Nhiều cơ sở lưu trú tại Bình Thuận đã có ý thức hướng “xanh” nhằm thu hút du khách
Tại Bình Thuận, chỉ trong vòng 20 năm qua du lịch đã nhanh chóng khẳng định vị thế trong cơ cấu kinh tế của địa phương bằng việc tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Nhưng tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng ấn tượng đó lại là những thách thức không hề nhỏ về môi trường, có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững mà ngành đặt ra. Như đã biết, ở điểm đến nổi tiếng được nhiều du khách ưa chuộng với thương hiệu “Mũi Né - Việt Nam” thì du lịch gần như hoạt động cả 7 ngày trong tuần, chào đón khách 24 giờ mỗi ngày… Thế nên bên cạnh áp lực về nguồn nước sạch và năng lượng, các cơ sở kinh doanh lưu trú còn phải đối diện nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không xử lý triệt để lượng rác và nước thải…
Mới đây, tại hội nghị liên quan vấn đề này được tổ chức vào trung tuần tháng 6/2015, bà Võ Hoàng Tuyết Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) Bình Thuận cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường. Bởi với hoạt động du lịch, yếu tố môi trường vừa là điều kiện cho ngành phát triển, song cũng là đối tượng chịu tác động tiêu cực khi không được quan tâm đúng mức… Do vậy theo xu thế hướng “xanh”, du lịch địa phương cần chung sức bảo vệ cũng như quảng bá một cách khéo léo hình ảnh môi trường để cuốn hút tất cả các đối tượng du khách. Đặc biệt đối với số cơ sở lưu trú của địa phương phải đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch về lựa chọn và sử dụng: điểm đến đảm bảo không bị ô nhiễm, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Để hướng đến du lịch “xanh”, các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh buộc tích cực chuẩn bị và phấn đấu thực hiện theo Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông Sen Xanh do Bộ VH, TT & DL ban hành. Đây là nhãn cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam khi đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững với 5 cấp độ, từ 1 - 5 Bông Sen Xanh. Nhãn này chỉ ghi nhận mức độ nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của cơ sở lưu trú, chứ không phụ thuộc vào loại, hạng mà cơ sơ đó đã được công nhận.
Với Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông Sen Xanh, vừa qua Sở VH, TT & DL Bình Thuận cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến đến các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn. Trong đó ở nội dung chính là “Giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường”, có những việc làm nhằm bảo tồn tài nguyên hoặc giảm thiểu ô nhiễm không phải là điều khó khăn, to tát. Chẳng hạn như: giám sát việc tiêu thụ điện ở buồng khách bằng việc sử dụng khóa từ, công tắc tổng; cải tiến nhà vệ sinh để tiết kiệm nước bằng cách điều chỉnh lượng nước trong bồn cầu, lắp lưới hạn dòng trong vòi nước. Cao cấp hơn nữa là sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), lắp vòi nước tự đóng - tắt ở khu vực công cộng, thu hồi và sử dụng nước mưa để hạn chế tiêu sử dụng nước ngầm… Hay chỉ cần quan tâm đến việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường (làm bằng vật liệu tái chế, sản phẩm có nhãn xanh), tiến hành phân loại rác, tích cực tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
Hưởng ứng Chương trình nhãn Bông Sen Xanh của Bộ VH, TT & DL, đến nay một số cơ sở lưu trú tại Bình Thuận cũng đã đăng ký tham gia và được công nhận ở các cấp độ khác nhau. Điều này cho thấy ý thức hướng “xanh” của doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch dần được nâng cao, tự tạo khả năng cạnh tranh hút khách bằng việc coi trọng môi trường tự nhiên và xã hội… Chưa dừng lại ở đó, hiện ngành du lịch Bình Thuận còn phát động các cơ sơ lưu trú phấn đấu hướng đến đạt chuẩn “Danh hiệu Khách sạn xanh ASEAN” trong thời gian tới. Để từ đây các khách sạn tại địa phương đều xây dựng chương trình giám sát hoạt động quản lý môi trường, đồng thời tích cực khuyến khích khách lưu trú tham gia tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nước và quan tâm sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.
|