính khóa, nếu chưa khả thi, chúng ta có thể tổ chức các buổi ngoại khóa một cách sinh động để giúp cho học sinh nhận thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường.

* TP.HCM làm rầm rộ thế sao Hà Nội nói là ủng hộ Giờ trái đất mà có vẻ "im hơi lặng tiếng" thế... (hoàng thị minh phương, 47 tuổi, doanhphuong07)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Sự kiện giờ trái đất năm nay được chọn chính thức tổ chức tại TP.HCM. Năm ngoái sự kiện này tổ chức ở Hà Nội. Việc tổ chức sự kiện giờ trái đất tại TP HCM không có nghĩa là chỉ TP.HCM mới tham gia giờ trái đất mà thực tế nhiều địa phương khác cũng tích cực tham gia tổ chức các sự kiện riêng của mình để hưởng ứng chiến dịch giờ trái đất.

Theo như tôi được biết thành phố Hà Nội cũng vẫn tổ chức một sự kiện vào ngày mai và được truyền hình trực tiếp trên HTV. Bạn hãy đón xem nhé!

 

* Chào chị Minh Hồng. Mong chị chia sẻ sự thay đổi trong nhận thức của mình về môi trường trong thời điểm nay so với Giờ Trái đất năm ngoái và những năm trước. Nó có thay đổi nhiều không? Có cảm nhận gì khác không? (An Khanh, 27 tuổi, khanhkhanh@)

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Phải nói là thay đổi rất lớn. Năm ngoái vấn đề biến đổi khí hậu còn quá xa vời, và mặc dù chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, mọi người vẫn chưa thật sự hiểu được ‎ý nghĩa của Giờ Trái đất. Rất nhiều người dân hiểu nhầm Giờ Trái đất là cúp điện toàn thành phố; nhiều người cũng thắc mắc về kết quả của Giờ Trái đất tại Hà Nội, cho rằng chỉ tiết kiệm được hơn 100 triệu tiền điện thì chẳng đáng là bao. Trong khi đó mục tiêu của Giờ Trái đất là thay đổi nhận thức của mọi người về hành động nhỏ của mỗi người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Việc tắt điện cũng chỉ là một trong hàng nghìn việc nhỏ mỗi người có thể làm để đóng góp vào nỗ lực chung này.

Năm nay, sự tham gia của cộng đồng trong chiến dịch Giờ Trái đất là lớn hơn năm ngoái rất nhiều. Năm 2009, VN chỉ có 6 thành phố tham gia Giờ Trái đất nhưng năm nay đến thời điểm này đã có tới 20 tỉnh thành tham gia. So với con số khiêm tốn về các doanh nghiệp đăng ký tham gia Giờ Trái đất chỉ là vài chục trong năm ngoái thì chỉ riêng một hoạt động nhỏ là Tiệc trưa Xanh mà chúng tôi tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. Hàng ngàn các em tình nguyện viên đã giúp đỡ chúng tôi.

Hoạt động truyền thông của chúng tôi đã đến từng trường học, từng tòa nhà văn phòng, từng nhà hàng siêu thị... tất cả đều nhờ có các tình nguyện viên. Giờ Trái đất năm nay đã thực sự lớn hơn rất nhiều cả về quy mô và tầm ảnh hưởng, giảm đi rất nhiều những hiểu lầm về Giờ Trái đất (ví dụ như Giờ Trái đất chỉ đơn giản là chiến dịch về tiết kiệm điện).

* Thưa ông Huỳnh Tiến Dũng. Ông có nghĩ là chúng ta nên tổ chức những buỗi tuyên truyền về tình hình nóng lên của trái đất và hậu quả nghiêm trọng của nó, đến các trường học không. Vì học sinh- sinh viên là một lực lượng khá đông đảo của đất nước, lại được tập trung ở những chỗ nhất định, sẽ dễ dàng hơn cho việc tuyên truyền.

Và để cho những người học sinh - sinh viên có ý thức hơn trong việc sử dụng tiết kiệm điện, cũng như là có thể tự về nhà vận động lại gia đình của mình sử dụng tiết kiệm điện. (Nguyễn Văn Minh Tân, 20 tuổi, minhtan1132002@...)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Tôi hoàn toàn nhất trí với bạn. Các bạn trẻ chính là những đối tượng đầu tiên cần phải hướng đến và họ cũng là những đối tượng nhiệt tình nhât, xông xáo nhất tuyên truyền cho chiên dịch. Thực tế, WWF đang có một số dự án về giáo dục môi trường tập trung vào các bạn trẻ.

* Là 1 công dân VN tôi thật sự quan tâm về Biến đổi khí hậu- 1 vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến VN. Xin hỏi, quí ban ngành đã có những hướng dẫn hành động cụ thể cho người dân để hạn chế những ảnh hưởng này không? Cụ thể là gì? Xin cám ơn! (Nguyễn Thị Như Aí, 42 tuổi, nhuai905@)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Tôi chỉ có thể trả lời bạn dưới góc độ của một tổ chức phi chính phủ làm về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Bạn hãy bằng những hành động cụ thể sau: tắt những bóng điện không cần thiết, dùng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, sử dụng điều hòa hoặc lò sưởi khi thật cần thiết, đóng kín cửa khi dùng điều hoà, ngắt các thiết bị điện khỏi ổ điện khi ra khỏi nhà...

Chỉ bằng những hành động đơn giản như thế này thôi, nhưng chính bạn sẽ thể hiện là một người sống có trách nhiệm và quan tâm đến hành tinh này.

 

* Là đại sứ của chiến dịch Giờ Trái Đất 2010,chị Châu Anh nhận thấy thế hệ thanh niên,đặc biệt là Sinh viên các trường Đại học đã hưởng ứng sự kiên này như thế nào? (Nguyễn Văn Thành, 21 tuổi, nvthanh_sv2009@

- MC Châu Anh: Các bạn SV rất nhiệt tình hưởng ứng chiến dịch này. Bằng chứng là, hàng trăm bạn tình nguyện viên đã mặc áo Giờ trái đất tham gia các hoạt động tuyên truyền cho chiến dịch này. Ví dụ: trường ĐH Quốc Tế Bắc Hà tổ chức chương trình văn nghệ dưới ánh nến lung linh, chơi trò chơi vấn đáp, kiểm tra các kiến thức về biến đổi khí hậu.

Học viện Âm nhạc Quốc Gia VN cũng tưng bừng tổ chức các hoạt động thi kiến thức giữa các khoa về Giờ trái đất. Tối hôm qua 25-3, tại Quảng trường Quang Trung, Gò Đống Đa 5000 HS-SV đã nắm tay nhau hát vang bài Heal the world - Hàn gắn thế giới dưới ánh nến.

Không chỉ có hưởng ứng bằng cách tham gia các hoạt động văn nghệ, tôi nghĩ rằng các bạn đã thực sự nhận thức được tầm quan trọng của những hoạt động bảo vệ môi trường.

 

* Thưa ông Huỳnh Kim Tước, được biết cơ quan ông đã phối hợp tổ chức lễ ra quân chop học sinh sinh viên hưởng ứng Giờ trái đất vào ngày 21-3 rất thành công. Vậy từ nay đến khi giờ trái đất diễn ra vào ngày mai, Trung tâm còn có những sự kiện nào nữa không? (Thao Ly, 25 tuổi, thaoly324@)

Ông Huỳnh Kim Tước trả lời trực tuyến bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online tại TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Ông Huỳnh Kim Tước: Trong ngày 27-3 sẽ có các sự kiện:

Buổi sáng, tại nhà hát thành phố: mít-tinh phát động cuộc vận động gia đình tiết kiệm năng lượng và diễu hành của Hội Phụ nữ TP.HCM ,

Buổi tối: hoạt động ráp hình của sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM dự kiến diễn ra tại nhà hát thành phố, đêm giao lưu "Ấm áp một giờ không điện" tại trường Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (23/8 đường Hoàng Việt, Q. Tân Bình)...

* Chào chị Châu Anh. Cá nhân chị có có nghĩ Giờ trái đất và hành động vì môi trường là một đề tài quá to tát, và có phần xa lạ với đời sống hiện nay của chúng ta không? Và cả việc hưởng ứng phong trào Giờ trái đất cũng vậy, hình như do trên thế giới có nên chúng ta theo... chứ chưa vì ý nghĩa thực chất của nó. (Anh Thư, 23 tuổi, thuanh@)

- MC Châu Anh: Xin bạn hãy đọc kỹ thông điệp của Giờ trái đất năm nay: Hành động nhỏ cho Thay đổi lớn! Đây không phải là một chiến dịch xa lạ mà từng việc làm nhỏ của mỗi người góp vào chiến dịch này sẽ tạo nên một sự thay đổi vô cùng to lớn: Chống lại sự biến đổi khí hậu, chống lại sự nóng lên toàn cầu, bảo vệ cho chính hành tinh - ngôi nhà chung mà chúng ta đang sống.

Nếu mỗi cá nhân chúng ta không bắt đầu đóng góp một hành động dù là nhỏ ngay từ bây giờ, thì hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bạn, con cái bạn, gia đình của bạn sau này....

* Năm trước em có tham gia, em cùng các bạn đi đến công viên đốt nến đợi cúp điện nhưng đến lúc cúp điện thì có vài nơi còn điện đường vẫn sáng chói, vậy đã hành động vì môi trường chưa? (Phi Cung, 23 tuổi, SV ĐH NGÂN HÀNG)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Thực ra rất nhiều bạn trẻ hiểu nhầm rằng trong giờ trái đất điện sẽ bị cắt nhưng thực chất hoàn toàn không phải vậy. Việc tắt điện tại một số địa điểm là hoàn toàn tự nguyện và chỉ mang tính chất tượng trưng.

Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới các bạn qua giờ trái đất là hãy sử dụng năng lượng một cách hiệu quả thông qua các hoạt động cụ thể hàng ngày như tắt các trang thiết bị điện không cần thiết để góp phần vào chống biến đổi khí hậu.

* Khi tham gia chương trình này chị Châu Anh cảm thấy như thế nào? Chị cảm thấy hạnh phúc vì nhiều người tham gia ủng hộ chi chứ ? Xin cảm ơn. (Nguyễn Ngọc Chiến, 38 tuổi, nnchien@yahoo.com)

- MC Châu Anh: Cảm ơn anh Chiến, tôi rất vui và cảm thấy đầy năng lượng khi tham gia chiến dịch này. Bản thân tôi cũng nhận được rất nhiều, từ những kiến thức về bảo vệ môi trường đến cách thức chia sẻ kiến thức ấy đến cộng đồng, đặc biệt là đối với các em thiếu nhi. Tôi cũng rất mong đợi những ý kiến phản hồi của các bạn về Giờ trái đất và quá trình hoạt động với vai trò là Đại sứ của mình. (mọi ý kiến chia sẻ về Giờ trái đất, tôi xin tiếp nhận tại diễn đàn www.sol.edu.vn).

Chúc anh và những người thân của mình sẽ có một buổi tối hưởng ứng Giờ trái đất thật vui và ý nghĩa. Đừng quên tắt đèn và các thiết bị điện vào 8g30 tối ngày mai (27-3) nhé!

* Thưa bà Hoàng Thị Minh Hồng, tôi được biết bà là cố vấn chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam. Tôi có một đề xuất, chúng ta nên đưa vào các lớp học một tiết trong một tuần giảng về Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Và cách tiết kiệm điện trong gia đình nhằm tuyên truyền và giáo dục một cách sâu rộng nhằm thay đổi ý thức tiết kiệm điện vì môi trường cho các em học sinh. Bà nghĩ thế nào về ý tưởng này của tôi? (Phí Quang Huy, 24 tuổi, huy_sadless2008@)

- Bà Hoàng Thị Minh Hồng: Có thể nói đây là một ý tưởng tuyệt vời, và đó cũng chính là mong muốn của riêng tôi cũng như của cả đội thực hiện Giờ Trái đất tại Việt Nam. Việc giáo dục môi trường trong nhà trường ở VN, nếu có, vẫn còn thiếu những nội dung và hoạt động đủ hấp dẫn để làm cho học sinh thấy yêu thích.

Vì sao mọi người hay thích xem các kênh thế giới động vật hay National Geographic thế? Là vì những chương trình đó được làm thật là hay. Cho nên tôi rất mong việc giáo dục môi trường ở Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức và cải thiện nhiều so với hiện nay.

Đúng như bạn đề xuất, các nội dung cũng phải phù hợp với cuộc sống hàng ngày, như việc tiết kiệm điện trong chính ngôi nhà của mình, vừa giảm chi phí tiền điện, vừa làm khí hậu này bớt “nóng”. Và để thay đổi nhận thức của người lớn, tôi tin rằng các em học sinh chính là “vũ khí” hiệu quả nhất, vì rất khó để có thể bảo một người lớn thay đổi hành vi và thói quen của mình, nhưng khi các con mình nói, thì bố mẹ sẽ nghe hơn nhiều. Tôi có một cậu con trai, và tôi hiểu cái “quyền lực” đó.

* Kể từ khi trở thành đại sứ của chiến dịch Giờ trái đất, chị đã lên kế hoạch làm những gì để góp phần tuyên truyền mọi người hưởng ứng ý nghĩa của chiến dịch này. Và theo chị, những bạn trẻ khác, có thể làm được những gì mà một đại sứ như chị có thể làm được để chiến dịch Giờ trái đất thực sự trở thành một phong trào rộng khắp, và thực chất. (Hà Minh, 29 tuổi, nguyenhaminh@)

- MC Châu Anh: Như tôi đã trả lời, bên cạnh các hoạt động đi đến các trường phổ thông giao lưu âm nhạc kết hợp với truyền tải thông điệp Giờ trái đất, bản thân tôi trong mỗi giờ lên lớp cảm thụ âm nhạc, hợp xướng... tôi đều lồng ghép một cách linh hoạt vào những trò chơi hỏi đáp để kiểm tra những hiểu biết của các em học sinh về biến đổi khí hậu. Các em nhỏ rất thích các câu chuyện hóm hỉnh về việc không tiết kiệm điện, vất rác bừa bãi mà tôi kể.

Tôi nghĩ, khi mỗi một cá nhân đều nhận thức tốt trong việc tiết kiệm năng lượng, đó là lúc chiến dịch Giờ trái đất đã thực sự đạt hiệu quả. Nhất là trong thời gian này, khi các phương tiện truyền thông đang liên tục cập nhật các thông tin về chiến dịch, đây là lúc để chúng ta nâng cao ý thức tự giác, bổ sung các kiến thức về bảo vệ gia đình cho cá nhân mình và những người thân!

* Thưa ông Huỳnh Tiến Dũng, ông nghĩ và bình luận sao về con số "đã có 3.376 cá nhân và 212 tổ chức VN tham gia Giờ trái đất" (theo thông tin đăng trên báo Tuổi Trẻ sáng nay). Dân số Việt Nam hiện nay là 80 triệu, và đất nước ta, xét về mặt lãng phí năng lượng, thiếu ý thức trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, thì hình như nước ta cũng xếp vào những nước hàng đầu thế giới... (Hùng Cao, 28 tuổi, caohung@)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Những con số này là những con số cá nhân và doanh nghiệp chính thức đăng ký tham gia chiến dịch giờ trái đất. Thực chất, còn vô số các cá nhân và doanh nghiệp khác chắc chắn sẽ tham gia thực hiện mà không cần đăng ký vì bản chất của chiến dịch là tự nguyện. Tôi tin chắc chắn rằng số lượng người tham gia hưởng ứng chiến dịch sẽ lớn hơn con số này rất nhiều lần.

 

* Chào chị Châu Anh. Chị nghĩ thế nào khi được chọn làm đại sứ của chiến dịch Giờ Trái đất? Chị có suy nghĩ gì về các bạn trẻ việt nam hiện nay tham gia chiến dịch giờ trái đất? (phan thanh hai, 23 tuổi, huongdongque.86@gmai.com)

- MC Châu Anh: Tổ chức WWF đã chọn tôi là một trong những Đại sứ thiện chí Giờ trái đất 2010 có lẽ là vì hình ảnh của tôi gắn liền với thiếu nhi, thế hệ tương lai của chúng ta. Là một giảng viên tâm huyết với nghề đào tạo âm nhạc, bằng sự mềm mại của nghề nghiệp và kinh nghiệm khi đảm nhận vai trò của một MC, có lẽ tôi sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ truyền tải thông điệp của chiến dịch này tới mọi người, đặc biệt các em nhỏ.

Bên cạnh số đông các tình nguyên viên là các bạn SV đến từ các trường ĐH trên địa bàn HN, vẫn còn có số ít các bạn trẻ thiếu nhận thức và cho rằng đây chỉ là một hoạt động có tính nhất thời và việc bảo vệ môi trường không thuộc trách nhiệm của các bạn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta kiên nhẫn theo đuổi đến cùng và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm có được khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thì tôi nghĩ rằng kết quả của cuộc chiến dịch sẽ rộng khắp và đạt hiệu quả từng ngày.

* Kính thưa ông Dũng. Ông có thể cung cấp thông tin những địa phương tại VN sẽ tham gia chiến dịch Giờ trái đất? Đồng thời ông cho biết những địa phương này sẽ làm cụ thể những gì? Người dân ở các địa phương muốn tham gia các hoạt động nói trên thì phải liên hệ với ai, làm sao? (Sao Mai, 20 tuổi, huethuong@)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Năm ngoái có 6 thành phố tham gia chiến dịch là Hà Nội, TP HCM, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ. Năm nay số tỉnh thành phố chính thức đăng ký tham gia đã là 20. Cụ thể như sau: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Đồng Nai, Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Khánh Hoà, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Đêm sự kiện chính năm nay được tổ chức tại TP. HCM.

Ngoài ra các địa phương sẽ tổ chức sự kiện này theo nhiều hình thức phong phú khác nhau. 

* Chị Châu Anh ơi, tham gia làm đại sứ Giờ trái đất, chị sẽ gửi đến mọi người những thông điệp gì? Và chị dự định sẽ làm những gì để thông điệp của mình đến được tận tay người nhận, và sau đó trở thành hành động đúng nghĩa. (Hoài Lam, 22 tuổi, hoailam@)

- MC Châu Anh: Bạn hãy tắt đèn vào 20g30 ngày mai (27-3) nhé, nhưng hãy bật kênh HTV1 để chứng kiến tất cả những hành động cụ thể của chúng ta hưởng ứng Giờ trái đất như thế nào. Bạn sẽ hiểu được những hành động mà chúng tôi, những Đại sứ, tình nguyện viên, cùng biết bao em nhỏ đang làm có ý nghĩa thế nào.

* Ở nơi tôi sống, nhiều cơ quan tha hồ mà dùng điện "thả cửa" và họ nói: "Điện chùa mà"! Làm sao để khắc phục tình trạng này. (Đỗ Nhược Thiên, 24 tuổi, neutoila_congai@yahoo.com)

- Ông Huỳnh Tiến Dũng: Chiến dịch giờ trái đất là một chiến dịch đặc biệt trong đó đối tượng là tất cả mọi người, bao gồm từ người giàu đến người nghèo, từ cá nhân, hộ gia đình đến các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Đối tượng của chiến dịch bao gồm cả những người dùng điện tiết kiệm và những người dùng điện chưa tiết kiệm. Ai chưa dùng điện tiết kiệm thì dùng điện tiết kiệm, còn ai dùng điện tiết kiệm rồi thì vẫn tiếp tục dùng điện tiết kiệm hơn.

Có thể có người nói rằng: tôi dùng điện lãng phí thì tôi trả tiền, tôi có làm ảnh hưởng đến ai đâu. Thực ra nói như vậy không đúng, vì những việc làm này đang vô tình làm nghiêm trọng thêm các tác động của biến đổi của khí hậu như: thiên tai, hạn hán, bão lụt tại những nơi khác. Do vậy, theo chúng tôi những người nói những điều như bạn nói sẽ là một trong những đối tượng mà chiến dịch cần tác động và hy vọng thông qua chiến dịch những quan điểm như vậy càng ngày càng ít đi.

* Các bạn công nhân trẻ ở thành phố không phải là ít, chương trình có hướng đến các bạn công nhân cho các bạn tham gia không hay chỉ dành cho sinh viên? (Nguyễn Tư Duy, 30 tuổi, tuduy@yahoo.com)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Chương trình này không giới hạn thành phần tham dự. Trong chương trình phối hợp cùng Thành đoàn, trung tâm TKNL có tổ chức các sự kiện cùng với các bạn thanh niên, bạn có thể tham gia các diễn đàn, hội thảo, đêm giao lưu... sẽ tổ chức vào ngày mai.

* Theo tôi, mọi người sử dụng điện họp lý và sử dụng nguồn năng lượng phù hợp thì môi trường sẽ trong lành. Nếu các nhà máy không đầu tư vào công nghệ khí thải thì dần dần trái đất sẽ nóng lên khi đó chúng ta sẽ làm gì trước sự phát triển một nền công nghiệp trên toàn thế giới? (Nguyễn Văn Luân, 30 tuổi, nvluancndchauthanh@...)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, con người vẫn phải sản xuát ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Vấn đề là: ta sản xuất như thế nào? Xu hướng thế giới hiện nay là đi vào sản xuất ít sử dụng tài nguyên trong quá trình sử dụng nguyên liệu, công nghệ , tái chế, tái sử dụng chất thải như khí thải, nước thải, nhiệt thừa... việc lựa chọn cơ cấu kinh tế cũng quan trọng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghệ cao cũng giúp giảm sử dụng tài nguyên, năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường. Đối với công nghệ, thiết bị, xu hướng đầu tư công nghệ cao, hiệu suất cao cũng góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên và năng lượng. 

* Tôi nhận thấy sự kiện "Giờ trái đất" được người dân trên thế giới tham gia rất nhiệt tình. Còn riêng nước ta có vẻ người dân không quan tâm sự kiện này cho lắm mặc dù nước ta đang chịu những hậu quả nhất định của việc biến đổi khí hậu. Phải chăng ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao hoặc về công tác tuyên truyền về sự kiện này chưa đủ thông tin để người dân hiểu chăng? (Đỗ Hoàng Thái, 22 tuổi, thaispkdkc@)

- Ông Huỳnh Kim Tước: Để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu hay an ninh năng lượng... cần thiết phải có sự tham gia đồng bộ của cộng đồng. Những hành động nhỏ của chúng ta hôm nay, nếu cùng tực hiện, có thể giúp thay đổi lớn cho ngày mai. Tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường không chừa ai.

Vấn đề là: trách nhiệm khắc phục không phải của một cá nhân nào, một cơ quan nào, mà nhất thiết phải của toàn cộng đồng, mọi người, ở vị trí của mình, hãy cùng bắt tay hành động cụ thể thông qua việc hướng ứng các chương trình, các hoạt động chung.

-------------------

Chân thành cám ơn bạn đọc đã đặt câu hỏi với khách mời. Hẹn gặp lại trong một hành động thiết thực vào tối mai 27-3: Tắt đèn để bật tương lai.

TTO

Lượt xem: 3010

Các tin khác

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

Mù Cang Chải khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2024

(28/12/2024 09:11:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE