Động Há Chớ nằm trên núi có tên Há Chớ (theo tiếng địa phương Há có nghĩa là khe hoặc nơi, Chớ có nghĩa là chuối: nơi trồng nhiều chuối), thuộc phía Đông của bản Đề Chia C, xã Hẹ Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Vị trí cửa động nơi có di tích quay về phía Bắc, trước cửa động là một thung lũng nơi định cư của bản Đề Chia C.
Động Há Chớ là nơi hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên: Địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường. Động nằm trong dãy núi đá vôi, kiểu địa hình karst, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách ngày nay hàng triệu năm, đến đây du khách có thể khám phá, trải nghiệm với chiều sâu của động hơn 500m, động chia thành 3 khoang chính, có độ cao thấp khác nhau.
Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, động Há Chớ còn chứa đựng giá trị lịch sử văn hóa bởi nơi đây từng là nơi hoạt động cách mạng của bộ đội và nhân dân xã Pú Nhung trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Qua cửa động là khoang đầu tiên với các khối nhũ đá mang nhiều hình thù loài vật như: rồng, cóc, ốc biển, voi, kỳ đà, thằn lằn, cá sấu… Khoang bên ngoài thoáng rộng gần cửa, ánh sáng hắt vào làm cho không gian ở đây thêm phần mờ ảo, lung linh.
Khoang thứ nhất có chiều dài hơn 100m, nơi rộng nhất 15 -17m, vòm cao 18 -25m. Trần và vách động có rất nhiều nhũ thạch, màu ánh bạc, xanh xám đan xen nhau như bức màn gió, cụm lúa, đèn chùm to nhỏ khác nhau, hình thù loài vật… tạo nên khung cảnh nguy nga lộng lẫy. Nền động thấp hơn cửa khoảng 3m, dốc thoai thoải và bằng phẳng về phía trong, bên trong được bố trí như một phòng chờ với không gian khá rộng nền đất bằng phẳng. Đây là nơi lý tưởng, đảm bảo an toàn để bộ đội, nhân dân xã Pú nhung sử dụng làm nơi sinh hoạt, tổ chức các cuộc họp trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đây cũng chính là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của các chiến sĩ cách mạng sau mỗi trận chiến.
Khoang thứ hai cao hơn khoang thứ nhất, có chiều dài 150m, nơi rộng nhất 15- 25m, vòm cao trung bình 35 - 40m. Trần động là các dải nhũ dài thanh mảnh buông xuống mềm mại, chúng liên kết với nhau thành tầng lớp. Trên vách động có những nhũ đá tựa hình dải lụa mang nhiều dáng vẻ khác nhau, các hình thù tựa như hoa văn, hình bức tượng phật…tất cả đã tạo nên một khung cảnh kỳ ảo, huyền bí kích thích trí tưởng tượng của con người.
Nền động là những cột đá to với các hình thù phong phú và đa dạng về kiểu dáng, khối thì giống chiếc chuông khi gõ vào tạo ra những âm thanh vang vọng, khối thì trông giống nhà mồ Tây Nguyên, hình tượng phật, mâm ngũ quả, hình các con vật như rồng, chim…
Đặc biệt cuối khoang thứ 2 trần động nhũ đá dày đặc màu trắng kích thước to nhỏ khác nhau rủ xuống trông giống như tòa lâu đài nguy nga cổ kính, dưới ánh sáng chập trờn tạo cho khoang thứ hai thêm phần lung linh huyền ảo. Quanh đó là nhiều tạo hình con vật nhìn rất ngộ nghĩnh.
Điểm đặc biệt của động Há Chớ là sự cư trú của loài dơi. Chúng sống thành từng cụm trong động, mỗi khi nghe thấy tiếng động là bay vụt ra khiến du khách giật mình thích thú.
Để sang được ngăn thứ 3 với một cảm giác mạo hiểm, muốn tiếp tục khám phá phía bên trong động, du khách phải tỉ mỉ và cẩn thận bám dây đi men theo vách đá cao gần 3m trơn trượt.
Khoang thứ 3 ở vị trí cao hơn so với 2 khoang trước, có chiều dài hơn 200m, nơi rộng nhất 15- 20m, vòm cao trung bình 15 - 25m. Cũng như các khoang trên, khoang này cũng có nhiều khối nhũ đá sinh động. Từng tinh thể canxi chứa đựng trong mỗi giọt nước nhỏ xuống nền động, lắng đọng, kết dính với nhau, khô dần tạo ra cho động những rừng măng đá, nhũ đá mang nhiều hình thái phong phú.
Cảnh quan thiên nhiên bên ngoài động cũng rất đẹp. Vào buổi sáng sớm, du khách tham quan hang Há Chớ sẽ ngỡ như đang ngắm nhìn bức tranh thủy mặc lãng mạn của thiên nhiên. Đỉnh núi cao chập chờn, ẩn hiện trong màn sương mờ huyền ảo với những đám mây thấp thoáng, bồng bềnh. Khi sương tan, mây dâng cao dần để lộ nền trời trong xanh và trả lại nguyên hình ngọn núi hiên ngang đã từng che chở cho những chiến sĩ cách mạng năm nào.
Với các giá trị về cảnh quan, lịch sử và địa chất, địa mạo động Há Chớ hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến với Tuần Giáo - Điện Biện.
Để có cơ sở pháp lý bảo vệ và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khám phá, tham quan, góp phần vào việc phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở UBND huyện Tuần Giáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập tổ bảo vệ, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tới công chúng, đồng thời tiến hành lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.