quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Đoàn VACNE tham gia Đối thoại quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Quản lý Môi trường

Thứ Hai, 27/09/2010 | 11:33:00 AM

Nhận lời mời của Viện Môi trường Thái Lan (TEI), Hội BVTN&MT Việt Nam (VACNE) đã cử một đoàn 4 chuyên gia từ các đơn vị/tổ chức: Viện Môi trường và PTBV (VESDI), Ban KH,CN&KTế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm khí tượng thủy văn và Môi trường, và Văn phòng VACNE tham gia Đối thoại giữa các Tổ chức Xã hội dân sự Vùng Mê Kông về Thích nghi Biến đổi Khí hậu và Quản lý Tốt Môi trường tại Chiangrai, Thái Lan, từ 23-24/9/2010.



 
Tham gia đối thoại có 48 đại biểu từ các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế của các nước và vùng liên quan trong lưu vực sông Mê Kông, bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và Việt Nam.
Các đại biểu đã được nghe 3 báo cáo của các chuyên gia của các tổ chức quốc tế và Thái Lan về một số chủ đề xoay quanh các thách thức và sự thích nghi với biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mê Kông; 5 báo cáo của đại diện các đoàn quốc gia/tỉnh về các kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức phi chính phủ về thích nghi biến đổi khí hậu. Đại diện đoàn Việt Nam, GS.TS. Lê Thạc Cán, với báo cáo "Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đối phó với biến đổi khí hậu" cũng đã thu hút được sự chú ý của các đại biểu. Qua các báo cáo chung, các báo cáo về các bài học cụ thể và nhất là các phần thảo luận sôi nổi sau báo cáo, các đại biểu đều thấy học hỏi được nhiều và hiểu thấu hơn về vấn đề và những thách thức của biến đổi khí hậu. Các đại biểu cũng có nhận xét rằng, hầu hết các chương trình quốc gia về đối phó và thích nghi với biến đổi khí hậu đều được thực hiện theo cách "từ trên xuống" cho nên chưa thể hiện được đầy đủ vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu và thích nghi với các biến đổi khí hậu ngày một gia tăng trong vùng lưu vực Mê Kông.
Để có được cái nhìn cụ thể về công tác cộng đồng, trong 1 ngày, chúng tôi đã được đến thăm huyện Mae Chan thuộc tỉnh Chiangrai, một vùng đầu nguồn nước sát biên giới cực Bắc của Thái Lan. Tại đây chúng tôi đã được nghe báo cáo và tận mắt chứng kiến các thành tựu hoạt động của Tổ chức Phát triển Cộng đồng Vùng Núi đồi (HADF) của Thái Lan. Tổ chức này được thành lập từ năm 1985 và cho đến nay đã hoạt động tại vùng núi này được 25 năm. Chúng tôi rất ấn tượng với cảnh đồi núi xanh tươi với màu xanh bạt ngàn của rừng tại đây. Vùng này thuộc vùng bảo vệ quốc gia. 7 dân tộc sinh sống rải rác tại vùng, cùng chung sống trong hòa đồng dân tộc và tôn giáo. Họ giúp nhà nước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, thậm chí cả đa dạng sinh học. Các làng có các luật lệ rất nghiêm khắc về bảo vệ rừng. Những người già có uy tín được đưa vào hội đồng làng để bàn và quyết định các việc làng, kể cả việc xử phạt các vi phạm môi trường.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân bản địa có được các kiến thức và nhận thức như vậy. Chúng tôi vinh dự được Bà Tuenjai Deetes, cựu nghị sỹ Quốc hội Thái, người sáng lập ra HADF, tiếp đón và kể những câu chuyện rất cảm động. Bà kể, 25 năm trước, khi Bà tự nguyện đến đây sau khi tốt nghiệp đại học, người dân bản địa sống rải rác, rất xa nhau và ít có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài. Họ sống chủ yếu nhờ khai thác rừng. Mỗi dân tộc có một ngôn ngữ riêng; họ không biết nói, không biết viết tiếng Thái. Thậm chí có cả một làng người Vân Nam lưu lạc đến đây, sống sâu trong rừng và không biết mình thuộc công dân nước nào. Với sự trợ giúp của Cục Bảo vệ rừng, bà đã xin dự án từ nhiều nguồn khác nhau và đưa cán bộ về đây để trợ giúp cộng đồng dân bản địa. Bà cùng các cộng sự đã đến từng bản, từng nhà để gặp gỡ, tuyên truyền. Để làm được việc này, Bà đã quyết tâm học các tiếng dân tộc và hiện nay bà đã nói được 4 thứ tiếng trong vùng. 10 năm sau, với số tiền trợ cấp là 1 triệu bạt từ Ngân hàng Thái Lan, Bà đã thành lập được Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục thuộc HADF tại địa phương . Bà đã tuyển nhân viên từng cặp một: 1 Thái và 1 người địa phương. Các cặp này có nhiệm vụ cùng phối hợp hoạt động với nhau và dạy cho nhau ngôn ngữ: người dân tộc học tiếng Thái và người Thái học tiếng dân tộc. Hiện nay Trung tâm có 30 cán bộ, mỗi cán bộ đều nói được vài thứ tiếng. Ngoài các phòng để họp và học, Trung tâm còn có các nơi nghỉ cho các học viên từ các bản xa đến nghỉ qua đêm. Nhờ có các nỗ lực không mệt mỏi của Bà Tuenjai Deetes và các cộng sự tình nguyện đến vùng núi này công tác, người dân ở đây đã có được các hiểu biết và nhận thức về bảo vệ môi trường, có các sinh kế bền vững không xâm hại đến môi trường, đồng thời có được các trợ giúp từ chính quyền trung ương thông qua tổ chức HADF với những con người đầy nhân ái và hy sinh như Bà Tuenjai Deetes.
Sau bữa cơm thân mật với các đặc sản địa phương do Tổ chức HADF chiêu đãi, chúng tôi được chia thành 3 nhóm thảo luận 3 câu hỏi: 1) Làm thế nào để nâng cao trình độ hiểu biết của các cộng đồng dễ bị tổn thương về thích nghi biến đổi khí hậu? 2) Cần có cơ chế cải tiến nào để chính phủ/giới học viện chia sẻ kiến thức/hiểu biết với xã hội dân sự và cộng đồng? 3) Làm thế nào để tập hợp được các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của các nhân viên nhà nước, các nhà nghiên cứu và xã hội dân sự? Các đại biểu đã sôi nổi thảo luận và đưa ra các ý kiến, đặc biệt về những điểm còn yếu kém trong các lĩnh vực kể trên. Báo cáo chung về kết quả cuộc họp phản ánh kết quả thảo luận trên cùng các ý kiến và kiến nghị khác của Ban Tổ chức sẽ tiếp tục được thông tin đến độc giả.
Riêng đoàn Việt Nam chúng tôi thấy đã học tập được rất nhiều điều bổ ích từ cuộc đối thoại cũng như chuyến dã ngoại. Chúng tôi đã kiến nghị nhờ TEI trợ giúp, đồng thời cũng rất mong VACNE và VUSTA tổ chức các cuộc đối thoại tương tự trong nước để nâng cao kiến thức và nhận thức của tất cả các bên liên quan đến quá trình thích nghi biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại về biến đổi khí hậu không những trên bình diện quốc gia mà quan trọng là giúp đỡ được người dân ở các vùng thiên tai bảo toàn được tài sản, tính mạng và sinh kế lâu dài trong những điều kiện môi trường mới.
Hà Nội, ngày 26/9/2010
Thay mặt Đoàn Việt Nam
TS. Nguyễn Hoàng Yến, VACNE
 

 





 

Lượt xem: 1187

Các tin khác

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại khu vực phía Nam

(10/04/2024 02:07:PM)

Triển khai Chương trình “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(09/04/2024 05:06:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE