quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
CÂY DI SẢN VIỆT NAM

Giáng hương cũng là cây thuốc

Thứ Hai, 01/08/2022 | 11:05:00 AM

(VACNE) - Nói đến cây Giáng hương người ta thường nghĩ đến loại cây có dáng đẹp, hoa thơm, tán lá rộng, tạo bóng mát trong mùa hè, được trồng làm cây cảnh trong các công viên, trường học, bệnh viện, hoặc ven đường phố,… Giáng hương cũng là cây cho gỗ quý, không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn có nhiều công dụng hữu ích cho đời sống con người. Từ rễ, thân, hoa, lá của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

Cây Giáng hương, còn gọi là Giáng hương ấn, Giáng hương mắt chim; tên khoa học là Pterocarpus indicus Willd., họ Ðậu (Fabaceae).

Mô tả: Cây gỗ lớn, cao 10-13m, cành lá sum sê. Lá kép hình lông chim lẻ, mọc so le, dài 20-25cm, có 5-9 lá chét mỏng hình trái xoan, dài 5-7cm, rộng 3-5cm, gốc tròn, đầu lá có mũi nhọn ngắn, không lông, gân lá hình mạng dày. Cụm hoa là chùm dài 5-10cm ở nách lá. Hoa màu vàng, đài có lông, cánh cờ rộng 9mm. Quả dẹt, có cánh ở mép thành hình tròn như mắt chim, đường kính 3,5-4cm, chứa 3 hạt. Mùa hoa, quả: tháng 5-7.

Hình 1: Cây Giáng hương (Nguồn: T.C. Khánh)

Phân bố: Cây Giáng hương phân bố ở khu vực nhiệt đới Ðông Nam Á, bao gồm Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia (Java, Sumatra) và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc rải rác ở các tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một số tỉnh phía Nam như Đắc Lắc, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận …. Cây Giáng hương cũng được trồng ở Vườn Bách thảo, công viên Thống Nhất (Hà Nội) và Thảo Cầm Viên (tp. Hồ Chí Minh).

Thành phần hoá học: Nhựa chích từ vỏ cây có màu đỏ, sẽ đông cứng sau vài giờ, không mùi, không vị, rất chát (thường gọi là ‘Kino’). Nhựa Kino chứa acid kinotannic và một chất màu đỏ. Nếu chưng cất sẽ cho chất pyrocatechin và acid protocatechinic.

Công dụng: Dùng vỏ, lá, hạt và nhất là nhựa cây. Nhựa cây có tác dụng như chất chát, làm săn da, dùng uống trong trường hợp tiêu chảy mạn tính, xuất huyết, bạch đới, lậu và để trám răng. Nó còn được sử dụng để điều trị các bệnh về họng, lở miệng và là một phương thuốc dân gian chữa các khối u, đặc biệt là ở miệng. Có tài liệu còn cho biết cây Giáng hương có tác dụng chữa bệnh tiểu đường típ 2. Vỏ quả gây nôn. Lá non đắp ngoài trị mụn nhọt, rôm sẩy, lở loét. Nước ép của vỏ cây dùng bôi ngoài để chữa vết thương, vết loét.

Ở Campuchia, nhựa cây Giáng hương dùng chế thuốc trị sốt rét, làm thuốc lợi tiểu, chống lỵ và để trám răng.

Ở Ấn Độ, nước sắc gỗ Giáng hương dùng trị bệnh phù và sỏi bàng quang. Vỏ cây giã đắp mụn nhọt, lở loét. Nước sắc vỏ cây, hoặc nhựa, trị tiêu chảy, tưa lưỡi. Hạt có tác dụng gây nôn. Lá hãm nước dùng gội đầu, giã nát làm thuốc gây hắt hơi, trị nhức đầu.

Ở Malaysia, cây Giáng hương dùng chữa đau dạ dày, tim hồi hộp, thấp khớp, bạch đới; thường dùng phối hợp với những vị thuốc khác có mùi thơm để tăng hiệu lực.

Ngoài tác dụng làm thuốc, gỗ Giáng hương khá nặng và cứng, mịn, màu nâu hồng, có vân đẹp, độ bền cao, mùi thơm dịu, không bị mối mọt, có giá trị kinh tế cao; thường được dùng đóng đồ gỗ quý, để sản xuất hàng mỹ nghệ và xuất khẩu. Đặc biệt, sàn gỗ Giáng hương là loại cao cấp, sang trọng, rất được ưa chuộng, có tác dụng chống muỗi rất tốt, được người sử dụng đánh giá cao.

Do gỗ Giáng hương quý và đẹp nên bị khai thác rất nhiều. Mặc dù khu phân bố của cây này tương đối rộng nhưng bị chia cắt, đồng thời, nạn chặt phá rừng tràn lan làm cho nơi phân bố bị xâm hại. Hiện nay, cây Giáng hương trong tự nhiên rất khan hiếm, khó tìm được những cây có kích thước lớn như trước đây.

Chú ý: Ở Việt Nam, chi Pterocarpus có 2 loài là Giáng hương (Pterocarpus indicus) và Giáng hương quả to, tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus Kurz., họ Ðậu (Fabaceae).

Giáng hương quả to cũng giống cây Giáng hương, là cây gỗ cao 20-25m. Lá kép hình lông chim lẻ, có 9-11 lá chét hình bầu dục hay hình trứng hẹp, dài 4-11cm, rộng 3-5cm, gốc lá tròn hoặc tù, đầu lá có mũi nhọn cứng. Cụm hoa hình chùy ở nách lá, dài 5-9cm. Hoa màu vàng nghệ, có cuống dài và nhiều lông, mùi thơm. Quả dẹt, có cánh tròn, đường kính 5-8cm. 

Hình 2: Cây Giáng hương quả to (nguồn: Internet)

Loài Giáng hương quả to phân bố từ Myanma tới Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở đảo Phú Quốc, thường gặp trong rừng thưa ở Kontum, Ðắc Lắc, Phú Yên, Ðồng Nai, Tây Ninh,…

Cây cũng cho gỗ quý và các công dụng như cây Giáng hương.

Cây Giáng hương cũng là loài nằm trong danh lục Cây Di sản Việt Nam

TSKH. Trần Công Khánh

Lượt xem: 1962

Các tin khác

Cây dầu đôi di sản ở Khánh Sơn đã chết, huyện nói cần 400 triệu đồng xử lý

(06/05/2024 04:58:AM)

TP.Thủ Dầu Một: Công bố quần thể Cây Di sản Việt Nam

(27/04/2024 05:20:AM)

Cây di sản cũng như người bệnh già, cứu rất khó

(25/04/2024 01:07:PM)

Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam

(25/04/2024 12:55:PM)

Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(24/04/2024 10:43:PM)

Cây Đa phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(24/04/2024 09:33:PM)

Đề nghị các cấp chính quyền và đoàn thể, cộng đồng nhân dân chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường

(24/04/2024 03:18:PM)

[Photo Story] Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ tại Sơn La được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/04/2024 09:31:AM)

Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Sơn La được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(22/04/2024 09:24:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE