Lễ hội Sắc vàng Tam Cốc, Ninh Bình. Ảnh: TITC
Net zero có ý nghĩa quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi đạt được mục tiêu Net Zero, chúng ta sẽ ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, mức được các nhà khoa học coi là giới hạn an toàn để tránh những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia trên thế giới cần phải giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính từ các nguồn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và cả trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.
Và tại COP26 diễn ra từ ngày 31/10-13/11/2021 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu đã đạt được mục tiêu chung với quyết tâm đưa phát thải ròng toàn cầu về 0 vào giữa thế kỷ này, giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C.
Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa lượng khí thải nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây được coi là cam kết rất mạnh mẽ đối với một quốc gia đang phát triển dựa trên các nguồn nguyên liệu hóa thạch có lượng phát thải khí nhà kính tương đối lớn. Vì vậy, để có thể hiện thực được cam kết này, Việt Nam cần huy động sự tham gia đóng góp của cả xã hội, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp trên cả nước.
Trong thời gian vừa qua Chính phủ đã có hàng loạt các đề án và kế hoạch hành động như quy định thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK) bắt buộc với các doanh nghiệp có lượng khí thải lớn, kế hoạch phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước (xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon, thực hiện triển khai thí điểm đến năm 2027 và chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028)…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, không xây dựng nhà máy điện than mới sau năm 2030 và loại bỏ năng lượng điện than vào năm 2040. Những cam kết trên đã thể hiện quyết tâm cao độ của Việt Nam trong việc giảm lượng khí thải nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Du lịch Net zero là gì?
Du lịch “Net zero” hay “Net zero Tourism” là loại hình du lịch hoàn toàn không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình vận hành. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành được trao vị trí đặc biệt quan trọng để thực hiện các hành động tích cực nhằm bảo tồn, khôi phục sự nguyên vẹn của thiên nhiên. Đồng thời, thông qua các giải pháp lấy tự nhiên làm cốt lõi và giảm sự phát thải khí carbon để đạt được mục tiêu “Net zero” trong ngành du lịch.
Lợi ích của Du lịch Net zero - Net zero Tourism
Du lịch Net zero không chỉ là một xu hướng mới mà còn là một chiến lược mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả khách du lịch và môi trường. Đầu tiên và quan trọng nhất là nó giúp giảm lượng khí nhà kính phát ra từ các hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của thế giới về biến đổi khí hậu.
Điều này không chỉ làm giảm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường, mà còn tạo ra một trải nghiệm du lịch tích cực và ý nghĩa cho du khách, khi họ có cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường và khám phá những điểm đến bền vững.
Do đó, để xây dựng môi trường du lịch bền vững, ngành du lịch cần đẩy mạnh các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên, giảm phát thải khí carbon, song song với những hoạt động tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân địa phương. Và một trong những xu hướng được ngành du lịch chú trọng chính là Du lịch Net zero - Net zero Tourism.
Những hoạt động hướng đến Du lịch Net zero
Vận chuyển và điểm đến bền vững: Sử dụng phương tiện vận chuyển hiệu suất năng lượng cao và thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng. Lựa chọn các điểm đến du lịch được chứng nhận là bền vững, ủng hộ bảo tồn tự nhiên và duy trì văn hóa địa phương.
Du lịch thân thiện, hỗ trợ cộng đồng: Tham gia vào các hoạt động du lịch như trekking, kayak, hay snorkeling có ít ảnh hưởng đến môi trường. Hỗ trợ cộng đồng địa phương bằng cách ưu tiên lựa chọn dịch vụ và sản phẩm của họ.
Giáo dục và tạo nhận thức: Tổ chức các hoạt động giáo dục để tăng cường nhận thức về du lịch bền vững. Chia sẻ thông tin về lợi ích của Net Zero Tourism và khuyến khích mọi người tham gia vào mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của du lịch đối với môi trường.