quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Chủ Nhật, 10/06/2018 | 08:05:00 AM

Tổ chức môi trường xuất sắc nhất Việt Nam năm 2017; Trao tặng 94 doanh nghiệp đạt danh hiệu Doanh nghiệp Xanh; 8.000 tỷ đồng xây hệ thống thoát nước sông Nhuệ chống ngập Hà Nội; Công bố Bản Thiết kế cho Tương lai Năng lượng Sạch của Việt Nam; 7 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí;... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 VIỆT NAM

Tổ chức môi trường xuất sắc nhất Việt Nam năm 2017
 
Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức phi chính phủ Việt Nam với sứ mệnh xây dựng và huy động các nguồn lực nhằm nâng cao nhận thức, và phát triển năng lực cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, phát triển bền vững, và ứng phó với biến đổi khí hậu. CHANGE cũng là đối tác chính thức của WildAid - tổ chức quốc tế danh tiếng về bảo vệ động vật hoang dã, và của 350.org - phong trào toàn cầu về biến đổi khí hậu hoạt động tại 188 quốc gia.


Được chính thức thành lập từ tháng 3/2013 bởi bà Hoàng Thị Minh Hồng - người 
Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực, CHANGE đã có chặng đường phát triển xuyên suốt 5 năm cùng hàng trăm những dự án, hoạt động ý nghĩa tập trung ở 3 mảng Biến đổi khí hậu, Động vật hoang dã và Phát triển bền vững với sự tham gia của đa dạng các đối tượng trong xã hội như giới trẻ, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, giới báo trí truyền thông và các cơ quan chính phủ. Tại buổi lễ vinh danh, bà Hoàng Thị Minh Hồng đã chia sẻ về CHANGE cũng như những dự án CHANGE đã thực hiện trong thời gian qua. Chiến dịch bảo vệ tê giác được giới thiệu như một ví dụ hùng hồn về tính hiệu quả của các hoạt động truyền thông của CHANGE.
 
Trao tặng 94 doanh nghiệp đạt danh hiệu Doanh nghiệp Xanh

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018, chiều 4/6 tại TP. Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định - Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu 
Doanh nghiệp Xanh trong Khu Kinh tế Nhơn Hội và các Cụm Công nghiệp. Qua kết quả điều tra, khảo sát, kết quả phân tích mẫu, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định quyết định công nhận và khen thưởng 94 doanh nghiệp thực hiện xuất sắc, tốt, đạt yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường năm 2017. Có 14/120 doanh nghiệp thực hiện xuất sắc yêu cầu công tác bảo vệ môi trường được xếp hạng màu xanh lá cây, đạt tỷ lệ 11,7%, trong đó Chi nhánh Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại Bình Định được UBND tỉnh tặng bằng khen. 27/120 doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường được xếp hạng màu xanh dương, đạt tỷ lệ 22,5%. Có 53/120 doanh nghiệp thực hiện đạt yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường, đạt tỷ lệ 44,1%. Còn lại 26/120 doanh nghiệp thực hiện không đạt yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ 21,7%, trong đó KCN Phú Tài 16 doanh nghiệp, KCN Long Mỹ 05 doanh nghiệp, KCN Nhơn Hòa 02 doanh nghiệp và KKT Nhơn Hội 03 doanh nghiệp.
 
Đây là lần thứ 05 Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tổ chức sự kiện trao tặng danh hiệu doanh nghiệp xanh nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường. Qua đó nâng cao ý thức cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Qua 5 năm thực hiện công tác xét phân hạng các doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp xanh (2013 - 2017) đã thể hiện sự nỗ lực, vượt khó trong sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, nâng cao ý thức tầm quan trọng của việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của từng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thực thi đúng vai trò, trách nhiệm của mình.
 
8.000 tỷ đồng xây hệ thống thoát nước sông Nhuệ chống ngập Hà Nội

VnExpress đưa tin: Ngày 5/6, tại cuộc họp giao ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Bình, phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình 
cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết đơn vị đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự án hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ và đang trình TP để chuẩn bị đầu tư. Theo đó, phạm vi dự án tác động trên diện tích 50 km2. Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay ODA trên 5.300 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách TP Hà Nội trên 2.677 tỷ đồng.
 
Dự án có 4 hạng mục gồm cải tạo xây dựng mới 4 trạm bơm tổng công suất 35,5m3/giây; cải tạo, xây mới 9 hồ với tổng diện tích 127 ha; cải tạo xây mới 13 km kênh hở; cải tạo xây dựng mới 14 km cống trục chính. Quy hoạch thoát nước thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, lưu vực thoát nước mưa tả sông Nhuệ có diện tích khoảng 9.800 ha bao gồm 6 tiểu lưu vực Nam Thăng Long, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Ba Vì và Tả Thanh Oai, trong đó khu vực có mức độ đô thị hoá cao gồm Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì. Tuy nhiên, hiện trạng hệ thống thoát nước mưa ở những khu vực này chủ yếu là  kênh, mương tưới tiêu nông nghiệp cũ, chưa có các công trình đầu mối thoát nước và không đáp ứng được yêu cầu thoát nước của khu vực, dẫn đến tình trạng úng ngập nghiêm trọng.
Thả hơn 800 cá thể động vật hoang dã về tự nhiên

Ngày 6/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, trong 15 năm qua, đơn vị này đã thả về tự nhiên hơn 800 cá thể 
động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại Di sản thiên nhiên thế giới. Bên cạnh đó, Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã hoàn chỉnh và công bố danh lục động vật hiện có là 1.394 loài, trong đó có 83 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 110 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN. 2.951 loài thực vật, trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN.
 
Ngoài ra, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng còn phát hiện quần thể Bách xanh đá (Calocedrus rupestris) được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Đây là một loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam. Cùng đó, phát hiện loài Chuột Trường Sơn (Laonastes aenigmamus), một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Trong gần 20 năm qua, 42 loài mới cho khoa học cũng đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 38 loài động vật và 4 loài thực vật. Nhờ chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phương pháp thực hiện trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng di sản, từ năm 2003 đến nay, Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phá hủy hàng trăm lán trại, tháo dỡ hàng chục ngàn bẫy thú; lập hồ sơ và ra quyết định xử lý 2.358 vụ vi phạm; vận động giao nộp 81 khẩu súng quân dụng và súng tự chế.

Công bố Bản Thiết kế cho Tương lai Năng lượng Sạch của Việt Nam
 
Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do chuyên gia GreenID thực hiện. Nghiên cứu đưa ra 5 kịch bản để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của Việt Nam.Các kịch bản được xây dựng theo hướng tiếp cận tối ưu hóa chi phí, đồng thời xem xét chi phí ngoại biên từ tác động của ô nhiễm không khí và phát thải các bon.

Nghiên cứu nêu trên chỉ ra rằng sau năm 2020, Việt Nam có khả năng không cần xây dựng nhà máy 
nhiệt điện than mới mà vẫn duy trì hệ thống năng lượng an toàn với giá cả hợp lý. "Theo Bản Thiết kế đề xuất này, Việt Nam có thể có đủ điện dùng mà vẫn đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân", bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), đại diện Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), nhận định.

THẾ GIỚI

7 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến 7 triệu người thiệt mạng mỗi năm, trong đó phần lớn các ca tử vong là ở châu Á và châu Phi. Theo báo cáo vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, có tới 90% dân số trên Trái đất đang phải hít thở không khí ô nhiễm hằng ngày. Đánh giá dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 4.300 thành phố và 108 quốc gia trong giai đoạn 2008 - 2015 cho thấy, không khí chứa nhiều chất gây ô nhiễm phần lớn được hình thành bởi tắc đường, các khu công nghiệp và nông nghiệp. Điều đặc biệt đáng lo ngại là hơn 40% dân số toàn cầu vẫn chưa tiếp cận được các nhiên liệu và công nghệ nấu ăn sạch trong nhà của họ. Tại nhiều nước, người dân vẫn phải nấu ăn, sưởi ấm hoặc thắp sáng nhà mình bằng dầu hỏa hay gỗ thay vì những loại nhiên liệu sạch hơn như gas hay điện.

Theo báo cáo, khoảng 1/4 số ca tử vong do các bệnh về tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi có thể có nguyên nhân do ô nhiễm 
không khí. Con số này là không đổi trong những năm qua, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường bên ngoài vẫn ở mức cao và phần lớn không đổi, còn ô nhiễm môi trường bên trong trở nên tồi tệ hơn. Các chuyên gia gợi ý nhiều biện pháp giảm ô nhiễm không khí tại địa phương, như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng phương tiện công cộng thay vì lái xe. Ở trong nhà khi mức độ ô nhiễm ngoài trời lên cao. Lắp thiết bị lọc khí trong nhà cũng giúp giảm ô nhiễm. WHO đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm môi trường và sức khỏe vào cuối tháng 10 tới để thúc đẩy sự thay đổi trong cách hành động ở cấp toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.

WB cho Trung Quốc vay 600 triệu USD đầu tư quản lý nguồn nước

Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua 3 khoản vay có tổng trị giá 600 triệu USD cho Trung Quốc đầu tư vào các dự án quản lý nguồn nước tại một số địa phương ở quốc gia châu Á này. Theo thông báo ngày 7/6 của WB, các khoản vay trên sẽ được chi cho các dự án cải thiện nguồn cung nước sạch, xử lý nước thải, quản lý hoạt động xả nước thải ra biển cũng như giải quyết vấn đề ô nhiễm chung ở các tỉnh Chiết Giang, Giang Tây và Liêu Ninh giúp cải thiện cuộc sống của khoảng 8 triệu người dân ở các địa phương này. Người đứng đầu chương trình phát triển bền vững của WB tại Trung Quốc, Bakele Debele cho rằng khan hiếm nước là một trong những thách thức cấp bách nhất đối với sự phát triển bền vững của Trung Quốc.

Theo ông, ô nhiễm nước làm phát sinh nhiều phí tổn kinh tế, sinh thái, chi phí liên quan y tế, trong khi dịch vụ cung cấp nước sạch cơ bản ở nông thôn và thành phố còn nhiều khoảng cách. Theo WB, thể chế tài chính này và Trung Quốc đã phát triển quan hệ đối tác mạnh mẽ trong lĩnh vực nước sạch để qua đó giải quyết các vấn đề về chính sách và thể chế, thử nghiệm các phương thức mới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác.

Trái đất gặp nguy trước một hiện tượng đang diễn ra hàng ngày?

Theo Trung tâm nghiên cứu Động lực học thiên thể Colorado thuộc Trường đại học Colorado, vùng biển Bắc Cực được biết đến với những khối băng tồn tại hàng nhiều năm trước khi tan chảy. Băng trẻ 1 năm tuổi hình thành trong mùa Đông và đạt mức tối đa vào khoảng tháng 3. Sau đó, khi mùa Hè đến, băng bắt đầu tan. Một số tảng băng tan khi mùa Hè đến, nhưng một số khác tiếp tục được bồi dày hơn qua mùa Đông tiếp theo và trở thành băng 2 năm tuổi. Đến mùa Hè sau đó, một số tảng băng 2 năm tuổi tiếp tục sống sót, trở nên dày hơn nữa. Cứ thế, chúng trở thành băng già. Có những khối băng tồn tại đến hơn 1 thập kỉ. Tuy nhiên, ngày nay, băng ở biển Bắc Cực còn lại chủ yếu là băng 1 năm tuổi. Trong khi phần băng già nhất liên tục tan do các dòng hải lưu đẩy chúng về phía Nam nơi có nước biển ấm hơn, thì ngày càng có thêm những khối băng già tan ngay trên vùng biển Bắc Cực.

Tình trạng này cực kì nguy hại cho các loài động vật ở đây, chẳng hạn như loài kì lân biển, vì chúng dùng băng để trốn khỏi các loài động vật ăn thịt, như cá voi sát thủ chẳng hạn. Khi không có băng, cá voi sát thủ đi săn nhiều hơn ở những vùng nước của kì lân biển, ăn thịt kì lân biển và xua đuổi kì lân biển ra khỏi vùng có nhiều thức ăn nhất. Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm Số liệu băng tuyết quốc gia, Mỹ cho biết, số liệu ghi nhận được đã ở mức kỉ lục, theo đó có thể dự đoán là đến năm 2030 biển Bắc Cực sẽ chỉ còn băng trong một số mùa. Trước đó không lâu Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng cho biết, qua các thông số của vệ tinh mà họ sử dụng thì 900 km2 băng ở Bắc Cực đã biến mất vào năm 2011. Điều này có nghĩa là thực trạng băng tan lớn hơn 50% so với dự đoán của các nhà môi trường học. Rõ ràng, việc Trái đất đang dần nóng lên vì gia tăng lượng khí thải nhà kính đang ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ băng tan ở Bắc Cực.

Tái chế rác thải nhựa hiệu quả theo phong cách Nhật

Theo TTXVN, các công tác xử lý rác thải nhựa ở "xứ sở Mặt trời mọc" đặc biệt được coi trọng và với quy trình xử lý khoa học và hiệu quả, tái chế rác thải nhựa theo phóng cách Nhật có thể được xem là hình mẫu lý tưởng để các quốc gia trên thế giới học tập. Không giống nhiều nước trên thế giới, Nhật Bản không có quy định pháp luật về việc cấm sử dụng các loại bao bì đựng hàng sử dụng 1 lần hay có chế tài xử phạt hoặc việc khuyến nghị hạn chế sử dụng các túi nhựa cũng rất hiếm hoi, song "xứ Phù Tang" lại có quy định hết sức ngặt nghèo về phân loại rác thải để tối đa hóa việc tái sử dụng và tái chế rác thải. Chính quyền địa phương tại tất cả các tỉnh và thành phố của Nhật Bản đều có quy định riêng về cách thức người dân tự phân loại rác theo từng danh mục cụ thể.

Theo đó, rác thải nhựa được phân tách từ các bình hộp, giấy và các loại nguyên vật liệu có thể tái chế. Các loại rác thải còn được phân loại theo danh mục như dễ cháy, không cháy, có thể tái chế và nhựa, đòi hỏi người dân phân loại ra thùng đựng bằng bìa và các loại nhựa khác nhau. Ngoài ra, mỗi loại rác thải lại được thu gom theo quy định của từng ngày trong tuần. Công tác phân loại khoa học được thực hiện ngay tại nhà dân như vậy đã giúp cơ quan môi trường Nhật Bản tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức người trong quá trình xử lý rác thải. Theo Viện quản lý rác thải nhựa, hơn 1/5 lượng rác thải nhựa đã tái chế tại Nhật Bản và phần lớn số rác thải nhựa còn lại được tái sử dụng như nguyên liệu đốt hoặc tổng hợp điện năng... Khoảng 10% rác thải được xử lý theo hình thức thiêu hủy và chưa gần 10% lượng rác thải nhựa được chôn vùi.

Tiểu hành tinh xoá sổ khủng long khiến Trái Đất nóng lên

Khí carbon dioxide (CO2) phát thải vào bầu khí quyển sau vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub khiến khủng long bị tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm đã làm ấm khí hậu của Trái Đất trong 100.000 năm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science vào tháng 5/2018, theo Space. Giới khoa học từ lâu đề xuất giả thuyết rằng, sau khi thiên thạch có đường kính từ 7 đến 14 km va chạm với bán đảo Yucatan, gần thị trấn Chicxulub ngày nay ở Mexico, nhiệt độ của Trái Đất nhanh chóng tăng mạnh trong vài phút hoặc vài giờ. Sau đó, nhiệt độ của hành tinh giảm xuống trong nhiều tháng đến vài thập kỷ. Nguyên nhân là do lượng bụi và bồ hóng khổng lồ giải phóng vào bầu khí quyển ngăn chặn ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống mặt đất. Cuối cùng, lượng khí nhà kính CO2 giải phóng sau vụ va chạm đã gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Kenneth MacLeod, giáo sư về khoa học địa chất tại Đại học Missouri, Mỹ, và cộng sự phân tích những mảnh răng, vây, xương cá hóa thạch từ khu vực El Kef, nằm ở phía tây bắc Tunisia. Đây là một trong những nơi lưu giữ các hóa thạch cổ nhất thế giới, có niên đại từ cả trước và sau vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub. Trong số 40 mẫu hóa thạch được nghiên cứu, 10 mẫu có niên đại trước vụ va chạm 50.000 năm, 20 mẫu sau vụ va chạm 100.000 năm và 10 mẫu sau vụ va chạm 200.0000 năm. Nhóm nghiên cứu xem xét nồng độ của đồng vị oxy trong hóa thạch. Các đồng vị này khác nhau về số lượng nơtron trong nguyên tử oxy, và chúng hoạt động hơi khác nhau. "Khi nhiệt độ tăng, hàm lượng oxy 16 (đồng vị oxy nhẹ hơn) trong hóa thạch cũng tăng lên. Chúng tôi đo tỷ lệ đồng vị oxy 16 so với đồng vị oxy 18. Cứ 1/1000 tỷ lệ này thay đổi tương ứng với mức thay đổi nhiệt độ khoảng 4,5 đến 5 độ C", MacLeod nói.

Mai Anh (moitruong.com.vn/TH)

Lượt xem: 1480

Các tin khác

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE