quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THƯ GIÃN

Hà Nội một thời… phố ta, phố Tây

Thứ Hai, 02/04/2012 | 07:05:00 AM

Ngày nay người Hà Nội không còn có khái niệm gì về cái gọi là “phố ta, phố Tây” thuở trước. Tất cả đều thuộc về một thành phố của người Việt.

 
 

Trong cuốn Chuyện cũ Hà Nội, nhà văn Tô Hoài đã viết:

“Phố phường thời Tây chia từng khu khác nhau. Không có bảng chỉ dẫn, không tường chắn, không ai ngăn cấm nhưng người đi đường phải tự hiểu thế mà liệu bước.

Người như tôi lúc ấy, những thanh niên chân xỏ đôi guốc mộc, áo dài thâm, bước thất thểu, qua cửa nhà sang trọng hay nhớn nhác nhòm ngó. Thế nào cũng có đội xếp dõi mắt xem có phải kẻ gian “chú chích” không. Chẳng ai vạ gì mà lai vãng các phố Tây!”

Bietthu-Phapco.jpg

Một biệt thự kiểu Pháp tại Hà Nội

 

 

Sự hình thành phố Tây

 

Khi người Pháp mới đến vào năm 1883, ngoài khu Nhượng địa phía bờ sông đã được triều đình Huế cắt cho Pháp sau cuộc đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, thì người Pháp còn đến ở xen vào khu dân cư của người Việt, tức khu vực 36 phố phường của Hà thành xưa.

Nơi người Pháp tụ tập đông nhất là phố Hàng Chiếu, đi qua cửa ô Quan Chưởng, mà Pháp gọi là Cổng Jean Dupuis, vì tiện đường từ bờ sông lên. Ở đây lúc đầu Pháp đã đặt sở Đoan (thuế vụ), nhưng sau đó lại chuyển về gần khu Nhượng địa trên đường bờ sông (vị trí Bảo tàng Cách mạng ngày nay).

Nên nhớ thời đó đường đến Hà Nội chủ yếu của người Pháp là từ Hải Phòng lên theo đường sông Hồng, là cầu nối duy nhất với Sài Gòn và chính quốc. Dần dần họ ở lan sang phố Hàng Gà, thậm chí còn đặt lỵ sở của Công sứ Pháp ở phố Hàng Gai (nay là ngôi nhà số 80, trước đây từng là nhà in Lê Văn Phúc, nay là Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ).

Nhưng việc cư trú xen kẽ với dân bản xứ có nhiều điều bất tiện đối với người Pháp vì nhiều lý do, nhưng trước hết là do nhà người Việt thời bấy giờ phần lớn là nhà tranh vách đất, hay xảy ra hỏa hoạn, như đám cháy ở phố Hàng Đồng tháng 9/1885 đã thiêu rụi hơn 200 ngôi nhà và một số kho tàng của người Pháp. Ngày 4/1/1888, hơn một trăm gian nhà lá bị thiêu trụi tại phố Nhà Chung và phố Hàng Bông, ông Tổng đốc Hà Nội cùng gia đình chỉ nhờ may mắn mới thoát nạn; ngày 25/2 năm đó đến lượt phố Hàng Tre cháy, các tòa nhà của Nha Giao thông công chính bị thiêu hủy hoàn toàn, một người Pháp bị thiệt mạng.

Do vậy mà người Pháp đã giải tỏa khu vực quanh Hồ Gươm để xây dựng những công sở đầu tiên của Hà Nội và mở phố xá làm ăn cho người Pháp như các tiệm cà phê, khách sạn, cửa hàng, hiệu thuốc… Cho đến năm 1889, ba phần tư dân số Hà Nội vẫn cư trú trong khu vực các phố cổ, trong đó qui tập hơn một nửa số 7.292 ngôi nhà bằng gạch hay tranh tre đã được thống kê.

Còn người Pháp sau khi mở con đường nối khu Nhượng địa (Phạm Ngũ Lão ngày nay) với thành cổ qua phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Trường Thi, rẽ sang phố Nhà Chung rồi đi tiếp qua các phố cũ của người Việt để vào thành từ Cửa Đông, thì đã hình thành nên trục đường đầu tiên của thành phố.

Từ năm 1888, người Pháp bắt đầu san lấp các ao hồ đầm lầy ở khu vực phía Nam trục đường chính đó để mở những con đường mới. Đấy là những đại lộ rộng lớn, có cây trồng dọc hai bên đường che bóng mát, chạy theo ô bàn cờ.

Chạy song song là các đại lộ mang tên Pháp như Rollandes (nay là phố Hai Bà Trưng), Carreau (Lý Thường Kiệt), Gambetta (Trần Hưng Đạo), giao thẳng góc với các đường Đồng Khánh (Hàng Bài), Gia Long (Bà Triệu, trước gọi là phố Hàng Giò) và Jauréguiberry (Quang Trung). Đó là khu vực mà người Việt gọi là phố Tây, đối lập với khu buôn bán cũ gọi là phố ta.

Tiếp đấy nhiều con đường khác tiếp tục được mở ra bên ngoài khu vực đó. Năm 1897 chỉ có 46 km, sang năm 1905 lên đến 81 km, và đến 1939 đã có 144 km. Khu Nhượng địa bây giờ không còn là khu vực riêng biệt nữa, mà đã hòa nhập vào thành phố nói chung, mặc dầu ở đấy vẫn còn một nghĩa trang của người Pháp (sau chuyển về cuối Phố Huế, trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ ngày nay) và bệnh viện de Lanessan tức nhà thương Đồn Thủy (nay là Viện quân y 108 và Bệnh viện Hữu Nghị).

Ha Noi mot thoi⬦ pho ta, pho Tay

Phố Tràng Tiền xưa - Ảnh tư liệu

Những công trình đầu tiên

Bốn tòa nhà công đầu tiên của người Pháp được xây năm 1887 gần bờ Hồ Gươm, quanh vườn hoa Paul Bert, tục gọi là vườn hoa Nhà kèn, vì giữa vườn có một nhà bát giác hàng tuần đội kèn của nhà binh thường ra trình diễn. Đó là nhà Kho bạc, tòa Thị chính, nhà Dây thép (bưu điện) và dinh Thống sứ Bắc Kỳ. Đấy là công trình của kiến trúc sư Auguste-Henri Vildieu, nguyên sinh viên Trường Mỹ thuật Paris, phụ trách xây dựng dân sự từ giữa 1894 và 1907. Ông còn là người vẽ kiểu cho những công sở lớn theo phong cách tân cổ điển của thành phố như nha Cảnh sát (Công an Hà Nội ngày nay), Câu lạc bộ sĩ quan, nha Giao thông công chính (sau là Bộ Thủy lợi) và dinh Toàn quyền (1906).

Nhìn chung những tòa nhà công lúc đầu đều phỏng theo hình mẫu của các công sở cùng chức năng của nền hành chính Pháp ở chính quốc. Chúng giống như hàng trăm nhà ga, nhà bưu điện hay tòa thị chính rải rác trên đất Pháp, khiến nhiều người Pháp đến nay vẫn còn ngạc nhiên khi nhìn thấy lại ở đây những người bà con của nước mình.

Đầu thế kỷ 20, sau khi thành Hà Nội bị phá, khu đất phía Tây thành được chia ra để bán cho những người Pháp giàu có, khiến ở đây mọc thêm một khu phố Tây mới, nhiều biệt thự mọc lên phản ánh trào lưu kiến trúc đang thịnh hành ở Paris lúc bấy giờ. Đó là những đường cong của phong cách Tân Nghệ thuật, sự đăng đối của Nghệ thuật Trang trí, sự chỉn chu của Phong trào Hiện đại hay cái lạnh lùng của trường phái Chức năng.

Nhiều kiến trúc “bốc đồng” đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện, như biệt thự Schneider bên bờ Hồ Tây. Trong khi đó thì những biệt thự khác lại phản ánh phong cách địa phương của các miền trên đất Pháp: kiến trúc Corse, Nice hay Marseille, mái ngói Bordeaux hay đá đen Angers, mái nhọn miền Bắc Pháp hay mái bằng kiểu Địa Trung Hải, biệt thự Alsace với đồ gỗ, vọng lâu vùng Provence…

Bên cạnh đó cũng phải kể đến Phủ toàn quyền Đông Dương, được xây dựng xa trung tâm, về phía Tây thành Hà Nội, giữa khu đồng ruộng mà sau này sẽ trở thành vườn Bách Thảo. Đó là một tòa nhà lớn so với cảnh quan xung quanh, nhưng còn thiếu hai cánh, không phải vì quá nặng đối với kiến trúc, mà là quá nặng đối với ngân sách lúc bấy giờ. Cho nên ngày nay, khi nhìn vào công trình này người ta vẫn thấy như thiếu thiếu một cái gì đó.

Nhưng đồ sộ nhất trong những kiến trúc Pháp, phải nói đến Nhà hát thành phố, đứng sừng sững đầu đường Tràng Tiền, được coi như là “Champs-Élysées” của thành phố thuộc địa, với những bậc thang bằng đá, lớn hơn nhiều nhà hát của các thành phố lớn nước Pháp. Phỏng theo mẫu của Opéra Garnier ở Paris, được hoàn thành năm 1911 sau hơn mười năm xây dựng, đến nay vẫn là nhà hát đẹp nhất của nước ta, mà những nhà hát của Sài Gòn hay Hải Phòng cũng do người Pháp dựng nên, không thể sánh được.

Hài hòa hai phong cách Âu Á

Sự áp đặt của phong cách Pháp kéo dài cho đến những năm 1920. Đến lúc này, dưới ảnh hưởng của kiến trúc sư Ernest Hébrard, người đầu tiên được Giải thưởng Lớn Rome năm 1904, nhà cầm quyền Pháp đã chấp nhận một “phong cách Đông Dương” với những ngôi nhà có nhiều mái lồng vào nhau và đầu nóc cong lên, với rất nhiều cửa và hàng cột thon thả, những ôvăng lợp ngói hình bán nguyệt, xen kẽ giữa đá và gỗ.

Ha Noi mot thoi⬦ pho ta, pho Tay

Phố Phan Đình Phùng

 

 

Đó là sự tìm tòi kết hợp giữa hai phong cách Á và Âu, tạo nên những kiến trúc độc đáo mà ngày nay ta còn thấy ở trường Đại học Đông Dương, 1927 (nay là Đại học Dược), bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ, 1931 (nay là Bảo tàng Lịch sử), Nha Tài chính Đông Dương,1931 (nay là Bộ Ngoại giao).

 

Làn sóng kiến trúc đó được thay thế khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1927, với một phân ban kiến trúc, đã đào tạo nên gần một trăm kiến trúc sư người Việt. Trong khi những tòa nhà công thường dành cho các kiến trúc sư Pháp, thì kiến trúc sư Việt lại vẽ kiểu cho những ngôi nhà tư của giới thượng lưu bản xứ. Một số đã tạo nên sự kết hợp hài hòa hơn giữa hai phong cách Âu Á, phù hợp với khiếu thẩm mỹ và điều kiện khí hậu của địa phương. Ta có thể thấy những ngôi nhà đó náu mình một cách kín đáo trên các con đường nhỏ giữa phố Huế và đường Bà Triệu, đem lại cho thành phố một dáng vẻ độc đáo.

Dù theo phong cách nào, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, các kiến trúc sư của Hà Nội đã xây nên gần hai trăm biệt thự. Đó không phải là một con số nhỏ. Có lẽ vì vậy, mà đến nay các “ngôi nhà thuộc địa” đó vẫn được dư luận thừa nhận là đẹp, và những kiến trúc đó được coi là di sản của thành phố.

 

Ngày nay người Hà Nội không còn có khái niệm gì về cái gọi là “phố ta, phố Tây” thuở trước. Tất cả đều thuộc về một thành phố của người Việt. Có khác chăng là chúng ta đang đứng trước một Hà Nội cũ, khác với một Hà Nội của thời kỳ mở rộng, với những khu chung cư và nhà cao tầng đang mọc lên trên khắp vùng ngoại vi. Đặc trưng của Hà Nội cũ là gì? Đó sẽ là chủ đề mà chúng tôi sẽ quay lại sau.

 

(Theo: Chinhphu.vn)

Lượt xem: 980

Các tin khác

Thung thăng miền xanh đại ngàn

(12/02/2024 04:22:AM)

Rừng ngập mặn đẹp như mơ ở Bàu Cá Cái Quảng Ngãi

(16/01/2024 07:26:AM)

Mùa cây trút lá tuyệt đẹp ở miền Tây Quảng Trị

(15/01/2024 09:48:AM)

Về An Giang ngắm mùa vàng bất tận trên cánh đồng Tà Pạ

(11/12/2023 11:49:AM)

Những câu nói nổi tiếng về thiên nhiên

(16/03/2023 07:51:AM)

Độc đáo "cây đa ngơ ngác" gần 1.000 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà

(29/10/2022 03:19:PM)

Tiên Yên (Quảng Ninh) – bức tranh thiên nhiên hài hòa và đầy cuốn hút

(05/05/2022 10:34:PM)

Hà Nội đẹp tinh khôi trong sắc trắng hoa sưa

(20/03/2022 07:39:AM)

Rừng Tây Bắc bừng sáng mùa hoa Sơn Tra

(10/03/2022 07:48:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE