quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Góc nhìn sinh thái trong bảo vệ sự sống các dòng sông

Thứ Tư, 07/04/2010 | 04:18:00 PM

Việc quản lý tốt lưu vực, rừng đầu nguồn và các vùng ĐNN sẽ giúp điều tiết nguồn nước mặt và nước ngầm, kiểm soát lũ và giảm xâm nhập mặn vùng hạ lưu. Qua đó cung cấp thêm nguồn nước, cả số và chất lượng, cho nông nghiệp và dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, và BVMT.

 

 

1. Thế nào là một dòng sông khỏe mạnh và các giá trị mang lại?
Nhìn từ góc độ sinh thái học: Dòng sông thực hiện các chức năng cung cấp oxy, dưỡng chất, đào thải chất độc, liên kết giữa các cơ quan và thành phần trong cơ thể.

 

 


 
 

Để đánh giá “sức khỏe” dòng sông, cần xem xét các vấn đề sau:

Thứ nhất, quan hệ giữa thảm thực vật trong lưu vực và “sức khỏe” dòng sông gắn bó hữu cơ. Lưu vực là nơi tiếp nhận, điều tiết nước và cấp nước cho dòng sông. Muốn dòng sông khỏe mạnh, hoạt động tốt, lưu vực cần có đủ diện tích rừng chất lượng che phủ, đặc biệt là rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn, giúp bảo vệ lưu vực, bắt giữ nước mưa hiệu quả, chống xói mòn, bổ sung nước ngầm, điều hòa nguồn nước mặt,...

Thứ hai, quan hệ giữa các vùng đất ngập nước (ĐNN) và sức khỏe dòng sông: Các vùng ĐNN đóng vai trò như “van an toàn” trong việc tràn, tích nước lũ và cấp nước cho dòng sông. Nhịp điệu thủy văn theo mùa giữa các vùng ĐNN và dòng sông, hình thành sự đa dạng sinh học (ĐDSH) cao và nguồn lợi thủy sản dồi dào. Các vùng ĐNN tự nhiên cũng mang lại giá trị kinh tế - xã hội quan trọng, loại hình sử dụng đất này cần được công nhận và bảo vệ. Các khu ĐNN trong lưu vực và rừng ngập mặn cửa sông ven biển cũng là “lá gan sinh thái” giúp lọc chất ô nhiễm. Tuy vậy, không được lạm dụng dịch vụ giải độc này mà đưa vào dòng sông lượng chất ô nhiễm ở mức quá sức tải của hệ sinh thái. Cần chú ý quá trình tích tụ sinh học chất ô nhiễm trong cơ thể sinh vật qua chuỗi thức ăn trong thủy vực và có thể tác động đến sức khỏe con người khi ăn các sản phẩm ở các thứ bậc cao hơn trong chuỗi (như cá, hàu, nghêu, sò huyết) đã tích lũy chất ô nhiễm.

Mặt khác, các quá trình sinh thái quan trọng khác dọc theo sông cần duy trì như quá trình di cư và phát tán của các loài thủy sinh trên sông (giữa ĐNN và dòng sông, giữa thượng và hạ lưu) và của các loài hoang dã trên cạn theo hành lang thực vật ven sông; Quá trình vận chuyển vật chất một cách tự nhiên trên sông, gồm nguồn nước và phù sa nuôi dưỡng sự sống vùng hạ lưu và các đồng bằng cửa sông màu mỡ. Các quá trình này cần dòng chảy dòng sông không bị cản trở và theo quy luật tự nhiên. Nếu chế độ dòng chảy bị can thiệp thay đổi mạnh, cần duy trì “dòng chảy môi trường” để đảm bảo duy trì các quá trình và dịch vụ quan trọng ở hạ lưu (như lượng nước đủ cho sinh sản, di cư các loài thủy sinh/thủy sản quan trọng, đẩy mặn, pha loãng ô nhiễm, duy trì mỹ quan thác nước, lòng sông, hay nhu cầu nước tưới, nước cấp...).

Việc xây dựng các đạp thủy điện trên sông đang đe dọa đến các khu rừng có tính ĐDSH cao

Dòng sông khỏe mạnh có thể cung cấp cho con người nhiều sản phẩm, dịch vụ và các giá trị quan trọng khác, là hệ thống hỗ trợ sự sống, cung cấp nguồn lợi thủy sản, giá trị ĐDSH, nơi tham quan cho khách du lịch...

Nhìn từ góc độ quản lý và sinh thái nhân văn: Lưu vực các dòng sông quan trọng thường rộng lớn, thuộc về nhiều nước hay tỉnh thành, do nhiều đơn vị, tổ chức, cộng đồng quản lý sử dụng, với lợi ích, mục tiêu sử dụng và phát triển khác nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cũng xảy ra xung đột và mâu thuẫn. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các nước, các ngành, hay các địa phương trong quản lý lưu vực và tài nguyên nước, đặc biệt thể chế, cơ chế để phối hợp hài hòa lợi ích, sử dụng và chia sẻ tài nguyên một cách công bằng và bền vững giữa các cộng đồng, các địa phương và các quốc gia trong lưu vực.

Trên quan điểm nhân văn và tính công bằng, cần bảo đảm hai nguyên tắc. Thứ nhất là cộng đồng địa phương phải có quyền và là người đầu tiên được hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư phát triển tại địa phương. Thứ hai là không thể vì phát triển cho lợi ích của địa phương và quốc gia đầu nguồn mà không cân nhắc các tác động và tổn hại đến các lợi ích các địa phương và quốc gia cuối nguồn.

Dưới góc độ quản lý và sinh thái nhân văn, sức khỏe của dòng sông cần đảm bảo bởi các yếu tố quy hoạch tổng thể toàn lưu vực theo định hướng BVMT lưu vực và phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các địa phương, giữa các mục tiêu và hoạt động sử dụng tài nguyên trên lưu vực; Cần có cơ chế khả thi, tổ chức quản lý thực hiện.

2. Các giá trị có được từ việc giữ cho các dòng sông được khỏe mạnh

Việc quản lý tốt lưu vực, rừng đầu nguồn và các vùng ĐNN sẽ giúp điều tiết nguồn nước mặt và nước ngầm, kiểm soát lũ và giảm xâm nhập mặn vùng hạ lưu. Qua đó cung cấp thêm nguồn nước, cả số và chất lượng, cho nông nghiệp và dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, và BVMT. Hiện đã có dấu hiệu thiếu nước trong mùa khô và khó khăn này sẽ gia tăng do áp lực dân số tăng, tăng nhu cầu nước cho các hoạt động phát triển và bất thường thời tiết ngày càng tăng.

Dòng sông khỏe mạnh cũng là nguồn cung cấp thủy sản và các nguồn lợi khác, đặc biệt quan trọng cho các cộng đồng nghèo sống vùng ven sông, cửa sông và ven biển. Đã có một bài học đắt giá từ việc Công ty Vedan “bức tử” sông Thị Vải, “cướp đi” nguồn sinh kế của ngư dân nghèo khai thác và nuôi trồng thủy sản địa phương. Duy trì giá trị ĐDSH nói chung, là nền tảng cho phát triển bền vững và để lại di sản trong lành cho các thế hệ con cháu tương lai. Ngoài ra, dòng sông khỏe mạnh còn cung cấp và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, thẩm mỹ, cho phát triển du lịch, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tái tạo sức lao động cho xã hội.

Hiện nay, các dòng sông đang bị đe dọa bởi phát triển quá nhiều đập thủy điện lớn nhỏ; đặc biệt các đập xây ở vùng thượng nguồn hẻo lánh, tự nhiên còn nguyên sơ, tác động lớn đến rừng nguyên sinh có tính ĐDSH cao. Thứ hai, mở và làm đường đi qua các cánh rừng tự nhiên còn lưu giữ tính ĐDSH cao sẽ làm tăng khả năng tiếp cận, tăng dân số cơ học, xâm nhập, gây sức ép lên tài nguyên rừng và cộng đồng dân tộc bản địa, tạo nguy cơ mất rừng, xói mòn, mất ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái (như trường hợp tác động của đường Hồ Chí Minh, mở đường khai khoáng, xây dựng các đập thủy điện). Thứ ba, phát triển công nghiệp, nhà máy có thải chất độc hại ở vùng thượng du hay trong lưu vực, như: khai thác quặng bôxít (với lượng bùn đỏ độc hại chứa trong các hồ lớn treo trên cao nguyên), đào đãi vàng (chất thải cyanua), nước thải chưa xử lý đổ ra sông (trường hợp nước thải từ phần lớn các đô thị hiện nay). Thứ tư, nguồn ô nhiễm phân tán từ các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và hoạt động canh tác, sử dụng đất không bền vững trong lưu vực. Thứ năm, khai thác tài nguyên trên sông quá mức (như cát, thủy sản,...) hay khai thác hủy diệt nguồn lợi trên sông (như cào, xúc điện). Thứ sáu, sinh vật ngoại lai xâm lấn (như gai mai dương xâm hại các khu đất ngập nước, đã lây lan dọc sông đến vùng thượng nguồn sông Đồng Nai). Cuối cùng là các tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH) đang xảy ra và theo chiều hướng ngày càng gia tăng. Dưới đây là một số trường hợp liên quan đến việc những tác động không bền vững tới lưu vực sông:

Năm 2009, tại tỉnh Ninh Thuận thời tiết diễn biến rất bất thường. Ninh Thuận là một trong những vùng khô hạn nhất nước, với mùa mưa kéo dài từ 2,5 - 3 tháng. Nhưng mùa khô 2009 có mưa rất lạ, mùa mưa lại ít mưa. Hồ chứa Sông Trâu của tỉnh vận hành từ năm 2005 đến nay, thường có xả lũ và tích nước đủ dung tích thiết kế (31,5 triệu m3) vào cuối mùa mưa. Song hiện cuối mùa mưa 2009, hồ Sông Trâu chỉ tích được cao nhất 17 triệu m3 nước, và có nhiều khả năng là hồ sẽ không đủ nước cho sản xuất vụ Hè Thu 2010. Đồng bằng Sông Cửu Long hiện và sẽ ngày càng bị mặn xâm nhập nghiêm trọng hơn trước bối cảnh BĐKH, nước biển dâng và tác động của một loạt đập xây trên thượng nguồn. Theo Luật BVMT, các công trình có khả năng tác động lớn đều phải đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và biện pháp giảm thiểu. Tuy nhiên, bản chất các khảo sát ĐTM luôn mang tính chất thời điểm ngắn hạn và thường không dự báo được hết các tác động. Chất lượng các báo cáo ĐTM cũng thay đổi rất lớn. Trường hợp Sông Hinh, ĐTM không phát hiện được vùng này còn loài cá sấu nước ngọt hoang dã sống, quan trọng bảo tồn, do vậy không có biện pháp giảm thiểu, làm loài này tuyệt chủng tại Sông Hinh sau khi hồ chứa hình thành (ngư dân di cư đến có thể dễ dàng bắt được cá sấu trong điều kiện nước hồ dâng, làm mất sinh cảnh trước kia của chúng).

Đập Trị An là bậc thang thủy điện đầu tiên trên sông Đồng Nai, xây dựng không có công trình cầu vượt (thang cá) cho các loài thủy sản di cư quan trọng như tôm càng xanh và cá chình, đã làm mất đi nguồn lợi vốn có này ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai. Đập cũng làm mất đi thác Trị An đẹp nổi tiếng trước kia.

Các đập thủy điện dự kiến trên sông Đồng Nai hiện đe dọa đến tính toàn vẹn của phức hệ ĐNN Bàu Sấu VQG Cát Tiên: Các đập thủy điện lớn có thể làm ngập và thay đổi sâu sắc môi trường, chế độ thủy văn vùng hạ lưu, mất các ghềnh, thác nước chảy nhanh và đất ngập nước quan trọng. Đập Đồng Nai 3, 4, 5, 6 đang hay dự kiến xây dựng sẻ gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái ĐNN Bàu Sấu VQG CT (khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam), làm giảm hay mất tính ĐDSH, các sản phẩm và dịch vụ do phức hệ này cung cấp.

3. Kết luận và kiến nghị

Chúng ta cần thận trọng với việc phát triển quá nhiều đập thủy điện lớn, nhỏ trên sông. Dòng sông chỉ khỏe mạnh khi lưu vực của chúng có đủ tỷ lệ diện tích có rừng che phủ, đặc biệt là rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn. Các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn cửa sông cần được bảo vệ và duy trì các hành lang xanh ĐDSH, hài hòa tự nhiên dọc sông, rạch. Bên cạnh đó, không nên phát triển, tư nhân hóa và xây dựng trên hết diện tích mặt tiền sông, nên để dành những đoạn tự nhiên, duy trì thảm thực vật, phát triển công viên cây xanh và các đường mòn để mọi người dân có thể tiếp cận, hưởng thụ, cũng như động vật hoang dã có thể sinh sống và phát tán dọc theo các hành lang xanh này.

Về mặt quản lý, cần có quy hoạch tổng thể toàn lưu vực theo định hướng BVMT lưu vực và phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các địa phương, giữa các mục tiêu và hoạt động sử dụng tài nguyên trên lưu vực. Các sông lớn quan trọng chảy qua địa bàn nhiều tỉnh, cần có tổ chức quản lý chung cho cả lưu vực. Tổ chức quản lý lưu vực nên được giao quyền và chịu trách nhiệm cao nhất về các kết quả và tác động môi trường, kinh tế, xã hội do các hoạt động đầu tư phát triển ở quy mô lưu vực, cả thành công hay thất bại. Các chính sách và hoạt động phát triển trên quy mô lớn, có thể có tác động lớn trong lưu vực phải tuân theo quy hoạch tổng thể và được tổ chức quản lý lưu vực này thông qua. Tổ chức quản lý lưu vực các con sông chảy qua nhiều nước, như Ủy hội sông Mê Kông (MRC), cần được tăng cường vai trò để thúc đẩy việc quy hoạch, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên nước trên nguyên tắc hợp tác, công bằng, chia sẻ tài nguyên nước giữa các quốc gia và có cân nhắc lợi ích và tiếng nói của các cộng đồng nghèo sống dọc sông và vùng đồng bằng cửa sông bởi sinh kế của họ phụ thuộc vào tài nguyên nước và “sức khỏe” của dòng sông.

 
(vea.gov.vn)

Lượt xem: 2826

Các tin khác

Cơ sở lưu trú huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng loạt thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh du lịch

(11/05/2024 07:42:AM)

Đà Nẵng: Khi khách "Tây" dọn rác

(23/04/2024 06:07:AM)

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE