quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Du lịch phải bền vững

Thứ Bảy, 17/08/2024 | 10:10:00 PM

Gần đây, người dân một số quốc gia phản đối sự phát triển du lịch quá mức khi quá tải du khách, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, tăng giá cả dịch vụ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Với chúng ta, không có hiện tượng đó. Tuy nhiên khi mà áp lực phát triển kinh tế rất lớn thì thực tế cho thấy phát triển du lịch bền vững không phải là chuyện dễ dàng.

Ở một số điểm du lịch nổi tiếng thế giới như Barcelona (Tây Ban Nha), Venice (Ý)…, do khách du lịch quá đông, người dân địa phương đã phản đối, yêu cầu chính quyền áp dụng các biện pháp hạn chế. Người dân cho rằng, việc du khách còn đông hơn cả cư dân địa phương không chỉ làm đảo lộn sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng tới các di tích, giá trị văn hóa truyền thống sẽ bị lu mờ, tín ngưỡng sẽ mất đi tính thiêng. Chưa kể còn gây ra tình trạng suy thoái môi trường.

Đáng chú ý, sự phản đối còn vì lợi ích nhờ sự phát triển du lịch thường phân phối không đồng đều, chủ yếu rơi vào một nhóm nhỏ trong khi đó đa phần người dân phải đối mặt và gánh chịu mọi hậu quả do sự phát triển du lịch quá mức gây ra.

Có thể thấy qua những phản đối ấy một điều là phát triển du lịch phải bền vững, không hủy hoại môi trường, không tạo ra sự lai căng văn hóa cũng như người dân ở điểm du lịch phải được thụ hưởng lợi nhuận thu được.

Từ đó, nhìn vào chúng ta, trước tiên có thể thấy sự tăng trưởng du lịch hàng năm là khá ấn tượng, cả với du khách trong nước lẫn nước ngoài. Những gì đã đạt được qua 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy mục tiêu từ 17 đến 18 triệu lượt du khách quốc tế trong năm nay là trong tầm tay.

Tuy nhiên, trong những dấu hiệu mừng ấy thì vẫn còn đó lo ngại về phát triển thiếu bền vững. Trước hết, đó là tư duy ngắn hạn, cốt thu được lợi nhuận trước mắt, biểu hiện rõ nhất ở việc nâng giá quá mức vào cao điểm mùa du lịch. Từ giá phòng nghỉ, giá đồ ăn, giá xe cộ đi lại, giá tham quan, giá đồ thủ công mỹ nghệ... khiến du khách rất phiền lòng. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại thiếu sự kiểm soát.

Nhưng, theo giới chuyên gia kinh tế, điều đó có thể sớm được khắc phục khi chính quyền địa phương vào cuộc rốt ráo và ý thức của người dân vùng du lịch được nâng lên. Mối lo lớn hơn lại ở chỗ khai thác quá mức di sản, lợi thế của điểm du lịch. Lựa chọn tăng trưởng nóng, tăng trưởng nhanh trong ngành du lịch sẽ kéo theo các vấn đề môi trường và xã hội. Nhiều địa phương tập trung vào tăng trưởng số lượng du khách dẫn đến khai thác quá mức tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới người dân địa phương. Mặt khác, phát triển du lịch chưa có sự tham gia đúng mức của cộng đồng. Điều này khiến không ít người không được hưởng lợi tương xứng do du lịch mang lại.

Ở lĩnh vực này, nhiều ý kiến cho rằng cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều chưa có nhận thức đầy đủ về du lịch bền vững. Phát triển du lịch bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng, nhiều lực lượng xã hội. Nếu chỉ dựa vào lợi thế thiên nhiên, từ đó khai thác một cách quá mức thì hậu quả sẽ đến rất sớm. Xây dựng một ngành du lịch vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và văn hóa mới là giải pháp đúng đắn.

Mùa du lịch hè năm nay đang dần trôi qua. Cũng thật đáng tiếc khi không ít thành phố biển đông khách đến vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Cùng với việc “chặt chém” thì bờ biển không sạch do quá nhiều rác. Bên cạnh ý thức của khách du lịch kém khi “tiện tay” xả rác thì còn là ý thức kém của đơn vị khai thác du lịch tại địa phương. Ngay đến bữa ăn, du khách cũng lại lo... ngộ độc thực phẩm khi mà các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra với tính chất nghiêm trọng ở ngay tại điểm du lịch.

Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững thì không thể khai thác lợi thế thiên nhiên một cách quá đáng. Nhân câu chuyện này có thể nói về Côn Đảo như một điểm sáng tích cực, khi UBND huyện đảo này quyết tâm đưa du lịch tăng trưởng theo hướng xanh, thân thiện môi trường, thông qua Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Cũng vì những nỗ lực và quyết tâm ấy, nhiều ý kiến cho rằng mùa du lịch hè năm nay Côn Đảo chính là nơi “đáng đến” nhất, khi trên đảo rất khó thấy một chiếc túi nylon hay một chai nhựa bỏ đi sau khi đã sử dụng.

Bảo Thư

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Lượt xem: 650

Các tin khác

Sơn La: phát triển du lịch xanh và bền vững

(21/01/2025 04:59:PM)

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE