THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG
Điểm tin môi trường: Xử lý nước thải không sử dụng hóa chất
Thứ Tư, 10/07/2019 | 09:33:00 PM
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH-CN (CESTI) vừa phối hợp với Công ty TNHH VNCAN Water giới thiệu “Giải pháp xử lý nước thải toàn diện bằng công nghệ cơ điện” nhằm hỗ trợ các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, bệnh viện ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh và toàn diện.
Đây là giải pháp xử lý nước thải có xuất xứ từ Canada, sử dụng 9 công nghệ về cơ điện và nhiệt điện khác nhau để phá hủy tất cả hóa chất, ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, trích xuất các kim loại nặng đến 99%, giảm BOD (lượng oxy cần thiết cung cấp cho vi sinh vật để oxy hóa các chất hữu cơ) xuống còn ít hơn 3% so với ban đầu. Đặc biệt, công nghệ không sử dụng hóa chất xử lý sẽ góp phần đảm bảo nguồn nước thải ra không chứa chất ô nhiễm. Theo ông Sandy McDonald, đại diện Công ty TNHH VNCAN Water, với giải pháp xử lý của công ty, tất cả nước thải ban đầu sẽ được thu gom mà không cần phân loại A hay loại B và xử lý toàn bộ lượng bùn thải, rác thải hòa lẫn trong nước.
Do đó, doanh nghiệp không cần đến bên thứ ba để xử lý và góp phần giảm chi phí đầu tư. Nước thải sau xử lý có thể được tái sử dụng vì giải pháp này đảm bảo nguồn nước đầu ra đạt chuẩn trong sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, giải pháp xử lý còn cho ra một lượng than nhiệt tương ứng, sử dụng làm chất đốt công nghiệp, giúp tăng lợi nhuận cho đơn vị ứng dụng… Ông Sandy McDonald còn cho biết, giải pháp xử lý nước thải hoàn toàn mới bằng công nghệ vật lý, không qua chất hóa học.
Giao thông đường bộ thải hơn 80% khí nhà kính
Theo thống kê và dự báo của Bộ Giao thông vận tải, mỗi năm hoạt động giao thông vận tải phát thải tới hàng chục nghìn tấn khí CO2. Trong đó, lượng khí phát thải nhà kính của lĩnh vực vận tải đường bộ chiếm áp đảo so với các lĩnh vực còn lại, với hơn 80%. Theo ông Vũ Hải Lưu, kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2014 cho thấy, lượng khí CO2 do giao thông vận tải phát thải ở mức 33.235 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo dự báo, con số này tăng xấp xỉ 2-2,5 lần trong các năm 2025 và 2030.
Cụ thể, năm 2020 dự báo lượng khí CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải là là 47.680 nghìn tấn; năm 2025 là 65.138 nghìn tấn và năm 2030 là 89.119 nghìn tấn. Hội thảo về phát triển ít phát thải và tăng trưởng xanh đến 2050 cho Việt Nam, sáng 9-7. Trong đó, dự báo, ngành vận tải đường bộ chiếm 83% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2030. Theo sau đó là vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi trong khoảng thời gian từ 2020-2030; ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biến chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.
Tất cả các chuyến bay cất cánh từ Pháp sẽ phải nộp thuế môi trường
Mỗi vé máy bay bình dân trên các chuyến bay nội địa và các chuyến bay trong khu vực châu Âu sẽ phải cộng thêm 1,5 euro thuế môi trường còn mỗi vé hạng thương gia bay ra ngoài EU phải trả thêm 18 euro. Bộ trưởng Môi trường Pháp Elisabeth Borne ngày 9/7 cho biết nước này đã quyết định áp dụng loại "thuế môi trường" đối với toàn bộ chuyến bay cất cánh từ Pháp – theo TTXVN.
Cụ thể, mức thuế là 1,5 euro đối với mỗi vé máy bay hạng bình dân trên các chuyến bay nội địa và các chuyến bay trong khu vực châu Âu, và lên tới 18 euro đối với mỗi vé máy bay hạng thương gia trên các chuyến bay ra ngoài khối. Dự kiến, loại thuế mới sẽ được thực thi từ năm 2020, và đóng góp cho ngân sách quốc gia Pháp khoảng 180 triệu euro/năm. Phát biểu tại họp báo, bà Borne cho biết tiền thu thuế này sẽ được tài trợ cho các dự án giao thông ít gây ô nhiễm tại Pháp.
Indonesia gửi trả Australia 8 container chứa hơn 200 tấn rác thải
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, hải quan Indonesia ngày 9/7 thông báo sẽ gửi trả Australia 8 container chứa 210 tấn rác, sau khi phát hiện trong các container này có chứa cả vật liệu độc hại và rác thải gia đình. Các quan chức hải quan Indonesia cho biết số container trên chuyển đến từ Brisbane, bang Queensland của Australia, bị giữ tại một cảng ở thành phố Surabaya của Indonesia từ tháng Sáu vừa qua. Các container này lẽ ra chỉ chứa rác giấy, tuy nhiên, khi kiểm tra toàn bộ lô hàng, giới chức hải quân đã phát hiện có cả vật liệu độc hại và rác thải gia đình, bao gồm vỏ chai nhựa, tã giấy đã sử dụng, rác thải điện tử và vỏ đồ hộp.
Ông Basuki Suryanto, người đứng đầu hải quan tại cảng Tanjung Perak, nói các container này phải được chuyển trả lại Australia, và nhấn mạnh đây là vụ việc rất nghiêm trọng vì liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hải quan Indonesia cho biết các container trên do công ty tái chế và xử lý chất thải Oceanic Multitrading có trụ sở tại Sydney chuyển đến Surabaya với sự trợ giúp của công ty PT. MDI của Indonesia. Nhiều năm trước đây Trung Quốc đã tiếp nhận một lượng lớn rác thải nhựa từ các nước trên thế giới. Năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định cấm nhập rác thải nhựa trong nỗ lực làm sạch môi trường. Do đó, một lượng lớn rác thải nhựa đã được đưa sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Philippines.
Bé gái Anh viết thư gửi chính quyền sau khi cây xanh bị chặt
VnExpress dẫn nguồn tin nước ngoài cho hay: Trên đường trở về nhà vào ngày 5/6, Sophie (8 tuổi, sống ở Lewisham, phía nam London, Anh) nhìn thấy nhân viên môi trường đang chặt hạ cây sồi em yêu quý. Cành cây nằm rải rác phía đối diện nhà Sophie. Cô bé tức giận và đã đi tìm người quản lý để hỏi chuyện nhưng không gặp. Em quay ra ngăn cản những công nhân bằng cách hét lên và cầu xin họ dừng tay. "Những gì người lớn đã làm với cây xanh là không công bằng, cháu muốn biết lý do tại sao họ lại giết cây và lũ chim sống ở đó", cô bé òa khóc nói. Sau đó, Sophie bày tỏ với mẹ muốn viết thư gửi cho Hội đồng khu Lewisham, nơi em sống để nói về việc hủy hoại cây xanh.
Mặt sau bức thư, Sophie vẽ tranh cây sồi kèm theo dòng chữ viết trên thân cây với nội dung: "Xin hãy cứu lấy những cái cây". Phản hồi bức thư, Sophie McGeevor, ủy viên hội đồng khu Lewisham đánh giá cao ý thức bảo vệ môi trường của cô bé 8 tuổi và sự quan trọng của cây xanh ở thành thị. "Tuy nhiên, cây xanh có thể là mối nguy hiểm tiềm tàng trong mùa mưa bão. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để giải quyết rủi ro mà cây xanh đem lại, nhưng thật không may chúng tôi không còn cách nào khác ngoài chặt nó", ủy viên nói thêm. Trước đó cô bé từng gửi thư đến Sainsbury’s, hệ thống siêu thị lớn thứ hai ở Anh để trình bày về việc sử dụng dầu cọ nhằm kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm và đạt giải nhì trong cuộc thi thiết kế poster về chủ đề bảo vệ môi trường do đài truyền hình BBC tổ chức.
Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)
Lượt xem: 1472
Các tin khác
Miền Bắc sắp rét dưới 2°C, khả năng có mưa tuyết (05/02/2025 02:01:PM)
Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải cập nhật quy định, ý tưởng quản lý mới (05/02/2025 08:37:AM)
Thách thức trong bảo tồn hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) (04/02/2025 07:27:AM)
Khánh Hòa: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững (02/02/2025 08:22:AM)
Sắp vận hành thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam (28/01/2025 10:00:AM)
Bảo mẫu của voi (27/01/2025 10:24:AM)
Cao Bằng: Tập trung phát triển du lịch – dịch vụ bền vững (23/01/2025 09:03:AM)
25% các loài động vật nước ngọt đứng trước nguy cơ tuyệt chủng (20/01/2025 09:23:AM)
Ngắm chim, thú hoang dã trong khu bảo tồn rừng Mã Đà ở Đồng Nai (19/01/2025 03:46:PM)