Hai cây cổ thụ nơi thờ các đức thánh thời Hùng Vương bên bờ sông Lô tại tỉnh Vĩnh Phúc được vinh danh Cây Di sản VIệt Nam.
(VACNE, 12/10/2016) - Đó là cây Bồ đề đứng bên đền thờ hai vị Thánh Mẫu và cây Bồ đề bao kín bức tường trước cửa ngôi đình thờ Cao Minh Đại Vương của làng Phú Hậu, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cả hai cây Bồ đề này được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày khánh thành Đền Nhị vị Thánh mẫu mới được tôn tạo lại.
Đến dự buổi lễ trọng thể nàycó ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch huyện Sông Lô va lãnh đạo các Ban, Ngành huyện Sông Lô, lãnh đạo Hội Bảo vệ TN&Môi trường VIệt Nam, Đoàn Đạp xe kết nối Cây Di sản, đại diện các xã lân cận và đông đảo nhân dân làng Phú Hậu và xã Sơn Đông. Tới dự và đưa tin về sự kiện này, còn có đại diện các cơ quan truyền thông của địa phương.
Lịch sử làng Phú Hậu ghi rõ: đây là vùng đất cổ nằm giữa nơi giao lưu của dòng sông Lô và sông Phó Đáy và cũng là mảnh đất cuối cùng của huyện Lập Thạch ngày xưa.. Trong thời kỳ chiến tranh, những cây cổ thụ này của làng Phú Hậu cũng là nơi tập kết của những đội quân đi đánh giặc ngoại xâm, là nhãng hộp thư bí mật của Việt Minh. Cây Bồ đề bên ngôi Đền thờ Nhị vị Thánh Mẫu cũng chính là cột mốc chia gianh giới giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do.
Ngược dòng lịch sử, thuở chống quân Minh xâm lược, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cũng thường xuyên qua đây sau những lần đi trinh sát, thăm dò thành lũy giặc và đã từng vào đền thắp hương, ngồi nghỉ bên gốc cây Bồ đề này.
Có thể nói: cây Bồ đề ôm trọn cổng Đình làng Phú Hậu vào loại một trong những cây có dáng đẹp nhất Việt Nam. Về mùa khô, nhìn cây Bồ đề giống con Rồng cuộn ẩn mình trên cổng đình. Về mùa nước, nhìn cây giống như Rồng vờn mây, uốn lượn vẫy vùng trên sóng. Dưới ống kính của các nhà nhiếp ảnh, sự quấn quýt giưa cây và cổng đã tạo thành những bức ảnh được xem là đẹp nhất trong các cổng làng ở nước ta.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô và Chủ tịch UBND xã Sơn Đông đều đánh giá cao việc hai cây cổ thụ của địa phương được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. Các vị đã đề suất và chỉ đạo những biện pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa, tâm linh của hai Cây Di sản, nhằm nuôi dưỡng và bảo vệ cây muôn đời cho con cháu. Các ông cũng bày tỏ mong muốn được Hội Bảo vệ TN&Môi trường Việt Nam quan tâm, tiếp tục xem xét vinh danh những cây cổ thụ có giá trị lịch sử, văn hóa còn lại của địa phương và khu vực khác trong huyện và tỉnh Vĩnh Phúc.