Khu du lịch nghỉ dưỡng H’mong Village nổi bật giữa núi rừng, minh chứng cho sự phát triển của vùng cao núi đá trên con đường phát triển bền vững từ du lịch xanh. Ảnh: Ái Vân
Khu du lịch nghỉ dưỡng H’mong Village được quản lý bởi Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch H’mong Village với 35 nhân viên, thu nhập bình quân của nhân viên từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Với phương châm lấy văn hóa phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn văn hoá, ưu tiên không gian xanh gần gũi với thiên nhiên, chất lượng dịch vụ đã được khẳng định. Năm 2022, Khu du lịch nghỉ dưỡng H’mong Village được trao Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ngày 23/6/2024, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch H’mong Village tỉnh Hà Giang đã được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao danh hiệu “Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu thời kỳ hội nhập”. Để có được danh hiệu này, những năm qua, H’Mông Village làm du lịch dựa trên bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, kiến trúc gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương, góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá du lịch đến nhiều du khách khi đến với Hà Giang.
Đến nghỉ dưỡng ở H’Mong Village tại huyện Quản Bạ, du khách tỏ ra rất phấn khích và hài lòng với khu du lịch độc đáo này. Với vùng bình địa, núi non kỳ vĩ, bên dưới là dòng sông Miện chảy uốn lượn, nơi đây có vẻ đẹp quyến rũ nhất vùng cao nguyên đá, bởi không gian, kiến trúc cảnh quan tạo dựng rất thân thiện với các dịch vụ vui chơi, dịch vụ nghỉ dưỡng lý tưởng với du khách.
Khu nghỉ dưỡng H’mong Village có diện tích lên 25ha, nằm ở khu Tráng Kim, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ trên quốc lộ 4C đi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 50km về phía Đông Bắc. Đây là địa điểm du lịch mới, mang lại những trải nghiệm thú vị và khám phá văn hóa dân tộc của Cao nguyên đá Đồng Văn. H’mông Village được xây dựng thành hai khu vực chính, bao gồm: Bản Pob Cưs với một nhà nghỉ cộng đồng và 15 căn nhà Bungalow Quẩy Tấu; bản Đề Chia với 20 căn Bungalow trình tường đất có sức chứa đến hơn 120 khách. H’mong Village cung cấp đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, ẩm thực, giải trí, trải nghiệm văn hóa vùng cao với hệ thống bể bơi vô cực, sân bóng đá, tennis và Sky bar ngoài trời. Nhìn H’mong Village lặng lẽ, giản dị nhưng sang trọng nổi bật giữa núi rừng, minh chứng cho sự phát triển của vùng cao núi đá trên con đường phát triển bền vững từ du lịch xanh.
Tháng 8/2021, Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám chính thức được thành lập, hiện nay, hợp tác xã đã sản xuất được 45 loại sản phẩm váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví, túi xách... Ngoài bán các sản phẩm ở thị trường trong nước, hợp tác xã còn xuất khẩu đến thị trường các nước Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Nhật Bản. Hợp tác xã có 55 xã viên, với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu mỗi năm đạt từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng.
"Hiện nay, Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám được quy hoạch để trở thành điểm trình diễn làng nghề truyền thống, là điểm du lịch được khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm mô hình dệt thổ cẩm. Khách đến đây rất thích và cũng rất tò mò với nghề dệt lanh, vì là làm thủ công 100% nên khách rất ủng hộ, rất hứng thú khi được tự mình trải nghiệm làm các sản phẩm với chất liệu tự nhiên, màu sắc tự nhiên" - bà Sùng Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám chia sẻ.
Du khách trong và ngoài nước trải nghiệm hoạt động cấy lúa ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm. Ảnh: Ái Vân
Là địa điểm đầu tiên của huyện Quản Bạ, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ nằm cách thị trấn Tam Sơn khoảng 2km, với diện tích 458ha, có vị trí thuận lợi là cư dân sinh sống tập trung. Thôn có 47 hộ, 235 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao Chàm. Những ngôi nhà truyền thống của người Dao Chàm ở đây không chỉ đẹp mắt, mà còn là nét kiến trúc đặc trưng của dân tộc. Đến nay, Nặm Đăm còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa truyền thống, từ những nghi lễ truyền thống như lễ cầu mùa, lễ cúng cơm mới, lễ cưới hỏi, lễ cấp sắc... Những hoạt động này không chỉ làm phong phú thêm cho trải nghiệm du lịch, mà còn gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc.
Xuất phát điểm chỉ vài hộ gia đình, đến nay, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 28 hộ gia đình làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách, có thể phục vụ 150 khách/ngày đêm. Năm 2017 và năm 2023, các hạng mục giải thưởng ASEAN đã trao giải thưởng ASEAN Homestay cho homestay Dao tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm. Đây là giải thưởng danh giá, tự hào với cộng đồng làm du lịch ở thôn Nặm Đăm, cũng là điều kiện, động lực để người dân phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, huyện Quản Bạ đang thực hiện công tác quy hoạch du lịch, tiêu biểu như dự án quy hoạch du lịch Làng văn hóa cộng đồng ở thôn Nặm Đắc, xã Quản Bạ; Làng văn hóa cộng đồng dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến; Làng văn hóa dân tộc Mông, thôn Khố Mỷ, xã Lủng Vài; Làng du lịch văn hóa cộng đồng thôn Lủng Hậu, xã Thái An. Những điểm du lịch này nhiều năm qua đã được các du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Tính đến nay, Quản Bạ có 14 điểm du lịch, trong đó, 2 điểm du lịch cấp tỉnh, 2 khách sạn, 20 nhà nghỉ, với 256 phòng, đáp ứng 1.400 khách/ngày đêm, nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch 200 người, 12 cơ sở kinh doanh sản phẩm du lịch, 8 điểm bán sản phẩm đặc sản là hàng đạt sản phẩm OCOP địa phương, nhiều khu du lịch làng nghề truyền thống đã hấp dẫn du khách tới tham quan trải nghiệm,
Huyện Quản Bạ đã thực hiện bài bản công tác quy hoạch về du lịch, thúc đẩy các làng nghề truyền thống, phát triển thế mạnh về sản xuất nông sản, dược liệu, du lịch cộng đồng. Nhiều làng nghề ở thôn, bản đã phát huy thế mạnh trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ du lịch theo chuỗi, các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Do đó, thu hút hàng trăm lao động có việc làm, có thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Tiến Hồng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quản Bạ cho biết: "Chúng tôi tập trung quy hoạch giá trị di sản địa chất, giá trị di sản văn hóa của các dân tộc, các làng nghề truyền thống để phát triển du lịch dịch vụ. Cùng với đó, nâng cao nguồn nhân lực đào tạo con người ở địa phương để phục vụ cho du lịch được tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc thù để phục vụ cho du lịch, đặc biệt lượng khách có nhu cầu đến trải nghiệm Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn".
Việc quy hoạch về du lịch của huyện Quản Bạ đã góp phần phát triển du lịch dịch vụ, bao gồm: Trải nghiệm du lịch cộng đồng, bảo tồn những giá trị không gian văn hóa và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn. Do vậy, quy hoạch du lịch của huyện Quản Bạ cần tuân thủ theo kế hoạch đã được phê duyệt để phát triển du lịch một cách lâu dài, bền vững hơn.
Ái Vân