“Du lịch là một hoạt động kinh tế cơ bản của con người được hình thành bởi tương tác xã hội và chỉ thành công nếu giúp cư dân địa phương thông qua việc đóng góp cho các giá trị xã hội, như tham gia, giáo dục và hỗ trợ chính quyền địa phương.
Đồng thời, sẽ không có một ngành du lịch phát triển đích thực nếu sự phát triển đó đe dọa đến các giá trị và nền văn hóa của cộng đồng địa phương, hay các lợi ích kinh tế xã hội được tạo ra bởi ngành du lịch không đến được với cộng đồng”, đó là nội dung chính của thông điệp Ngày Du lịch Thế giới 27-9 năm nay (2014) nhấn mạnh đến tầm quan trọng và mối quan hệ hữu cơ giữa ngành du lịch và cộng đồng địa phương.
Thật vậy, thế giới đang chứng kiến sự lên ngôi của ngành kinh tế không khói khi du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia. Du lịch mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác giá trị tự nhiên, nhân văn tại điểm đến.
Thế nhưng, mặt trái từ việc phát triển du lịch một cách tự phát, ồ ạt không gắn với sự phát triển cộng đồng đang dần hé lộ khi nhiều tài nguyên du lịch (bao gồm cả tài nguyên nhân văn lẫn tự nhiên) đang dần bị phá bỏ. Sự “ăn xổi” trong đầu tư, phát triển du lịch sẽ phải trả giá do những hệ lụy mà nó gây ra.
Gắn với cộng đồng để phát triển du lịch bền vững. Ảnh minh họa. Nguồn: baoquangnam.com.vn.
Ý thức được hệ lụy đó cũng như mối quan hệ hữu cơ giữa du lịch và sự phát triển cộng đồng, nhiều năm trở lại đây, phát triển du lịch bền vững gắn với sự phát triển của cộng đồng đã được nhiều quốc gia chú trọng.
Thông điệp Ngày Du lịch Thế giới (27-9) chỉ rõ: “Mỗi khi chúng ta đi du lịch, việc sử dụng phương tiện vận tải địa phương tại điểm du lịch hay mua các sản phẩm tại địa phương là chúng ta đang đóng góp cho một chuỗi các giá trị như tạo công ăn việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương và cuối cùng là mang đến những cơ hội mới cho một tương lai tốt đẹp hơn”.
Điều 5, Bộ Quy tắc ứng xử toàn cầu trong du lịch của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) khẳng định: Du lịch phải là hoạt động có lợi nhuận cho quốc gia và cho cộng đồng sở tại. Theo đó, cộng đồng địa phương nên tham gia các hoạt động du lịch và chia sẻ quyền bình đẳng trong lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa mà hoạt động du lịch đem lại.
Các chính sách du lịch nên được ứng dụng theo nhiều cách để giúp đỡ làm tăng lên mức sống của cộng đồng; tại các vùng nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo cần phải có chính sách phát triển du lịch riêng để đảm bảo sự bền vững do đây là những vùng dễ bị suy giảm vì kinh tế kém phát triển.
Tại Việt Nam, trong báo cáo chuyên đề “Du lịch Việt Nam-Thực trạng và giải pháp phát triển”, vai trò của du lịch đối với cộng đồng được khẳng định: Du lịch góp phần vào xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Các hoạt động du lịch phát triển ở các vùng nông thôn tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng địa phương. Các hoạt động gắn với du lịch cộng đồng tạo thu nhập trực tiếp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững.
Thông qua du lịch, văn hóa địa phương, các vùng miền được tôn trọng, bảo vệ và khai thác phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả rõ ràng trong quá trình “hiện đại hóa” nông thôn thông qua việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, gìn giữ và phát huy các làng nghề truyền thống, bảo vệ các giá trị cộng đồng.
Du lịch phát triển làm thay đổi diện mạo đô thị. Tại các địa phương là trọng điểm phát triển du lịch, đô thị được chỉnh trang, cơ sở hạ tầng và các điều kiện dịch vụ công cộng được quan tâm phát triển.
Du lịch tại các vùng miền làm thay đổi mức sống của người dân địa phương, thay đổi nhận thức và từng bước thu hẹp sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn về chất lượng cuộc sống, giảm bớt sức ép về di dân tự do từ các vùng nông thôn tới đô thị, góp phần ổn định trật tự xã hội.
Rõ ràng, không thể phủ nhận những giá trị mà du lịch mang lại cho cộng đồng. Tuy nhiên, chính những giá trị này sẽ có tác động ngược lại, giúp du lịch phát triển bền vững. Khi cộng đồng phát triển, các dịch vụ du lịch tại điểm đến được nâng lên, chất lượng phục vụ du khách từ đó cũng được nâng cao đem lại nguồn thu dồi dào. Mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển du lịch với phát triển cộng đồng vì thế càng trở nên khăng khít, gắn bó hơn.
Khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, du lịch vẫn chứng tỏ được khả năng vượt bão, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia. Việc phát triển du lịch gắn với sự phát triển cộng đồng mang lại hiệu quả đang chứng minh đây chính là chìa khóa mang lại sự bền vững cho ngành kinh tế không khói.
“Chúng ta đang tiến gần tới thời hạn năm 2015 được thiết lập cho Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và chuẩn bị cho các mục tiêu phát triển bền vững, Ngày Du lịch Thế giới năm nay sẽ là cơ hội để ngành du lịch đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Thông qua du lịch để trao quyền cho các cá nhân và cộng đồng khắp thế giới ở các cấp độ là bước đi cơ bản để hướng tới các mục tiêu đó”, thông điệp Ngày Du lịch Thế giới nhấn mạnh.