Du lịch là một ngành nhạy cảm với những biến đổi về môi trường và khí hậu, luôn phải đối diện với nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu. Thế nhưng việc ứng phó và tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu chưa thực sự hiệu quả, ngay cả khi đó là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới miếng cơm, manh áo của ngành.
“Nạn nhân” sự cố môi trường
Những tháng đầu năm 2016, khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra tại khu vực Bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, ngay lập tức du lịch cùng với nhiều ngành kinh tế khác đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt thời kỳ cao điểm mùa du lịch biển nhưng tại những bãi tắm dọc khu vực này lại chẳng mấy du khách. Tiêu biểu, đến nay lượng khách đến Quảng Bình mới chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2015. Cho dù đã có nhiều chiến dịch truyền thông được đưa ra nhưng vẫn chưa xóa được tâm lý e ngại của du khách khi tới những vùng biển này.
Một nơi khác, Triêm Tây - một làng nông thôn đặc trưng vùng đất Quảng Nam - ngay gần phố cổ Hội An giống làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng… luôn phải đối mặt với vấn đề xói mòn, mất đất. Từ năm 2009, có 2/3 đất của làng đã “rơi xuống sông”, người dân không những mất đất mà cũng chẳng còn việc làm tại làng. Ngay cạnh đó, những bãi biển Cửa Đại cũng nằm trong tình trạng báo động bởi biển có thể xâm thực bất cứ lúc nào. Bà Nguyễn Thị Huyền, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, phân tích: “Xói mòn đất nghiêm trọng ở Triêm Tây gây ra bởi sự thay đổi dòng chảy của sông. Cộng đồng địa phương không có được sự kết nối với phố cổ Hội An, xem đó như là “di sản của hàng xóm” nên dù Triêm Tây mong muốn phát triển du lịch như những làng vệ tinh khác nhưng thiếu bí quyết”.
Du lịch Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về sự phát triển, năng lực cạnh tranh và tính bền vững của phát triển. Theo phân tích của các nhà khoa học và các chuyên gia, nước biển dâng khiến một số bãi biển có thể bị biến mất, trong khi một số khác bị xói lở sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng đất thấp ven biển, làm hư hại các di sản văn hóa, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái và các cơ sở hạ tầng du lịch. Một số cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cải tạo, di chuyển và bảo trì. Điều này tạo ra những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng, đặc biệt là xu hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch bền vững.
Mối nối lỏng lẻo
GS. Peter Burns, chuyên gia dự án Chương trình Phát triển Năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU-ESRT) do Liên minh châu Âu tài trợ, cho biết khảo sát tại Việt Nam, lãnh đạo các sở du lịch cấp tỉnh/thành có nhận thức về nguy cơ của biến đổi khí hậu, nhưng thiếu kiến thức chuyên môn về thích ứng và giảm thiểu nguy hại. Việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan chính phủ để những người làm du lịch hiểu rõ về biến đổi khí hậu còn hạn chế. Cũng theo GS. Peter Burns, ngay cả những chuyên gia về môi trường, các đơn vị chịu trách nhiệm về các hoạt động ứng phó biến đối khí hậu ở cấp tỉnh/thành có kiến thức khoa học nhưng cũng chưa nhận thức vấn đề khó khăn cụ thể, riêng biệt đối với ngành du lịch. Do đó, nhiều giải pháp đưa ra vô tình phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tới vẻ đẹp của khu, điểm du lịch. Cụ thể, ngay như việc bảo vệ các khu vực sạt lở, một trong những phương án phổ biến hiện nay là xây dựng các bờ kè cứng bằng bê tông. Nhưng như vậy sẽ làm cảnh quan bị phá vỡ, tốn kém chi phí. Trong khi đó, nếu tại địa phương đầu tư theo phương án sinh thái, giữ lại những bụi tre và trồng mới để tạo thành hàng đê bao, vừa giữ được cảnh quan đang có, vừa thu hút và phát triển du lịch nông thôn mà vẫn đảm bảo môi trường xanh.
Việc ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành du lịch chưa hiệu quả.
Còn với ngành du lịch, các biện pháp thích ứng thường dựa trên ứng phó của từng DN theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Như việc dọc vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra hiện tượng biển xâm thực đất liền, ảnh hưởng tới những khu du lịch, resort nằm dọc. Một số một khu nghỉ dưỡng đã tự bảo vệ mình bằng cách xây đập chắn, kể cả tận dụng vật liệu cũ để xây kè chắn… Còn người dân địa phương cũng tự làm những bờ kè chắn sóng, ngay cả ở bãi biển Cửa Đại - một trong những bãi tắm đẹp ở miền Trung, khiến cảnh quan bị băm nát.
Thực tiễn phát triển du lịch giai đoạn qua cho thấy cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Mặt khác, hoạt động du lịch có khả năng thu hút và cần có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư. Do vậy cần xác lập những mô hình hoạt động có hiệu quả nhằm khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường.