Đoàn caravan cùng thanh niên tình nguyện ở Mộc Châu tham gia dọn rác.
Sức ép về môi trường
Trên thực tế, sự tấn công của rác thải nhựa đã lan tới hầu hết các khu du lịch ở Việt Nam. Phân tích của nhóm các nhà nghiên cứu của trường ĐH Georgia (Mỹ) cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước xả rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường biển, và năm nước đứng đầu chiếm từ 60-65% số lượng rác thải ra biển. Cách đây không lâu, nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã có một triển lãm ảnh mang tên “Hãy cứu biển” với các tác phẩm chọn lọc từ hơn 3.000 bức ảnh anh đã chụp trong suốt chuyến chạy xe máy xuyên Việt. Nhiều bức ảnh trong số đó đặc tả cảnh rác thải nhựa, túi nylon dày đặc ở những nơi là điểm du lịch như Khánh Hòa, Cần Thơ, Thái Bình…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình tham gia dọn rác tại Mộc Châu.
Rác thải nhựa cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến ngành du lịch của Việt Nam. Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, bên cạnh những tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội, du lịch cũng đem lại những tác động nhất định đến môi trường. Tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đã làm giảm đi ít nhiều sự hấp dẫn của các điểm đến. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam đang là điểm yếu, xếp hạng 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường.
Và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã có những chương trình hành động đầu tiên.
Chuyến caravan diễn ra vào giữa tháng bảy vừa qua do hai Hiệp hội khởi xướng, lần đầu tiên kêu gọi được một số lượng đông đảo các doanh nghiệp du lịch tham gia vào một hoạt động bảo vệ môi trường, không những trực tiếp làm thay đổi suy nghĩ của các doanh nghiệp tham gia, mà còn tác động đến những doanh nghiệp ở các địa phương mà đoàn đi qua.
Những chuyển biến bước đầu từ địa phương
Việt Trì, Hòa Bình và Mộc Châu là ba địa điểm mà đoàn ghé lại và có những hoạt động cụ thể nhằm kêu gọi thay đổi ý thức của doanh nghiệp, du khách cũng như người dân trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa và hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Tại những địa điểm này, đoàn không chỉ đi diễu hành, quảng bá “du lịch không rác thải nhựa”, mà còn dán poster ở những nhà hàng, khách sạn, điểm dịch vụ đạt tiêu chuẩn “xanh”. Tại cả Việt Trì, Hòa Bình và Mộc Châu, đoàn caravan đều thu hút hàng chục doanh nghiệp du lịch địa phương tham gia các hoạt động diễu hành và dán poster cùng.
Tình nguyện viên nước ngoài tham gia dọn rác tại Mộc Châu.
Ông Trần Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tuyên truyền, phổ biến cho các chủ cơ sở kinh doanh về du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ký cam kết về việc bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa; đồng thời kiểm tra, động viên và tuyên dương đối với các đơn vị thực hiện tốt chương trình này. Chúng tôi cũng sẽ lồng ghép nội dung này vào kế hoạch hoạt động của mùa Lễ hội đền Hùng năm 2020”. Ông Trần Thanh Sơn cũng cho biết thêm, hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Việt Trì cũng đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng đồ nhựa, thải rác nhựa trong hoạt động của mình. Chẳng hạn như khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ không sử dụng các vật đựng một lần như ly, bát, đĩa nhựa…., khuyến khích khách nghỉ tại khách sạn tiết kiệm nước… Một đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch khác ở Việt Trì là Trung tâm tiệc cưới Sen Vàng cho biết, Trung tâm phục vụ khoảng 2.000 khách một tháng, mùa cao điểm lên tới 4.000 khách, cho nên số lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa thải ra cũng khá lớn. Sắp tới, Trung tâm sẽ chuyển sang sử dụng những vật thân thiện với môi trường, hạn chế và tới thay thế các vật dụng bằng nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần.
Tại Mộc Châu, tham gia lễ phát động “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Nguyễn Như Cầu đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp của Sơn La tích cực thực hiện phong trào thu gom, phân loại bao bì, túi nylon, các sản phẩm từ nhựa đã sử dụng và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý rác theo quy trình. Ông Nguyễn Như Cầu khuyến khích người dân Sơn La, đặc biệt là thanh niên hãy hành động và vận động người thân cùng thực hiện giảm thiểu, tiến tới chấm dứt sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa khó phân hủy nhằm hướng đến phát triển du lịch "xanh", gắn với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đoàn caravan đi diễu hành, tuyên truyền tại Mộc Châu.
Đại diện nhà hàng Hoa Mộc Châu cho biết, với đặc thù kinh doanh nhà hàng, cho nên nhựa và nylon sử dụng chủ yếu ở khâu đóng gói thực phẩm từ các nhà cung cấp chuyển đến nhà hàng. “Chúng tôi sẽ sử dụng các loại giỏ kích cỡ lớn để đựng thực phẩm, và loại bỏ túi nylon khỏi khâu đóng gói” - đại diện nhà hàng cho biết.
Đây là hoạt động mở đầu, nhưng cũng góp phần quan trọng trong việc thay đổi ý thức sử dụng đồ nhựa và túi nylon từ các doanh nghiệp. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Giám đốc Hanoitourist cho biết: “Các doanh nghiệp biết chuyến đi nhằm mục đích kêu gọi bảo vệ môi trường đều rất hào hứng tham gia. Chúng tôi sẽ vận động các ban đoàn thể trong công ty, cũng như các doanh nghiệp khác và khách hàng thực hiện những kế hoạch cụ thể để chung tay bảo vệ môi trường khỏi tác hại của nhựa”.
Và chuyến caravan này cũng sẽ là hoạt động mở màn cho những chuỗi hoạt động hưởng ứng du lịch bảo vệ môi trường khác của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết chương trình hành động “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng ý thức , trách nhiệm bảo vệ môi trường ở tất cả các doanh nghiệp du lịch cũng như lao động trong lĩnh vực du lịch. Mục tiêu trước mắt của chương trình là “ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xả rác, làm ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, hạn chế ở mức thấp nhất rác thải nhựa, đặc biệt là từ nhựa sử dụng một lần và có biện pháp thu gom, xử lý rác thải nhựa triệt để”.
TUYẾT LOAN