quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

'Độc đáo' phố Tây giữa lòng Hà Nội

Thứ Năm, 25/08/2011 | 11:17:00 AM

Bên cạnh phố cổ, khu phố Tây cũng là một nét kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử không thể phủ nhận, tạo nên Hà Nội hấp dẫn ngày nay.

An Đông (tổng hợp)

Người Pháp từ những năm cuối thế kỷ 19 đã quy hoạch một khu phố Pháp nhằm tái hiện hình ảnh thủ đô Paris ở Hà Nội. Phố Pháp kéo dài từ hồ Hoàn Kiếm đến hồ Thiền Quang. Ngày nay, ngoại trừ các công trình như Nhà hát lớn, phủ thống sứ (nay là nhà khách chính phủ), khách sạn Metropole...; các ngôi biệt thự khác đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tìm lại "nét" xưa...

Theo đúng thỏa ước, từ năm 1876, khu phố Pháp phải phát triển về phía Nam, tức là trên khu đất bệnh viện Lanessan (nay là bệnh viện 108 và bệnh viện Việt-Xô) và lò mổ (nằm trên phố Lương Yên hiện nay). Thực tế, cho tới năm 1883, khu phố Pháp vẫn chỉ giới hạn ở mấy tòa công thự trong khu Nhượng địa và sau năm 1883, mới phát triển được do đạo quân viễn chinh tới Bắc kỳ. Lần này sự phát triển không về phía Nam, mà về phía Đông dọc theo phố Hàng Khảm - từ ngày 20/11/1886 mang tên Paul Bert - trở thành trục chính để các phố khác của một thành phố kiểu châu Âu song song hoặc vuông góc với nó.

 
Phố Hàng Khảm chạy từ Đồn Thủy tới lũy bán nguyệt Đông Nam của Thành Hà Nội (quãng Cửa Nam hiện nay) và có chiều dài bằng phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền - Hàng Khay) và phố Borgnis Desbordes (nay là Tràng Thi) cộng lại. Hai bên phố chỉ toàn nhà lá. Đầu phía Đông có một cái cổng trổ ra từ bức tường vây phía ngoài phố gọi là cổng Cựu Lâu, hay cổng Tràng Tiền - được trổ ra từ một tường dày, phía trên có lan can, cổng nằm giữa hai trụ phía trên có hai con sư tử. Kiến trúc cổng đơn giản nhưng oai nghiêm.

Chen giữa Hàng Khảm và khu phố thương mại là hồ Gươm - là một vòng trang sức của Hà Nội, là cái gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp. Góp phần trang điểm hồ là chùa trên các tiểu đảo và góp phần xanh mát là các thảm cỏ rợp bóng cây quanh hồ.

Phía Đông Nam hồ Gươm, chỗ ngày nay là Sở Bưu điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các chùa ở Hà Nội. Tòa nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, nên chùa được đặt tên Liên Trì (còn được gọi là chùa Nguyễn Đăng Giai để kỷ niệm viên tổng đốc, người đã cho xây chùa vào những năm đầu tiên vua Thiệu Trị). Người Pháp đổi tên chùa thành chùa Khổ Hình vì “người ta thấy khắc trên đá và gỗ ở chùa hàng loạt khổ hình những kẻ có tội sẽ phải chịu ở thế giới bên kia...”.

Ở phía Đông của hồ, chạy về phía sông Hồng là vô số đầm lầy dọc hai bên đại lộ Henri Rivierre (nay là phố Ngô Quyền), từ phố Fellonneau (nay là Phan Chu Trinh) tới phố Paul Bert (Tràng Tiền). Tại những nơi này, sau đó đã mọc lên tòa Thống sứ (nay là Nhà khách chính phủ), tòa Thị chính (nay là UBND thành phố Hà Nội), Kho bạc (nay là Thành ủy Hà Nội), Bưu điện (nay là Trung tâm bưu điện Hà Nội), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước), khách sạn Metropol (nay là khách sạn Sofitel) và nhiều biệt thự có vườn bao quanh.

Có thể nói, với việc sử dụng một cách khôn khéo khi pha trộn kiến trúc Đông – Tây, vốn nổi tiếng với tư duy duy lý, bố cục chặt chẽ, chức năng rõ ràng xuyên suốt qua các công trình kiến trúc, người Pháp rất nhạy cảm khi thấu hiểu vẻ đẹp phương Tây khác với vẻ đẹp phương Đông. Đến Việt Nam, họ vẫn mang tính chất không gian hợp lý, duy lý nhưng vẫn tìm những hình ảnh mang dáng dấp phương Đông. Bảo tàng Lịch sử là một ví dụ: do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, nhưng ta có thể bắt gặp ở đây những mái ngói, con sơn, hoa văn trang trí… Xu hướng đó rất nên tiếp tục. Vì nó tạo nên hình ảnh đặc thù, dân tộc, truyền thống của người Việt.

... Trải nghiệm Phố nay

Mặc dù nằm trong khu phố cổ và chẳng có chút dáng dấp kiến trúc Pháp nào như những khu phố Tây - Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt..., người ta vẫn cứ gọi Tạ Hiện là "phố Tây". Đơn giản chỉ vì "Tây" hay la cà tới đó uống bia và tán gẫu mỗi tối.


Theo đa số du khách nước ngoài, Tạ Hiện là con phố đầu tiên họ muốn đặt chân đến khi tới Hà Nội và cũng là điểm rời chân cuối cùng trước khi họ rời đất Thủ đô.

Về đêm, khi thành phố như chìm vào giấc ngủ êm đềm, thì ở góc phố Tạ Hiện mới là giờ “mở hội” và dân “Tây balô” như bị mê hoặc bởi các quán “cool beer” (bia lạnh, hay trà đá có ga - tùy theo cách gọi của du khách nước ngoài). Họ hoàn toàn có thể thoải mái tụ tập tại đây cùng bạn bè đến sáng, uống "vô tư" bia tươi với giá rẻ.

Đếm sơ qua, ở “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện có tới 4-5 cửa hàng bia tươi. Tất cả đều giống nhau ở một điểm, quán nhỏ, phố nhỏ và chen chúc người ngoại quốc lai rai nhậu. Chủ và khách ở đây giao tiếp với nhau chủ yếu bằng... tay, thỉnh thoảng mới có một vài câu tiếng Anh hoặc tiếng Việt...

 



(ĐVO)

Lượt xem: 1565

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE