Trái với suy nghĩ thông thường khi đi du lịch là để hưởng thụ, nhiều người lại sẵn sàng bỏ số tiền không nhỏ để đi "tour du lịch nhặt rác" với mong muốn góp sức mình vì môi trường.
Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, là vấn đề nan giải ở những địa phương phát triển du lịch. Theo thống kê từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Việt Nam là một trong 5 quốc gia châu Á xả rác thải nhựa nhiều nhất ra biển với khối lượng rác thải nhựa dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm.
Nhận thức rõ được những nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường, từ năm 2014, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại Việt Nam đã sáng tạo và lồng ghép các hoạt động thu gom rác thải nhựa vào chương trình tour du lịch. Mở đầu cho phong trào du lịch nhặt rác là Công ty lữ hành Vietravel với chùm tour mùa hè “Du lịch môi trường" bao gồm hoạt động thu gom rác thải trên bãi biển Nha Trang. Tiếp đó là Oxalis Adventure Tours với tour Sơn Đoòng, Tiên Phong Travel cùng chiến dịch vớt rác tại suối Yến, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội)…
Song đơn vị lữ hành đầu tiên biến thu gom rác thành một hình thức du lịch trải nghiệm tính phí lại là Hoi An Kayak Tours. Vào năm 2016, công ty này đã tổ chức tour trải nghiệm chèo thuyền kayak vớt rác trên sông Hoài, Hội An. Mỗi du khách trả mức phí 10 USD để tham gia hoạt động này.
Không chỉ ở Hội An, mô hình du lịch lồng ghép thu gom rác thải vào hoạt động trải nghiệm này cũng đã được nhiều địa phương áp dụng, ví dụ như trên các hòn đảo nhỏ ở Cô Tô (Quảnh Ninh) một số nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã sáng tạo một tour du lịch mới có tên “tour nhặt rác”, được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Những tour du lịch kiểu này được thiết kế riêng cho từng nhóm du khách, dựa trên nhu cầu và sở thích của họ nên mặc dù giá thành khá cao, từ 5-7 triệu đồng/người, nhưng hầu hết du khách đều sẵn sàng chi trả để được trải nghiệm những điều mới mẻ.
Khi tham gia tour, nhóm khách sẽ được thuê nguyên chuyến một chiếc thuyền để đến những hòn đảo nhỏ lân cận như đảo Cô Tô con, hòn Dê, hòn Chép con để nhặt rác và được trang bị những dụng cụ như găng tay vải, kẹp gắp rác, bao tải, túi nylon sinh học tự phân hủy để làm sạch bãi biển. Hướng dẫn viên cho các tour du lịch đặc biệt này thường là một người chuyên nghiệp kết hợp với người địa phương có kinh nghiệm.
Ngoài nhặt rác, trên đường đi, khách có thể kết hợp câu cá, câu mực và lặn biển thỏa thích. Ngoài ra, du khách còn được nghe nhiều câu chuyện hấp dẫn của những ngư dân lành nghề về các dòng hải lưu, về mùa tôm cá ở vùng biển này. Rác sau khi được thu gom tại bãi biển sẽ được phân loại để xử lý. Hầu hết rác ở đây đều là rác thải từ đại dương với các loại chai lọ thủy tinh, chai lọ nhựa, dây thừng, lưới, túi nylon… dạt vào từ biển theo các đợt sóng, thủy triều, gió mùa. Những thứ rác có khả năng tái chế như chai lọ hình dáng đẹp, các bóng đèn câu mực làm bằng thủy tinh dày sẽ được tái chế thành các vật phẩm lưu niệm, vật dụng trang trí đẹp mắt và ấn tượng.
Tuy còn mới nhưng “tour nhặt rác” đang trở thành dấu ấn có khả năng lan tỏa trong cộng đồng người làm du lịch ở huyện đảo Cô Tô. Nhiều cơ sở du lịch trên đảo đã đưa hoạt động này vào các trải nghiệm để giới thiệu cho khách du lịch nhằm khuyến khích du khách cùng người dân chung tay làm sạch bãi biển, bảo vệ môi trường.
Hay như tour du lịch đạp xe dọn sạch Bản Lác - Mai Châu. Hàng tuần, các resort sang trọng trong bản Lác - Mai Châu sẽ tổ chức một tour du lịch đặc biệt dành cho du khách đang lưu trú: du lịch kết hợp làm sạch môi trường.
Mỗi người trong đoàn sẽ được phát túi sinh học tự phân hủy, kẹp gắp, găng tay và bắt đầu hành trình đạp xe hoặc trekking qua các bản làng đẹp như tranh vẽ của du lịch Hòa Bình như bản Lác 1, bản Lác 2, bản Pom Coọng, bản Nhót...
Hiện tại, loại hình tour này đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương. Người dân cũng đã quen với hình ảnh đoàn thuyền kayak vớt rác trên sông mỗi ngày thứ 7, hay một số khách sạn, homestay tại Cô Tô cũng xuất hiện loại hình tour thăm đảo dọn vệ sinh.