Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2033 chuyển đổi 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ngày 12/6, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đã chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố.
Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”, hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí Các-bon là nhiệm vụ quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việc triển khai Đề án có tác động đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố, đến quyền lợi của người dân và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề quan trọng cần có sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như đa số người dân Thủ đô.
Theo Kế hoạch chuyển đổi phương tiện buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đặt mục tiêu, đến năm 2030: Đạt khoảng 70-90% và đến năm 2033 đạt 100%. Việc chuyển đổi đưa ra 3 kịch bản tới năm 2033: Kịch bản 1: Toàn bộ 100% xe buýt điện, tổng nguồn lực là 52.354 tỷ đồng; Kịch bản 2: 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 47.003 tỷ đồng; Kịch bản 3: 50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG), tổng nguồn lực là 43.940 tỷ đồng.
Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, trước mắt, UBND Thành phố đề xuất: Lựa chọn thực hiện theo Kịch bản 3 (50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG) và khi điều kiện cho phép phấn đấu thực hiện theo Kịch bản 2 (70% xe buýt điện; 30% xe buýt LNG/CNG). Sau năm 2040, thực hiện theo Kịch bản 1 (100% xe buýt điện).
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng sẽ buýt sử dụng điện, năng lượng xanh là một bước đột phá quan trọng trong giao thông đô thị của Hà Nội với nhiều lợi ích và cũng nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao, sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, chính quyền thành phố, cơ quan quản lý chuyên ngành và sự ủng hộ tích cực của nhân dân.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng sẽ buýt sử dụng điện, năng lượng xanh có thể coi là một cuộc cách mạng, bước đột phá quan trọng đối với giao thông đô thị của Hà Nội mang lại nhiều lợi ích cũng như nhiều khó khăn. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm cao cũng như sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, chính quyền Thành phố, của cơ quan quản lý chuyên ngành và sự ủng hộ tích cực của Nhân dân.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Phạm Ngọc Thảo đề nghị, để thực hiện tốt Đề án, HĐND, UBND và các cơ quan của Thành phố làm rõ thêm các căn cứ để xác định lộ trình thực hiện các nội dung liên quan của Nghị quyết như lộ trình chuyển đổi phương tiện, lộ trình đầu tư hạ tầng cơ sở trạm sạc điện và cung cấp năng lượng sạch…
Cũng quan tâm về vấn đề này, PGS.TS Doãn Minh Tâm, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, về mặt lý thuyết, trong khu vực nội thành, xe buýt chỉ hoạt động được trên các tuyến đường cấp đô thị và cấp khu vực tại Hà Nội, chiếm khoảng 30-35% tổng chiều dài đường đô thị trong 12 quận nội thành và một số tuyến ngoại thành. Điều đó cho thấy, Hà Nội tuy là một Thành phố lớn, đông dân trên thế giới nhưng lại là Thành phố có mạng lưới cơ sở hạ tầng thuộc loại còn lạc hậu và thực sự thiếu cơ sở hạ tầng đường bộ để phát triển đô thị và giao thông đô thị.
Để đạt được tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội từ 45-50% vào năm 2030, ngoài yêu cầu phải lập Đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, theo PGS.TS Doãn Minh Tâm còn phải tăng số lượng, tăng tuyến để tăng được năng lực vận chuyển đạt tới mức 4-5 triệu lượt người/ngày (gấp 4-5 lần so với năng lực hiện nay).
Do đó, đòi hỏi Thành phố cần cần lập tiếp Đề án riêng để phát triển đội xe buýt của Thành phố và đặc biệt cần phải mở rộng và phát triển hệ thống các tuyến đường bộ, đường đô thị để đủ điều kiện cho khoảng 5.000 xe buýt hoạt động từ nay đến năm 2030.
Hà My