Tất nhiên là ứng xử liên quan đến Cây Di sản rồi. Đây là câu chuyện của Tùy Cây mà.
Phó Hội Viên – VACNE
Đơn đăng ký có chữ ký của một người dân, nhưng lại được chính quyền địa phương đóng dấu ký tên bên cạnh. Vì thế, khi Hội đồng Cây Di sản Việt Nam không thông qua, Văn phòng Hội đã thông báo cho cả người dân và chính quyền biết và yêu cầu làm rõ một số vấn đề.
Rất nhanh chóng, một đại diện của chính quyền cơ sở lên Văn phòng Hội xin làm việc. May quá, hôm nay không phải cuộc họp của Hội đồng, và cũng không phải có cả một đoàn đến như đã có lần Tùy Cây nêu. Câu chuyện xoay quanh yêu cầu của Hội đồng. Cũng như các lần tiếp khách trước, hai bên kính trọng và tỏ ra hiểu biết lẫn nhau.
- Báo cáo các bác, chúng tôi đã có bản cam kết của tất cả những người dân sống xung quanh cây được đăng ký như yêu cầu của Hội.
- Nhanh quá nhỉ, công văn vừa gửi đi mà.
- Vâng, chính quyền cũng có nhận xét như vậy. Hỏi ra mới biết, sau khi nhận được Công văn của Hội, các cụ tự động mời đại diện các hộ dân xung quanh đến họp. Mọi người tự thảo luận, bàn bạc và đề ra các yêu cầu bảo tồn, mọi người vui vẻ ký vào Cam kết này.
- Theo tôi, Cam kết còn yêu cầu cao hơn cả cần thiết
- Dạ đúng, mọi người vừa bổ sung là sáng thứ bẩy hàng tuần phải dọn vệ sinh quanh cây, nhà nào cũng phải có người.
- Thế còn việc mở rộng không gian quanh cây?
- Cái này đã được chính quyền gửi kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Bản sao công văn đây. Mọi người nói rằng đó là phương án cao nhất. Nếu không được, họ sẽ tự thu xếp với nhau. Ai cũng hối hận vì đã “bành trướng” ra khoảnh đất chung quá nhiều, làm cho cụ cây mất đất sống, thiếu không khí để thở.
Đúng lúc lại có thêm một người đến nộp đơn xét duyệt cho một cây khác. Khi được nghe câu chuyện vừa rồi, ông ta xin rút lại hồ sơ để bổ sung. Ông cho biết trường hợp cây của ông cũng tương tự, nên sẽ về làm trước. Nói rồi chào tạm biệt mọi người và hối hả đi ngay.
Vị đại diện khi đầu tha thiết đề nghị Hội về tận nơi xem xét, phúc tra. Cộng đồng địa phương rất mong được Hội xét duyệt để kịp tổ chức Lễ vinh danh. Không ai trong Văn phòng dám trả lời, mặc dù ai cũng hiểu rằng, chắc là Hội đồng sẽ thông qua thôi. Riêng một vị cứ ngồi im từ đầu, ra chiều suy nghĩ nhiều lắm. Đúng vậy, vị đó đứng dậy, cứ trịnh trọng như 15 năm làm cấp phó, 10 năm làm cấp quyền trưởng rồi 1 năm lên Trưởng và về hưu ấy.
- Xin phép mọi người. Ông cất lời, ấm áp, chậm rãi. Tôi rất vui. Thứ nhất là vì thấy rõ rằng, sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của Hội ta đã thực sự đi vào cuộc sống. Thứ hai là người dân đã tự cam kết và đã có giải pháp để chăm sóc cây được đăng ký, chắc là sẽ được công nhận thôi. Thứ ba, và quan trọng hơn cả là đốm lửa đỏ đã biến thành bó đuốc lớn. Nói theo lối nói thông thường, đây đúng là Dân Biết Dân Bàn Dân Làm Dân Kiểm Tra.
- Hoan hô, hoan hô bài tổng kết chí tình chí lý. Chủ và khách lại cùng uống nước, ăn miếng bánh cu đơ của Đoàn công tác vừa ở Vinh ra. Cũng lại vinh danh. Cái tên dài ngoẵng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lại bị phê phán. Có người đề nghị hay Đại hội tới mình xin đổi là Hội Cây Di Sản Việt Nam. Vui quá, một hiền triết tặng luôn mấy câu thơ. Chép ra đây để đóng lại bài Tùy Cây này nhé, xin gọi là gì thì tùy người đọc:
Một tia chớp nổ khi nào
Mà nay đã thấy ào ào mưa rơi
Mưa vàng mưa bạc ai ơi
Mưa Cây Di sản cho đời đẹp lên
Mưa sao mưa khắp mọi miền
Mưa về giải hạn mang niềm vui chung
Cả làng cả tỉnh đồng lòng
Thì Rừng Di sản không trồng mà nên.
Quán Cà Phê Môi trường, 25/3/2012