quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Duyên và nợ phóng sinh

Thứ Hai, 01/03/2010 | 07:43:00 PM

Với các lễ hội Việt, lệ phóng sinh đã thành duyên nợ. Thực hiện phóng sinh với tâm đúng, đó là cái duyên. Hành động theo thời, a dua, thiếu ý thức nó lại là nợ với chính mình, xã hội và nợ cả với các sinh linh...

 
 
Càng đông người thả chim phóng sinh thì càng đông "đội quân" lùng bắt, tiêu diệt chim - Ảnh tư liệu Báo Thanh Niên

Lễ hội Việt tồn tại nhờ các yếu tố địa lý, lịch sử và nhất là tâm linh. Giữa khung cảnh núi đồi sông nước thiên nhiên kèm dấu ấn địa linh nhân kiệt, người hành hương cảm nhận và hiện thực hóa lòng tin của mình nhờ nhiều nghi lệ. Dâng hương, gieo quẻ, đốt vàng mã hay phóng sinh là các hình thức làm nên màu sắc lễ hội. Từ Phật đản, lễ Vu Lan, các hội rằm đầu năm... tín lý đạo được hiểu thật cụ thể qua các hoạt động, trong đó lệ phóng sinh chuyển tải rõ ý nghĩa nhất.

Phóng sinh, cuộc hạnh ngộ hai thế giới

Theo Phật pháp, tất cả các loài hữu tình chúng sinh cũng đều có đầy đủ Phật tánh. Tách ra khỏi lý thuyết đạo, từ ngữ chúng sinh không để chỉ riêng loài người mà bao gồm tất cả mọi loài sinh vật có cảm giác. Khoa học hiện đại cũng đã xác nhận những linh tính tương đồng khiến mối liên quan giữa người và loài vật càng gần gũi. Nghĩa là các sinh vật không vô cảm. Chúng cũng đủ các hỉ, nộ, ái, ố như người, có khác chăng là ở cách biểu lộ.

 
Bầu trời với khoảng không quá rộng là một thách thức cho lũ chim yếu ớt vì bị giam hãm gò bó lâu giờ trong tình trạng thiếu chăm sóc.
   

Hiểu từ đó, ý nghĩa từ bi hỉ xả của nhà Phật trong phóng sinh là giải thoát những sinh vật đang bị tù đày, giam hãm trong lồng chậu, tức là hành động mang lại sự sống cho loài đang bị đe dọa đến tính mạng. Tấm lòng ấy như một thứ bài tập để con người luyện cách giải thoát đồng loại và chính mình khỏi các ràng buộc kìm hãm của lục dục.

Bắt nguồn từ hai bộ kinh Phật giáo Bắc Tông, tục lệ phóng sinh được phát triển mạnh ở Trung Hoa, truyền sang Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Những ao phóng sinh cá đầu tiên xuất hiện đời nhà Tùy. Còn các thuyết giảng về ăn chay, giới sát, phóng sinh, cũng như về nghi thức phóng sinh được bổ sung vào cuối đời Minh.

Lẽ ra ý nghĩa phóng sinh phải đi kèm với việc không sát sinh vì đó là hai khía cạnh của tín lý nhà Phật. Có điều chuyện cấm sát sinh, một hình thức bảo toàn mạng sống loài vật thì ít người giữ trong khi các tín đồ lại “thích” phóng sinh. Cũng chỉ vì nhiều lẽ “lễ nghĩa” đời thường như thế nên mới sinh ra nhiều cái nợ.

Vòng luẩn quẩn nợ phóng sinh

Càng gần các lễ hội lớn hằng năm người ta càng thấy thiên nhiên gần gũi phố thị nhờ sự xuất hiện của các sinh vật núi đồi sông nước. Tại một số ngôi chùa lớn, ngày thường không dễ nghe được tiếng sẻ ríu rít nhưng dịp hội đền lại rộn rã giọng của nhiều loại tiểu cầm. Các dịch vụ bán chim, cá phóng sinh hoạt động nhộn nhịp. Lề đường dọc chùa Vĩnh Nghiêm, Lăng Ông thành chợ đặc chủng. Vòng quay bắt-bán-mua-thả vào guồng với đầy đủ cảnh bi hài.

 
Thư từ, bài vở xin gửi về: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn
 

Chuyện bi như chim, cá đuối sức, thậm chí lăn ra chết trước khi được phóng sinh sau thời gian chờ đợi dằng dặc đảnh lễ đã được đề cập nhiều, gây bức xúc công luận trên các diễn đàn mạng. Chuyện hài cảnh lớp “con buôn” tranh nhau vớt lại cá phóng sinh để kiếm lời lại là một góc kịch khác thêm gia vị cho đề tài báo chí. Cười ra nước mắt nữa là những đàn chim hay bồ câu được dùng chất gây nghiện hoặc được huấn luyện đặc biệt chẳng kém các bầy chim mà nhà văn Toan Ánh tả trong “Phong lưu đồng ruộng”. Nghĩa là chúng được bán đi và biết đường bay trở về nhà chủ sau khi được phóng sinh để “đồng vốn” xoay vòng tốt.

Trong các loài thú được phóng sinh, cá, rùa thường may mắn hơn giống lông vũ. Bầu trời với khoảng không quá rộng là một thách thức cho lũ chim yếu ớt vì bị giam hãm gò bó lâu giờ trong tình trạng thiếu chăm sóc. Cá chỉ được phóng sinh ngay nơi có nước thế nhưng chính chúng lại là tác nhân gây cái nợ cho vệ sinh xã hội. Rác thải từ các bao ni-lông đựng cá dọc các cây cầu chắc chắn không thể là sắc màu đẹp trong bức tranh lễ hội.

Theo “mốt”, thói quen hay phô trương tiền bạc trong chuyện phóng sinh mà vô tư với ý nghĩa hóa duyên tiềm ẩn là khách hành hương đã nợ các sinh vật một sự giải thoát thật, nợ cả chính mình và đồng loại một bài học chưa thuộc về lòng từ tâm. Việt Nam quanh năm lễ rằm, lệ phóng sinh cũng diễn ra đủ bốn mùa, sẽ có bao nhiêu con vật được phóng sinh thực sự khi thiên định và nhân định đang đặt chúng vào cái vòng luẩn quẩn phóng-sát sinh.

Biến nợ thành duyên

Trong vô số khách hành hương đến với lễ hội ba miền hằng năm không phải chỉ toàn những người đi chùa theo quán tính bầy đàn, vô tâm thực hiện tục phóng sinh mang lại những cái nợ như kể trên. Vẫn còn rất nhiêu cái tâm thấm nhuần ý nghĩa tốt đẹp của lề thói này và biết cách thực hiện cái tâm ấy để lệ phóng sinh xứng đáng được duy trì. Theo họ, không phải phóng sinh chỉ có một hình thức là sắm sửa “vật” đến tận cảnh chùa mà thả. Những ngày đầu năm đôi khi vẫn diễn ra cảnh các cô cậu học sinh vào công viên thấy bán chim mua thả tại chỗ. Người vợ đi chợ sớm thành kính mua cặp chép vàng mang về để chồng thả xuống khoảnh ao cạnh nhà. Lũ trẻ làng biết tục vẫn tìm được nhiều kiểu phóng sinh bằng cách giúp con cua, chú ốc bò lạc giữa lộ trở về làn nước cạn đồng ruộng.

Đâu thiếu những người chọn cách phóng sinh bằng lối không sát sinh. Họ ăn chay để thể hiện cái duyên nhân quả, giải thoát cho vật và cho chính mình. Thật ra từ cổ chí kim con người giết mổ loài vật để làm lương thực đâu lắm đắn đo. Chỉ chuyện phóng sinh mới thành tiền đề cho những quan điểm trái chiều, bởi đằng sau hành động đó còn tâm duyên của mỗi người khi thực hiện trong các tình huống ứng biến khác nhau. Người ta có thể chạnh lòng nghe chuyện cậu bé đi bắt ốc phóng sinh để kiếm tiền trang trải học phí nhưng cũng bất mãn trước cảnh chim chết được vứt xuống nền điện chùa cho chó tha trước mặt bàn dân thiên hạ. Những cánh chim được phóng sinh trong địa điểm vui xuân ở Đà Lạt đầu năm là những cảnh đẹp đầy ấm áp. Ai đến tham quan hồ chứa đàn cá phóng sinh độc nhất trên núi Cấm hẳn sẽ thấy lòng tịnh lại. Nhờ những nét đẹp ấy mà người người còn kỳ vọng lễ hội mùa ở quê nhà sẽ không mất hẳn thứ lệ tục vốn mang nhiều duyên nợ tâm linh như phóng sinh.    

Phóng sinh phải biết cách

* Thả chim phóng sinh là một việc thiện và dễ làm, nhưng bạn có nghĩ
chính hành động đó đã tiếp tay cho đội quân chuyên đi săn lùng bắt các loại chim vào những dịp lễ? Để có được một con đến tay người thả, ắt sẽ có nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật. Một hệ lụy nguy hiểm khác xung quanh việc thả bắt chim phóng sinh là rất dễ lây lan, phát tán mầm bệnh cúm gia cầm.

* Thả cá phóng sinh còn phức tạp hơn vì cá không thể bay như chim mà phải sống giới hạn trong môi trường nước. Người ta thường chọn sông hồ gần nhà để thả cá phóng sinh cho đơn giản. Nhưng tại thành phố lớn, các hồ nước vốn không nhiều mà dân số lại đông nên thường không đáp ứng được nhu cầu thả cá phóng sinh rất lớn của người dân. Những ngày cao điểm như ngày rằm, các hồ nước trong công viên phải tiếp một lượng cá khổng lồ, dẫn đến sau đó cá phóng sinh bị chết hàng loạt do không thích nghi được với môi trường được thả, hồ bị ô nhiễm, thiếu môi trường sống.

* Khi thả cá cũng nên chú ý tới môi trường nước thả và đừng tiện tay thả thêm những túi ni-lông đựng cá xuống hồ. Tại TP.HCM, đã có không ít người vô tâm thả cá xuống các dòng kênh đen. Ở Hà Nội cũng có nhiều người nhắm mắt thả cá xuống sông Tô Lịch đầy chất thải. Đó gọi là tử hình cá chứ không phải phóng sinh cá.

* Cần chọn loại cá thả phóng sinh cho phù hợp. Trên diễn đàn dành cho những người nuôi cá cảnh Việt Nam từng cảnh báo về chuyện thả những loài cá dữ xuống sông hồ. Những loài cá này thường có khả năng thích nghi tốt và ăn sạch thức ăn của những loài cá có ích (thậm chí ăn luôn cả cá có ích) trong môi trường được thả và làm mất cân bằng sinh thái._Anh Tú

Ý kiến...

(Nhân đọc loạt bài Lễ hội đầu năm - Xem TN TT&GT từ 26.2.2010)

* Tết năm ngoái ghé nhà thằng em chơi, thấy nó hào hứng khoe một chậu cây lộc mới đem từ chùa về. Vì chậu cây khá đẹp và to, tôi hỏi ngay nó là tự ý lấy hay đã được nhà chùa cho phép thì nó vô tư trả lời là “canh me lúc không có ai để ý thì rinh về” làm tôi hết sức ngỡ ngàng và lên tiếng phản ứng ngay. Em trai tôi đã ba mươi mấy tuổi, có vợ và con rồi mà còn cư xử như thế, huống hồ chi các bạn trẻ. Chuyện này sau đó tới tai bố mẹ tôi và ông bà rất giận dữ, điều ngay hai vợ chồng “ông tướng” về nhà và quát cho một trận. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy bố mẹ làm dữ như vậy với con cái trong nhà, vì ông bà cho rằng bản thân đã làm cha làm mẹ rồi thì phải hết sức thận trọng trong hành vi của mình, làm như thế rất dễ khiến con trẻ hiểu lầm là mình đi “ăn cắp” của nhà chùa._Minh Thảo (Q.12, 0986 252...)

* Đi chùa hái lộc đầu năm là một phong tục từ rất lâu, nên có lẽ khó mà bảo người ta bỏ đi được. Có chăng là chúng ta nên nhìn nhận thoáng hơn về hai chữ “hái lộc”, cầm một chậu cây lộc nhỏ được mua trước cổng chùa về nhà cũng có thể được xem là hái lộc, đâu nhất thiết cứ phải là hái một cây trên cành thì mới được. Bản thân tôi cũng rất ngại chuyện phải bứt, bẻ một cành cây xanh tốt nào đó trên cành, vì thấy nó… ác ác thế nào ấy. Thà cứ mua một chậu nhỏ người ta bán sẵn, vừa tiện mà vừa thoải mái, không bị “cắn rứt lương tâm”._Đức Vinh (Cư xá Tự Do, Q. Tân Bình, 01228062...)

* Tôi nghĩ thay vì mở màn xuân mới bằng sự tàn phá và cắt xén (chặt cây, hái cành) dẫn đến một hình ảnh không trọn vẹn, tại sao người ta không trồng cây để mang sức sống và sự phát triển mới? Như vậy đồng thời cũng góp phần tăng thêm một nguồn oxy, sự sống cho con người. Hơn nữa, dù có mang một cành cây xanh tốt về nhà thì mấy ngày sau cũng héo úa, tàn tạ (vì đã bị lìa khỏi cây gốc thì chẳng có cành nào tồn tại được lâu), coi như ta đang mang một mầm sống quặt quẹo về nhà chứ đâu phải đem lộc. Vậy thì ý nghĩa của tục hái lộc đâu còn trọn vẹn nữa?_Nguyễn Minh (Hà Nội, th.cong@yahoo.com.vn)

An Lạc
(Thanh Niên, 1/3/2010)

Lượt xem: 3549

Các tin khác

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

Mù Cang Chải khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2024

(28/12/2024 09:11:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE