quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Ba, 20/03/2018 | 06:43:00 AM

Đại học Lạc Hồng vô địch cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á; Hà Nội vẫn còn 187 điểm đen về ô nhiễm môi trường; Hà Nội thành lập tổ công tác liên ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu; Hơn 2.000 thanh niên ra quân chiến dịch Giờ Trái đất 2018; Gần một nửa các loài sinh vật có nguy cơ biến mất hoàn toàn; Thụy Sĩ ứng dụng công nghệ cao trong xử lý rác thải; ... là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

 Đại học Lạc Hồng vô địch cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á

TTXVN dẫn lời ông Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng, cho biết đội xe LH-EST chạy bằng điện của trường Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai đã xuất sắc vô địch cuộc thi 
xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á - Shell Eco Marathon Asia tại Singapore ở thể loại xe mô hình đô thị chạy bằng điện. Xe của đội LH-EST đã đạt thành tích chạy 129,3km chỉ tiêu tốn hết 1kWh điện và xuất sắc giành ngôi vô địch ở thể loại xe mô hình đô thị chạy bằng điện - Urban Concept batterry Energy. Xếp vị trí thứ nhì, ba, tư ở nội dung này lần lượt là các đội của Indonesia.


Tiến sỹ Lâm Thành Hiển cho biết đây là lần thứ 4 liên tiếp trường Đại học Lạc Hồng có đội tuyển vô địch tại cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu 
châu Á ở thể loại mô hình đô thị, đồng thời lập kỷ lục về số lần liên tiếp vô địch cuộc thi này. Ngoài đội tuyển LH-ETS, trường Đại học Lạc Hồng còn có một đội tuyển khác tham dự cuộc thi là đội LH-Gold Energy. Thành tích của đội LH-Gold Energy đang xếp vị trí thứ 5. Xe của đội LH-Gold Energy có thể chạy quãng đường 200km chỉ tốn 1l xăng sinh học. Cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á - Shell Eco Marathon Asia 2018 diễn ra tại Singapore từ ngày 8-11/3 quy tụ trên 100 đội tuyển của các trường đến từ nhiều quốc gia khu vực châu Á, trong đó có những trường đại học hàng đầu ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Singapore...
 
Hà Nội vẫn còn 187 điểm đen về ô nhiễm môi trường

Phát biểu tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 13/3, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết Hà Nội còn 187 điểm đen, khu vực 
ô nhiễm. Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức ngày 13/3, Ông Lê Tuấn Định, Phó GĐ Sở TN&MT Hà Nội cho biết trong năm 2017, Hà Nội đã kiểm tra, thanh tra tại 2161 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 588 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 16,5 tỷ đồng.
 
Theo Báo Gia đình & Pháp Luật, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã  vẫn còn  187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường như khu vực sông Đáy, sông Tô Lịch, khu vực sông Nhuệ, bãi rác Nam Sơn… Trong quá trình thanh, kiểm tra, một số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải còn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở chưa thường xuyên và chưa nghiêm túc. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, còn tình trạng nước xả thải vượt mức quy chuẩn cho phép, thực hiện không đúng các nội dung trong hồ sơ pháp lý về môi trường.

Quy chế phối hợp quản lý nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định ban hành Quy chế phối hợp cấp phép, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, 
Khoa học và Công nghệ trong việc cấp phép; xem xét đề nghị thay đổi nội dung đã được cấp phép nhưng không thuộc trường hợp sửa đổi, bổ sung, gia hạn cấp phép – theo TTXVN.

Đồng thời kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu 
khoa học trong vùng biển Việt Nam. Theo đó, nguyên tắc phối hợp phải bảo đảm hiệu quả, cụ thể trách nhiệm phối hợp của từng Bộ trong việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn quyết định cấp phép, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Bảo đảm bí mật quốc gia, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển, hải đảo. Việc phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Hà Nội thành lập tổ công tác liên ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ phối hợp với nhóm các Thành phố dẫn đầu về ứng phó 
biến đổi khí hậu C40 thu thập số liệu phục vụ công tác kiểm kê khí nhà kính và cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Nội. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ cung cấp các số liệu, dữ liệu liên quan đến công tác kiểm kê khí nhà kính theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành được UBND Thành phố giao để phối hợp với C40 tổ chức Hội thảo về biến đổi khí hậu và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Nội.

Tổng hợp, xây dựng, đề xuất chương trình công tác, kế hoạch thực hiện liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành được UBND Thành phố giao để phối hợp thực hiện theo đề xuất của C40 trong quá trình thực hiện kiểm kê 
khí nhà kính, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Nội. Giúp Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, phối hợp với các cơ quan liên quan và C40 để tổ chức Hội thảo về biến đổi khí hậu và trong quá trình thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Nội. Các thành viên Tổ Công tác có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành.

Hơn 2.000 thanh niên ra quân chiến dịch Giờ Trái đất 2018

TTXVN đưa tin ngày 10/3, tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 2.000 thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quân phát động “Chiến dịch 
Giờ Trái đất 2018.” Ngay sau lễ phát động Chiến dịch Giờ Trái đất 2018, các tình nguyện viên đã đồng loạt thay đổi avatar, cover Facebook cá nhân, nhảy flashmob và tham gia dự án chuyển động xanh, đạp xe diễu hành, ra quân thực hiện các công trình vì an sinh xã hội, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu... Theo Sở Tài nguyên Môi trường thành phố, đây là lần thứ 10 Thành phố Hồ Chí Minh ra quân phát động chiến dịch giờ trái đất.

Qua đó, thu hút hàng triệu lượt người tham gia cùng các hoạt động 
dự án chuyển động xanh, cộng đồng xanh, điểm đến xanh, bước nhảy xanh, tiết kiệm điện, cải tạo hệ thống điện miễn phí cho các hộ gia đình khó khăn... góp phần lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF). Tính đến nay đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng Chiến dịch. Việt Nam tham gia Giờ Trái đất từ năm 2009 là hành động của Chính phủ và người dân Việt Nam thể hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030, chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.

Gần một nửa các loài sinh vật có nguy cơ biến mất hoàn toàn

Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ đẩy 25% tới 50% các loài sinh vật nguy cơ biến mất hoàn toàn tại các khu vực trọng điểm như Amazon, Madagascar và một số vùng đa dạng sinh thái quan trọng khác trên thế giới. Đây là kết quả nghiên cứu mới do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) thực hiện dựa trên giả thuyết về mức nhiệt tăng tối thiều 2 độ C và tối đa 4,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Báo cáo tập trung nghiên cứu 33 vùng sinh thái trọng điểm - nơi sinh sống của một số loài sinh vật phong phú nhất thế giới và những loài sống trên cạn có số lượng hiếm, trong đó có cả những thực vật và động vật đặc trưng của các vùng miền này vốn đang trong diện đe dọa tuyệt chủng.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu với gần 80.000 loài thực vật trên cạn, động cật có vú, chim, loài lưỡng cư và bò sát tại các khu vực kể trên. Kết quả chỉ ra nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 4,5 độ C khi các doanh nghiệp không có các biện pháp cắt giảm khí thải, 69% các loài thực vật tại rừng Amazon sẽ vĩnh viễn biến mất, trong khi đó có tới 90% sinh vật lưỡng cư, 86% các loài chim và 80% động vật có vú ở Miombo Woodlands sẽ không thể tồn tại. Ở mức nhiệt dao động từ 3 tới 3,2 độ C, có tới 37% các loài tại những khu vực nghiên cứu phải đối mặt với nguy cơ không thể tồn tại ở những nơi này. Trong trường hợp, nền nhiệt tăng khoảng 2 độ C như mục tiêu đặt ra, sẽ có khoảng 20 tới 25% các loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngay tại vùng chúng từng sinh sống.

WWF đề xuất một hiệp định toàn cầu bảo vệ biển

Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF)- một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên cho hay, nếu chúng ta muốn bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ động thực vật ở các đại dương không bị đe dọa tuyệt chủng thì phải có ngay các biện pháp ngăn chặn nạn đổ xuống biển các chất thải rắn, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ lệ vô cùng to lớn. Theo bà Jenna Jambeck, kỹ sư môi trường của Đại học Georgia kiêm trưởng nhóm nghiên cứu của WWF, có 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển mỗi năm. Bà cũng cho biết đến năm 2025, sẽ có tới 155 triệu tấn mỗi năm nếu không cải thiện cách thức xử lý rác hiện tại – theo Baochinhphu.

Trong khi đó, vào tháng 1/2016, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã kết luận: Với đà tăng của các loại rác thải nhựa trên biển như hiện nay, đến năm 2050, khối lượng các loại rác thải này sẽ ngang bằng với khối lượng của các loài cá trên khắp các đại dương. Còn một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hằng năm phải chi trả tới 1,3 tỷ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Cũng theo báo cáo của APEC, hằng năm thế giới phải chi trả số tiền từ 80 tỷ USD đến 120 tỷ USD cho việc sản xuất bao bì bằng nhựa. Lời kêu gọi đang được cộng đồng quốc tế quan tâm nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa gây ra và cũng chính là biện pháp hiệu quả để con người bảo vệ sức khỏe cho chính mình một cách bền vững.

Thụy Sĩ ứng dụng công nghệ cao trong xử lý rác thải

SGGP cho biết Bang Geneva của Thụy Sĩ vừa khởi công xây dựng Trung tâm Xử lý rác thải tự động hóa hoàn toàn đầu tiên mang tên Sortera, rộng 20.000m², dự kiến mỗi năm sẽ xử lý hơn 70.000 tấn chất thải từ các ngành công nghiệp, các công trường xây dựng và các doanh nghiệp.

Các robot thế hệ mới nhất (được trang bị trí tuệ nhân tạo cho phép nhận biết các loại đồ vật và vật liệu khác nhau) và một quá trình phân loại đa dòng mới các loại chất thải sẽ giúp tối đa hóa việc tái chế các vật liệu và giảm phần rác thải phải xử lý bằng phương pháp thiêu hủy. Trung tâm này sẽ cho phép giảm đáng kể lượng rác thải phải thiêu hủy từ 70% xuống còn 20%.

Pháp cam kết chi 700 triệu euro phát triển năng lượng Mặt Trời

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ tài trợ thêm hàng trăm triệu euro nhằm triển khai các dự án năng lượng Mặt Trời tại các quốc gia đang phát triển. Ông Macron đã đưa ra tuyên bố trên tại Hội nghị Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (ISA) diễn ra ngày 11/3 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Macron nhấn mạnh Pháp sẽ chi thêm 700 triệu euro (861,5 triệu USD) thông qua các khoản cho vay và các khoản viện trợ nhằm phát triển các dự án năng lượng Mặt Trời tại các nước đang phát triển từ nay đến năm 2022 – theo TTXVN.

Trước đó, Pháp đã cam kết chi 300 triệu euro cho sáng kiến này khi Pháp cùng với Ấn Độ thành lập một liên minh toàn cầu hồi năm 2015 nhằm tạo ra một quỹ mới để tài trợ cho các dự án năng lượng Mặt Trời tại các quốc gia nhiều nắng và nghèo. Trong khi đó, phát biểu trước các nhà đầu tư và các nhà lãnh đạo thế giới đến từ 20 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Phi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đã cam kết Ấn Độ sẽ giảm đáng kể lượng khí thải carbon thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nhấn mạnh "chúng ta phải đảm bảo rằng một công nghệ năng lượng Mặt Trời hiệu quả và chi phí thấp phải sẵn có với tất cả các nước."

Đảng Xanh tại Australia kêu gọi cấm xe chạy xăng và diesel

Đảng Xanh tại Australia đã kêu gọi chính quyền nước này ban hành lệnh cấm bán các ôtô chạy xăng và dầu diesel từ năm 2030. Đề nghị trên của đảng Xanh tương tự với lộ trình đặt ra tại một số nước châu Âu, trong đó có Anh, nơi cấm kinh doanh các phương tiện kiểu này từ năm 2040. Ngoài đề xuất trên, đảng Xanh cũng kêu gọi dỡ bỏ các loại thuế, trong đó có thuế tổng doanh thu (GST), đối với xe chạy điện mới, nhằm làm cho giá thành loại xe này trở nên hợp túi tiền hơn – theo TTXVN.

Người phát ngôn đảng trên, bà Janet Rice cho biết đảng này muốn tăng thuế đánh vào dòng xe hạng sang, tức là các loại xe có giá bán trên 650.000 dollar Australia (khoảng 51.000 USD), từ mức 33% hiện nay lên mức 50%. Bà cho biết chính sách trên không nhằm "nhanh chóng thay đổi lượng xe chạy hoàn bằng điện" mà nhằm quy định rằng từ năm 2030 sẽ chỉ bán xe chạy điện thân thiện với môi trường. Theo bà Rice, cuộc cách mạng xe điện đang diễn ra không ngừng trên thế giới và người dân "xứ sở chuột túi" cần có cơ hội để chứng kiến sự chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện để không bị chậm chân.

Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem: 1448

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE