Nhu cầu du lịch xanh của du khách bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng
Du lịch xanh, con đường của tự nhiên
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định Tây Nguyên là một trong bảy vùng du lịch trọng điểm. Là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và cũng là vùng có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế́. Đặc biệt là liên kết phát triển du lịch với nhiều địa phương, nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Trong những năm qua, ngành du lịch Tây Nguyên đã có những bước tiến khá. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên phát triển tương đối nhanh cả về số lượng và chất lượng. Góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin “Riêng ngành Du lịch trong vùng có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã phát huy được giá trị, có sức hút với du khách. Ngoài ra, giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, khai thác, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo.
Trải nghiệm về với thiên nhiên của du khách khi đến Gia Lai
Thích ứng của doanh nghiệp
Theo ông Trần Hoàng Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ khách sạn Vĩnh Hội nói, “chúng tôi làm du lịch nhiều năm nay nhận thấy du lịch xanh đang là một xu hướng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của du khách, chúng tôi cũng phải có liên kết với các vườn quốc gia, các điểm di tích lịch sử và một số bảo tàng. Với mỗi đoàn, tùy theo nhu cầu, đơn vị kinh doanh du lịch sẽ xác định các điểm cần dẫn tour đi.”
Thích ứng để phát triển, đó là khẩu hiệu của ngành du lịch ở Tây Nguyên lúc này. Mỗi tỉnh trong khu vực Tây Nguyên cũng có những kế hoạch riêng để phát triển sản phẩm, tour tùy theo thế mạnh. Trong đó, chính sách thu hút đầu tư và quảng bá được được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, đầu tư công cho ngành du lịch cũng được tính đến để nâng cao hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ ngành du lịch.
Với hơn 4 năm kinh nghiệm làm du lịch, ông Đinh A Ngưi – Người kinh doanh dịch vụ du lịch homestay ở huyện Kbang tỉnh Gia Lai cho rằng “Đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cần chủ động trong công tác xây dựng thương hiệu và tuyên truyền quảng bá cho đơn vị mình. Vượt qua các khó khăn về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất các đơn vị, doanh nghiệp vẫn liên tục nghiên cứu, đầu tư liên kết xây dựng sản phẩm du lịch dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng thị trường khách, đặc biệt là thu hút khách quốc tế”.
Tại hội thảo về phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên mới đây tại thành phố Pleiku, các chuyên gia cũng cho rằng nhiệm vụ của ngành du lịch phải được xác định theo hướng du lịch xanh bền vững. Phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đi đôi với bảo vệ, giữ gìn môi trường và bảo tồn. Phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ để du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực của địa phương.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, “tài nguyên du lịch của nhiều địa phương Tây Nguyên đã làm cho chính quyền và người dân địa phương có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, quản lý di sản. Thông qua du lịch, chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư hiểu đúng hơn những giá trị di sản vốn rất khó nhận ra trong đời sống thường nhật. Nhiều thôn, làng người thiểu số không còn bán rẻ cồng chiêng mà cố giữ lại như là niềm tự hào của dân tộc trong con đường phát triển du lịch xanh, bền vững ở Tây Nguyên”.
Mai Chiến