quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Du lịch di sản: Cách làm cũ, bài học mới

Thứ Hai, 24/11/2014 | 07:40:00 AM

Ngày mai (23-11), là ngày Di sản Việt Nam. Theo thông lệ, nhiều hoạt động tôn vinh ngày này đang diễn ra với mục đích kêu gọi cộng đồng chung tay gìn giữ di sản. Nhưng nhìn ở góc độ khác, câu chuyện đáng quan tâm nhất chính là những mâu thuẫn khó tìm lời giải trong bảo tồn và phát triển di sản.

 
 

 

 

 
Du lịch mạo hiểm tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng
 

 
Đừng để mang tiếng là "bán di sản”

 
Dự án xây dựng cáp treo qua Fansipan, qua vịnh Hạ Long hay qua Hang Sơn Đoòng… thời gian qua, sở dĩ thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đó là những công trình xây dựng qua khu di sản thiên nhiên thế giới, hoặc những danh thắng nổi tiếng. Theo TS Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam, việc đưa di sản vào khai thác, phát triển du lịch không phải là cách làm mới nhưng vẫn cần những bài học mới để phát huy giá trị của di sản trong đời sống thực tế. Thế nên, ngoài những nỗ lực để có một di sản được công nhận ở tầm cỡ thế giới, nhiệm vụ đặt ra đầu tiên là phải ứng xử thế nào cho đúng tầm với di sản ấy, sau đó khai thác để thu hút, phát triển du lịch. Đơn cử như với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn mang lại cho chúng ta lợi ích vật chất để phát triển kinh tế, xã hội. 

 
TS Phạm Trung Lương chia sẻ, ông không đồng tình với quan điểm bảo tồn khư khư di sản. Không phải chúng ta cứ đóng di sản lại là giữ được nó. Theo tư duy vận động, nếu đóng lại thì không phát huy được nó, không ai biết đến nó. Vì thế, vấn đề không phải là đưa di sản vào khai thác du lịch hay không, mà là làm sao quản lý được tác động của du lịch với di sản, kể cả vật thể và phi vật thể. Đơn cử như nhìn ra thế giới, nhiều lễ hội có sự tham gia của hàng triệu khách du lịch mà người ta vẫn tổ chức được, người dân và khách quốc tế hài lòng như lễ hội Canaval ở Brazil, khi sự tham gia của du khách quốc tế là hàng triệu người mà sao họ vẫn tổ chức tốt.  Ấy là chưa kể, những nước quanh ta, họ không sở hữu một khối lượng di sản thế giới nhiều như Việt Nam mà ngành công nghiệp du lịch vẫn phát triển, là nguồn thu đáng kể với ngân sách quốc gia; du lịch đem lại nguồn lực tài chính để quay lại bảo tồn di sản. 

 
Hay mới đây, dư luận rộ lên việc trao quyền cho tư nhân quản lý và khai thác di sản vịnh Hạ Long, TS Phạm Trung Lương cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Đó là phải sớm xóa bỏ cung cách áp đặt thì việc khai thác di sản sẽ tốt: "Tôi ủng hộ chủ trương khai thác để di sản phát huy tốt hơn những giá trị nó đang chứa đựng. Chỉ có điều, giao cho tư nhân không có nghĩa là khoán trắng thu tiền”, ông nói. Dẫu vậy, nỗi lo mơ hồ đang đặt ra là liệu tư nhân quản lý cứ cho là tốt hơn đi thì đại bộ phận người dân có được tiếp cận di sản dễ dàng như hiện nay không? Vì thế, trước khi đi đến quyết định chính thức cho tư nhân khai thác và quản lý di sản, phải chỉ ra được những chỗ yếu kém của cơ chế quản lý cũ. Với vịnh Hạ Long, trước khi chuyển hẳn sang một mô hình mới nên có một mô hình trung gian là tốt nhất. Nghĩa là nhà nước vẫn phải quản lý, nhưng mở rộng quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động cần phải có sự quản lý của nhà nước chứ không giao khoán trọn gói cho doanh nghiệp. Cách làm này sẽ khiến nhà nước không mang tiếng "bán di sản”. 

 

 

 
Chèo thuyền Kayak trên vịnh Hạ Long

 
Danh hiệu di sản sẽ phục vụ lại lợi ích cộng đồng 

 
Nhìn rộng ra về khai thác du lịch di sản hiện nay cũng còn nhiều điều cấn cá. Việt Nam đang sở hữu rất nhiều loại hình di sản đã được thế giới phong danh. Bao gồm cả di sản vật thể, phi vật thể, rồi cả di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng riêng với di sản phi vật thể, để khai thác nó đơn độc theo nghĩa là di sản thì rất khó. Vì thế phải tìm cách biến nó thành sản phẩm du lịch,  đó phải là xu hướng tất yếu của quá trình bảo tồn.  

 
Và nhiều chuyên gia di sản đồng quan điểm rằng, di sản trần trụi chỉ là một tài nguyên thôi. Nếu chỉ nhăm nhăm thu tiền từ di sản, tăng giá vé tham quan di sản… mà tiền ấy lại không phục vụ lại lợi ích của cộng đồng, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ của du khách thì người ta phản ứng là đúng. Du khách chấp nhận trả phí tham quan cao, nhưng chất lượng dịch vụ phải tương xứng. 

 
Còn TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia thì lại cực lực phản đối quan điểm lâu nay cho rằng, bệnh "sính” danh hiệu đang làm hỏng di sản. Theo ông, phải xem danh hiệu giống như cái "phanh” bảo vệ di sản, bởi thực tế đã chứng minh chính nhờ những danh hiệu ấy mà biết bao di sản văn hóa và thiên nhiên đã được gìn giữ tốt hơn.  

 
Nhưng điều mà ông Bài cũng như nhiều chuyên gia khác lấy làm băn khoăn, là hiện không phải địa phương nào cũng quan tâm tới việc phát huy xứng tầm di sản. Vậy nên những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn "nóng” lên là thế!

 
Bà Phạm Thùy Dương - Trưởng BQL vịnh Hạ Long: Gia tăng khách du lịch vừa mừng, vừa lo

Thực tế cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long gặp nhiều thách thức lớn. Đó là vấn đề môi trường sinh thái và cảnh quan đang bị tác động mạnh, bởi sự phát triển của các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ vịnh Hạ Long. Cùng với đó là sự gia tăng dân cư, nhà bè; đặc biệt là các phương tiện vận chuyển khách du lịch, tàu vận tải, tàu nghỉ đêm trên vịnh... Đây cũng chính là những vấn đề mà Ủy ban Di sản thế giới quan ngại trong một số kỳ họp thường niên về công tác bảo tồn các Di sản thế giới.

Việc đưa ra những khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới để Quảng Ninh quan tâm, nhìn nhận những thách thức và định hướng đúng đắn hơn trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy vịnh Hạ Long. Nhưng quản lý, bảo tồn và phát huy vịnh Hạ Long lại là một bài toán khó, bởi hiện tại hệ thống văn bản cũng như cơ chế để quản lý di sản còn chưa đầy đủ…

 
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn hóa Văn nghệ dân gian Việt Nam: 
Không hiểu di sản thì làm du lịch cũng chẳng sinh lời 

Nói tới vấn đề tác động của du lịch tới di sản, tôi cho rằng du lịch có thể ảnh hưởng tốt mà cũng có thể có những tác động xấu. Tuy nhiên, phải cụ thể từng trường hợp. Ví dụ, như Tây Nguyên bây giờ hầu như là không còn. Những người trông nom di sản đó không hiểu biết gì. Đơn cử như việc đưa nghệ thuật đờn ca tài tử trở thành một sản phẩm du lịch đã phát sinh nhiều vấn đề chưa hay. Tôi rất cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của người chơi đờn ca tài tử trong xã hội ngày nay, nhưng tôi cũng rất buồn vì người ta đem một dòng nhạc tinh tế để thay thế cho các loại nhạc chuyên phục vụ trong các tiệm ăn ven đường. Rồi những người tổ chức biểu diễn trong các tiệm ăn ấy trả thù lao quá "bèo” cho các nhạc công, ca nương. Điều đó cho thấy dù đã có cố gắng bảo vệ, tôn vinh nhưng di sản văn hóa, nhất là với di sản văn hóa được thế giới công nhận vẫn chưa được phát huy đúng tầm.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan: Di sản văn hóa Huế là thế mạnh để phát triển du lịch

Du lịch Huế manh nha từ thế kỷ XIX khi thực dân Pháp thiết lập nền đô hộ trên toàn cõi Đông Dương, và theo suốt chiều dài phát triển lịch sử của một vùng đất, Huế đã hình thành nên một diện mạo mới. Đặc biệt, là sau khi hai giá trị di sản: Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc được UNESCO công nhận là di sản thế giới, thì du lịch Huế đã trở thành một thế mạnh so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, để những giá trị di sản văn hóa không bị lấn áp, không bị tận thu thì ta chưa cân bằng hai vấn đề này. Và để bảo tồn và phát huy hài hòa giá trị của di sản, Huế cần có một Hội nghị bàn tròn giữa các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch… nhằm tìm ra một giải pháp toàn diện và mới mẻ để thuận tiện hơn trong việc quảng bá hình ảnh của Huế dựa trên nền tảng di sản sẵn có.

TS. Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng Thư ký hội Khoa học Lịch sử TP.HCM: Khai thác di sản nên thận trọng hơn 

Cần phải hiểu rằng, du lịch đến những di sản văn hóa là nhằm mục đích giáo dục và nâng cao hiểu biết cho mọi người về giá trị của di sản. "Thu lợi” từ di sản văn hóa là một bài toán không đơn giản, bởi vì những gì ông cha để lại thực ra không nhiều và không phải di sản nào cũng có thể đầu tư khai thác. Tôi nghĩ nên thận trọng khi khai thác di sản lịch sử văn hóa, kể cả di sản thiên nhiên.  Đầu tư vào di sản văn hóa, di sản thiên nhiên rất khác với việc mở một cửa hàng buôn bán cổ vật, hay khai thác tài nguyên khoáng sản. Nếu đòi hỏi di sản văn hóa phải cho "tiền tươi thóc thật” thì rất không thể đầu tư, khai thác một cách hợp lý. 

 
M.Hương – K.Khanh - X.Vinh (Đ Đ K)

Lượt xem: 1948

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE