quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Du lịch sinh thái - "bà đỡ" bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia

Chủ Nhật, 05/11/2017 | 06:28:00 AM

Một trong những giá trị và niềm tự hào của thành phố Ðà Lạt là nằm sát Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang. Cùng việc tập trung quản lý, bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái tại đây chính là bà đỡ góp phần bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, dần thay thế nguồn lực đầu tư từ ngân sách...

 

Nghỉ dưỡng dưới tán rừng là mô hình đã được đưa vào sử dụng tại Vườn. Ảnh: M.Đ​

Từ nền tảng ban đầu
 
Ngày 19/11/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1240/QĐ-TTg “Chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup-Núi Bà thành Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà” (gọi tắt là Vườn). Theo đó, quy mô diện tích bao gồm vùng lõi 70.038 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 33.582 ha; phân khu phục hồi sinh thái 22.854 ha; phân khu dịch vụ, hành chính 7.502 ha và diện tích khác hơn 6.100 ha. Mục tiêu và nhiệm vụ của Vườn được xác định rõ là bảo tồn các hệ sinh thái rừng trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và các loài động, thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm; gắn kết với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ. Mặt khác, góp phần phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và duyên hải cực Nam Trung Bộ. Cùng đó là bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt, bảo tồn các đặc trưng văn hóa bản địa nơi cội nguồn của thành phố Đà Lạt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên. Với chiến lược này, phát triển du lịch sinh thái là một trong 9 chương trình hoạt động được đặt ra cụ thể theo từng giai đoạn. 
 
Về lĩnh vực phát triển du lịch, Vườn có rất nhiều lợi thế và tiềm năng như nguồn tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú; cảnh quan thiên nhiên đẹp. Trong đó, giá trị ĐDSH của Vườn được giới khoa học đánh giá là một trong 28 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Cụ thể hơn, Vườn là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới và là một trong 4 trung tâm ĐDSH của Việt Nam. Theo số liệu ghi nhận thời điểm gần đây, tại Vườn có 1.933 loài thực vật có mạch, trong đó có 62 loài quý hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam năm 2000. Đặc biệt, đã thống kê được 91 loài đặc hữu phân bố hẹp ở Lâm Đồng và các vùng phụ cận. Có 56 loài động vật được ghi trong danh mục các loài động vật quý hiếm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2003 của Chính phủ; 47 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam 2007; 30 loài được ghi trong danh mục Sách Đỏ IUCN (2010). 
 
Thời gian qua, tại Vườn đã và đang triển khai thực hiện khá nhiều dự án nhằm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái của Vườn như: Nâng cao năng lực (VCF) bằng nguồn vốn Ngân hàng thế giới (WB); Thí điểm Phương pháp quản lý rừng đa mục đích theo tài trợ từ Quỹ hỗ trợ ngành lâm nghiệp (TFF); Đồng quản lý rừng và động vật hoang dã từ nguồn vốn của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã WWF; Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng...Với dân số hiện có trong khu vực Vườn khoảng 3.100 hộ với 17.051 nhân khẩu, trong đó 92% là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, thuộc các xã Lát, Đa Sar, Đa nhim, Đa Chais, Đưng K’Nớ, thị trấn Lạc Dương của huyện Lạc Dương và xã Đa Tông, huyện Đam Rông, rất nhiều người dân đã và đang tham gia bảo tồn và thụ hưởng từ các dự án nêu trên. 
 
Ðến Ðề án cho thuê môi trường rừng 
 
Ngày 26/9/2017, với Quyết định số 2064/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái tại Vườn là một chủ trương đúng đắn và quyết tâm rất lớn. Bởi nó sẽ tạo ra một môi trường thu hút nguồn lực đầu tư cởi mở, góp phần và tác động tích cực trên nhiều mặt: bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên; thay thế dần nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia và hưởng lợi và tăng thu ngân sách địa phương...
 
Theo phê duyệt của UBND tỉnh, khu vực rừng cho thuê môi trường rừng 300 ha tại các tiểu khu 91 và 92 thuộc địa bàn xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Đánh giá của các cơ quan chức năng về hiện trạng diện tích cho thuê này bao gồm 247,57 ha đất có rừng, (trong đó 181,34 ha rừng gỗ tự nhiên, núi đất lá rộng thường xanh: 86,31 ha giàu, 63,85 ha trung bình và 31,18 ha nghèo; 76,97 ha rừng gỗ tự nhiên núi đất lá kim: 68,22 ha trung bình và 8,75 ha nghèo và 16,26 ha rừng trồng Thông 3 lá năm 2016); 22,73 ha đất trống và 2,7 ha đất đang sản xuất nông nghiệp. Theo phê duyệt quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2013-2020 thì khu vực cho thuê môi trường rừng vừa nêu thuộc đối tượng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. 
 
Với chủ trương trên, UBND tỉnh đã đồng ý để Vườn phối hợp với các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái phù hợp với quy hoạch bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng trong thời gian 50 năm trở xuống; giá thuê ban đầu được thỏa thuận thống nhất và điều chỉnh 5 năm một lần nhưng không quá 2% doanh thu từ hoạt động du lịch. Dĩ nhiên, trong quá trình thuê và phát triển du lịch sinh thái phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những nguyên tắc được quy định của các văn bản pháp quy nhà nước. 
 
Trong đó, không làm ảnh hưởng đến diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư. Mặt khác, để đạt được mục tiêu hài hòa giữa việc giữ được rừng và phát triển kinh tế, lợi nhuận từ dịch vụ du lịch sinh thái phải được tái đầu tư cho công tác bảo tồn theo quy định nhà nước, cộng đồng dân cư được tham gia và hưởng lợi để cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH thì nguyên lý bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn mới thực sự hiện thực hóa như mong muốn. Nghĩa là, nhiệm vụ tổ chức thực hiện, từ thẩm định, kiểm tra, giám sát, xử lý đến triển khai dự án du lịch... đặt ra không chỉ đối với ngành NN&PTNT mà còn phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều ngành khác như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, TN&MT, Xây dựng, KH&CN, VH, TT&DL cũng như các bên liên quan như chủ rừng (Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà), các đơn vị, cá nhân thuê môi trường rừng, cộng đồng dân cư...

Tuệ Lâm (Moitruong24h)

Lượt xem: 3387

Các tin khác

Đà Nẵng: Khi khách "Tây" dọn rác

(23/04/2024 06:07:AM)

''Xanh hóa'' du lịch, khách muốn có chuyến đi giảm ''dấu ấn'' môi trường

(16/04/2024 06:06:AM)

Vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) ngắm các loài chim đặc hữu

(14/04/2024 07:07:AM)

Du lịch Net Zero: Xu hướng mới của ngành du lịch

(11/04/2024 05:47:AM)

Du lịch di sản: Kết nối để phát triển bền vững

(09/04/2024 08:17:AM)

Trao "hộ chiếu xanh" khi du lịch xứ dừa

(29/03/2024 07:37:AM)

Đắk Lắk: Du lịch thân thiện với voi

(18/03/2024 06:47:AM)

Côn Đảo sẽ kiên quyết: Nói không với đốt hàng mã tại các di tích

(08/03/2024 05:56:AM)

Lâm Đồng: xây dựng một môi trường du lịch xanh và bền vững

(26/02/2024 04:52:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE