quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Gia Lai thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng

Thứ Hai, 26/08/2024 | 06:52:00 AM

Với tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quảng bá và đưa các sản phẩm du lịch của địa phương đến với du khách để tăng nguồn thu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.

Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Với 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% (dân tộc Jrai chiếm 30,37%, dân tộc Bahnar chiếm 12,51%, các dân tộc khác chiếm 3,35%). Cư dân ở Gia Lai chia làm 2 bộ phận: Bộ phận cư dân đã sinh sống từ lâu đời (còn gọi là cư dân tại chỗ hay cư dân bản địa) gồm 02 dân tộc Jrai và Bahnar; bộ phận cư dân mới đến gồm người Kinh và các dân tộc ít người khác (có mặt ở Gia Lai muộn hơn); mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Đây cũng là địa phương có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, với hệ sinh thái đa dạng, như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, với 02 vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thác K50, Biển Hồ, thủy điện Ia Ly, Núi lửa Chư Đăng Ya; không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và Bảo vật quốc gia Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê… Đặc biệt, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được bố trí hài hòa trong quy hoạch tổng thể gồm các công trình mang ý nghĩa như: Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Bảo tàng Cổ vật,... tạo nên một quần thể lịch sử, văn hóa, mỹ thuật hoàn chỉnh là điểm đến thu hút đông đảo du khách. 

Ngoài ra, địa phương này còn là điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh, với những ngôi chùa nổi tiếng, có nét kiến trúc độc đáo, như: Chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh... Cùng với đó, không gian văn hóa lễ hội, như: Lễ bỏ mả, Lễ khánh thành nhà Rông, Lễ mừng lúa mới, truyền thuyết Vua Lửa - Vua Nước. Với các thôn, làng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar mang đậm bản sắc văn hóa cồng chiêng, với các sản phẩm thủ công truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc… và văn hóa ẩm thực phong phú. Về du lịch cộng đồng, bước đầu đã dần hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp (thành phố Pleiku), làng Stơr, làng Mơ Hra (huyện Kbang), làng Ia Gri (huyện Chư Păh)…

Bên cạnh hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, những năm gần đây, để xây dựng hình ảnh điểm đến Gia Lai hấp dẫn, tỉnh tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn, thu hút được công chúng quan tâm như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018; Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3; Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku (thành phố Pleiku); Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 - 24/5/2022) với nhiều hoạt động có ý nghĩa (Đón nhận và công bố Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng…).

Lễ hội hoa dã quỳ được tổ chức tại nhà rông văn hóa làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya.

Tại các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch và quảng bá các sự kiện văn hóa tạo sức hút đối với khách tham quan, du lịch như: “Lễ hội hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) năm 2017, 2018, 2020”; Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa và Hội cầu huê vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch (thị xã An Khê); Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); Ngày hội du lịch huyện Kbang…

Nhận thức về tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chủ trương phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết 13-NQ/TU năm 2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình 43-CTr/TU năm 2017 của Tỉnh ủy, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021 - 2025... tỉnh đã tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch; triển khai các thủ tục khôi phục lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo). Việc phát huy các lợi thế tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, về lịch sử - văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để phát triển các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử đang được tỉnh đẩy mạnh. 

Hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030, với mục tiêu đề ra là: Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai, tiêu biểu là dân tộc Bahnar và Jrai; kết hợp khai thác môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai ngày càng nhiều hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn.

Tỉnh Gia Lai xác định, thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó phát huy vai trò cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; tăng cường sự tương tác trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân đối với Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Lựa chọn một số làng đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm các điều kiện phát triển du lịch cộng đồng về hiện trạng sẵn có như: Nhà rông, nhà sàn, các lễ hội, ngành nghề truyền thống, ẩm thực, đặc sản địa phương. Trước mắt hoàn thành xây dựng các hạng mục và vận hành “Mô hình phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang” đến hết năm 2025; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho “Mô hình du lịch nông thôn Làng STơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang” đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đồng thời, phát triển mô hình, điểm du lịch nông thôn bền vững đối với các điểm du lịch đang khai thác nhưng chưa hoàn thiện dịch vụ ở một số làng trọng điểm của các địa phương gồm, thành phố Pleiku: Làng Ốp (phường Hoa Lư), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Wâu (xã Chư Á), làng Teng 1 (xã Tân Sơn); huyện Chư Păh: Làng Kép, làng Al (xã Ia Mơ Nông), làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya); huyện Mang Yang: Làng Đê Kjêng (xã Ayun), làng Pyầu (xã Lơ Pang), làng Đê Kôn (xã Hra).

Phục dựng lễ hội được ngành văn hóa tỉnh Gia Lai xác định là yếu tố quan trọng để định hình các sản phẩm du lịch, là “đòn bẩy” để phát triển du lịch cộng đồng. Với ý nghĩa đó, hoạt động phục dựng được ngành văn hóa Gia Lai thực hiện trong 5 năm qua đã hồi sinh hàng chục lễ hội đặc sắc trước nguy cơ mai một, biến mất trong đời sống cộng đồng.

Đồng bào Jrai làng Ớp (phường Hoa Lư, Tp. Pleiku) biểu diễn cồng chiêng bên nhà rông truyền thống. 

Mặc dù có tiềm năng lớn tài nguyên du lịch sinh thái, văn hóa song thời gian qua du lịch Gia Lai còn những hạn chế: Sản phẩm, dịch vụ du lịch nhìn chung chưa thật sự đặc sắc; chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch nổi bật, đột phá; du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái chưa có sản phẩm khác biệt, bước đầu được đầu tư một cách nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào những điều kiện tự nhiên, điều kiện thực tế sẵn có tại các địa phương, chưa thực sự đặc sắc để kích hoạt các giá trị cộng đồng và hình thành được thương hiệu, hình ảnh riêng của tỉnh.

Du lịch văn hóa chưa có điểm nhấn, chưa có sự liên kết giữa các địa phương, chưa có sản phẩm độc đáo. Một số nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc chủ yếu mang tính kinh tế hộ gia đình, đầu ra thiếu ổn định; chưa hình thành được những làng nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân; chưa thu hút du khách đến tham quan mua quà lưu niệm. Chất lượng dịch vụ tại một số địa danh du lịch sinh thái chưa cao.

Các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ. Hệ thống cơ sở lưu trú chưa thực sự đồng bộ. Chưa có những khu vui chơi giải trí, các điểm nghỉ dưỡng quy mô, chất lượng gắn với sản phẩm du lịch phong phú, nổi bật để giữ chân du khách lưu trú dài ngày. Kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông kết nối với các địa phương còn nhiều hạn chế, nhất là với các tỉnh duyên hải miền Trung… 

Để du lịch có những bước tiến dài trong thời gian đến cần có sự đổi mới về tư duy phát triển. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Sự đồng thuận của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp về việc phát triển gắn với bảo tồn, đề cao tính bền vững. Khai thác những lợi thế sẵn có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo về con người, lịch sử, văn hóa của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước. Nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của các tài nguyên du lịch và lợi ích của hoạt động du lịch. Tích cực tuyên truyền vận động người dân trong việc tự giác bảo vệ, quảng bá du lịch địa phương bằng nhiều kênh thông tin, ưu tiên tuyên truyền qua mạng xã hội với các nền tảng zalo, facebook, tiktok, youtube

Quan tâm đầu tư nguồn lực đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trùng tu, tôn tạo và nâng tầm giá trị các di tích, các thiết chế văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, nhất là các di tích lịch sử cách mạng; có cơ chế nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Dành kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học và lập các dự án nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; khôi phục, nâng tầm các lễ hội truyền thống… gắn hoạt động lễ hội với các di tích, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn du khách, hướng dẫn và tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động của các di tích và giá trị của các di sản.

Xây dựng các tour, tuyến thú vị, độc đáo để thu hút du khách đến với di tích và di sản Gia Lai. Thu hút các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh thành trong nước xây dựng tour cuối tuần trong đó có Gia Lai là điểm đến an toàn thân thiện, đặc biệt thu hút các thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định… Kêu gọi nguồn lực xã hội hóa bảo đảm sự thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tại các địa phương có di tích được công nhận. Huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, các chủ thể văn hóa, các doanh nghiệp vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên nguyên tắc Nhà nước quản lý. 

Chú trọng phát huy các sản phẩm truyền thống mà tỉnh có thế mạnh, mang bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, làng nghề truyền thống, làng du lịch cộng đồng trên cơ sở lợi thế, tiềm năng về văn hóa bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc, các sản phẩm OCOP của các địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân và bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc hỗ trợ tư vấn về vốn, đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu việc tổ chức phiên chợ cuối tuần gắn với trình diễn văn hóa cồng chiêng tại thành phố Pleiku và một số địa phương lân cận, gồm các gian hàng là sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương, góp phần giới thiệu, quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, du lịch.

Đức Duy 

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 22/8/2024

Lượt xem: 324

Các tin khác

Khám phá rừng ngập mặn Rú Chá (Thừa Thiên Huế)

(10/10/2024 08:40:AM)

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình): Thiên đường du lịch sinh thái

(05/10/2024 07:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tại A Lưới

(02/10/2024 05:15:AM)

An Giang: Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi

(28/09/2024 08:25:AM)

Phát triển du lịch Huế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm thiểu rác thải nhựa

(27/09/2024 06:59:AM)

Khánh Hòa: Chung tay phát triển du lịch xanh

(26/09/2024 07:00:AM)

Bình Định: Ước vọng Cồn Chim xanh

(20/09/2024 07:35:AM)

Du lịch xanh ở khu di sản Huế

(17/09/2024 06:53:AM)

Thừa Thiên Huế: Du khách đồng hành cùng thành phố xanh

(11/09/2024 06:55:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE